Tiềm năng phát triển du lịch phong phú, đa dạng
Vùng cao miền Tây không quá xa với thành phố Vinh, Hà Nội; thuận lợi kết nối với các điểm du lịch của Lào, Thái Lan bằng đường bộ. Đây là vùng có địa hình đa dạng, núi non hùng vĩ, sông suối mật độ dày với nhiều thác ghềnh; có nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau tạo nên sự đa dạng về cảnh vật thiên nhiên; có “nóc nhà Nghệ An” là đỉnh Pu xai lai leng (2720 m) ở xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) là điểm săn mây kỳ thú; có nhiều con thác đẹp, hấp dẫn như: thác Khe Kèm (Con Cuông), Thác Bảy tầng, Thác Sao (Quế Phong), Thác Rồng (Kỳ Sơn)…; có nhiều hang động đẹp nổi tiếng, gắn liền với những huyền tích của người dân địa phương tạo nên sự thu hút, huyền bí: Hang Bua, Hang Thẳm Chạng (Quỳ Châu), Hang Thẳm Mẹ mọn (Quế Phong), Hang Dơi, Hang Thẳm Tàu (Tương Dương), Hang Thẳm Nàng Màn (Con Cuông)… Ngoài ta, vùng cao miền Tây Nghệ An còn có nhiều sông suối, hồ đẹp như: Sông Giăng với đập Phà Lài, Khe Nước Mọc (Con Cuông), Nậm Việc, Hồ Hủa Na (Quế Phong), Nậm Càn, Nậm Típ (Kỳ Sơn), Khe Thơi, Hồ Khe Bố, Hồ Bản Vẽ (Tương Dương)… không chỉ tham quan mà nhiều điểm còn có thể tổ chức bơi thuyền, du thuyền rất lý tưởng.
Bên cạnh đó, vùng cao miền tây Nghệ An còn có các điểm có thể tổ chức picnic, chụp ảnh kỷ niệm gắn với cây cối đặc thù như: rừng Săng lẻ (Tương Dương), rừng Sa mu (Kỳ Sơn), Hoa Ban (Quế Phong, Tương Dương), Cổng Trời, Rừng Hoa Mơ, Hoa Mận (Mường Lống, Kỳ Sơn), cây Phong lá đỏ (Keng Đu, Kỳ Sơn), Hoa Anh đào (Phà Nọi Mường Típ, Kỳ Sơn)... Hay những cung đường có thể tổ chức “tour “phượt, đua xe mạo hiểm như tuyến: Thị trấn Kim Sơn - Phà Khổm (Quế Phong), Lưu Kiền (Tương Dương) - Đỉnh Pu xai lai leng (Kỳ Sơn), Mường Xén – Keng Đu (Kỳ Sơn)…
Bên cạnh những tiềm năng do thiên nhiên ban tặng, vùng núi cao miền Tây Nghệ An còn có thể khai thác phát triển du lịch từ các yếu tố văn hóa, đó là tìm hiểu và thưởng thức văn hóa của các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú… với các điệu dân ca, dân vũ; có thể trải nghiệm các hoạt động đời sống, sản xuất cùng bà con ở các bản làng cổ nguyên sơ (đánh cá, đan lát, làm bánh, dệt vải thổ cẩm, thêu váy áo của người Thái, người Mông…). Nơi đây còn có rất nhiều di sản văn hóa vật thể như Đền Chín Gian (Quế Phong), Tháp cổ Mỹ Lý (Kỳ Sơn), Bia Ma Nhai (Con Cuông), Đền Cửa Rào (Tương Dương), Đền Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn), Đền thờ Lý Nhật Quang (Con Cuông)… Đặc biệt là các lễ hội mang đậm sắc thái miền Tây như: Lễ hội Đền Chín Gian, Lễ hội Hang Bua, Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu, Lễ hội Đền Cửa Rào, Lễ hội chọi Bò Kỳ Sơn,…
Ngoài ra, vùng cao miền Tây Nghệ An còn có nhiều đặc sản vùng núi rất phong phú đa dạng như: Trà Hoa vàng, Cam Con cuông, Xoài Tương Dương, Mận Tam hoa Mường Lống, Chanh leo Quế Phong, Quế Quỳ, gà Mông, gà Chín cựa, gà trụi lông cổ, lợn đen, nếp Khao Cày nọi, bò Mông, thịt bò giàng, lạp xường, măng rừng, khoai sọ, các loại dược liệu, các bài thuốc quý, các sản phẩm thổ cẩm, đan lát, dao Mông,…Đồng thời mọi người có thể cùng trải nghiệm chế biến và thưởng thức các món ẩm thực dân giã của bà con các dân tộc thiểu số như: bánh sừng trâu, xôi ngũ sắc, gà nướng, cơm lam, cá nướng, thịt bò giàng, thịt chua,… của người Thái, bánh nếp, gà đen của người Mông…
Có người ví von: “Tiềm năng du lịch vùng cao miền Tây Nghệ An như nàng công chúa đang ngủ trong rừng”.
Hướng đi nhằm phát huy lợi thế tiềm năng du lịch của vùng cao miền Tây Nghệ An
Có thể nói, tiềm năng du lịch của vùng núi cao miền Tây Nghệ An rất lớn và không thua kém vùng Tây Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, du lịch ở nơi đây mới manh nha hình thành. Những năm qua, các huyện như Con Cuông, Quế phong, Quỳ Châu và gần đây là Tương Dương, Kỳ Sơn bắt đầu triển khai, nhưng đại dịch Covid-19 đã gây khó khăn và cản trở các tổ chức doanh nghiệp du lịch cũng như sự cố gắng của các huyện. Đồng thời, cũng cần phải nói rằng, để phát triển du lịch vùng núi cao, các huyện đang rất cần hỗ trợ từ các cấp, vì đây đều là các huyện đặc biệt nghèo (trừ Con Cuông).
Chúng ta biết rằng, phát triển bền vững là một xu thế và yếu tố này cực kỳ quan trọng đối với vùng cao. Làm gì phát huy được lợi thế, biến cái bất lợi thành lợi thế để phát triển KT-XH cho vùng núi cao đang rất khó khăn này? Câu trả lời chỉ có thể là: phát triển kinh tế xanh.
Trong khuôn khổ bài viết, tác giả chỉ đề cập một trong những ưu tiên để phát triển kinh tế xanh ở vùng núi cao miền Tây Nghệ An là phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Đây là một trong những hướng đi nhằm phát huy lợi thế tiềm năng du lịch của vùng cao miền Tây và cũng biến cái bất lợi (theo tư duy cũ) về địa hình, khí hậu, và các yếu tố khác… thành lợi thế khác biệt. Những giải pháp ưu tiên đó là:
Trước hết, cần có một chiến lược và kế hoạch truyền thông một cách bài bản, chuyên nghiệp ở tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đa phương tiện, mạng xã hội và ở tất cả các khách sạn lớn ở Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và thành phố Vinh, thậm chí có thể truyền thông bằng cách tổ chức các cuộc thi đua xe địa hình ở cấp quốc gia, quốc tế…
Hai là: Xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Ngành du lịch cùng 5 huyện cần xác định các điểm du lịch tiềm năng từ đó có kế hoạch xây dựng hạ tầng, như đường, điện vào các Thác, các Hang động; đường leo núi ở một số điểm ở Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn, đường vào các di tích, cây di sản; định điểm khu vực cho phép tổ chức Picnic, cắm trại… Lồng ghép chương trình đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia vào đầu tư hạ tầng và phát triển du lịch.
Kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư hạ tầng du lịch (Khách sạn, khu nghỉ dưỡng, vui chơi ở hai tuyến Tây Bắc và Tây Nam để tạo điểm thu hút khách, từ đó lan tỏa ra toàn vùng (vùng Tây Bắc có thể chọn Quỳ Hợp - ví dụ Bản Khạng gắn với mỏ nước khoáng; vùng Tây Nam chọn Con Cuông).
Bên cạnh đó cần đề xuất tháo gỡ cơ chế xây dựng Farmstay (nơi ăn nghỉ tại vườn, rừng), Farmshop (của hàng bán sản phẩm tại vườn, rừng,… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và Nhân dân.
Ba là: Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp về du lịch bền vững trên địa bàn 5 huyện vùng cao. Đồng thời hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở vùng được chọn điểm du lịch. Từ đó kết nối với các doanh nghiệp du lịch khác trong và ngoài tỉnh trong việc xây dựng các gói sản phẩm du lịch khác biệt và độc đáo (Du lịch kết nối Việt Lào Thái, Du lịch phượt chinh phục đỉnh Pu xai lai leng, Du lịch chèo thuyền vượt thác, Lễ hội Hoa Anh đào, Lễ hội Phong lá đỏ...)
Bốn là: tổ chức tập huấn đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn (nghiệp vụ du lịch, ẩm thực gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoại ngữ, địa phương học, hướng dẫn viên bản địa…).
Năm là: Các huyện chọn cây, hoa đặc trưng trồng để tạo cảnh quan ở các tuyến đường, phố huyện, khu xây dựng Farmstay, Homestay, khu picnic với một sắc thái riêng. Ví dụ: Quế Phong, Quỳ Châu trồng cây Hoa Ban, Tương Dương trồng cây Bằng Lăng, Săng Lẻ; Kỳ Sơn trồng cây Phong lá đỏ, Anh đào… Khi đủ lớn có thể tổ chức các Lễ hội gắn với các mùa hoa ở các vùng khác nhau để thu hút khách.
Sáu là: Hỗ trợ phát triển cây, con, các sản phẩm đặc sản chế biến tại chỗ gắn với du lịch cộng đồng, gắn với hoạt động trải nghiệm và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Gắn hoạt động này với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình này, chính quyền các cấp cần chủ động định hướng, hướng dẫn cho triển khai từ đầu khi hình thành ý tưởng).
Bảy là: Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực tế ảo vào hoạt động du lịch.
Tám là: Trong thời gian đầu, rất cần có chính sách hỗ trợ du khách thông qua các doanh nghiệp du lịch đưa khách về với vùng cao miền Tây để kích cầu.
Cuối cùng, vì các huyện vùng cao đều là các huyện biên giới, nên cần có quy chế phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa các bên liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, cho du khách mà vẫn đảm bảo công tác an ninh quốc phòng.
Phát triển du lịch vùng cao miền Tây Nghệ An là một điều khó, nhưng không phải là không thể, thậm chí có thể phát triển nhanh, bùng nổ! Hãy bắt đầu đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng” từ những hành động nhỏ nhất!
Bài và ảnh: Trần Quốc Thành