Trước năm 1945, cha tôi làm ở Sở đạc điền; trong kháng chiến 9 năm chống Pháp ông chuyển sang làm ở Tòa án đệ nhị Vinh cùng cụ Nguyễn Tài Thường (quê huyện Thanh Chương). Khi tôi còn học cấp 1, cấp 2, thỉnh thoảng vẫn nghe cha tôi nhắc đến cụ Lê Viết Lượng đi hoạt động cách mạng, phải vào tù ra tội và sau đó được Đảng và Bác Hồ tin cậy giao cho phụ trách lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ của nước nhà. Lê Viết Lượng sinh năm 1900, tại xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) trong một gia đình trung nông lớp dưới. Thân phụ của ông tham gia phong trào Văn Thân, đấu tranh chống chế độ áp bức bóc lột, sưu cao thuế nặng những năm đầu thế kỷ XX vùng Nghệ Tĩnh. Học hết Pờ ri me (Primaira), do hoàn cảnh gia đình, Lê Viết Lượng chuyển lên huyện miền núi Hương Sơn sinh sống. Tại đây, ông đi dạy học tư và âm thầm tham gia các phong trào yêu nước như Hội bài Pháp, Hội Phục Việt; rồi năm 1929 ông vào đảng Tân Việt. Đến ngày 6/2/1930, Lê Viết Lượng được kết nạp vào Đảng Cộng sản, tham gia xứ ủy Trung Kỳ và được giao phụ trách các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Một ngày cuối năm 1930, trên đường vận động, giác ngộ cách mạng cho quần chúng khu vực cầu Bạch Hổ, thành phố Huế ông bị bọn mật thám bắt; chúng dùng đủ cực hình tra tấn, xét hỏi, nhưng không khai thác được mảy may thông tin gì. Cuối cùng kẻ thù kết án Lê Viết Lượng khổ sai chung thân và đày ông hết nhà tù Lao Bảo, lên gục Kon Tum và sang Buôn Ma Thuột. Nơi rừng thiêng nước độc của nhà ngục Kon Tum, được nghe và chứng kiến chế độ hà khắc, vô nhân đạo của Thực dân Pháp đối với hơn 200 chính trị phạm đã bỏ mình trong mấy tháng làm đường 14 trước đó, Lê Viết Lượng cùng các đồng chí Đặng Thái Thuyến, Bùi San tổ chức tuyên truyền đấu tranh đòi bãi bỏ đánh đập, tra tấn, giảm giờ làm, cải thiện chế độ lao tù khắc nghiệt.
Xác định hoạt động cách mạng là đầy gian lao, thử thách, thậm chí "Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai" (Tố Hữu) nên Lê Viết Lượng đã nhắn gửi cho cô gái có tên Phạm Thị Trang (con một viên quan huyện) từng thề non hẹn biển và nguyện đợi chờ qua những câu thơ "Xa xôi ngàn dặm kiếp lênh đênh/ Xin mượn lời thơ gửi mối tình/ Vì nghĩa búa liềm dâng tính mệnh/ Nên tình chăn gối phải hy sinh/ Bách niên đành chịu sai lời hẹn/ Tái giá xin đừng giữ chữ trinh"…Sau 15 năm bị giam cầm (có lẽ ông là một trong những chiến sĩ cách mạng bị tù đày lâu nhất), tháng 3/1945 nhân sự kiện “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Lê Viết Lượng vượt ngục trở về Nghệ An tìm cách bắt liên lạc với tổ chức của Đảng; tham gia lãnh đạo tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 thành công ở Nghệ An vào ngày 21/8/1945.
Vai trò ảnh hưởng của người chiến sỹ cách mạng kiên trung, tài trí Lê Viết Lượng càng được nâng cao khi ông được trao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An (từ 1946 đến 1950) và sau đó là trọng trách Thường vụ liên khu ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 4 gồm sáu tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên. Đồng thời ông cũng là đại biểu Quốc hội các khóa 1 và 2 (từ 1946 đến 1964).
Đại hội lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến 19/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Lê Viết Lượng là một trong số 158 đại biểu chính thức dự đại hội. Buổi chiều cận ngày bế mạc sự kiện này, Hồ Chủ Tịch gặp đồng chí Lê Viết Lượng và nội dung cuộc trao đổi giữa Bác Hồ và ông đã được ghi lại trong hồi ký ngắn gọn, mà Lê Thị Minh Châu (con gái cụ Lượng) gọi là "Vật gia bảo" của nhà mình: "Vạn sự do dân vì dân, dĩ dân vi bản, vạn sự tất thành". Chính quyền nhân dân của ta còn non trẻ, nhiều việc phải làm nên chúng ta phải học để kháng chiến và kiến quốc. Các chú cũng biết nước nhà độc lập phải có nền kinh tế độc lập. Làm cách mạng không chỉ biết làm chính trị mà phải biết xây dựng kinh tế, vì đó là cơ sở, là nền tảng của đất nước… Bộ Chính trị có dự kiến tổ chức Ngân hàng Quốc gia và Mậu dịch Quốc doanh với chức năng cải tạo thị trường cũ và xây dựng thị trường mới làm động lực thúc đẩy sản xuất và kinh tế phát triển mạnh mẽ".
Người cũng đặt ra những yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ làm công việc này là phải có năng lực, am hiểu khoa học kỹ thuật, có kinh nghiệm tổ chức, điều hành và quản lý. Đồng thời Bác chỉ rõ "Chú Nguyễn Lương Bằng, Trưởng ban tài chính của Đảng và chú Chủ tịch Ủy ban hành chính Liên khu IV là những cán bộ của Đảng, Đảng tin cậy; đã trải qua tổ chức vận động tài chính, điều hành sản xuất kinh doanh, quản lý xã hội và giữ vững chính quyền nhân dân cho tới ngày nay...Do đó, Bộ chính trị chỉ định chú vào Ban lãnh đạo Ngân hàng Quốc gia". Ban đầu Lê Viết Lượng tỏ sự băn khoăn bởi mình chưa được học kinh tế cũng như không có kiến thức gì về ngân hàng, tài chính cả. Hồ Chủ Tịch ôn tồn: "Nhân dân Nghệ Tĩnh giàu lòng hiếu học, chú noi gương ông cha ra sức nghiên cứu học tập và cùng chú Bằng nỗ lực công tác thì không có gì khó cả". Vinh dự nhưng cũng là thử thách nặng nề. Những lời căn dặn, chỉ bảo của Bác Hồ thôi thúc Lê Viết Lượng ngày đêm tìm đọc và học trong sách vở lý luận cũng như tìm hiểu hoạt động thực tiễn. Ngân hàng, tiền tệ là lĩnh vực đòi hỏi có bầu nhiệt huyết chưa đủ mà cần có tri thức hiểu biết chuyên môn, đi liền là tính trung thực và liêm khiết. Trăn trở điều đó nên sau một thời gian ngắn được đồng chí Nguyễn Lương Bằng chuyển giao trọng trách Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, từ 1952 Lê Viết Lượng cùng các cộng sự bắt tay triển khai các ý tưởng, hoạch định của mình.
Đồng chí Lê Viết Lượng (các thế hệ cán bộ Ngân hàng về sau quen gọi là cụ Lượng) quan niệm đã là cán bộ cách mạng, lại là người lãnh đạo, quản lý thì phải có đức, có tài; có đức thì dân tin, có tài thì dân phục và ông là tấm gương cho cán bộ ngành Ngân hàng hơn 70 năm qua. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Cán bộ quyết định hết thảy". Cho nên ngay từ năm 1952 (một năm sau khi Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập), trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang giai đoạn gay go quyết liệt, Tổng giám đốc Lê Viết Lượng đã chỉ đạo mở các lớp kế toán, tài vụ đầu tiên của ngành tại Việt Bắc với thời gian từ 3 đến 6 tháng. Nhất là sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, dù bộn bề công việc nhưng vấn đề mà Lê Viết Lượng quan tâm hàng đầu vẫn là công tác đào tạo cán bộ. Trong khi các ngành khác chưa có động tĩnh gì thì lãnh đạo Ngân hàng Quốc gia đã chủ trương mở một loạt các lớp sơ cấp nghiệp vụ tại Hà Nội và Hải Phòng. Đáng chú ý từ 1957, khi có tiến sĩ Trần Linh Sơn ( được đào tạo từ Liên Xô về), đảm nhận trách nhiệm Phó Tổng giám đốc, các lớp nghiệp vụ Trung cấp Ngân hàng được mở tại Hải Phòng, Hà Đông nhằm cung cấp hàng nghìn cán bộ cốt cán cho hệ thống Ngân hàng từ Trung ương xuống các tỉnh, huyện ở miền Bắc. Mà trong số đó sau này trở thành lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như Tổng giám đốc Nguyễn Duy Gia hay các Phó Tổng giám đốc Lê Văn Châu, Nguyễn Ngọc Oánh. Đặc biệt trong các năm 1958 - 1959, một mặt Lê Viết Lượng có chủ trương tuyển chọn con em công - nông - binh đã học hết cấp 2 và cấp 3 để tiếp tục đào tạo trung cấp, mặt khác ông cũng xúc tiến thủ tục xin Nhà nước và thành phố Hà Nội xây dựng trường Cao cấp Ngân hàng trên một vùng đất sình lầy thuộc quận Đống Đa (sau này là Học viện Ngân hàng). Nói đi đôi với làm, những ngày đầu khởi công xây dựng, Tổng giám đốc Lê Viết Lượng xắn tay áo cùng cán bộ, học viên trong ngành dọn dẹp mặt bằng, đào móng xây trường, và đến năm 1961 thì cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tầm nhìn chiến lược về nguồn nhân lực cho hoạt động của ngành còn thể hiện ở chỗ “cụ Lượng” rất quan tâm số học sinh là con em miền Nam tập kết ra Bắc. Ông chỉ đạo các đơn vị chức năng tìm cách tiếp nhận, bố trí vào các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm chuẩn bị lực lượng vào Nam sau khi thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cuối tháng 12/1960 và xa hơn khi nước nhà được thống nhất sau ngày 30/4/1975.
Một dấu ấn khó quên trong ký ức các cán bộ Ngân hàng cuối những năm 50 đến những năm 70 của thế kỷ trước, đó là sự kiện thu đổi tiền vào năm 1959. Ông Nguyễn Xuân Hải (anh họ tôi) từng có thời gian làm việc ở Ngân hàng tỉnh Nghệ An, đến đầu những năm 70 chuyển ra Ngân hàng Trung ương công tác cũng như TS. Nguyễn Quốc Việt đều cho rằng: Đây thực sự là cuộc cải cách tiền tệ lần thứ hai sau cuộc cải cách tiền tệ lần thứ nhất trong kháng chiến chống Pháp sau khi thành lập Ngân hàng quốc gia năm 1951. Thực hiện chủ trương của Đảng và Bác Hồ, Tổng giám đốc Lê Viết Lượng đã chỉ đạo chiến dịch cải cách tiền tệ này theo phương châm "nhanh, gọn, tốt, bí mật" một cách xuôi chèo mát mái. Điều quan trọng nữa là, đồng tiền ngân hàng mà người dân khi đó quen gọi " bạc cụ Hồ" đã ngăn chặn và đẩy lùi những nguồn tiền bí mật của tổ chức phản động đang âm mưu chống phá cách mạng và gây rối trật tự an ninh xã hội. Đồng thời ông cũng khẩn trương thực hiện cải tiến công tác Ngân hàng mà nội dung chính là tách ngân hàng ra thành "Chi nhánh trung tâm" chuyên về chỉ đạo, quản lý và tổng hợp tình hình; còn "chi nhánh nghiệp vụ" tập trung cho hoạt động giao dịch với các đối tượng khách hàng. Có thể nói đây là cách làm sáng tạo của cụ Lê Viết Lượng mà hơn 30 năm sau khi công cuộc đổi mới đất nước mở ra thì ngành Ngân hàng thực hiện mô hình "hai cấp" là cấp "quản lý" và hệ thống các đơn vị kinh doanh phục vụ cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Có một chuyện ít người biết thể hiện lòng bao dung và sự đoàn kết quốc tế của Lê Viết Lượng. Ấy là sau khi tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ tay Nhật, Pháp, tại Nghệ Tĩnh một số hàng binh Nhật có cảm tình với cách mạng đã xin ở lại Việt Nam sinh sống. Năm 1951, nhận lệnh của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Việt Bắc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, cụ Lượng đã cho phép một nhóm người Nhật trong đó có trường hợp mang tên là Việt đi theo giúp việc cho cơ quan ngân hàng và một vài cơ quan khác ở Việt Bắc. Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, ông Việt người Nhật được hồi hương trở về Tokyo và những năm 70 - 80 ông giữ cương vị là Chủ tịch Hội mậu dịch Nhật -Việt. Theo ông Trần Quốc Quýnh, Nguyên Phó tổng giám đốc Vietcombank (con nuôi của cụ Lượng), thì ông Việt chính là cầu nối để một số ngân hàng Việt Nam thiết lập quan hệ và làm ăn với các ngân hàng của Nhật Bản như Bank of Tokyo, Fuji Bank, Mitsubishi Bank...
Giữ trọng trách Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia (sau này là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) từ 1952 đến 1963, từ năm 1964 Lê Viết Lượng được Trung ương điều động sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cho đến lúc nghỉ hưu năm 1975. Ghi nhận và tôn vinh những công lao to lớn của nhà cách mạng lão thành, người "kiến trúc sư trưởng" của ngành Ngân hàng, tiền tệ, năm 2001 nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành đồng thời là 40 năm ra đời của Học viện Ngân hàng, tại khuôn viên Nhà trường trên đường Chùa Bộc, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã làm lễ dựng tượng đồng cụ Lê Viết Lượng. Trong buổi lễ long trọng này, ông Lê Đức Thúy, cán bộ lớp sau, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: "Đồng chí Lê Viết Lượng không chỉ là một nhà cách mạng lão thành, ông còn là người đã cống hiến toàn bộ sức lực và trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây nền đắp móng vững chắc cho hoạt động của ngành Ngân hàng; phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.Tên tuổi cụ Lê Viết Lượng đã được đặt tên đường phố ở Huế, Kon Tum và một vài nơi khác. Tuy nhiên, cho đến nay không ít cán bộ lâu năm trong ngành cũng như người thân có chút chạnh lòng trước một nhân cách lớn" Với đồng chí ấm áp như trời xuân/ Với việc công cháy nồng như nắng hạ/ Với chủ nghĩa cá nhân gió mùa thu quét lá..." nhưng lại chưa được cấp có thẩm quyền quan tâm đánh giá và có hình thức khen thưởng xứng với công lao đóng góp của cụ Lê Viết Lượng đối với tổ quốc và nhân dân .