569f2ce4890d45531c1c.png
Khu rừng Pơ mu nằm trên địa bàn các bản Huồi Giảng 1,2,3 thuộc xã Tây Sơn (Kỳ Sơn)

Đây là vùng có tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu; là địa bàn có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của tỉnh, có tới 9 huyện nằm trong khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á; là hành lang xanh kết nối 3 vùng lõi là Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù HuốngKhu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tạo nên sự liên tục về môi trường sống và các sinh cảnh, duy trì hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn, trong đó Vườn quốc gia Pù Mát làm trung tâm đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý về động, thực vật; là vùng có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế về kinh tế rừng, với trên 1,6 triệu ha đất lâm nghiệp phục vụ sản xuất; 789,7 ha rừng tự nhiên; 113 vùng mỏ lớn và 171 điểm quặng. Vì những tiềm năng, lợi thế và vị trí chiến lược quan trọng đó miền Tây trở thành một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Nghệ An, trở thành địa bàn được các cấp, các ngành hết sức quan tâm, với nhiều chủ trương, chính sách phù hợp

Quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội miền Tây

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, miền Tây được xác định là một trong 03 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, gắn kết với nhiều vùng quan trọng khác như vùng đồng bằng ven biển, vùng đô thị. Việc xác định xây dựng miền Tây Nghệ An vững mạnh toàn diện là vấn đề hết sức quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Thấy được tầm quan trọng đó, Trung ương Đảng, Chính phủ, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ An đã giành sự quan tâm đặc biệt đối với miền Tây. Sau hòa bình lập lại nhiều công trường, nông trường quốc doanh đã được nhiều đơn vị bộ đội dựng lên tại vùng này như Nông trường 3/2, Nông trường Sông Con, Nông trường quốc doanh 1/5 … các nông trường thời kỳ này đã trở thành biểu tượng của mô hình xã hội chủ nghĩa tại địa phương, trở thành tiêu biểu cho vùng miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An. Điều này cho thấy tiềm năng cũng như sự quan tâm của Đảng, Chính phủ tới vùng đất đặc biệt này. Bước vào thế kỷ 21 với xu thế hội nhập sâu rộng, các vùng kinh tế trọng điểm của địa phương đã dần được xác định vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế địa phương. Ngay từ Nghị quyết số 37-NQ-TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX, miền Tây Nghệ An đã được được Bộ Chính trị đưa vào địa bàn thực hiện phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.

204c3c2fe3c62f9876d7.jpg
Mô hình nuôi cá trên Hồ Thủy điện Hủa Na, huyện Quế Phong

Đặc biệt đến năm 2013 vùng kinh tế trọng điểm này được đưa vào hoạch định và triển khai một cách cụ thể tại Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020 theo Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh Nghệ An đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án phát triển miền Tây Nghệ An gắn với Chương trình hành động số 24-CTr/TU ngày 8/10/2013 của Ban Thường vụ tỉnh ủy và Quyết định số 5260/QĐ-UBND ngày 06/11/2013 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trên cơ sở đó các sở, ngành, địa phương đã xây dựng đề án, các chương trình, kế hoạch (gồm 31 đề án đang triển khai thực hiện, 4 đề án đang xây dựng, xin ý kiến triển khai). Với các mục tiêu: nhằm khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế miền Tây tỉnh Nghệ An cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh; cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh xác định “Phát triển vùng miền Tây Nghệ An, trọng tâm là Thái Hòa - Nghĩa Đàn – Đô Lương – Tân Kỳ - Con Cuông – Quỳ Hợp: Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH14, gày 18/11/2019 của Quốc Hội, gắn với tiếp tục thực hiện Quyết định 2355/QĐ-TTg, ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tôc thiểu số và miền núi theo hướng thiết thực, bền vững; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Những kết quả trong quá trình triển khai thực hiện phát triển kinh tế Miền Tây

Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, 07 năm thực hiện Quyết định 2355 /QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay miền Tây Nghệ An đã có được một diện mạo, vai trò, vị thế mới. Quy mô và tiềm lực kinh tế có bước phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 6,56%; giá trị tăng thêm bình quân đầu người bằng 70% so với toàn tỉnh, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm trên địa bàn ước đạt 19,1%[1]. Đã hình thành một số vùng sản xuất cây nguyên liệu, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến. Thương mại, dịch vụ được mở rộng, phát triển đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội miền Tây còn phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ đặt ra trước mắt và lâu dài đó là. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, bình quân mới chỉ đạt 8,1% còn quá xa so với mục tiêu đặt ra là 10-11%, kết quả thực hiện các chỉ tiêu trên chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Vùng; chưa tạo được sự chuyển biến căn bản, đột phá quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của Vùng; khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng, khoáng sản hiệu quả chưa cao. Một số sản phẩm công nghiệp trọng điểm đạt thấp so với kế hoạch; du lịch phát triển chậm. Thu hút đầu tư còn hạn chế, nhất là các dự án FDI; hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn còn thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; tỷ lệ hộ nghèo còn tương đối cao; mức sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn thấp. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được cả 4 mùa chưa đạt mục tiêu đề ra (chỉ 94,1% so với mục tiêu 100%)

Để đảm bảo mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế rừng, cây dược liệu, cây đặc sản vùng miền Tây Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết Đại hội tỉnh lần thứ XIX, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp, các ngành trong việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm miền Tây, tiếp tục tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm, 10 giải pháp chủ yếu mà chính phủ đã xác định tại quyết định số 2355 QĐ-TTg, ngày 4/12/2013 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đặc biệt, trên cơ sở Kết luận số 130-KL/TU ngày 10/01/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về kết quả 5 năm thực hiện quyết định 2355 QĐ-TTg, các cấp, các ngành cần đánh giá lại và đề ra các nhiệm vụ và giải pháp mới phù hợp cho giai đoạn mới. Để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trong giai đoạn mới này, cần phải có nguồn vốn đầu tư ổn định, thời gian qua mặc dù các cấp, các ngành có rất nhiều đề án phát triển miền Tây, tuy nhiên nguồn lực để thực hiện đề án là một vấn đề hết sức khó khăn, dẫn đến tình trạng đề án xây dựng xong lại không có nguồn lực thực hiện nên nhiều đề án vẫn “dẫm chân tại chỗ”. Vì vậy,việc tạo nguồn lực ổn định để phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Tây là vấn đề hết sức quan trọng, là mấu chốt thúc đẩy sự thành công của các đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây như mong muốn và tiềm năng vốn có.

Thứ hai, tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, quan tâm bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nhất là cấp cơ sở. Từ năm 2013 đến nay công tác tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp đại học, tri thức trẻ về công tác tại các xã, đã được tỉnh rất quan tâm, bổ nhiệm gần 30 đồng chí về tăng cường giữ các chức danh Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy xã, gần 80 đảng viên các đồn biên phòng về tham gia sinh hoạt tại các thôn bản để tăng cường và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, nhất là luân chuyển cán bộ sở, ngành cấp tỉnh về giữ các vị trí quan trọng tại các huyện miền Tây để tạo động lực phát triển.

Thứ ba, chú trọng việc hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng khai thác lợi thế so sánh của từng vùng, huy động nguồn lực tại chỗ, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản từng vùng đặc thù. Trong đó, cần quan tâm phát triển miền Tây Nghệ An thành một trung tâm hoa quả của tỉnh, của khu vực và cả nước, xây dựng và phát triển kinh tế theo hướng phát triển các loài cây ăn quả đặc sản.

Tuy nhiên, để miền Tây Nghệ An thực sự trở thành trung tâm hoa quả của tỉnh, của khu vực và cả nước, các cấp, các ngành cần sớm đưa các trạm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào giúp bà con ứng dụng để đảm bảo hiệu quả trong sản xuất và mục tiêu thực phẩm an toàn, sạch, là đặc sản vùng miền. Đồng thời, quan tâm sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm có thế mạnh của vùng. Để thực hiện tốt điều này cần có cơ chế ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến hàng nông sản; khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, các nhóm kinh tế tự nguyện tham gia vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tìm kiếm và phát triển thị trường, nhằm phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, ổn định đầu ra cho sản phẩm một cách bền vững, tránh tình trạng sản xuất ra không có người tiêu thụ hoặc tiêu thụ theo cơ chế tự phát.

3de403ae66c8a996f0d9.jpg
Khu vực Mường Lống (Kỳ Sơn) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho cây dược liệu phát triển.

Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới trên cơ sở chú trọng phát triển sản xuất, thực hiện đúng lộ trình các xã về đích nông thôn mới. Để làm tốt vấn đề này, cần quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác huy động, lồng ghép các chương trình, dự án để tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 61/QĐ-TTg ngày 12/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An. Trong đó, quan tâm công tác rà soát, bổ sung quy hoạch nông thôn mới gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sắp xếp dân cư biên giới, thích ứng với biến đổi khí hậu; vận động Nhân dân tích cực tham gia cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi; tăng cường hợp tác giữa địa phương, doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế trong nước và khu vực, khuyến khích hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; chăm lo công tác giáo dục đào tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất… góp phần thúc đẩy nhanh quá trình về đích trong thực hiện chương trình nông thôn mới, tạo bước chuyển căn bản cho kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An.

Thứ năm, chú trọng phát triển kinh tế rừng gắn với các vùng dược liệu. Vấn đề phát triển kinh tế dược liệu và công nghiệp dược là vấn đề được Nghị quyết Đại hội XIX của tỉnh xác định là hướng mở mới cho kinh tế tỉnh nhà: “ khai thác hợp lý, có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, phát triển các sản phẩm có lợi thế vùng như: kinh tế rừng, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, dược liệu...chế biến nông lâm sản theo hướng hình thành một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu..”[2]. Có thể nói rằng đất rừng và rừng là tài nguyên giàu nhất của các huyện miền Tây nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, bởi miền Tây Nghệ An là nơi tập trung phần lớn diện tích rừng và đất rừng của tỉnh nhưng đang là vùng nghèo. Nghèo bởi chỉ có rừng và đất rừng là tài nguyên gần như duy nhất. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn tài nguyên có thể vực miền Tây của tỉnh trở thành giàu có, với 9/11 huyện nằm trong khu dự trữ sinh quyển của thế giới với hệ thống rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng diện tích quy hoạch gần 520 ngàn ha, chiếm 37,5% diện tích tự nhiên của vùng miền Tây, phần lớn những dược liệu quý nhất của Nghệ An đều sống ở đất rừng, sống dưới tán rừng. Nói vậy thấy rằng việc gắn rừng với dược liệu để thực hiện chiến lược rừng với chiến lược dược liệu và vấn đề hết sức quan trọng. Nói cách khác, chỉ có trồng rừng nhiều tầng để kinh doanh tổng hợp thì mới phát huy được thế mạnh của những cánh rừng già tại Nghệ An. Vì vậy, các cấp, các ngành cần có một chương trình tổng thể, nhất quán về chủ trương, có cơ chế và các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích việc phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển dược liệu theo hai hướng: Bảo tồn và khai thác dược liệu trong tự nhiên, phát triển dược liệu dưới các tán rừng nguyên sinh và trồng tập trung một số đối tượng cho phép. Trong đó, đặc biệt quan tâm theo hướng ưu tiên trồng rừng đa sản phẩm, rừng “hỗn giao” có gỗ, có sản phẩm phi gỗ, sản phẩm dài ngày, sản phẩm ngắn ngày, các loài dược liệu, kết hợp trồng hoa lan, nuôi ong lấy mật… Mặt khác, tại các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, Pù Hoạt, Pù Huống có thể xen canh để nuôi trồng thêm các loại dược liệu dưới các tán rừng theo chương trình dược liệu mà tỉnh đã xác định. Sớm đưa miền Tây trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh theo tinh thần mục tiêu Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, và các đề án của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra./.

Kim Lưu

[1] Tỉnh ủy Nghệ An (2020), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tr.32

[2] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An (2020), Tài liệu hỏi đáp Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tr.80