Về chủ trương phản biện, Bộ chính trị đã có Quyết định số 217/QĐ-TW ngày 10/12/2013 “Về ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội”. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 “Về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam”. Tuy vậy công tác phản biện còn nhiều vướng mắc, hạn chế như đã được chỉ ra tại Đề án số 09.ĐA/TU của Tỉnh ủy Nghệ An ngày 23/6/2009, đó là các quyết định của Trung ương và Thủ tướng Chính phủ chưa quy định rõ những chương trình, dự án như thế nào thì phải qua tư vấn phản biện. Đây là lỗ hổng pháp lý để lách qua phản biện. Để thể chế công tác phản biện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Đề án số 09.ĐA/TU của Tỉnh ủy tại mục I nêu rõ: Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định quy định cụ thể những Đề án kinh tế khi phê duyệt hoặc trình cấp trên phê duyệt có các tiêu chí sau đều phải qua ý kiến tư vấn phản biện là: “Các dự án đầu tư quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh. Các dự thảo chương trình, quy hoạch và các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh”.

bna__mai_hoa_123851887_142022.jpg
Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê, nhà ở chung cư cao tầng trên Đại lộ Lênin đã thành 3 dự án, 3 chủ đầu tư và hiện tại đang được đề biển cho thuê mặt bằng. Ảnh: BNA

Năm 2013, Trung tâm Tư vấn ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Công nghệ Thủy lợi - Hội Thủy lợi Nghệ An thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An tham gia cuộc thi với chủ đề sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới tổ chức. Với đề án dự thi “Xây dựng cơ chế chính sách đưa chủ trương phản biện vào cuộc sống ở Nghệ An”. Đề án là một trong 20 đề án đạt giải toàn quốc và được Ngân hàng thế giới cấp 300 triệu đồng để triển khai ở Nghệ An nhằm xây dựng cơ chế, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện Đề án số 09.ĐA/TU của Tỉnh ủy. Vì vậy, ngày 24/6/2013 được Tỉnh ủy Nghệ An có văn bản số 2090/CV-TU chỉ đạo và được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Trung tâm dự thảo cơ chế Tư vấn phản biện và giám định xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và các cơ quan liên quan thẩm định dự thảo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định. Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quyết định số 60/2014/QĐ-UBND ngày 18/9/2014 về việc “Ban hành Quy định hoạt động Tư vấn phản biện xã hội của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Nghệ An”. Tuy đã có cơ sở pháp lý nhưng phản biện vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Nguyên tắc phản biện là tuân thủ pháp luật, ý kiến phản biện có cơ sở khoa học và thực tế cuộc sống. Nếu được phản biện, các dự án đầu tư sẽ làm rõ ngay từ đầu các nội dung:

Một là sự cần thiết của dự án về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái.

Hai là năng lực khoa học và công nghệ của chủ đầu tư, nếu có mua sắm thiết bị phải làm rõ nguồn gốc và giá cả.

Ba là năng lực tài chính của chủ đầu tư, đối với dự án có giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư thì phải đảm bảo cam kết thực hiện lời hứa của Nhà nước là nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Vì vậy phải kiểm tra khu tái định cư phải có quỹ đất ở, đất vườn, đất sản xuất và nguồn nước, bao gồm nước ăn uống, nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất cho người dân tái định cư. Minh chứng hiệu quả phản biện cụ thể là sự việc xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) bị ngập trong lòng hồ Bản Mồng. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt 8 khu tái định cư với tổng kinh phí 899 tỷ đồng để di dân xã Châu Bình. Tác giả đi thực địa xét thấy các khu tái định cư không có tính khả thi do thiếu quỹ đất và nguồn nước nên đã đề nghị và được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Nghệ An giao cho Trung tâm phản biện (thời điểm đó tác giả đang làm Giám đốc Trung tâm). Kết quả phản biện là đã đề xuất, bổ sung hợp phần đập phụ và kênh tiêu Châu Bình để tách cơ bản địa bàn xã Châu Bình ra khỏi lòng hồ với tổng kinh phí 647 tỷ đồng, giảm ngân sách phải xây dựng các khu tái định cư 252 tỷ đồng, đặc biệt là không phải di dời đại bộ phận người dân xã Châu Bình.

Trung tâm và tác giả vinh dự nhận được giải đặc biệt Khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An, giải ba cuộc thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, bằng khen UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói nếu được phản biện sẽ hạn chế được nhiều dự án “treo”, chậm tiến độ hoặc kém hiệu quả như hiện nay.

Để phản biện đi vào cuộc sống, thiết nghĩ rất cần được Tỉnh ủy hoặc Hội đồng nhân dân tỉnh có nghị quyết với cơ chế hàng năm UBND tỉnh hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An là hai tổ chức được Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ phản biện.

Với trách nhiệm được giao các tổ chức này lựa chọn dự án quan trọng báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh để thực hiện phản biện. Dự toán kinh phí phản biện lập theo Thông tư Liên tịch giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính.

Thực tế cho thấy phản biện là một giải pháp giảm dự án "treo", chậm tiến độ rất hiệu quả khi phản biện đi vào cuộc sống.

Nguyễn Quang Hòa

Ủy viên UB MTTQ tỉnh

Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi