Để đi đến đích, hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, cùng với cuộc cách mạng về sắp xếp đơn vị hành chính và tinh gọn tổ chức bộ máy, cả hệ thống chính trị và toàn dân đang thuấn nhuần và triển khai nhiệm vụ mang tính chiến lược: phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ngay sau đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 193/2025/NQ-QH15 ngày 19/02/2025 (có hiệu lực ngay khi ban hành) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hiện nay, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Nghị định hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 193/2025/NQ-QH15 để cơ chế, chính sách sớm đi vào thực tiễn. Cùng với đó, dự kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các luật về lĩnh vực khoa học, công nghệ. Các luật có liên quan cũng sẽ sớm được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi đảm bảo sự đồng bộ.

Có thể nói, Đảng ta đã nhận thức từ rất sớm, rất sâu sắc về vai trò của khoa học, công nghệ. Ngay trong các cuộc kháng chiến, hoạt động khoa học và cách mạng khoa học kỹ thuật đã luôn được đặt ở vị trí quan trọng, tạo tiền đề cho nhiều thắng lợi. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta coi khoa học kỹ thuật là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện. Các kỳ Đại hội tiếp theo đều khẳng định khoa học công nghệ là nền tảng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong quá trình phát triển nhanh và bền vững. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đề ra mục tiêu, nhiệm vụ: phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Đổi mới tư duy, nâng tầm nhiệm vụ, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định: phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu; là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá mang tính cách mạng. Mục tiêu hướng đến là để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Trong xu thế phát triển chung, thời gian qua, Nghệ An đã có hướng đi đúng đắn cả về nhận thức và hành động nhằm phát huy vai trò của khoa học, công nghệ. Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, khoa học và công nghệ đã có đóng góp tích cực cho sản xuất và đời sống. Kết quả thể hiện rõ nhất thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2017 - 2022 đạt 42,1%, cao hơn bình quân chung cả nước. Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương, phản ánh hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (viết tắt là PII) của tỉnh năm 2023 xếp hạng 33 và năm 2024 xếp hạng 37/63 tỉnh, thành phố. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới khoa học và công nghệ được phát huy rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực. Hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án đạt 86,19%, cao hơn bình quân chung cả nước (68%), trong đó có một số lĩnh vực nổi bật như: khoa học nông nghiệp, khoa học y dược, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Đến nay, hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh có 15 doanh nghiệp, có 05 doanh nghiệp công nghệ cao, 01 doanh nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 35 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được lan tỏa trong xã hội. Năm 2022, Nghệ An vinh dự là 01 trong 03 địa phương có thành tích xuất sắc được Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao tặng danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp”. Thành phố Vinh đang được xây dựng trở thành trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của vùng Bắc Trung Bộ. Nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế, bảo hộ về nhãn hiệu hàng hóa. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 1.933 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 1.806 nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, 87 kiểu dáng công nghiệp, 28 giải pháp hữu ích và 12 sáng chế. Sản phẩm, hàng hóa được triển khai áp dụng việc dán tem truy xuất nguồn gốc, nhất là những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Giai đoạn 2016 - 2023, có 13 doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng quốc gia.

Nhiều cơ chế, chính sách và đề án được ban hành, thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển như: chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới, ứng dụng khoa học và công nghệ, chính sách hỗ trợ ươm tạo công nghệ. Một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng được thể chế hóa thành Nghị quyết của HĐND tỉnh mang lại hiệu quả cao như: chính sách hỗ trợ chế phẩm Compost Marker, chế phẩm Boem trong sản xuất phân bón; sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; chế phẩm Biogreen xử lý tồn dư hóa chất trên đất trồng rau…
Tuy vậy, việc phát triển khoa học, công nghệ thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành về các hoạt động khoa học, công nghệ của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, nhất là người đứng đầu chưa quyết liệt. Đổi mới sáng tạo, công nghệ trong các doanh nghiệp còn yếu (do 98% doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ). Nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ thấp hơn nhiều so với quy định (chỉ đạt 0,28%/định mức quy định là 2%). Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ chưa mạnh, đơn vị sự nghiệp công lập khoa học và công nghệ hoạt động khó khăn.
Thời gian tới, phát huy vai trò của khoa học, công nghệ - động lực chính quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh thì sự nỗ lực, quyết liệt và đột phá, bứt phá trong lĩnh vực này là đòi hỏi tiên quyết. Có như vậy, Nghệ An mới hiện thực hóa được mục tiêu, khát vọng: đến năm 2030 là tỉnh khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh đã kịp thời ban hành Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW; ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 29/10/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban. Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong ngắn hạn, dài hạn đã được xác định rõ, trong đó cần tập trung những nội dung mang tính căn cơ, cốt lõi:
Thứ nhất, cùng với việc triển khai các quy định của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 193/2025/NQ-QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 193/2025/NQ-QH15 và các quy định có liên quan, cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế, chính sách của tỉnh. Điều này phù hợp với yêu cầu thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Danh mục Nghị quyết dự kiến trình HĐND tỉnh năm 2025 đã có các nội dung: sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của HĐND tỉnh quy định về mức chi ngân sách Nhà nước cho một số hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; ban hành quy định về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026 - 2030 (trong đó có các chính sách hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất nhằm gia tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm). Ngoài ra, các chính sách mới như khuyến khích tinh thần khởi nghiệp dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ; thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp về lĩnh vực này cũng cần được nghiên cứu để xây dựng, ban hành.

Thứ hai, nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ; tăng cường đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó có việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng đồng bộ. Các văn bản của Trung ương và tỉnh đã nêu rõ: bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hàng năm để đầu tư cho lĩnh vực này. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, để đầu tư cho khoa học, công nghệ, có thể xem là vốn mồi để kích thích tăng trưởng, tỉnh cần rà soát, đánh giá việc thực hiện tất cả các chính sách để cắt giảm các nội dung kém hiệu quả, tập trung nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển.
Thứ ba, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030: số doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gấp 3 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40%; trình độ đổi mới công nghệ đạt mức khá so với cả nước. Tăng cường nghiên cứu gắn với sản phẩm đầu ra trên các lĩnh vực. Có thể xem Sơn La là hình mẫu tiêu biểu cho thành công trong việc triển khai ứng dụng đề tài khoa học vào sản xuất. Cùng với đề tài khoa học cấp tỉnh về các biện pháp kỹ thuật nâng cao độ phì nhiêu, hiệu quả của đất dốc trong trồng cây ăn quả, các tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao cho người dân đã giúp Sơn La không những khắc phục khó khăn do điều kiện tự nhiên và thói quen sản xuất lạc hậu mà còn trở thành địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn thứ hai cả nước, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Thứ tư, tạo môi trường thuận lợi để phát triển, thu hút nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Con người là nhân tố quyết định, làm chủ khoa học, công nghệ - “đòn bẩy” của sự tăng trưởng. Tuy nhiên, đúng như trăn trở của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, việc thu hút nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này không hề dễ dàng, nhất là các địa phương chưa phải là cực tăng trưởng. Bởi vậy, cần có cơ chế đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ cũng như mời gọi, tranh thủ sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, chuyên gia là người Nghệ An ở trong và ngoài nước, nhất là về các lĩnh vực trọng điểm phát triển của tỉnh.
Đi lên phải từ tiềm lực, và tiềm lực khoa học, công nghệ nếu được đặt đúng, được coi trọng, được phát huy, được khai thác tốt thì như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thực sự là “chìa khóa vàng” cho sự phát triển, thịnh vượng của mỗi địa phương, dân tộc./.