Đây là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Đồng thời, việc ban hành Nghị quyết khẳng định rõ thêm vai trò của loại hình kinh tế tập thể này đối với ngành nông nghiệp cũng như mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hợp tác xã nông nghiệp hiện chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số hợp tác xã, tính đến hết tháng 12 năm 2022, cả nước có 19.431 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm khoảng 67%); thu hút gần 3,8 triệu thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là hộ nông dân. Ở Nghệ An, tỷ lệ này còn cao hơn, đến nay có 671 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm khoảng 80% tổng số hợp tác xã trong các lĩnh vực, đạt gần 90% kế hoạch đặt ra đến năm 2025; bao gồm hợp tác xã trồng trọt, hợp tác xã chăn nuôi, hợp tác xã lâm nghiệp, hợp tác xã diêm nghiệp, hợp tác xã thủy sản và hợp tác xã dịch vụ tổng hợp. Sự phát triển của hợp tác xã nông nghiệp thể hiện sự chuyển biến về nhận thức của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo đúng phương châm "muốn đi xa phải đi cùng nhau". Hợp tác xã nông nghiệp đã từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; phát huy được vai trò từ đầu vào cung ứng giống, vật tư, phân bón...đến khâu tổ chức sản xuất và cuối cùng là đầu ra bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ngoài ra, thông qua hợp tác, liên kết với hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp yên tâm khi có những vùng nguyên liệu ổn định bền vững, đảm bảo cho việc sản xuất, kinh doanh. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh thu bình quân của hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng 1.433,71 triệu đồng/năm/hợp tác xã.
Có thể nói, đi đôi với quan điểm của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí mang tính nền tảng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân, hợp tác xã nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng để hiện thực hóa định hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Sự phát triển của chủ thể này nằm trong mục tiêu chung của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025: tiếp tục triển khai Chương trình, gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững..., góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hợp tác xã nông nghiệp còn liên quan đến nhiều nội dung trong Bộ tiêu chí như về thu nhập, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.
Mặc dù đóng vai trò quan trọng nhưng sự phát triển của hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng thời gian qua còn rất hạn chế. Nghị quyết của Chính phủ đã chỉ rõ: hợp tác xã nông nghiệp trên cả nước chưa phát huy tốt vai trò tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hiệu quả hoạt động chưa cao. Ở Nghệ An, tỷ lệ hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả tuy cao hơn bình quân chung cả nước, song chỉ chiếm 62,59% số hợp tác xã toàn tỉnh với 420 đơn vị. Và đến nay mới chỉ 215 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 32,04%) có các hoạt động liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, song việc triển khai trên thực tế còn vướng mắc. Một thực trạng đặt ra là các hợp tác xã nông nghiệp đa số có quy mô nguồn vốn hoạt động rất hạn chế, việc vay vốn ngân hàng theo các chính sách tín dụng hết sức khó khăn do không có tài sản thế chấp nên không đủ tiềm lực đầu tư các loại máy móc có giá trị lớn cũng như nhà xưởng, bến bãi, kho tàng sơ chế, chế biến, mở rộng liên kết sản xuất. Trình độ của cán bộ hợp tác xã chưa bắt kịp yêu cầu, chưa được đào tạo bài bản nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách và lập hồ sơ thanh toán kinh phí hỗ trợ. Là chủ thể chính làm ra các sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên với 79 hợp tác xã (chiếm 33,6%) với 137 sản phẩm song việc tìm kiếm thị trường của các hợp tác xã đang theo lối mòn cũ, thiếu tư duy đột phá nên hiệu quả phát triển thị trường, tìm kiếm đầu ra sản phẩm chưa cao.
Nhận diện tồn tại, khó khăn, nguyên nhân trong tổ chức và hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp thời gian qua, Nghị quyết của Chính phủ nêu quan điểm chỉ đạo, mục tiêu đến năm 2025 đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng, nòng cốt ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tăng thu nhập cho người nông dân; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá được đề ra như: mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tối thiểu 05 mô hình hợp tác xã nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, phù hợp với vùng, miền, địa phương; tháo gỡ khó khăn để thực hiện tốt 05 nhóm chính sách (đất đai; thuế, phí, lệ phí; tín dụng; khoa học, công nghệ; hỗ trợ phát triển hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp); nghiên cứu xây dựng, thực hiện đánh giá và công bố kết quả xếp hạng "môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp"; cán bộ quản lý hợp tác xã được đào tạo nghề giám đốc hợp tác xã nông nghiệp theo chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ sở đào tạo khác...
Bên cạnh trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết của Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương, Nghệ An cũng như các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân về vai trò, vị trí, định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp phù hợp từng giai đoạn, đặc thù của địa phương, nhất là triển khai hiệu quả các nhóm chính sách. Đặc biệt, cần quan tâm đánh giá kết quả sau 05 năm triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình, yêu cầu phát triển mới; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp xây dựng mô hình, cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại v.v...
Cùng với hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ đã, đang và sẽ được ban hành, việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết nêu trên của Chính phủ thực sự sẽ là đòn bẩy để góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo./.