Ngày 1-10-2012, tác phẩm "Nhật ký trong tù" hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia (đợt 1) theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tập thơ “Nhật ký trong tù”, nguyên văn chữ Hán là “Ngục trung nhật ký” của Hồ Chí Minh, viết trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch cầm tù từ ngày 29-8-1942 đến 10-9-1943. Trong “Mười bốn trăng tê tái gông cùm” ấy, Người đã viết được 133 bài thơ, được xuất bản lần đầu bởi Nhà xuất bản Văn học năm 1960.

Một may mắn lớn là tập thơ được giao cho Viện Văn học, mà chủ trì là cụ Nam Trân dịch. Cụ Nam Trân (1907-1967) tên khai sinh Nguyễn Học Sỹ, người Quảng Nam vốn là một mệnh quan triều Nguyễn, làm đến Thị lang Bộ Lại, hàm tam phẩm, sau Cách mạng Tháng Tám, tích cực tham gia kháng chiến, làm Chánh Văn phòng Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu V, Chủ tịch Ban Đại diện Văn hóa Khu V trước khi ra Hà Nội theo con đường tập kết năm 1954. Ông là nhà thơ của Phong trào Thơ Mới với những bài thơ nổi tiếng như Đẹp và Thơ, Núi Ngự Sông Hương…; là dịch giả hàng đầu của Đường thi và thơ chữ Hán Hồ Chí Minh. Nhưng không phải bài nào cũng được “dịch” hết. Nhà giáo Lê Trí Viễn nhận định: “Thơ Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Nhưng không ai nghĩ ánh sáng chỉ một màu trắng. Cũng có thể nói nó như một cây đàn bầu. Vẻn vẹn một dây nhưng là cả thế giới âm thanh”. Cụ Nam Trân và tập thể Viện Văn học những năm ấy dịch đã khéo, đã hay nhưng nhiều chỗ vẫn chưa đúng tinh thần, câu chữ của thơ Bác. Các bản dịch mới của người đời sau lại càng không đạt.

Bởi vậy, sự học hỏi "Nhật ký trong tù" không phải một lần là hết!

Nhật ký trong tù” hay “Ngục trung nhật ký” là một tập thơ nổi tiếng của Bác (Hồ Chí Minh) gồm 133 bài thơ được viết bằng chữ Hán.

"Nhật ký trong tù" được dịch ra bao nhiêu thứ tiếng?

Năm 1943, Bác Hồ mới ra tù và gặp cụ Đinh Chương Dương, người Hậu Lộc, Thanh Hóa ở Liễu Châu. Trong bài “Quyển nhật ký thơ của Cụ Hồ” đăng báo Đồng Minh, tờ báo yêu nước của Việt kiều ở Côn Minh, số 43, ngày 6-6-1946 (Lưu tại Thư viện Quốc gia J.531) kể: “Nhân một bữa đến Liễu Châu để cổ động cho tờ báo trong các anh em Việt kiều ở đây, tôi đã được gặp cụ Hồ Chí Minh. Cuộc đời tù hãm đã làm cụ kém sắc nhiều, nhưng trong khi bắt tay cụ, tôi thấy gân cốt cụ còn rắn rỏi, mạnh mẽ. Cụ biết tôi viết báo Đồng Minh nên cụ bảo tôi: “Chú là người hay thơ vậy tôi có bài thơ này tặng chú”. Rồi cụ ứng khẩu đọc luôn:

Quan san muôn dặm gặp nhau đây,

Mục đích chung là đuổi Nhật, Tây.

Dân bị hai tròng vào một cổ,

Ta liều trăm đắng với ngàn cay.

Già dù yếu sức mang mang nhẹ,

Trẻ cố ra công gánh gánh đầy.

Non nước của ta ta đòi lấy,

Nghìn thu sự nghiệp hiển từ nay.

Có ai ngờ cụ là một người rất sính thơ. Mỗi một việc, mỗi một cử chỉ của đời sống hàng ngày là một đầu đề cho hứng thơ của cụ. Tất cả những bài thơ ấy cụ ghi chép trong một cuốn sách nhỏ… Trang bìa đầu vẽ hai bàn tay bị trói, do chính tay cụ vẽ lấy”.

Bản gốc tập thơ “Nhật ký trong tù”. Ảnh do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cung cấp

Đây là bài báo đầu tiên nói đến "Nhật ký trong tù".

Sau bản dịch ra tiếng Việt được xuất bản năm 1960, "Nhật ký trong tù" được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và xuất bản nhiều nước trên thế giới.  

Tiến sĩ Võ Xuân Quế hiện sống tại Phần Lan, với tình yêu đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần khoa học nghiêm cẩn, đã dành trọn 5 năm liên lạc với các viện nghiên cứu, các tổ chức văn học, các dịch giả trên khắp thế giới, “thấy tận mắt, cầm tận tay” từng bản dịch để vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác Hồ, trình bạn đọc một công trình có giá trị: “Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài” do NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản năm 2025.

Kết quả sưu tầm, nghiên cứu của ông Võ Xuân Quế cho biết, cho đến nay "Nhật ký trong tù" đã được dịch ra 37 thư tiếng trên thế giới:

1. Có hai bản dịch sang tiếng Ả-rập.

Bản 1 của Wasfi Bunni (1951-1983) do NXB Bộ Văn hóa và Du lịch Syria xuất bản năm 1969, dịch qua bản dịch tiếng Pháp Carnet de Prison của Phan Nhuận; hiện còn lưu tại Thư viện Đại học Damascus, một bản tại Thư viện Quốc gia Quatar.

Bản 2 do Sargon Boulus (1944-2007) dịch, được NXB Dar Al Nahar Li-băng xuất bản năm 1968.

2. Bản dịch sang tiếng Albani có tên “Bài học đánh cờ: Những bài thơ từ "Nhật ký trong tù” (Leksione Ne Shah: Poezi Nga Ditari I Burgut) do nhà thơ Gjeke Marinaj (sinh 1965) dịch, NXB Orpheur Texts xuất bản 2015.

3. Có 8 bản dịch tiếng Anh:

- “Prison Diary” của nhà thơ, nữ đảng viên cộng sản Úc, bà Aileen Palmer (1915-1988), NXB Ngoại văn Hà Nội, 1962; xuất bản lại ở Toronto  Canada 1968; ở Mỹ năm 1971. Riêng lần in ở Mỹ là 500 nghìn bản. Đây cũng là bản được tham khảo nhiều nhất.

-“Poems Written While in Prison” của Kenneth Rexroth (1905-1982), in trong tạp chí Avant Garde số 3-1968.

Bìa một số bản dịch & sách có in NKTT bằng tiếng Anh Ảnh: VXQ

-“Ho Chi Minh, Eleven Prison Poems” của Raffel Burton (1928-2015) in trong tập thơ Việt Nam có tên “From the Vietnammese: Ten Centuries of Poetry”, October House xuất bản 1968.

-“Prison Diary” của Đặng Thế Bính (1923-2001), in lần đầu ở NXB Ngoại văn 1963, tái bản lần thứ 10, được NXB Cormoral Books in năm 1992 ở Canada.

-“Ho Chi Minh in Prison” của McLanchlan, Canada, in trong tạp chí Malahat Review số 43, 1977.

-“Ho Chi Minh: Prisson Diary” của Christopher Jenkins, Trần Khánh Tuyết và Huỳnh Sanh Thông; Ohio University Press xuất bản năm 1978.

-Bản dịch một số bài thơ Nhật ký trong tù in trong tập Our Worst Suspricion của nhà thơ Anh John Birtwhistle; Carcanet Press xuất bản 1985 ở Luân Đôn, in lại 2023.

-“Poems from the Prison Diary of Ho Chi Minh” của Steve Bradbury, Tinfish Press xuất bản ở Hawaii 2023.

4. Tiếng Ba Lan: “Dziennik wiezienny” do vợ chồng nhà thơ Maria Kurecka và Witold Wirsza dịch, NXB Panstwowy Instytut Wydawniczy 1962.

5. Tiếng Ba Tư “Hồ Chí Minh – Nhật ký trong tù” của Manouchehr Basir, do Surah Mehr Publishing company xuất bản 2005.

6. Tiếng Basque (vùng giữa Pháp và Tây Ban Nha): “Gartzelako Egunkaria” của Inaki Aramaio Egurrola, Susa xuất bản 1985.

Bìa bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Basque  (1985) - Ảnh: Susa Literature (trái) và bức tranh “Vietnam shall win” (1971) của René Mederos. Ảnh: VOV

7. Tiếng Belarus, hai bản:

-“Đóa sen rực lửa” của Xemiaron Iazep, NXB Belarus, 1968.

-“Nhật ký trong tù” của Ianka Xipakoi, NXB VHNT, 1985.

8. Tiếng Bengali có bốn bản, ba bản xuất bản ở Bangladesh, một bản ở Ấn Độ.

9. Tiếng Bồ Đào Nha, hai bản. “Poema do cárcere” xuất bản năm 1968 và “Diário de Prisão de Ho Chi Minh” xuất bản 1971, đều ở Brazil.

10. Tiếng Croatia “Zatvorski Dnevnik” do nhà thơ Vlado Opacic dịch, August Cesarec xuất bản 1975.

11. Tiếng Czech có bốn bản với các tên gọi "Chia nước" (1973); "Nhật ký trong tù: tuyển chọn một số bài thơ của Hồ Chí Minh" (1980); "Nhật ký trong tù" (1985); "Nhật ký trong tù" (2011).

12. Tiếng Đan Mạch: “Dagbog fra faengslet” của Vagn Sondgard (1924-2011), Demos xuất bản 1970.

13. Tiếng Đức có hai bản, đều có tên “Nhật ký trong tù”. Bản 1 của ba dịch giả Annegret Kirchhoff, Martin Jurgens, Arnfid Astel xuất bản 1967, tái bản 1970. Bản 2 của Erhard Scherner và Helga Scherner xuất bản 1976, tái bản 2020.

14. Tiếng Esperanto do Đào Anh Kha dịch, NXB Ngoại văn, 1966.

15. Tiếng Galicia “Xornal de Prisión” của Xosé Neira Vilas (1928-2015) xuất bản năm 1978 ở La Habana.

16. Tiếng Hàn Quốc có hai bản dịch. Bản 1 của Kim Sang Il xuất bản năm 2000. Bản 2 của Ahn Kyong Hwan xuất bản 2003.

17. Tiếng Hebrew do nhà thơ Israel gốc Ba Lan Yaakov Besser dịch, xuất bản ở Tel Aviv 1975.

18. Tiếng Hindi do Anuvaadak Satyavrat dịch, Parikalpana Prakashan xuất bản 2006.

19. Tiếng Hungary của Weores Sando và Ecsedy Ildikó, Európa xuất bản 1965, tái bản 1969.

20. Tiếng Hy Lạp của Stella Tessi. (Dịch giả Thúy Toàn cho biết Yannis Ritsos từng dịch Nhật ký trong tù" nhưng chưa kiểm chứng được).

21. Tiếng Italia: “Diario dal carcere” của Joyce Lussu, Tindalo xuất bản 1967, in lại 1972, 1978, 2015, 2021.

22. Tiếng Kazakh của S. K. Tolegenuly, xuất bản tại Almaty 1980.

23. Tiếng Lào: Có các bản tiếng Lào của Thoong Chăm On-ma-ni-xơn và Xổm-xi Đê-xa-khăm-phu; xuất bản vào các năm 1966, 1980, 1990.

24. Tiếng Malayalam do nhà thơ K. Satchidanandan, xuất bản lần đầu năm 1976 ở Kerala, được tái bản nhiều lần.

25. Tiếng Myanma của D. Swaan Gyi, xuất bản 1966, tái bản 2015.

26. Tiếng Mông Cổ: có hai bản dịch, một của Namsrai xuất bản 1962 và của S. Dashtseven, Bazarragchaa xuất bản năm 2000.

27. Tiếng Na Uy “Dagbok fran fangelset” của Tor Obrestad xuất bản lần đầu 1969.

28. Tiếng Nga: bản dịch của Pavel Antokolski (1896-1973) là bản dịch "Nhật ký trong tù" ra tiếng nước ngoài sớm nhất, NXB Văn học nước ngoài, Matxcơva, 1960.

29. Tiếng Nhật: 8 bài thơ "Nhật ký trong tù" được in trong Tuyển tập thơ Việt Nam do Oshima Hiromitsu dịch, Iidzuka Shoten xuất bản 1967; “Ngục trung nhật ký, thơ và đời”, Iidzuka Shoten xuất bản 1969; “Độc lập và tự do cho Tổ quốc tôi”, Shinnihon xuất bản 1969; “Hồ Chí Minh, thơ và nhật ký”, K. Kunie dịch, Ashahi Shimbunsha xuất bản 1970.

30. Tiếng Pháp:

-Bản dịch sớm nhất “Journal de prison, poemes” của Đặng Thế Bính, Lê Văn Chất, Vũ Quý Vị, G. Boudarel, NXB Ngoại văn, 1960.

-“Carnet de Prison” của Phan Nhuận, Pierre Seghers – Paris, 1963. Đây là bản được tham khảo để chuyển ngữ nhiều.

31. Tiếng Phần Lan: “Những bài thơ của tù nhân chính trị” của Pentti Saarikoski, Tammi xuất bản lần đầu 1969.

32. Tiếng Rumani: C. Lupeanu dịch, Qilinul din Jad, xuất bản 2005.

33. Tiếng Slovak: Bản dịch 1 của Ján Múcka có tên “Tre bị thương không chết”, NXB Tatran, 1973. Ngoài 60 bài từ "Nhật ký trong tù", còn 16 bài thơ của Tố Hữu, 7 bài thơ của Sóng Hồng. Bản dịch 2 lấy nguyên tên “Nhật ký trong tù” do con gái của Ján Múcka là E. A. Múckova dịch, NXB Sing Sign, 2021.

34. Tiếng Sinhala, Sri Lanka: Có ba bản dịch. Bản Bird Book Publishers xuất bản năm 1966 do Kuruppu và Anu dịch. Bản Hongmagama: Tengkong xuất bản năm 2005 do Sudasinghe dịch. Bản mang tên “những tư tưởng không bị cầm tù” của Laksantha Athukorala do Sooriya xuất bản năm 2014 ở Colombo.

Bìa 3 bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Tây Ban Nha in ở các nước: Arhentina (trái), Cuba (giữa) và Tây Ban Nha (phải). Ảnh: VXQ

35. Tiếng Tây Ban Nha: Bản dịch của F. P. Rodriguez do Editorial Arte y Literatura xuất bản 1970 ở La Habana. Bản dịch của E. Jáuregui do La rosa blindada xuất bản năm 1968 ở Argentina. Bản Tusquets xuất bản ở Barcelona năm 1974, tái bản 1977, 2019 do A. Yanguas dịch.

36. Tiếng Thụy Điển có hai bản dịch, một của Jan Kunicki, xuất bản 1969 có 27 bài thơ. Bản 2, cũng của Jan Kunicki, gồm 98 bài thơ, xuất bản lần đầu năm 1970.

37. Tiếng Uzbek: Được dịch và giới thiệu tại Đại học Tổng hợp Đông phương học Tashkent ngày 9-6-2022.

Năm 1971, nhạc sĩ người Đức Werner Henze đã phổ nhạc một bài thơ “Nhật ký trong tù” đặt tên là “Tiếng hát trong tù” (Prison Song).

Năm 1993 ở Anh đã phát hành một CD âm nhạc Songs From A Prison Diary (Những bài ca từ Nhật ký trong tù) dài 64 phút của hai nhạc sĩ Phil Minton và Veryan Weston; trước đó từng được biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, được tặng giải thưởng mang tên Cornelius Cardew.d

Năm 2025, nhạc sĩ Anh David Black đã từ bản dịch của nhà thơ John Birtwhistle sáng tác bản hợp xướng “Rings of Jade” (Vòng ngọc), với hình tượng dây xích trên cổ tù nhân thành vòng ngọc trong tư tưởng người tự do.

Thế giới nói đến "Nhật ký trong tù"

Học giả Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) viết: “Đó không đơn thuần là thơ mà là một bộ sử thi”.

Nhà thơ Viên Ưng (Trung Quốc) trong bài “Bác Hồ, một nhà thơ lớn” ca ngợi: “Trong tập sách nhỏ gồm hơn 130 bài thể thơ cũ của Trung Quốc, không những chúng ta thấy được lại bộ mặt tàn khốc, đen tối của nhà tù mà chúng ta còn được gặp một tâm hồn vĩ đại của một nhà ái quốc, một tâm hồn vĩ đại của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”. Nhà văn Pháp Bu-đa-ren cảm nhận: "Nhật ký trong tù" "phối hợp thơ cổ điển tinh túy với sáng tạo táo bạo”; “mọi thứ đều sinh động, kể cả những bức tranh ta thường gọi là tĩnh vật”.  Tổng Biên tập Tạp chí Lăng kính Phương Bắc của Thụy Điển, TS P. Xđi-la-ghi viết: “Đây là một cuốn sách mà tất cả mọi người yêu thơ đều nên đọc, vô luận người đọc ấy mang chính kiến như thế nào”.

Nhà thơ, dịch giả Na Uy Tor Obrestad đã viết trong Lời tựa cho lần xuất bản thứ hai "Nhật ký trong tù" ở Na Uy năm 1973: “Chúng ta, những người dân Phương Tây sẽ không bao giờ quên Hồ Chí Minh và Nhân dân Việt Nam – một quốc gia nhỏ bé chưa từng tấn công ai đã đánh bại cỗ máy chiến tranh mạnh nhất của chủ nghĩa quốc. Đối với nhiều người trong chúng ta đang sống dưới chủ nghĩa đế quốc, Hồ Chí Minh và nNhân dân của Người là biểu tượng của ý chí chống lại áp bức trên thế giới; đó là bóng râm ban ngày và ánh lửa ban đêm cho ý chí độc lập của một dân tộc nhỏ. Việt Nam là một bằng chứng cho những dân tộc nhỏ bé có quyền và sức mạnh để bảo vệ quyền này và các quốc gia lớn mạnh không thể hủy diệt. Những bài thơ của Hồ Chí Minh phần nào lý giải cho chúng ta biết vì sao lại như vậy”.

Nghệ sĩ điện ảnh Mỹ Jane Folda nói năm 1972: “Tôi nghĩ Richard Nixon nên đọc lịch sử Việt Nam, nhất là thơ của họ, đặc biệt là thơ Hồ Chí Minh”.

Trong số các bản dịch sang tiếng Anh, bản dịch của Aileen Palmer “Prison Diary” là thành công hơn cả, trở thành bản gốc cho nhiều dịch giả dịch sang các thứ tiếng khác nhau. Bà là người Úc, sinh ra ở Anh, nửa tuổi lại về Úc. Bố mẹ bà đều là nhà văn nổi tiếng. Năm 1935 bà tốt nghiệp xuất sắc ngành Ngôn ngữ và Văn học Pháp tại Đại học Melbourne, có bằng về tiếng Đức, Tây Ban Nha, Italia. Bà là “nhà thơ của lương tri”, một người tích cực chống chủ nghĩa phát xít, phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Để kết thúc bài viết này, tôi muốn nhắc lại Lời giới thiệu cho bản dịch của A. Palmer nói về Bác Hồ và thơ Bác:

“Có lẽ, đó là (Nhật ký trong tù) di sản mà Người để lại cho một thế hệ cách mạng, cả trong nước lẫn ngoài nước. Di sản ấy chính là sự nhận thức được rằng, bên trong cái tầm thường nhất và bên trong cái mong manh nhất của con người, vẫn ẩn giấu một thứ vũ khí hiệu quả hơn, hùng mạnh hơn, to lớn hơn tất cả các loại phương tiện kỹ thuật tối tân nhất và khủng khiếp hơn cả bom nguyên tử, rắn chắc hơn cả loại thép tốt nhất. Đó là tinh thần con người. Chừng nào tia sáng ấy của tinh thần con người do Hồ Chí Minh tạo ra còn chiếu rọi, thì chừng đó, tia sáng ấy không một lực lượng nào có thể chiến thắng nổi”.

Tháng 5-2025