Hình thành vùng chuyên canh hàng hóa
Sở hữu 7ha bãi bồi ven sông Lam dùng để canh tác mướp đắng, mướp hương, bí xanh, 3ha cây ăn quả ở xứ đồng Cửa Rạn, 10 vườn mẫu trọng điểm và các vùng canh tác lúa chất lượng cao, xã Trung Sơn đang dần trở thành một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng phong trào phát triển kinh tế của huyện Đô Lương. Từ việc thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án phát triển kinh tế, Trung Sơn đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn. Nhiều hộ nông dân đã thay đổi phương thức làm ăn nhỏ lẻ để tiến hành xây dựng mô hình điểm với sự đồng hành của cả cấp ủy, chính quyền địa phương.
Mô hình trồng dưa vàng trong nhà lưới của gia đình anh Nguyễn Phùng Khởi (sinh năm 1975) trên xứ ruộng Đền Nghè đã thổi một làn gió mới trong tư duy làm ăn của bà con nông dân xóm 3, xã Trung Sơn. Theo chia sẻ của anh Khởi thì trước năm 2020, gia đình chỉ canh tác các loại lúa lai, ngô lai trên xứ ruộng Đền Nghè và trồng rau màu theo mùa trên vùng bãi ven sông. Tuy nhiên, ý tưởng thoát khỏi phương thức làm ăn truyền thống để mở ra hướng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao được hình thành khi anh được tham gia lớp đào tạo nghề do xã tổ chức. Khi tham gia lớp học anh được trực tiếp đi tham quan các mô hình sản xuất hiện đại của các huyện Nam Đàn, Thanh Chương và tỉnh Hà Tĩnh để học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết. Sau đó, khi quyết định xây dựng mô hình, anh được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và thuê đất ruộng từ các hộ dân lân cận nhằm mở rộng diện tích.
Mô hình dưa lưới của gia đình anh Nguyễn Phùng Khởi, xã Trung Sơn (Đô Lương). Ảnh: Thanh Quỳnh
Tháng 4 năm 2020, anh Khởi đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng mô hình nhà lưới trồng giống dưa vàng kim hoàng hậu tại ruộng Đền Nghè. Phương thức sản xuất cũng được đầu tư khác với lối canh tác truyền thống khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Nhà màng có diện tích gần 1.500m2 với hơn 300 gốc trồng gối vụ theo công nghệ VietGAP và tưới nhỏ giọt. Theo ước tính, mỗi quả dưa có giá bình quân 80 nghìn đồng thì mỗi vụ anh có thu nhập trên 200 triệu đồng. Bên cạnh triển khai mô hình nhà màng, trên diện tích đất bãi sông Lam anh triển khai trồng 7ha bí xanh từ năm 2019, áp dụng kỹ thuật phủ ni lông cho năng suất cao. Nhờ có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng bí, nên vụ này mỗi ha gia đình anh thu hoạch 30 tấn quả.
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn Đoàn Văn Kiên, những mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa của gia đình anh Nguyễn Phùng Khởi ngày càng xuất hiện nhiều tại địa phương. Thành quả đó được tạo nền tảng từ những nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển kinh tế của địa phương. Bởi ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Trung Sơn đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện nghị quyết. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng cơ bản. Để đưa Trung Sơn thành điểm sáng trong xây dựng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, xã đã xây dựng nghị quyết tập trung các lĩnh vực trọng điểm. Từ đây, tạo điểm tựa cho việc xây dựng các mô hình kinh tế của địa phương.
Tại huyện Thanh Chương, việc đổi mới tư duy làm nông nghiệp cũng được cấp ủy, chính quyền và nông dân triển khai một cách có hiệu quả để từng bước hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng Thanh Chương trở thành huyện khá của tỉnh Nghệ An”. Các nghị quyết về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp được ban hành, triển khai giúp cho địa phương từng bước xây dựng các mô hình sản xuất có quy mô lớn hơn thông qua quy hoạch liền vùng, liền thửa cùng trồng cây ăn quả, cùng trồng chè công nghiệp, cây nguyên liệu, nuôi trồng thủy sản, trồng rau màu, chăn nuôi trâu, bò, gà… Cùng đó, nhiều mô hình cây ăn quả hàng hóa như bưởi VietGAP Thanh Mỹ; bí xanh hữu cơ được mở rộng tại nhiều xã như: Thanh Lĩnh, Thanh Liên, Thanh Hòa, Xuân Tường, Đại Đồng, Thanh Khai, Thanh Chi... Một số sản phẩm dưa lưới, dưa chuột, cà chua, rau màu trong nhà màng ở xã Thanh Khê, Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Lĩnh, Thanh Dương, Võ Liệt cũng đã khẳng định vị trí trên thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân vươn lên ổn định cuộc sống.
Cây chè mang lại nguồn lợi lớn cho nhiều hộ dân ở huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Mai Hoa
Tìm ra hướng đi mới
Nằm tại trung tâm bản Pha (xã Yên Khê, huyện Con Cuông), gian trưng bày sản phẩm của HTX Dịch vụ nông nghiệp, chế biến, kinh doanh cam và sản xuất các sản phẩm từ cam bản Pha khiến nhiều du khách thích thích thú. Đó là các sản phẩm như: mứt vỏ cam, rượu men cam, rượu cam, xà phòng cam, tinh dầu cam, sirô cam.
Các sản phẩm tại đây đều có mã số, mã vạch đầy đủ, hình thức bắt mắt và đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng. Với mức giá dao động từ 100 - 150 nghìn đồng mỗi sản phẩm, gian hàng đã trở thành điểm dừng chân mua sắm của nhiều đoàn khách du lịch cộng đồng khi đến với Yên Khê. Từ sự thay đổi tư duy trong chế biến sản phẩm nông nghiệp đã tạo tiền đề cho sự phát triển của cây trồng chủ lực xã Yên Khê với hơn 260ha cam. Cùng với Yên Khê, nhiều mô hình mới, cách làm hay cũng được nhân rộng, trở thành sinh kế bền vững cho bà con.
Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng chia sẻ: Quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy và chính quyền từ huyện đến cơ sở đã trăn trở, đưa ra các nghị quyết phù hợp để khai thác thế mạnh về nông - lâm nghiệp của địa phương. Trong đó, có nhiều hướng đi mới được chú trọng như chế biến dược liệu, hình thành các sản phẩm từ cam; rượu men lá, rượu cần. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào trồng trọt, sản xuất, chăn nuôi để từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Gian hàng trưng bày các sản phẩm từ cam của bà con bản Pha, xã Yên Khê (Con Cuông). Ảnh: Thanh Quỳnh
Không riêng gì Con Cuông, nhiều huyện miền núi của tỉnh thời gian qua đã tập trung đầu tư phát triển và mở rộng nhiều sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng cấp tỉnh được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP “3 sao”, “4 sao”, qua đó góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản; giảm tỷ lệ hộ nghèo, mở ra những hướng phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.