26b3cdfcf5a036fe6fb1.jpg

Là phóng viên TTX Việt Nam thường trú tại Nghệ An, Nhà báo Lan Xuân đã gắn bó hơn 40 năm với quê hương xứ Nghệ. Trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, trên mọi địa bàn, đều có dấu ấn ảnh Lan Xuân. Ảnh của ông bám sát sự kiện trên ba bình diện lớn: Chiến tranh - khôi phục kinh tế - và quá trình đổi mới đi lên… Một bức tranh toàn diện suốt một chặng đường lịch sử của quê hương.

1.jpgNhà báo Lan Xuân tên thật là Trần Văn Xuân, quê gốc ở Huế. Sau cách mạng tháng Tám, bố mẹ ông - ông Trần Văn Tam và bà Tôn Nữ Thị Hà sơ tán và làm việc tại thành phố Vinh. Bà Tôn Nữ Thị Hà vốn dòng dõi hoàng tộc nên từ nhỏ nhà báo Lan Xuân đã được thụ hưởng một nền giáo dục trọng nhân nghĩa - trí - tín.

Gia đình bên nội cụ Trần Văn Tam có truyền thống về hát tuồng, ca Huế. Cả gia đình làm thành một gánh tuồng nho nhỏ với những vai diễn làm đắm say người dân thôn quê một thủa. Vinh dự hơn, các nghệ sỹ trong gia đình ông đã được ba lần biểu diễn cho Bác Hồ xem những vở diễn điển hình của ca kịch Huế. Có lẽ bởi vậy, mà Lan Xuân mang trong mình dòng máu nghệ sỹ, phóng khoáng, dễ rung cảm với cái đẹp. Và các con ông sau này, cả 4 người con đều đàn ghi ta đầy trữ tình, sâu lắng.

2d14b0b163e3a0bdf9f21.jpg
Sông Hương núi Ngự (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Tư liệu

Năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại gây hấn, thành phố Vinh cũng như nhiều thành phố trong cả nước thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu thổ kháng chiến, gia đình ông di dời lên xã Quỳnh Châu - Quỳnh Lưu.

Ở đây, suốt từ năm 1967 đến 1972, khi chiến tranh phá hoại diễn ra ác liệt, các gia đình sơ tán vào trong núi, thì riêng mẹ Tôn Nữ Thị Hà, thường gọi là mẹ Tam vẫn cùng mẹ Nguyệt gắn bó với quán nước quân nhân tại ngã ba Tuần. Chè xanh được lấy từ vườn phụ lão của Hợp tác xã, hàng ngày các mẹ nấu nước chè đổ đầy bi đông cho các anh bộ đội, nấu nước muối cho các anh ngâm đôi chân đã sưng đỏ vì hành quân xa. Người cao tuổi trên Tuần vẫn kể lại, ngày đó, bộ đội đi bộ nhiều, thương lắm, chân anh nào cũng sưng to lên, mà ai cũng vui vẻ, không một tiếng than. Quán nước và tấm lòng của Mẹ suốt những năm chiến tranh đã đi vào những trang nhật ký, trang thơ của người chiến sỹ. Nhiều người sau ngày chiến thắng đã trở về tìm thăm mẹ, những cuộc gặp gỡ mừng mừng tủi tủi…

5e5b0b1e3342f01ca953.jpg

Bạn bè mà người bạn thân nhất, Nhà báo Văn Hiền cứ đinh ninh rằng, có lẽ được bồi đắp từ sự trầm mặc của nền văn hóa núi Ngự sông Hương nên ở nhà báo Lan Xuân có nét uyển chuyển, sâu lắng của người xứ Huế, cộng với sự bộc trực, khảng khái của người Nghệ để làm nên một cốt cách của Nhà báo đầy nhiệt huyết, đam mê trong công việc và thủy chung, gắn bó với bạn bè, đồng nghiệp…

2.jpgNăm 1971, Lan Xuân tốt nghiệp Đại học Văn tổng hợp Khóa 12, song ông chọn nhiếp ảnh để gắn bó cả cuộc đời. Đó là một cơ duyên riêng. Số là bác ông, Trần Văn Phương - anh họ nhà báo Lan Xuân thông gia với gia đình nhiếp ảnh gia Trần Đình Quán - người mở tiệm chụp ảnh đầu tiên tại thành phố Vinh đầu thế kỷ 20. Nghệ sĩ Trần Văn Phương chính là người tham gia làm việc trong tiệm ảnh của Trần Đình Quán. Chính nhờ truyền thống gia đình, Lan Xuân học nghề chụp ảnh và thông thạo in tráng ảnh tại buồng tối khi còn rất trẻ.

8f2b888f5bdd9883c1cc4.jpg
Nhật ký của nhà báo Lan Xuân. Ảnh: GĐCC

Bởi vậy, nên dù học văn, nhưng vì yêu, và hiểu nhiếp ảnh nên Lan Xuân đã lựa chọn ống kính cho cuộc đời hoạt động của mình. Về Thông tấn xã Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp, chỉ thời gian ngắn sau, Lan Xuân đã là một phóng viên nhiếp ảnh có năng lực. Ông đã vươn lên trở thành một gương mặt sáng giá của TTXVN lúc đó, và được lựa chọn là 1 trong 13 gương mặt xuất sắc nhất của cả nước tham gia tu nghiệp tại CHLB Đức. Công tác chuẩn bị đã xong, ông đã hoàn tất 1 năm học tiếng, song, giây phút cuối cùng, sau khi đọc bức thư của ông cụ thân sinh, ông đã thay đổi. “Xuân con, thời khắc này, đất nước đang khó khăn, quê hương đang cần có con. Ba mong con đồng hành cùng người dân trong cuộc chiến này, để một ngày không xa con đưa ba má trở về Huế thăm lại bà con, dòng tộc của mình”.

Và Nhà báo Lan Xuân đã ở lại. Ông đi vào các tuyến lửa ở Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An, ông đồng hành cùng người dân trong các công trình xây dựng lớn của miền Bắc. Ở đâu có sự kiện, là ở đó có bước chân Nhà báo Lan Xuân.

da1dbebb6de9aeb7f7f813.jpg
Ảnh trên xuống, trái sang: Nhà dân ở thị xã Thái Bình bị bom Mỹ đánh sập vào ngày 09/12/1972; Nhà thờ ở Thái Bình bị bom Mỹ phá hoại, các em thiếu nhi ở giáo xứ An Tập (Thái Bình) bị thương vì bom Mỹ tháng 10/1972. Ảnh: Lan Xuân

Những bức ảnh thông tấn kịp thời trên mọi mặt trận từ nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải,... là nhịp cầu đưa hơi thở của đời sống người dân, đặc biệt là người dân Nghệ An lên các trang báo lớn ở trung ương. Ở mỗi lĩnh vực, ông luôn tìm tòi những chi tiết điển hình. Đó có thể là hình ảnh một bữa cơm của người công nhân lao động xây dựng cầu La Khê, tuyến đường sắt phục hồi sau chiến tranh, chấp nhận gian khổ, dồn sức cho công cuộc dựng xây đất nước, là hình ảnh vất vả của một em bé 7 tuổi trên đồng muối khi khoảnh khắc xe muối đã nghiêng đổ. Đó là những bức chân dung của các anh hùng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp như anh hùng Hoàng Quốc Đong, Cao Lục…

Ảnh Lan Xuân không chỉ mang tính chiến đấu, mà ẩn sau đó lấp lánh tình đời, tình người. Có lẽ, chính là tâm hồn đôn hậu, giàu lòng trắc ẩn đã giúp ông lưu giữ những khoảnh khắc đáng quý, đó là dòng nước mắt chan chứa trong đôi mắt trẻ thơ khi kể chuyện Bác Hồ, đó là ý chí vượt khó trong đôi mắt lấp lánh của người công nhân giữa nắng cháy miền Trung… Độ lùi của thời gian, từng lớp ảnh qua năm tháng đã kể cho chúng ta trọn vẹn bức tranh quê hương Nghệ An từ những ngày gian khó đến những ngày đổi mới đi lên. Và đằng sau những bức ảnh đó là sự tận hiến vì nghề nghiệp của một nhà báo chân chính.

c25367f7b4a577fb2eb45.jpg
Những bức ảnh đạt giải của nhà báo Lan Xuân. Ảnh: Lan Xuân

Vợ ông, bà Phương Lan đã kể lại. Dù giữa thời bình, nhưng máu ông đã đổ xuống giữa hai lần tác nghiệp. Lần đầu tiên vào năm 1989, khi bão đổ bộ vào Nghệ An, trong đêm, ông đi rửa ảnh ở cửa hàng Thiên Tuyến, kịp cho báo ngày mai, ông đã bị tai nạn gãy chân và phải nghỉ suốt 4 tháng trời. Lần thứ hai, vào đúng ngày Ông Táo về trời, 23 tháng Chạp, ông cùng đoàn cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An tuyên truyền về Công trình Thủy điện Bản Vẽ. Đến nơi đã 6h chiều. Thời gian còn rất ít. Các toán chia nhau tác nghiệp. Và Lan Xuân đã đi đến một nơi xa hơn, có một góc nhìn đẹp hơn cho bức ảnh toàn cảnh của Thủy Điện bản Vẽ. Ông đang say sưa bước lùi, tìm một cự ly phù hợp thì không may rơi ụp xuống ống cống chưa kịp hoàn thiện. Nhà báo chới với trong tấm lưới phòng hộ chăng trên vách núi, bên trên dòng nước đen ngòm ở độ sâu 80m. Ông cố leo lên thì hai chiếc máy ảnh trước ngực cứ kéo ông xuống. Vật lộn để có thể thoát ra, ông bị những dây thép đâm xuyên bị thương rất nhiều chỗ trên cơ thể. Không đủ sức để kêu cứu, ông đã ngất đi khi lên đến miệng cống. Máu loang ướt hết chiếc áo ông đang mặc… Mãi đến chiều 24/12, xe của Công ty Thủy điện 2 mới chở ông về nhà. Không thấy ông kêu đau, mà chỉ thấy ông dặn dò vợ, chuyện “Anh bị thương, đừng để ai biết, Tết nhất đến nơi rồi, ai cũng bận rộn, nhiều việc lắm…”.

e44866efb5bd76e32fac8.jpg
Những bức ảnh về phục hồi, xây dựng kinh tế sau ngày giải phóng. Ảnh: Lan Xuân

Hơn 40 năm gắn bó với Nghệ An, luôn dấn thân và đã có những lần đổ máu, nhưng Nhà báo Lan Xuân lại kiệm lời. Ông luôn lặng lẽ nhường tất cả những thuận lợi cho người khác, lặng lẽ cảm thông, chia sẻ với đồng nghiệp, và có khi sẵn sàng lùi lại phía sau… Cả cuộc đời, ông đã sống là để cho đi, mà không bao giờ nhận lại. Ông đã sống một cuộc sống như ông đã tâm niệm từ thời trai trẻ của mình: Sống trong sạch như pha lê.

Ngay trong những ngày khó khăn nhất, khi mà cả làng, cả xã đều chưa có nổi chiếc máy ảnh, tiệm ảnh của ông mở ở ngã ba Tuần - Quỳnh Lưu rất đông khách. Nhưng, vì trọng nghề, trau nghề, mà ông không theo đuổi những công việc làm ảnh dịch vụ. Ông giao tiệm ảnh cho vợ - bà Phương Lan, để đeo đuổi trên những hành trình riêng của mình với khát vọng được cống hiến cho quê hương.

9578b5df668da5d3fc9c9.jpg
Nhà báo Lan Xuân chụp ảnh các nguyên thủ quốc gia về thăm Nghệ An. Ảnh: Lan Xuân

08000aa4d9f61aa843e72.jpgÔng có một tình yêu đặc biệt với người vợ - bà Phương Lan. Tình yêu được chưng cất qua những năm chiến tranh, và đằng đẵng những ngày xa cách. Gần 500 lá thư và 7 cuốn nhật ký ông bà trao gửi cho nhau đủ nói lên tình yêu đó rộng dài đến thế nào. Ông đã viết rất nhiều bài thơ cho mối tình đầu - cũng là mối tình duy nhất của mình: “Anh tặng em bài thơ - Khi giã từ tuổi nhỏ - Anh tặng em lòng anh - Khi tình yêu rực đỏ”… Ít có một người chồng nào, băn khoăn mình sẽ làm gì để đưa đến hạnh phúc cho vợ, lo lắng trong những ngày công tác xa, người vợ ở nhà “làm việc của hai chúng mình” (chữ Lan Xuân dùng trong Nhật ký).

b69bbf3c6c6eaf30f67f10.jpg
Nhà báo Lan Xuân và vợ. Ảnh: GĐCC

Cũng hiếm có ai, mùa đông, đêm đêm xỏ tất, bỏ màn cho vợ, mùa hè, thức thâu đêm quạt cho vợ ngủ tròn giấc. Ít có một tình yêu, mà đêm trước ngày chia tay thường là những đêm trắng, ngắm vợ ngủ say mà lòng ngổn ngang trăm mối, gửi vào Nhật ký nỗi bồi hồi như tâm sự một chàng trai mới lớn… Bởi thế, cho đến khi tóc đã bạc, dù đi đâu, ông cũng nắm tay bà. Hai người ríu rít như đôi chim chẳng thể chia lìa…Thế mà năm 2011, ông bị tai nạn, nằm xuống, sống một đời sống không tiếng nói, tiếng cười. Bà đã theo ông qua 5 cánh cổng Bệnh viện, bền bỉ kiên trì trực hàng đêm với chồng. Năm 2016, Ông bỏ bà mãi đi xa. Hụt hẫng, chênh vênh, bà gửi lòng mình vào câu thơ thổn thức:

“Giá như em là gió - Cuộn vào mây bay cao - Giá như em là sao - Thao thức hoài không ngủ - Tìm anh trong vũ trụ - Ôi, vũ trụ bao la - Hỏi thăm dải Ngân Hà - Ngân Hà đâu có biết - Xin gửi lời tha thiết - Về tận cuối trời xa - Chính nơi đó là nhà - Mà anh đang ở đó…”.

7b1aecba3fe8fcb6a5f914.jpg
Các bức thư Nhà báo Lan Xuân và vợ viết cho nhau. Ảnh: GĐCC

3.jpgLan Xuân dạy con từ những chi tiết rất nhỏ, không đao to búa lớn. Ông biết, cuộc đời làm báo không có nhiều tiền bạc, cũng không có thời gian để bên kèm cặp con. Nên Ông dành dụm tiền mua những đầu sách văn học mới nhất từ Hà Nội, tỉ mẩm gom về cho con… Cho đến một ngày, nhà ông ở xã Quỳnh Châu - Quỳnh Lưu trở thành thư viện sách cho trẻ con cả làng tới đọc. Các con ông đã lớn lên nhờ những trang sách ấy, tâm hồn rộng mở, nhân ái hơn cũng từ vốn văn học được bồi đắp ban đầu ấy.

Đối với nhà báo Trần Nguyễn Anh, hiện đang công tác tại báo Tiền Phong, bố Lan Xuân cũng chính là người thầy đầu tiên, dạy cho anh kỹ thuật in tráng phim từ khi 12, 13 tuổi. Lần đầu tiên anh đến với con đường sáng tác văn chương, bước vào lớp chọn của huyện Quỳnh Lưu hồi ấy, cũng trên chiếc xe đạp mà ba anh chở… Chuyến xe đầu tiên ấy, con đường đất màu nâu ấy, mãi mãi là khoảng ký ức đẹp, định hình nên con đường của cuộc đời anh sau này, là một nhà báo - nhà văn.

2bfca75c740eb750ee1f15.jpg
Nhà báo Lan Xuân và gia đình. Ảnh: GĐCC

Chính bởi công tác xa nhà, nên Lan Xuân càng thương con hơn. Ông ít khi nói tiếng to với con, mà cũng có lần, ông nổi nóng, lỡ tay đánh con. Đêm đó, ông đã khóc rất nhiều… Bởi ân hận đã làm một điều không phải. Mỗi chuyến công tác, khi được đơn vị cảm ơn một bao gạo, hay con cá, ông lại cẩn thận cất đi dành cho các con, rồi lại cột lên xe đạp, lọc cọc tha về cho tổ ấm yêu thương của mình…

Lan Xuân là vậy, một đời cứ lặng lẽ yêu thương và chăm chút cho người thân, bạn bè mình. Đúng như báo Văn Hiền đã nói: “Lan Xuân không chỉ thành công trong sự nghiệp, suốt cả cuộc đời, anh luôn là tấm gương về nhân cách trong sáng, không một chút vị tư, một tấm lòng độ lượng, bao dung. Một con người rất Huế giữa đất Nghệ thân yêu…”.

f1883ac0029cc1c2988d.jpg

LÊ XUÂN