Chuyện ông Ngụ - người có 26 năm tận tuỵ với công việc chăm nom, hương khói tại Khu lưu niệm người con anh dũng của mảnh đất Hưng Thông (Hưng Nguyên) thật giản dị mà xúc động…

Gặp gỡ, trò chuyện với ông Lê Văn Ngụ, hiếm ai đoán đúng tuổi thực của ông, bởi phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát, lối giao tiếp cởi mở, thân thiện. Năm nay 73 tuổi, ông Ngụ dí dỏm tự nhận thảng hoặc cũng quên mất tuổi mình, luôn nghĩ mình… còn trẻ, với tâm niệm còn sức, còn cống hiến, lạc quan, tích cực tiếp thu những điều mới, điều hay, làm giàu thêm kiến thức lịch sử - xã hội, để giúp mỗi đoàn khách đến thăm Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong thấu hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp của bậc tiền bối cách mạng kiên trung.

9B9456C9-7F64-464A-A32C-65D113339F44.jpeg
Ông Lê Văn Ngụ - giữa- trò chuyện cùng cán bộ xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên

Theo gia phả dòng họ Lê ở xã Hưng Thông, ông Lê Văn Ngụ là cháu, gọi Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là bác họ. 7 năm sau khi người bác anh dũng hy sinh, ông Lê Văn Ngụ mới chào đời. Dẫu vậy, qua lời kể của bố mẹ và những người thân trong họ tộc, ký ức tuổi thơ cậu bé Ngụ vẫn ắp đầy những câu chuyện về người bác họ chưa một lần gặp mặt. Từ thuở bé, Lê Văn Ngụ đã thầm kính trọng bác Lê Hồng Phong bởi tư chất thông minh đĩnh ngộ, ý chí kiên định không khuất phục trước áp bức, bóc lột. Lớn lên, tiếp nối truyền thống cách mạng, Lê Văn Ngụ lên đường nhập ngũ. Gần 15 năm chiến đấu trên khắp các chiến trường ở nước bạn Lào, biết bao kỷ niệm đáng nhớ, song ấn tượng nhất vẫn là một lần trên đường hành quân, Lê Văn Ngụ tình cờ đọc được một số tài liệu viết về tấm gương bất khuất của người cộng sản trung kiên Lê Hồng Phong. Bấy giờ, ông xúc động và mừng vui khôn xiết, tự hào mà kể như reo lên cùng đồng chí, đồng đội rằng người cộng sản chân chính ấy là người thân của mình. Câu chuyện nhỏ trên đường hành quân như tiếp thêm sức mạnh tinh thần, tạo động lực cho Lê Văn Ngụ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Năm 1983, ông Lê Văn Ngụ phục viên, trở về địa phương. Với lòng nhiệt huyết của người đảng viên, tinh thần vì cộng đồng, nhiều năm liền, ông xông xáo trong vai trò Bí thư, xóm trưởng tại nơi cư trú. Năm 1996, trước thực tế Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cần người trông nom, coi sóc, bảo vệ, ông Ngụ không ngần ngại đảm nhận nhiệm vụ. Ông nhớ lại: “Lúc bấy giờ, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc xây dựng, tôn tạo Khu lưu niệm, song quy mô chưa mở rộng như hiện nay. Trọng tâm chăm sóc, bảo vệ là ngôi nhà tranh của gia đình Tổng Bí thư Lê Hồng Phong được dựng lại ngay trên chính nền đất cũ. Ngôi nhà chứa đựng biết bao kỷ vật tuổi thơ của Tổng Bí thư, với những hiện vật như bàn, trường kỷ, chõng tre… Cùng với đó là nhà phụ mẫu từ đường, lạc thiện đàn…”

Khu lưu niệm nằm giữa làng quê Hưng Thông yên bình, bốn bề là cây lá mát xanh, rộng hàng nghìn mét vuông. Công việc bảo vệ, chăm nom nghe thì có vẻ nhẹ nhàng, song thực ra, thời điểm bấy giờ chỉ duy nhất ông Lê Văn Ngụ đảm nhiệm nên cũng rất đỗi bận rộn, vất vả. Chưa nói đến chuyện sáng sáng, chiều chiều phải quét dọn, vệ sinh môi trường, đảm bảo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, mà lo nhất là di tích lợp mái tranh, hiện vật hầu hết đều là đồ gỗ, nên nắng cũng phải cẩn trọng, mà mưa cũng phải canh chừng. Càng ngày, Khu lưu niệm càng đón nhiều đoàn khách gần xa ghé thăm, có những đoàn lên đến cả trăm người; những lúc ấy, ông Ngụ phải vừa đảm nhiệm vai trò thuyết minh viên, vừa tập trung chú ý bảo đảm an ninh trật tự, tránh kẻ xấu lợi dụng đông người để làm những việc xâm hại đến di tích.

Bao năm gắn bó với Khu lưu niệm, ông Lê Văn Ngụ hiếm khi ngủ đêm ở nhà. Căn phòng nhỏ cạnh cổng vào Khu lưu niệm là chốn nghỉ ngơi thường trực của ông, có bộ bàn ghế cũ, chiếc giường nhỏ đủ ngả lưng, ấm nước siêu tốc để pha gói mì tôm trong những phiên trực đêm khó ngủ. 26 năm bảo vệ, chăm nom Khu lưu niệm, ông Ngụ dường như nhớ rõ từng cành cây, thuộc từng lối nhỏ, “kể cả không thắp đèn cũng đi phăm phăm không vấp ngã”. Ông kể chuyện về Khu lưu niệm này với tất cả sự say sưa và chân thành, yêu mến và kính trọng, ở đó, những vất vả của ngày nắng đêm mưa, của buổi trời trở giông ngày bão quét, nghe cứ nhẹ tênh…

Cảm phục hơn cả ở người bảo vệ tận tuỵ ấy, là tinh thần ham học, tự học và ý thức trau dồi, cập nhật kiến thức lịch sử, nhằm không để bản thân tụt hậu, để thuyết minh hay hơn và giải đáp được mọi câu hỏi mà du khách đặt ra. Trong căn phòng nhỏ của mình, ông Lê Văn Ngụ cất giữ nhiều chồng sách, báo, tài liệu viết về thân thế, sự nghiệp, cống hiến của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; thậm chí có những tài liệu hiếm, quý được dịch từ tiếng Pháp, ông xin được bản sao để đọc và nghiền ngẫm. 73 tuổi, ông Ngụ thuyết minh vanh vách từng mốc thời gian, sự kiện, câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ngoài ra, ông còn tìm hiểu về bối cảnh lịch sử quốc tế, khu vực, trong nước và trên địa bàn xã nhà qua từng giai đoạn; từ đó có cái nhìn tổng thể để hiểu hơn về những lựa chọn trên con đường cách mạng của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và các bậc tiền bối.

D7D922C3-7C85-4394-898E-03D4334A94DD.jpeg
Đoàn viên thanh niên về thăm ngôi nhà tranh ở làng Đông, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, nơi đồng chí Lê Hồng Phong chào đời. Ảnh Thành Duy

“Thú thực, sự ham học hỏi ấy cũng một phần xuất phát từ một kỷ niệm khá xấu hổ. Nhiều năm về trước, có đoàn khách từ Hà Nội vào thăm Khu lưu niệm, có người đặt nhiều câu hỏi về Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, song bấy giờ tôi nắm thông tin chưa đầy đủ nên trả lời còn lúng túng. Tôi nhớ mãi, vị khách ấy thốt lên: Người Hưng Thông mà biết về Tổng Bí thư Lê Hồng Phong còn không bằng người Hà Nội! Câu nói ấy khiến tôi trăn trở, day dứt mãi, từ đó thôi thúc tôi tìm đọc, tra cứu nhiều tài liệu lịch sử hơn. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ không ngừng học hỏi để không bao giờ xảy ra tình trạng không giải đáp được băn khoăn của du khách.” - ông Lê Văn Ngụ trầm ngâm nói.

Từ năm 2012, Khu lưu niệm được mở rộng quy mô lên đến hơn 31.000 m2; thành lập Ban quản lý với các thành viên được phân công thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể. Ông Lê Văn Ngụ chỉ còn tập trung hương khói gia tiên, bảo vệ, chăm sóc ngôi nhà tranh và các hiện vật. Ông bảo, sẽ còn gắn bó với công việc này đến khi sức khoẻ không cho phép, không vì mưu cầu điều gì mà chỉ bởi ý thức, tình cảm, trách nhiệm với họ tộc, bởi lòng kính trọng vô bờ dành cho người con anh dũng của quê hương, và bởi tâm niệm góp phần gìn giữ, phát huy vốn quý cách mạng cho đời sau…

Thành Duy