Bao giờ em về thăm/ Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa/ Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam…”. Đấy, chỉ mấy câu của khổ đầu chương cuối “Miền Trung” của trường ca “Trầm tích” đã đủ khẳng định khí chất “Nghệ” trong thơ của anh mạnh mẽ và dào dạt thế nào.

Nhà thơ Hoàng Trần Cương và tập thơ "Bầu trời đất"

Hoàng Trần Cương sinh năm 1948 thuộc lớp đàn anh của tôi cả tuổi đời lẫn văn chương. Bắt đầu sự nghiệp, anh viết văn xuôi và đạt thành tựu từ khi còn rất trẻ. Năm 1972 anh đã đoạt giải A về văn xuôi đề tài lực lượng vũ trang của Tạp chí Văn nghệ quân đội với ký sự “Hạnh phúc hôm nay” và đã có sách in chung. Ngày đó để là tác giả của một cuốn sách là điều khó như lên trời nên các tác giả trẻ phải chấp nhận in chung, mà in chung đã quá vinh dự tự hào bởi không phải ai cũng có được sự ghi nhận ấy. Song thật sự thì phải đến sáng tác thơ thì tên tuổi của Hoàng Trần Cương mới lừng danh văn đàn bằng giải Nhất thơ Báo Văn Nghệ năm 1991 với trường ca “Trầm tích”.

Tôi biết đến một Hoàng Trần Cương thơ trong một trường hợp hy hữu chẳng giống ai. Đó là vào một ngày của năm 1987, chú ruột tôi, nhà báo Phạm Ngọc Bích, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Lương thực (Sau là Báo Nông nghiệp Việt Nam) khoe với tôi tờ Báo Văn Nghệ in chùm thơ ba bài có bút tích tác giả tặng. Chú tôi lúc này đã về hưu và sống rất nghèo túng. Mẫu cán bộ như ông chú tôi nghèo là chuyện đương nhiên, lúc đương nhiệm ông kiêm cả chức Phó ban 79 tức là Ban chống tiêu cực của Bộ Lương thực Thực phẩm, khi về hưu ông trả lại tất tật những thứ cơ quan trang bị như máy chữ, giường tủ…để trở thành người vô sản đúng nghĩa. Phải nói kỹ điều này vì ngoài tờ báo có chùm thơ, Hoàng Trần Cương còn mang đến tặng chú tôi ba yến gạo tẻ. Hỏi ra mới biết chú tôi nguyên là thủ trưởng cũ của nhà thơ. Khỏi nói chú tôi mừng thế nào. Ông đọc liền một lèo cả ba bài thơ cho tôi nghe, giọng lạc đi và mắt rưng rưng. Chú tôi đã ra người thiên cổ từ lâu nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn không quên những câu thơ của Hoàng Trần Cương qua giọng đọc của ông hôm đó: “Ôi cái đường chân trời/ Thực đấy mà mơ đấy/ Càng trông càng lộng lẫy/ Càng đi càng xa vời/ Phải vì anh đến muộn/ Nên chiều buông mất rồi/ Nói chi điều dữ dội/ Ráng bập bùng khôn nguôi… (Đường chân trời). Đọc xong ông thở hổn hển, chú tôi vốn là người ôm mộng văn chương nhưng thành tựu lớn nhất ông đạt được chỉ là tấm thẻ nhà báo, tôi biết chú tôi xúc động vì nhiều nhẽ. Thơ, hiển nhiên rồi, cả ba bài ông đều tâm đắc. “Đường chân trời” sau đó được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc. Ba yến gạo cũng là một lý do nặng cân nhưng cái lẽ này mới là chính, ông đã về hưu, có người đến thăm đã là quý giá, đã là tình, là nghĩa, huống hồ cùng lúc được những mấy món quà quý nhường kia, rưng rưng là phải. Dường như chú tôi hiểu điều tôi vừa nghĩ, trong cơn xúc động, ông bốc đồng một cách cương quyết, xúc mang đi đủ một yến gạo, bán lấy tiền đãi tôi uống ruợu. Hôm đó cả hai chú cháu tôi đều say nghiêng ngả và một Hoàng Trần Cương - Nhà thơ, xuất hiện trong tôi từ đấy, bằng cái cách độc đáo vô cùng.

Tác phẩm Trầm tích và Long Mạch của Nhà thơ, nhà báo Hoàng Trần Cương

Sau cái lần ông chú tôi bán gạo uống rượu đó, tôi bắt gặp thơ Hoàng Trần Cương liên tục in trên báo. Ấn tượng nên tôi đọc kỹ thơ anh nhất là những trích đoạn trường ca “Trầm tích”. Thú thật, thơ Hoàng Trần Cương không mượt mà chải chuốt như đa phần các nhà thơ khác mà mạnh mẽ, thẳng tuột một cách bạo liệt. Anh viết về chiến tranh ,về đất đai, con người xứ sở như moi từ gan ruột mình ra dù đấy là tâm trạng buồn đến thắt lòng hay niềm tự hào quá đỗi, hoặc giả nỗi bi phẫn đến ngất trời. Thơ Hoàng Trần Cương mộc thô như đất cằn xứ Nghệ quê anh, bất ngờ về ý tưởng, dạt dào về cảm xúc, thật một cách hồn nhiên bởi thật quá nên thơ anh lấn sang được bến bờ của cõi ảo khiến tứ thơ nào cũng lạ, rất lạ. Bài thơ đầu tiên Hoàng Trần Cương làm từ năm 17 tuổi có tên là “Dư âm”: “Ta như đất lặng câm mà dữ dội/ Yên lành trải bình nguyên/ Thanh thản dựng núi đồi/ Em đừng trách ngày thường anh nông nổi/ Màu trời nào chẳng mang xác một dòng sông chết trôi!”. Đấy, rất lạ tôi có cảm giác âm hưởng bài thơ này cuốn theo hành trình thơ như một lời tiên tri, một định mệnh của đời thơ Hoàng Trần Cương. Đó là cảm nhận về sau khi tôi đã biết đến một Hoàng Trần Cương đủ đầy và trọn vẹn, còn lúc đó tôi chỉ thầm mong một dịp nào đó được gặp anh.

Lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Hoàng Trần Cương ở chính lễ trao giải thưởng thơ Báo Văn Nghệ năm 1991. Tôi bỗng ngần ngại vì một Hoàng Trần Cương ngoài đời khác xa với một Hoàng Trần Cương trong hình dung của tôi. Sao lại có thứ hình dong nhà thơ dữ dằn thế kia? Một khuôn mặt vâm váp, gân guốc như đang được tạo hoá tạc dở, góc cạnh, ngang tàng. Đôi mắt bị cặp lông mày lưỡi mác rậm rì nuốt chửng. Mũi, môi, da dẻ, tóc tai, đến thân hình chắc khừ như cối đá… thứ gì cũng thô thô, kệch kệch. Thêm vào đấy là lối nói sóng gió, thẳng băng “ăn tươi nuốt sống” không hạ cung bậc khi phát biểu nhận giải và trò chuyện với mọi người xung quanh. Tự nhiên tôi đâm chợn và lặng lẽ rút lui không đến chào làm quen.

Dễ có đến vài năm sau, thi thoảng chạm mặt Hoàng Trần Cương trong những cuộc rượu bạn bè, tôi vẫn giữ khoảng cách với anh, dù niềm kính trọng thơ ca nơi con người có vẻ ngoài thô tháp kia cùng ấn tượng của kỷ niệm ông chú ruột bán gạo, uống ruợu năm nào vẫn không hề vơi giảm trong tôi. Cho đến một lần trong một cuộc nhậu say bất tử tôi buột ra những gì tôi biết, tôi cảm nhận về anh, tất nhiên cả câu chuyện ba yến gạo. Hoàng Trần Cương ngồi thừ ra, miệng cứ lẩm nha, lẩm nhẩm: “Ông Bích à…ông ấy tốt lắm…chính ông Bích, trước khi về hưu ký quyết định chuyển mình làm phóng viên. Dạo ông ấy mất…”. Tôi nhận ra một bên khoé mắt anh rân rấn. Hoàng Trần Cương quay mặt đi nhưng lại nhoài người, đưa bàn tay hộ pháp xiết tay tôi đau điếng. Chỉ chừng ấy đủ đưa anh em tôi lại gần nhau. Chẳng cần nhiều thời gian, tôi nhanh chóng nhận ra một con người khác khuất lấp trong hình hài khác người kia. Một Hoàng Trần Cương thi sĩ, yếu đuối, đa cảm, đau đời nhưng yêu đời, luôn trầm buồn, tĩnh lặng song hành cùng một Hoàng Trần Cương mạnh mẽ, ồn ào, sống hết mình, làm việc hết mình, nồng nhiệt, chân thành trong tình cảm nhưng rành rẽ mọi chuyện, mọi nhẽ như cái nghề kế toán anh vận vào thân.

Trường ca “Trầm tích” vụt đưa tên tuổi Hoàng Trần Cương sáng rực trên văn đàn. Độc giả đón nhận, văn giới nể trọng và liên tiếp các giải thưởng lớn đến với “Trầm tích” một cách xứng đáng. Trong đúng một thập niên chín mươi, Hoàng Trần Cương đậu “Tam nguyên” bằng chỉ một “Trầm tích” (giải Nhất Báo Văn nghệ, giải Bộ Quốc phòng, giải thưởng Hội Nhà văn). Chưa hết, quê hương xứ Nghệ của anh cũng chào đón “Trầm tích” bằng giải đặc biệt Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương 1997-2002. Thành công đến với Hoàng Trần Cương trong mắt một số người là nhanh chóng và bất ngờ. Nhưng nếu biết rõ về anh thì mọi người sẽ thấy đó là một thành quả nhọc nhằn và khổ luyện trong gần như suốt cuộc đời của một người từng xông pha trận mạc làm nghề kế toán và cầm bút.

Nhiều người biết Hoàng Trần Cương là dân kế toán chính hiệu nhưng ít người biết anh từng là một lính chiến thực thụ, một thương binh chống Mỹ. Năm 1967 anh trúng tuyển Trường Tài chính kế toán Hà nội. Năm 1970 đang học dở năm thứ 4, Hoàng Trần Cương tình nguyện tham gia quân đội trong Binh chủng Phòng không. Trong biên chế của Sư đoàn 367 Anh hùng, Hoàng Trần Cương đã chiến đấu trên nhiều mặt trận: Bản Đông - Đường 9 Nam Lào 1971, Quảng Trị 1972. Cuối năm đó anh cùng đơn vị trở ra Hà Nội, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, rồi quay lại chiến trường B và đánh trận cuối cùng giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tôi có thói quen ai là lính, bao giờ tôi cũng đặc biệt trân trọng. Hoàng Trần Cương hơn thế, lại cùng lính Phòng không với tôi. Tất nhiên loại lính sinh sau đẻ muộn như tôi so với anh chỉ là “cò hôi hớt váng ruộng”. Cánh nhà văn từng là lính bộ binh như Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh thường coi đám lính cao xạ chúng tôi là thứ lính kiểng nên rất hay giễu cợt nhưng khi gặp Hoàng Trần Cương đều phải im re. Anh rướn lông mày, vỗ ngực bồm bộp, giọng vồng lên đầy tự hào: “Đừng đùa với lính cao xạ nhé, pình, pình, pình!”. Cuộc đời trận mạc gần như đã tạc vào đậm đặc chất lính trong mọi ứng xử của Hoàng Trần Cương. Có lần, Đài Truyền hình Việt Nam làm một phóng sự về các nhà văn trong Quân chủng Phòng không, lúc quay ở Bảo tàng Phòng không, Hoàng Trần Cương sướng đến phát cuồng, anh tót lên ghế số 1 của khẩu 37 hai nòng, quay vù vù, mặt rạng rỡ trẻ lại như anh lính tuổi hai mươi.

Anh lính Hoàng Trần Cương rời quân ngũ ngay sau chiến tranh, về học nốt năm cuối đại học và hối hả lấy vợ. Cưới vợ cuối 1975, ngay sau khi đậu cử nhân kinh tế năm 1976, Hoàng Trần Cương đã lại vác ba lô vào Sài gòn làm nhiệm vụ cải tạo công thương. Việc nọ dồn việc kia, mãi đến 1981 anh mới trở về Hà nội, nhận công tác tại Báo Lương thực. Quá trình làm nhiệm vụ cải tạo công thương bằng nghề kế toán ảnh hưởng khá nhiều đến sáng tác của anh sau này. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đồng hương Nghệ An bạn thân với anh hay đùa, thơ gì toàn mùi tài chính những là bạc là tiền, ông là nhà thơ hay là võ biền. Hoàng Trần Cương cười khơ khơ nhận mình văn võ song toàn. Điều này là sự thật, họ Hoàng của anh ở làng Đặng Lâm, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An thuộc gốc Mạc, phái hệ Phó quốc vương Mạc Đăng Lượng. Mạc Đăng Lượng là chú ruột Mạc Đăng Dung và là cháu 11 đời của Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.

Lịch sử thăng trầm, Mạc Đăng Lượng sau cải họ tên thành Hoàng Đăng Quang và là Tổ phụ của họ Hoàng Trần hiện nay (nhà thờ dòng họ được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá). Hoàng Trần Cương chính là cháu đời thứ 12 của Hoàng Đăng Quang. Anh luôn tự hào về dòng dõi văn võ song toàn của mình. Dạo ấy khi tôi viết chân dung về anh, Hoàng Trần Cương đã lọ mọ mang cho tôi xem toàn bộ phả hệ của dòng họ anh (theo sách Hợp biên thế phả họ Mạc - NXB Văn hoá dân tộc - 2001) để chính xác tư liệu. Phả hệ những đời gần nhất, ông nội anh là Hoàng Trần Siêu đậu cử nhân, được phong Hàn lâm viện học sĩ, từ chối làm quan. Bố và chú ruột anh đều tham gia Cách mạng từ rất sớm. Chú ruột anh, Hoàng Trần Thâm, Tỉnh uỷ viên hy sinh năm 1931 ở tuổi 23.

Từ sau khi tôi kể chuyện ba cân gạo, gặp tôi Hoàng Trần Cương đều thốt lên mừng rỡ, cháu ông Bích. Tôi biết đó là tình cảm thân thiết anh dành cho tôi. Nhiều lần anh kể cho tôi nghe về nỗi gian truân của đời mình. Tôi cố tưởng tượng ra hình ảnh một Hoàng Trần Cương, sáu tuổi rời làng quê Đặng Lâm theo cha ra Hà nội ngày hoà bình lập lại. Học hết cấp 1 ở Trường Ngọc Hà (lớp học mượn đình Hữu Tiệp) thì bị nhà trường kỷ luật vì thành tích đạt học sinh cá biệt, đánh đấm nhau tùm lum, chẳng kiêng dè một ai. Sau đó anh bị bố đuổi về quê.

Dân làng anh vốn hiền lành cũng chỉ chịu đựng được tên học trò nghịch ngợm có ba năm cấp hai. Một lần nữa anh lại bị đưa ra Hà Nội để “đủn” đi Hà Bắc sơ tán học cấp ba. Và lần này gia đình anh thở phào nhẹ nhõm khi anh yên ổn một lèo vào Đại học. Lúc về Báo Lương thực, một tờ báo hạch toán tài chính, tự cân đối thu chi đầu tiên trong làng báo chí nước nhà, trong vai trò Kế toán trưởng, Hoàng Trần Cương dù có những đóng góp rất lớn, anh vẫn hằng khao khát được chuyển làm phóng viên. Câu lẩm nhẩm của anh về ông chú tôi lúc trước chính nói về điều này. Chú ruột tôi biết tài năng văn học của Hoàng Trần Cương đã kiên quyết can thiệp để chuyển anh sang làm đúng nghề biên tập và phóng viên văn nghệ. Nhưng đúng là nghề kế toán vận vào Hoàng Trần Cương, năm 1993, anh chuyển về Thời báo Tài chính, cũng chỉ được làm phóng viên văn nghệ có sáu tháng, lại bị cấp trên điều động về nghề cũ. Sau 12 năm anh lại về với chức vụ cũ như ở Báo Lương thực là Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Trị sự. Âu cũng là nghiệp. Mãi đến 1996, Hoàng Trần Cương mới rời nghề kế toán khi được đề bạt Phó Tổng biên tập. Từ 2003 anh đảm nhiệm chức vụ Tổng biên tập tờ báo số một đất nước về lĩnh vực tài chính.

Khác với nhiều quan chức và nhà thơ, nhà văn nổi tiếng khác, Hoàng Trần Cương dù ở cương vị quan trọng và danh tiếng nhưng có vẻ không mấy bận tâm đến điều này. Anh sống hồn nhiên dân dã. Hoàng Trần Cương có thể ngồi trà rượu bình đẳng với bất kỳ ai không phân bì đẳng cấp, nghề nghiệp. Anh tặng sách một nhà phê bình trẻ mới có tác phẩm đầu tay với lời đề tặng không giống ai, tặng để chú đọc giúp anh. Không ngần ngại, anh sẵn sàng đưa bản nháp bài thơ mới viết cho một kẻ ngoại đạo nào đó xem và cũng rất vui lòng chấp nhận những nhận xét nhiều khi là trời ơi, đất hỡi. Hoàng Trần Cương cũng không nề hà đọc thơ mình cho bạn bè nghe ở bất cứ chỗ nào nếu được yêu cầu. Và khi hứng lên anh sẵn sàng đọc thơ ở mọi chỗ mọi nơi. Không phải nhà văn nào cũng chấp nhận “bình dân” như vậy đâu, đa phần họ thích xênh xang mũ cao, áo dài, vênh vang một mình một chiếu. Tôi thành thực cho rằng đấy là cái phẩm hạnh đáng quý của Hoàng Trần Cương. Chẳng lào phào chút nào, đó chính là sự quý trọng văn chương của một nhà thơ đích thực. Cũng chỉ có nhà thơ đích thực mới hành xử đậm chất người như vậy.

Lại nhớ trong chuyến đi thăm và làm việc tại Ba Lan của đoàn nhà văn Việt Nam năm 2004, tôi đã chứng kiến Hoàng Trần Cương trích đọc “Trầm tích” trước rất đông người Việt xa xứ trong một hội trường lớn. Nhân nói chuyện đọc thơ, ở điểm này anh cũng rất khác người. Thơ Hoàng Trần Cương có những đoạn sử dụng nhiều động từ. Cách đọc của anh, giọng Nghệ đã đành, lại băm bổ ào ào không tuân thủ ngữ điệu, càng làm mạnh thêm động từ trong thơ. Anh đọc thẳng tuột một lèo, không nhấn nheo, lên trầm, xuống bổng. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, một người đọc thơ rất có duyên nhắc vui: “Vừa vừa thôi, đọc oang oang như cãi nhau vậy còn gì là thơ nữa.”. Làm sao có thể khác được, khác đã không phải là anh. Hoàng Trần Cương đứng nghiêm như người lính chào cờ, mắt trừng trừng nhìn cử toạ. Nhìn đấy mà không phải là nhìn. Anh đang nhìn vào tâm can mình, nhìn vào ký ức tháng năm của một thời giặc giã, nhìn vào đồng đất, rơm rạ quê nghèo, nhìn vào nghĩa cha, tình mẹ…Nhìn và đọc. Giọng anh vang vang như liên thanh: “ …Người đã khuất vẫn cưu mang người đang sống/ Ngôi mộ là chứng nhân/ Những chứng nhân mọc và rụng không bất ngờ với đất/ Đất hiến trao/ Đất lại nhận về…”. Lúc đấy tôi có cảm giác Hoàng Trần Cương như một người nông dân đang đứng trên đồng ruộng xứ Nghệ quê mình vạc vỡ thơ vào đất. Cả hội trường lặng đi xúc động. Nhiều người quay mặt lau nước mắt. Trong số đó tôi biết có cả những người bỏ Tổ quốc ra đi trong những ngày binh đao, khói lửa.

Hoàng Trần Cương là vậy, ngay cả nết chơi cũng khác, ai đã thân với anh không thể không công nhận nết thương bạn, thương mình rất thi sĩ của anh. Anh hào sảng và nhường nhịn người. Các bạn anh từ nơi xa về Hà Nội, bao giờ Hoàng Trần Cương cũng chu đáo tận tình đón tiếp từ chỗ nghỉ đến bữa ăn. Với cánh tôi, có bao thuốc, chai rượu, tấm áo, manh quần mua về từ những chuyến xuất ngoại bao giờ anh cũng dành phần. Hôm đi từ Ba lan đến Bec-Lin, phần vì sơ ý, phần vì chuếnh choáng say, tôi đánh mất chiếc bao da đựng tiền, điện thoại. Không suy tính, Hoàng Trần Cương rút soạch ví, mở ra vét hết tiền toẽ làm đôi, ấn cho tôi một nửa: “Cầm lấy, còn phải tiêu nhiều đấy”. Tôi không nhận khiến anh hậm hực, buồn nản mất đứt một ngày trời rồi cố dỗ dành tôi bằng một trận bia nhừ tử để ép tôi cầm bằng được.

Nhà thơ Bùi Việt Phong, Phó Tổng biên tập Báo Lao động, người bạn vong niên từng in chung tập thơ với Hoàng Trần Cương. Lúc nhận giải thưởng thơ Báo Văn nghệ, Hoàng Trần Cương quyết định thay chiếc ti vi National, 4 chân, cửa lùa, đen trắng, từng gắn bó nhiều năm với gia đình anh bằng một chiếc ti vi mầu đời mới. Dạo đó còn nghèo lắm, không phải ai cũng đã sắm nổi ti vi. Hoàng Trần Cương tặng lại Bùi Việt Phong chiếc ti vi kỷ niệm. Thấy Phong ngần ngại, anh dúi cho bạn ít tiền bảo: “Coi như là mua, ngại gì, lát trả tiền...”. Màn kịch không thành, lúc chở ti vi về ngang đường, hai người uống bia một trận cho kỳ hết số tiền kia mới thôi. Uống hết một cái ti vi, Hoàng Trần Cương lại cười khơ khơ, điệu cười không giống ai thật hào sảng.

Vào giữa nhiệm kỳ Đại hội nhà văn 2005-2010, Hoàng Trần Cương đề xuất với Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Văn học Việt Nam - Ba Lan do anh làm giám đốc. Tôi được cử làm Phó Giám đốc. Có chuyện này là do Hoàng Trần Cương có mối quan hệ với một số doanh nhân người Việt ở Ba Lan là người nhà nên vận động họ tài trợ. Khổ thân cái thằng tôi được làm phó cho anh kiêm chân giữ quỹ. Khi đoàn nhà văn Ba Lan sang thăm, ngoài sự tiếp đón của Hội, Hoàng Trần Cương biến tôi thành đầu sai phục vụ Đoàn có hôm đến tận nửa đêm. Anh nhiệt tình và mến khách nên đãi đằng bạn đủ thứ. Quỹ có làm được vài việc hỗ trợ cho một số nhà văn đi công tác nước ngoài. Ít thôi một khoản nho nhỏ gọi là chút quà tiêu vặt đi xa. Được một thời gian tôi lảng nếu có điện thoại của Hoàng Trần Cương gọi, Phó Giám đốc đến ngay chỗ này, chỗ này vì biết anh lại lệnh miệng cho cái thằng tôi chi một món gì đó cho một ai đó. Đến hết nhiệm kỳ Đại hội khóa ấy thì Quỹ tan. Hoàng Trần Cương cười khơ khơ bảo tôi, cháu ông Bích mày không làm được lãnh đạo em ạ, kém tắm lắm, cách chức, giải tán Quỹ.

Còn nhiều nữa về một anh lính làm kế toán, làm báo, làm thơ làm lãnh đạo. Nhưng thôi, tất thảy đều không quan trọng. Ngày 9/4/2020 sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, nhà thơ Hoàng Trần Cương đã trở về với đất. Thật đau xót, trước đấy một năm, ngày 7/1/2019 nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng ra đi vì cơn bệnh hiểm nghèo. Xứ Nghệ mất đi hai nhà thơ ưu tú trong khoảng thời gian ngắn. Hai nhà thơ hơn kém nhau một năm tuổi và ra đi cũng cách nhau ngần ấy thời gian để cùng hưởng thọ 72 tuổi. Viết đến đây tự nhiên tôi nghĩ đến những câu thơ của Hoàng Trần Cương mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đùa rằng nó rất tài chính, rất tiền bạc: “…Mẹ ơi/Khoản vay nào rồi cũng phải trả/ Chưa trả được bây giờ/ Thì khất đến ngày mai/ Nhưng sẽ không có nhiều ngày mai lắm đâu/ Và con càng không thể/ Gán cho mai sau/ Dù một cắc nợ nần…”. Những câu thơ không thể lẫn với ai, thảng thốt, ám ảnh, da diết rất quyết liệt và sòng phẳng đầy chất “Nghệ”. Vâng, chất “Nghệ” của Hoàng Trần Cương, một nhà thơ mạnh mẽ, trầm buồn, khắc khoải nhân tình thế thái, đau đáu với những con chữ mang tình yêu, nỗi đau, hạnh phúc của đất đai, con người xứ Nghệ./.

Hà Nội 26/12/2023

PNT

Chương cuối “Miền Trung”trong trường ca “Trầm tích” của nhà thơ Hoàng Trần Cương:

Bao giờ em về thăm

Mảnh đất quê anh một thời ngún lửa

Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa

Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam

Miền Trung

Tấm lưng trần đen sạm

Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm dăng màn

Thoáng bóng giặc núi bửa thành máng súng

Những đứa con văng như mảnh đạn

Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi

Miền Trung

Đã bao đời núi với bể kề đôi

Ôi! Biển Đông - giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ

Nóng hổi như vừa lăn xuống

Theo những tảng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm

Miền Trung

Câu ví dặm nằm nghiêng

Trên nắng và dưới cát

Đến câu hát cũng hai lần sàng lại

Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm

Miền Trung

Bao giờ em về thăm

Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt

Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ

Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ

Không ai gieo mọc trắng mặt người

Miền Trung

Eo đất này thắt đáy lưng ong

Cho tình người đọng mật

Em gắng về

Đừng để mẹ già mong.

HTC