Đón nhận hai Nghị quyết này, cử tri, Nhân dân cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những quyết đáp tối ưu về hai vấn đề sát sườn, cấp bách đối với người dân và doanh nghiệp hiện nay; tin tưởng, khi Nghị quyết được thực thi chắc chắn sẽ phúc đáp được đòi hỏi của thực tiễn.

Kịp thời hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân

Xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu chiến lược của đất nước. Thời gian qua, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, như nhu cầu sử dụng tăng do quá trình phục hồi và phát triển của các quốc gia sau đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine dẫn tới sụt giảm sản lượng nguồn cung… giá dầu thế giới có những biến động bất thường, tăng cao và xu hướng chưa thể giảm trong ngắn hạn. Giá dầu thế giới tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước cũng tăng nhanh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Vì thế, vấn đề cấp thiết đặt ra là: phải có giải pháp để giảm giá bán xăng, dầu!

Nắm bắt đòi hỏi của cuộc sống, vấn đề thời sự và cấp bách này đã ngay lập tức được lựa chọn là một trong hai nhóm vấn đề chất vấn tại phiên chất vấn đầu tiên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV tổ chức ngày 16.3 vừa qua. Tại Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng, dầu tại đợt họp thứ hai của Phiên họp thứ Chín để kịp thực hiện ngay từ tháng 4 tới.

Đề xuất giảm thuế môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn của Chính phủ được kỳ vọng như một trong những biện pháp nhằm “hạ nhiệt” ngay giá xăng, dầu trong nước, nằm trong biểu khung thuế tại Luật Thuế bảo vệ môi trường, nên thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến khẳng định việc điều chỉnh giảm thuế xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề xuất của Chính phủ là “rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay”, thì cũng có ý kiến băn khoăn rằng, việc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường không phù hợp với bản chất, nguyên tắc tính thuế bảo vệ môi trường. Chưa kể còn nhiều giải pháp khác phù hợp hơn để giảm giá bán xăng, dầu, như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế xuất nhập khẩu, hay rà soát cơ cấu giá xăng, dầu như định mức chi phí, định mức hao hụt xăng, dầu và lãi định mức... Các chiều kích của vấn đề đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích, cân nhắc một cách toàn diện, kỹ lưỡng khi xem xét dự thảo Nghị quyết tại Phiên họp thứ Chín. Trong đó, tính kịp thời của chính sách là một nội dung được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu tâm.

Về bản chất, có thể dùng các sắc thuế khác để giảm giá xăng, dầu trên thị trường thì đúng hơn. Nhưng nếu dùng các sắc thuế khác thì thẩm quyền là của Quốc hội. Và, nếu chờ đợi đến Kỳ họp gần nhất của Quốc hội (tháng 5.2022) sẽ không đáp ứng được yêu cầu về tính kịp thời. Do đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý ngay và Nghị quyết dự kiến có hiệu lực trong vài ngày tới (1.4.2022) sẽ đáp ứng được tính kịp thời, theo kịp đòi hỏi của cuộc sống. Còn về dài hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng như nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất như đề nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, phải sử dụng công cụ là thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để điều chỉnh vấn đề này.

Tham gia phát biểu tại Phiên họp với cương vị “là một người dân”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ: Nhân dân rất mong muốn giảm thuế môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu càng nhanh càng tốt. “Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất kịp thời theo đề xuất của Chính phủ để có thể giảm giá xăng dầu”.

Với 100% thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn đến ngày 31.12.2022 để kịp thời hỗ trợ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, góp phần kiểm soát lạm phát. Cụ thể, đối với xăng, trừ Ethanol, mức thuế tối thiểu là 2.000 đồng/lít; với nhiên liệu bay, mức thuế tối thiểu là 1.500 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn mức thuế tối thiểu là 1.000 đồng/lít; dầu hỏa mức thuế tối thiểu là 300 đồng/lít. Trên cơ sở mức thuế tối thiểu này, Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào tình hình giá xăng, dầu trên thế giới để xác định mức thuế bảo vệ môi trường xăng, dầu, mỡ nhờn, phù hợp với tình hình thực tiễn. Mức điều chỉnh thuế nêu trên được áp dụng từ ngày 1.4.2022 đến hết ngày 31.12.2022. Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua theo quy trình một phiên họp với trình tự, thủ tục rút gọn.

Tìm điểm cân bằng

Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với 100% thành viên có mặt tán thành. Theo đó, khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt. Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết nêu rõ, nếu người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Nghị quyết được thông qua với sự thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện các mặt tác động của chính sách. Thực tế, khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì quan điểm và đề xuất của Chính phủ, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, là “thiết tha đề nghị” Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình phương án “không quá 72 giờ trong một tháng”. Nhiều lý lẽ với những con số tính toán cụ thể về số giờ lao động tăng thêm cũng như số ngày công bị tổn thất do dịch bệnh… được đưa ra để thuyết phục cho việc lựa chọn phương án này. Tuy nhiên, phương án tối ưu trong thời điểm hiện nay về số giờ làm thêm trong một tháng, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, đó là “không quá 60 giờ trong 1 tháng”.

Như phân tích của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, giờ làm việc của người lao động là vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Nhưng tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội được quyết định một số chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù nhằm chủ động phòng, chống dịch Covid-19, cho nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải hết sức kỹ lưỡng, cân nhắc. Đây là một quyết sách tổng hợp không chỉ liên quan đến vấn đề lao động, sản xuất, việc làm, sức khỏe mà còn là vấn đề chính trị, xã hội và nhiều vấn đề khác. Cho nên tuy xem xét, thông qua theo thủ tục rút gọn, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải chia thành 2 đợt (đợt 1 và đợt 2 của Phiên họp thứ Chín) để xem xét và có thời gian để cân nhắc cũng như lắng nghe ý kiến từ dư luận.

Do còn 2 loại ý kiến khác nhau về giờ làm thêm trong 1 tháng, theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã xin ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai phương án này trước khi trình dự thảo Nghị quyết tại đợt 2 của Phiên họp thứ Chín. Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải dành thời gian để “cân nhắc, trao đổi cho hết nhẽ và lắng nghe nhau để tìm ra được một phương án tối ưu”. “Nếu chúng ta đứng về một phía nào đó thì đều không hợp lý và coi đây chỉ là một giải pháp cá biệt trong tổng thể thị trường lao động thì không phải”. Vấn đề đặt ra ở đây là "phải giải quyết bài toán này một cách tổng hòa", phải “cân đối giữa lợi ích trước mắt và lâu dài”, đặc biệt phải “hết sức khách quan, hết sức thận trọng, kỹ lưỡng”. “Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà làm ào ào thì bỏ phiếu xong rồi!”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Liên quan đến giờ làm thêm của người lao động, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một mặt để đáp ứng kịp thời các đơn hàng bị đình trệ do Covid-19, nhưng mặt khác rất quan trọng, đó là cần tính tới cả yếu tố “hậu Covid-19” với sức khỏe của người lao động như thế nào. “Tôi hy sinh sức khỏe trước mắt nhưng cuối cùng tôi tổn hại sức khỏe lâu dài có được không?”. “Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói đều có lý của mình, nhưng chúng ta phải tìm điểm cân bằng...”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, đây chỉ là “giải pháp tình thế” trong bối cảnh dịch bệnh. Hơn nữa, còn nhiều chính sách khác để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nói chung và người lao động nói riêng. Cụ thể, trong “gói 135.000 tỷ đồng” Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Hai cũng dành nhiều tiền để bù đắp cho sự thiếu hụt về lao động.

Phạm vi và nội dung điều chỉnh của 2 nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thuộc các lĩnh vực khác nhau, nhưng điểm chung là cùng quyết nghị về những vấn đề vừa mang tính thời sự, cấp bách, thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Hai Nghị quyết này đã một lần nữa khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Bởi với sự “cởi mở”, có tính chất “đi trước, mở đường” của Nghị quyết số 30 đã tạo sự linh hoạt, chủ động cho Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến nhanh, phức tạp. Với sự ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 30 của Quốc hội còn tạo điều kiện để các quyết đáp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không những “bắt kịp”, mà còn “song hành” với diễn biến của thực tiễn cuộc sống.

Lam Giang