Mùa Xuân đã về nơi xã biển địa đầu xứ Nghệ. Từng cơn gió Đông mang hơi thở trong lành của đại dương nhè nhẹ mơn man. Cảng cá Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) lúc này, 140 tàu, thuyền từ ngư trường Hoàng Sa đã, đang về mang đầy tôm, cá. Tiếng gọi, tiếng cười í ới của chủ thuyền, thuyền viên, những người làm hậu cần nghề cá, thương lái nghe râm ran.
Tàu thuyền ngư dân Quỳnh Lập trở về sau chuyến khơi xa. Ảnh: Thành Cường
Tết đến, Xuân về đã xua tan đi bao khó khăn của một năm cũ… Ngư dân xã Quỳnh Lập đã vốn quen với thiên tai, bão bùng sóng cả. Họ vẫn luôn kiên cường bám biển khai thác hải sản và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng nào ngờ, năm qua, xã Quỳnh Lập 2 lần bị “dịch họa” Covid-19 xâm nhập, với xấp xỉ gần 100 F0 và hàng trăm F1 (lần đầu vào tháng 5, lần sau vào tháng 11). Việc buộc phải cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội; đến chuyện hải sản khai thác về bị một bộ phận người dân kỳ thị nên khó bán, bán giá rẻ, đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân rất nhiều.
Dịch họa tạm rời xa, cuộc sống dần bình yên trở lại. Gặp gỡ nơi cảng cá Quỳnh Lập, khuôn mặt anh Phan Văn Hải - Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Lập đã phảng phất nét cười. Anh Hải tâm tình: “Ảnh hưởng của dịch đã khiến tình hình đánh bắt, mua bán hải sản rất khó khăn. Nhiều chủ tàu kiệt quệ, không dám ra khơi, nhiều thuyền viên toan tính bỏ nghề. Nhưng rồi, Nghị quyết 128 ra đời đã khiến nghề cá dần hồi sinh. Sau chuyến ra khơi dài ngày, nhiều tàu, thuyền đã cập cảng với sản lượng khai thác lớn. Bình quân chuyến đi biển này, các lao động trên tàu có thu nhập từ 10- 15 triệu đồng, đủ để có một cái Tết đủ đầy. Các chủ tàu cũng vơi đi phần nào nỗi âu lo”...
Tại cửa hàng hải sản của chị Lê Thị Nhung ở thôn Tâm Tiến, xã Quỳnh Lập nhộn nhịp người ra, vào để đóng hàng xuất đi các địa phương trong và ngoài tỉnh. Chị Nhung phấn khởi cho hay: “Hàng hóa bán trôi chảy. Các mặt hàng bán chạy nhất là mực khô, cá thu, mực ống. Đây cũng là sản phẩm thường được mua để biếu tặng trong dịp tết Nguyên đán. Giá cả có tăng nhẹ”.
Mọi lo toan cho cuộc sống tạm được gác lại, nhường chỗ cho niềm vui, đoàn viên sum vầy. Ảnh tư liệu
Sau cơn biến động, làng biển Quỳnh Lập ngày cận Tết, những ngôi nhà khang trang được trang hoàng rực rỡ, đường sá phong quang, sạch sẽ hơn. Các xe hàng vào, ra trật tự. Không còn cảnh xô bồ, người dân tụm năm, tụm bảy. Một nếp sống rất mới đã được hình thành.
Ông Nguyễn Văn Nho - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập chia sẻ: “Sau tất cả, người dân xã thêm vững tin, đoàn kết để chiến thắng dịch Covid-19. Bây giờ cuộc sống bình thường trở lại nhưng mọi người đã có tập cho mình thói quen “5K” để chống dịch, không tập trung đông người, cảnh giác trước nguy cơ… Bằng sự đồng lòng, quyết tâm và nỗ lực, sang năm mới, chắc chắn rằng cuộc sống sẽ khởi sắc, ấm no hơn”.
Xuân đã về, những cơn gió ấm lành như khiến sắc hoa thêm rực rỡ trên các nẻo đường từ duyên hải lên miền sơn cước xứ Nghệ. Những cánh đồng hoa, khu du lịch sinh thái trên vùng đất đỏ Phủ Quỳ trở nên tươi mới đón chào du khách gần xa về tham quan. Khu du lịch sinh thái và khách sạn Hòn Mát cũng vậy. Mới chỉ cách đây hơn 4 tháng, khu du lịch này là một vùng đất hoang tàn, xơ xác. Phôi sinh ngay trong thời điểm cả tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 và giờ đây khu du lịch đã trở thành điểm đến mới trên bản đồ du lịch Nghệ An.
Sắc hoa Xuân ở khu du lịch Hòn Mát. Ảnh: Thành Cường
Ông Đặng Trọng Tấn - Giám đốc Khu du lịch chia sẻ: Trước đây, khu du lịch này đã được phê duyệt, đầu tư. Nhưng chủ đầu tư cũ không đủ sức thực hiện công trình nên đành bỏ hoang. Khu du lịch ở vị trí rất đẹp, bỏ hoang rất lãng phí. Là người con quê hương nên chúng tôi thấy rất tiếc, bèn bắt tay cùng kiến thiết. Ở thời điểm bắt đầu làm, chỉ nghĩ rằng dịch bệnh còn lâu mới kết thúc, nhưng rồi khi tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin Covid-19 tăng lên thì mọi người sẽ sống chung với dịch… Chúng tôi dồn sức thần tốc xây dựng, đến nay khu du lịch bước đầu đã định hình. Rất đáng mừng là lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng rất đông. Ở thời điểm Tết này chúng tôi đang tập trung kinh doanh, đồng thời thực hiện triển khai các giải pháp chống dịch để đảm bảo sự bền vững.
Càng đi xa, lên cao càng thấy nhiều điều mới mẻ. Từ Nghĩa Đàn cho đến Quế Phong đã thấy rất nhiều công trình, nhà máy, khu du lịch đang được xây dựng, mọc lên. Nhiều nhà máy may, nhà máy gỗ vừa được hình thành, bắt đầu đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu vui vẻ báo tín hiệu mừng của quê hương: “Năm qua, số lao động mất việc do dịch Covid-19 hồi hương lớn. Ngay từ buổi đầu, huyện đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng lượng khai thác rừng nguyên liệu lên; các doanh nghiệp xây dựng ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc. Nhờ đó, đã giải quyết được rất nhiều việc làm, người dân có khoản thu nhập để lo cho cuộc sống, có cái Tết tươm tất.
Những cô gái Thái Quỳ Châu thăm đồng. Ảnh: Thành Cường
Thích ứng linh hoạt trước tình hình dịch Covid-19, bước vào năm 2022, huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo nâng kế hoạch khai thác rừng trồng, tăng diện tích rừng trồng, nhằm tạo việc làm, thu nhập cho lao động phổ thông. Bên cạnh đó, huyện đã tập trung kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư, mở nhà máy tại địa bàn. Hiện tại, đã có một số dự án đầu tư vào địa bàn bắt đầu được bố trí vốn; 1 nhà máy may công nghiệp liên kết đào tạo nghề - bố trí việc làm đi vào hoạt động với 150 lao động; hiện nhà máy đang mở thêm 2 chi nhánh tại xã Châu Bình và Châu Bính (2 xã có lao động hồi hương đông). Năm 2022 này dự kiến sẽ có 2 nhà máy chế biến gỗ ván, thanh được xây dựng, ít nhất 1 nhà máy đi vào hoạt động”.
Trong dòng người ngược núi du Xuân, đã thấy nhiều du khách đi theo nhóm nhỏ về với Homestay Cọ Muồng (xã Châu Kim, huyện Quế Phong). Homestay Cọ Muồng hình thành, đi vào hoạt động từ tháng 9/2021; bao gồm 3 hộ dân tham gia; tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên (không tính chủ nhà), với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Những ngày cuối tuần, Cọ Muồng luôn kín khách. Riêng khách đặt ăn uống từ 8-10 mâm. Về với Cọ Muồng, du khách có thể thưởng thức văn hóa, dân ca, dân vũ và ẩm thực dân tộc Thái. Nơi đây là địa điểm tạm nghỉ lý tưởng trong hành trình khám phá thác Sao Va, thác Bảy tầng, lòng hồ Thủy điện Hủa Na, đền Chín Gian…
Homestay Cọ Muồng chuẩn bị đón khách. Ảnh: Thành Cường
Trước khu Homestay Cọ Muồng có dòng suối tự nhiên rất đẹp, nhiều loại thủy sản quý. Theo ông Lương Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Châu Kim: Hiện nay, cùng với việc tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Từ giống lúa thông thường sang giống lúa nếp đặc sản người Thái, rau sạch, chè hoa vàng; từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi dê, theo mô hình trang trại. Bên cạnh đó, xã cũng đang xây dựng các mô hình bảo tồn các giống thủy sản quý của địa phương nhằm phục vụ du lịch… Cọ Muồng khai sinh trong dịch và thắng lợi. Trên đà này, năm 2022, ở xã có thêm khu du lịch bảo tồn văn hóa cộng đồng người Thái được xây dựng, đi vào hoạt động, hứa hẹn tạo được nhiều việc làm cho người dân cũng như kéo các hoạt động sản xuất, dịch vụ đi lên.
Tết này, xã Châu Kim đang nêu quyết tâm giữ “vùng xanh an toàn tuyệt đối”. Xã Châu Kim đã và đang có cách làm rất hay để chống dịch, bảo vệ vùng xanh. Xã đã tập trung tuyên truyền người dân thực hiện tốt khuyến cáo “5K”, cũng như nắm rõ các phương án chống dịch; thiết lập 54 tổ Covid cộng đồng ở 6 bản, thường xuyên nắm bắt để báo cáo việc xuất hiện của người lạ trên địa bàn; thống kê và lấy số điện thoại toàn bộ con em đi làm việc ngoài địa phương, lập nhóm Zalo để tuyên truyền cũng như tạo điều kiện cho con em khai báo sớm khi trở về để có phương án xử lý, ngăn ngừa dịch bệnh ngay từ đầu (qua thống kê, toàn xã có 83 người đi làm ăn xa, đã, đang và sẽ về trong dịp Tết).
Những cánh hoa đào nở, báo hiệu mùa Xuân trên miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Đức Anh
Nẻo đường Tây Nghệ An vào Xuân, người và xe từ huyện rẻo cao Quế Phong sang huyện rẻo cao Kỳ Sơn và ngược lại tấp nập. Núi đồi xanh tươi, bản làng trù phú. Trên đồng, trên rẫy, sau một vụ mùa bội thu, lúa nước và ngô sắn mới trồng lại phủ xanh.
Ông Lương Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai (Tương Dương) cho biết: Năm rồi, xã bị dịch Covid-19 xâm nhập nhưng đời sống kinh tế người dân không ảnh hưởng nhiều. Chẳng là thời điểm dịch lại rơi vào thời kỳ nông nhàn. Lao động mất việc về quê thì lại có ngay việc làm tại chỗ là thu hoạch sắn, rồi lại trồng lúa, trồng ngô. Bây giờ số lao động trở về này đều đã được tiêm 2-3 mũi vắc-xin, đợi ăn Tết xong, họ lại đi tìm việc mới ở các khu công nghiệp. Nhôn Mai Tết này vẫn cứ rất vui…
Tết cận kề rồi, bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê (Con Cuông) cũng đã được trở về trạng thái bình thường mới. Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở bản này được phát hiện vào ngày 10/12/2021. Và rồi, qua xét nghiệm, 7/7 bản ở xã đều có ca nhiễm với 151 F0. Riêng bản Chôm Lôm được xác định ở cấp độ 4… Với nhiều biện pháp tích cực đã được triển khai, Chôm Lôm nói riêng và Lạng Khê nói chung đã vượt qua dịch. Người nhiễm đều khỏe mạnh và trở về nhà. “Dịch dã, thiên tai gây hại thì người bắt đất đền” – Bà Lô Thị Hoa, người dân xã Lạng Khê chia sẻ quyết tâm khi bước vào sản xuất vụ xuân trồng mía, lúa.
Ông Lương Đình Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông chia sẻ trước thềm Xuân: Sau 1 năm chiến đấu với đại dịch, điều đáng lạc quan vui mừng nhất đó là người dân đã vững vàng, thích nghi hơn. Mọi người đều có nhận thức tốt hơn, đoàn kết hơn và tin yêu hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Năm qua, dẫu nhiều khó khăn nhưng huyện Con Cuông đều đạt các mục tiêu về kinh tế, xã hội; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Năm mới về rồi, huyện Con Cuông sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh là sản xuất nông, lâm nghiệp để đưa địa phương phát triển, xây dựng cuộc sống ấm no./.
Thành Chung