Giá trị thiết thực từ phong trào
Trên diện tích khoảng 2.000 m2 đất vườn với đầy đủ ao cá, cây ăn quả, ngô, rau, tre, mét, kể cả cây dại; gia đình chị Phan Thị Bình, ở xóm Tân Sơn, xã Quang Thành (huyện Yên Thành) đã quy hoạch, cải tạo thành vườn chuyên canh, chủ yếu trồng đào cảnh và cây ăn quả.
Chị Bình cho biết, trước đây, gia đình ít chú trọng đến làm vườn, từ khi được Hội Phụ nữ xã và xóm tuyên truyền, vận động cải tạo vườn để vừa sạch vườn, sạch làng, vừa có kinh tế từ vườn; cán bộ hội xã, xóm trực tiếp làm cùng gia đình phát chặt, cải tạo để có vườn đẹp như bây giờ. Bên cạnh đẹp là giá trị kinh tế; riêng đào cảnh,Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, gia đình bán 95 gốc, thu về 45 triệu đồng.
Ở xã Quang Thành, Hội Phụ nữ xã và các xóm đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, góp công, góp sức cùng các gia đình hội viên, phụ nữ cải tạo vườn, xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” tại 5/8 xóm, với mỗi mô hình có 10 đến 38 hộ liền kề tham gia hưởng ứng, góp phần tạo cảnh quan môi trường nông thôn đẹp. Hội Phụ nữ cũng đã chủ động đăng ký với cấp uỷ, chính quyền đảm nhận việc xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thị Lam - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Quang Thanh chia sẻ: Việc xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh, không đơn thuần chỉ đưa cây hoa, cây xanh ra trồng mà để làm được là cả một cuộc “cách mạng”. Bởi để tạo được những đường hoa, đường cây xanh đẹp thì trước hết kết cấu hạ tầng phải đồng bộ từ đường giao thông, mương thoát nước; nghĩa là trước khi làm đường hoa, đường xây xanh thì phải tuyên truyền người dân đồng thuận bỏ công sức, kinh phí làm đường giao thông, làm mương thoát nước, thậm chí là nắn chỉnh cổng, tường rào, chặt cây trong nhà mình. Vì vậy, tổ chức Hội Phụ nữ đã tích cực phối hợp với Ban Chỉ huy xóm trong khảo sát, lựa chọn các tuyến đường để triển khai; tổ chức họp dân, có những tuyến phải họp dân 4 – 5 cuộc mới có được sự đồng thuận của tất cả người dân để triển khai thực hiện. Bên cạnh xây dựng các đường hoa, cây xanh, yếu tố chăm sóc, duy trì cũng được Hội triển khai giao cho chính các hộ trên tuyến đảm nhận, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong chăn thả trâu bò. Hiện tại, Hội Phụ nữ xã Quang Thành đã xây dựng thành công 3 tuyến đường cây hoa ban, sao đen với chiều dài gần 1 km.
Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã Quang Thành cũng tích cực hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống thông qua việc thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ con giống; tín chấp ngân hàng cho phụ nữ vay vốn, tạo việc làm…; mỗi năm xoá được 3 – 5 hộ có hội viên phụ nữ thoát khỏi diện nghèo và cận nghèo.
Đa dạng các hoạt động đóng góp
Huyện Yên Thành sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới, cấp uỷ, chính quyền tiếp tục đặt ra mục tiêu đạt huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025 và hiện nay đang quyết tâm về đích vào năm 2024 (đạt mục tiêu trước 1 năm). Để cùng với hệ thống chính trị hiện thực hoá mục tiêu này, Hội Phụ nữ các cấp ở Yên Thành đã tích cực triển khai các cuộc vận động, phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Gia đình 5 có, 3 sạch”; “Chi hội Phụ nữ 5 không, 3 sạch”; “Đồng hành với phụ nữ yếu thế”; xây dựng “Mái ấm tình thương”, chương trình “Mẹ đỡ đầu”; thực hiện uỷ thác vốn vay từ ngân hàng cho phụ nữ phát triển kinh tế… Mặt khác, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hoà - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Yên Thành, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Yên Thành cũng đã phát động mỗi cơ sở Hội một công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới. Kết quả 3 năm 2021 - 2023, ở 39/39 Hội Phụ nữ cơ sở ở Yên Thành đã vận động xã hội hoá hơn 3,2 tỷ đồng để xây dựng 346 đoạn đường hoa, cây xanh, với chiều dài 257 km, gắn với đảm nhận chăm sóc. Các cấp Hội đã xây dựng 7 mô hình nhóm hộ liền kề “Nhà sạch vườn đẹp” và 382 mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”; duy trì các hoạt động vệ sinh môi trường hàng tháng, ngày Chủ Nhật xanh; góp phần tích cực vào xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn Yên Thành: xanh - sạch - đẹp.
Ở huyện Nghi Lộc, ngoài tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực thực hiện các nội dung, tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; các cấp Hội Phụ nữ cũng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, công trình, phần việc cụ thể, thiết thực, như “Vận động gia đình hội viên phụ nữ thực hiện vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn”; “Xử lý rác thải hữu cơ thành phân vi sinh”; “Chi hội phụ nữ 5 có, 3 sạch”; “Ngôi nhà xanh”; xây dựng đường cờ gắn với biển hiệu tuyên truyền; xây dựng thiết chế văn hoá - thể thao xóm; hỗ trợ một số trường mầm non cải tạo sân chơi cùng với đồ chơi cho trẻ; xây dựng “Ngôi nhà xanh”; trồng đường xây xanh, tuyến đường hoa; xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, ngõ xóm văn minh” và “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”; trao tặng làn nhựa cho hội viên, phụ nữ đi chợ, thay sử dụng túi ni lông… Phong trào “Mỗi phụ nữ - một cây xanh; mỗi cơ sở Hội - một công trình cây xanh - công trình vườn cây phụ nữ” được cấp Hội ở Nghi Lộc chỉ đạo tích cực; góp phần xây dựng nhiều tuyến đường, khoảng đất trống ở vùng nông thôn có cây xanh và nhiều mảnh vườn của người dân được trồng những cây ăn quả.
Bà Ngô Thị Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: Các cấp Hội Phụ nữ còn tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh thông qua xây dựng cơ sở Hội và chi hội vững mạnh; bồi dưỡng, giới thiệu các hội viên ưu tú kết nạp vào Đảng. Tổ chức Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu dân ca, dân vũ, bóng chuyền, bóng đá nữ, góp phần thúc đẩy phong trào văn hoá - thể thao ở nông thôn. Công tác an sinh xã hội cũng được Hội chăm lo bằng nhiều việc làm cụ thể, như làm “Mái ấm tình thương” với mỗi năm làm 2 – 3 nhà; nhận “Mẹ đỡ đầu” 113 cháu; đồng hành, hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ nghèo mô hình sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm để thoát nghèo với 65 hộ hội viên thoát nghèo, cận nghèo trong năm 2023.
Vì sự phát triển của cộng đồng và chính người phụ nữ
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An cho biết: Xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Tổ chức Hội Phụ nữ các cấp đã có nhiều phong trào, nội dung, phần việc cụ thể; đóng góp tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở từng địa phương, đồng thời tạo ra nhiều giá trị thiết thực cho cuộc sống của hội viên, phụ nữ và người dân. Điển hình thông qua thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Gia đình 5 có, 3 sạch”, bên cạnh góp phần thực hiện các tiêu chí về y tế, văn hóa, nhà ở dân cư, giao thông; các gia đình hội viên, phụ nữ và người dân thi đua vươn lên xóa đói nghèo; giữ gìn gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình; xây dựng ngôi nhà sạch - đẹp… Hội Phụ nữ cũng tích cực thực hiện nhiều nội dung bảo vệ môi trường vì sự phát triển của cộng đồng và tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em, như tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi ni lông; thực hiện xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh”; xây dựng các mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, ngõ phố văn minh”, “Tổ phụ nữ tự quản”; đảm nhận công tác vệ sinh môi trường, trồng đường hoa, cây xanh…
Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ làm “Mái ấm tình thương”, mô hình sinh kế, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Trong năm 2023, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã nhận uỷ thác và tín chấp cho hơn 78 nghìn hộ vay với tổng số dư nợ gần 3.965 tỷ đồng để phát triển kinh tế; hỗ trợ cho gần 8.700 hội viên, phụ nữ học nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 9.800 lao động nữ vào các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động; hỗ trợ 29.408 hộ có phụ nữ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế trong đó có 1.132 hộ thoát nghèo và cận nghèo.
Cùng với các hoạt động trên, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm vun đắp, giữ gìn giá trị tốt đẹp và phát triển hệ giá trị gia đình Việt nam; xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
Từ những kết quả và kinh nghiệm chỉ đạo thời gian qua, đồng chí Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết: Các cấp Hội sẽ chú trọng chỉ đạo, thực hiện các hoạt động theo hướng thiết thực và bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với gìn giữ và xây dựng những giá trị văn hóa truyền thống, đậm bản sắc xứ Nghệ./.