Đồng thời, bà cũng tẩn mẩn rút từ trong cái ví lép ra mấy trăm ngàn đồng "gọi là góp chút ít cho nhà trường tổ chức lễ". Cô Lê Hồng Lâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường khóc dàn dụa, nhưng rồi cũng không thể từ chối, đành phải nhận của bà 200 ngàn đồng.

3.jpg

Hồi ức của bà Lê Thị Phớt

Tuổi thơ vất vả nhưng ấm áp tình người

Cụ bà đó là Lê Thị Phớt, học sinh lớp 8B và 9B các năm học 1964-1965 và 1965-1966. Cụ quê ở Hoàng Mai, hiện nay sinh sống ở Quảng Bình.

Năm 1964, Lê Thị Phớt vào trường với một hoàn cảnh đặc biệt: Cha là liệt sỹ, hy sinh ở Lào trong kháng chiến chống Pháp, mẹ lại mất sớm. Hồi đó có phong trào các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước nhận nuôi đỡ đầu các cháu con liệt sỹ không còn nơi nương tựa. Nhà máy Điện Vinh nuôi năm cháu; Cửa hàng ăn uống nuôi cháu Diên; Xí nghiệp Bánh kẹo Vinh nuôi cháu Long; Khách sạn Vinh nuôi cháu Hải… Phớt được Công ty Công nghệ phẩm nhận làm con nuôi cùng với một bạn khác là Nhung. Để có tiền nuôi hai đứa ăn học, mỗi tháng mỗi cán bộ công nhân viên phải góp hai hào. Thật đúng nghĩa đen của câu “Nhường cơm sẻ áo”. Đã thế, trận cháy lịch sử năm 1961 đã thiêu cháy gần như nửa thành phố trên tuyến “thượng Cầu Rầm, hạ Bến Thủy”. Công ty Công nghệ phẩm lúc đó đang ở gần rạp chiếu phim Hòa Bình trên đường Trần Phú cũng bị cháy rụi, phải kéo xuống ở dưới Công ty Kim khí hóa chất. Chưa được bao lâu lại phải chuyển xuống Xí nghiệp may mặc thành phố… Cứ như thế, các cô các chú trong cơ quan đi đâu lại cắp các cháu đi đó. Đồng cam cộng khổ cùng nhau. Mặc dù được các cô các chú yêu thương, nhưng đời sống của cô chú cũng như của các cháu cũng còn kham khổ lắm. Năm 1964, Phớt thi đậu vào trường cấp ba Vinh. Cô học lớp 8B, lớp do thầy Ngô Quát, dạy Trung văn làm chủ nhiệm.

Không cha, không mẹ, cô lớn lên và học hành hoàn toàn nhờ vào sự nuôi dưỡng của cô bác ở Công ty Công nghệ phẩm và tình thương yêu, đùm bọc của thầy trò trường Huỳnh Thúc Kháng lúc đó. Vì không có mẹ, nên đến tuổi dậy thì, Phớt vẫn không hề mảy may biết về chuyện vệ sinh của người con gái. Chính thầy Ngô Quát, giáo viên chủ nhiệm đã chỉ vẽ cho cô. Thầy nói: "Các em khác có cha, có mẹ bày vẽ. Riêng em cha mẹ chết sớm, em thiệt thòi nhiều mặt, giúp thay cha mẹ em bày vẽ cho em thế này thầy cũng ngại lắm. Em thông cảm cho thầy nhá. Thầy vừa chỉ vẽ vừa ngập ngừng, e ngại". Năm Phớt lên lớp 9, Công ty Công nghệ phẩm đỡ đầu định cho cô nghỉ học để đi làm, các thầy cô đã gặp Công ty và động viên Phớt tiếp tục an tâm học tập.

Thế nhưng, những năm tháng tháng nghèo và thanh bình, “phố phố nhà tranh, chiều chiều chuông đổ” của thành Vinh cũng không kéo dài được lâu. Ngày 5/8/1964, giặc Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh ra miền Bắc. Và, “ Quả bom Mỹ đầu tiên cắn vào thân hình miền Bắc - Là ở Vinh” (thơ Thạch Quỳ). Hôm đó, kho xăng dầu ở Hưng Hòa và một số công trình khác trong thành phố bị trúng bom. Chiến tranh thực sự đã bắt đầu.

picture12.jpg
Bà Phớt với các cháu học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập trường (Quốc Học Vinh - Huỳnh Thúc Kháng)

Từ cô liên lạc đến cô bộ đội dũng cảm

Cấp trên yêu cầu các cơ quan, trường học, dân thường phải sơ tán về nông thôn, chỉ để lại các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ ở lại bảo vệ thành phố. Riêng trường cấp ba Vinh cũng để lại một số học sinh, để tham gia liên lạc, đào hào, đắp hầm, kéo pháo, chuyển đạn, ngụy trang cho trận địa. Phớt cũng nằm trong số đó. Các cô đã tham gia đào công sự ở các trận địa Khí tượng, Ga Vinh, Quán Bánh, Hưng Bình, Hưng Dũng…Đặc biệt, cô là một trong những đội viên dũng cảm của đội liên lạc, thuộc Thành đội Vinh. Cô kể lại:

“Vào một ngày tháng 02/1965 trong buổi chào cờ, đại úy Nguyễn Hoàng, Thành đội trưởng đến nói chuyện với giáo viên, học sinh. Sau đó thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tài Đại, lên quán triệt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của thanh niên. Sau vài ngày trường có lệnh nhập ngũ đợt 1. 83 học sinh và giáo viên đã lên đường, phần lớn là học sinh khối 10, có lớp đi hơn nửa”.

Sau đó, trường lập hai đội (gọi là B) xung kích. Một B gồm những học sinh to khỏe, khi cần sẽ được điều động phục vụ chiến sự. Một B khác làm nhiệm vụ liên lạc, biên chế 32 người trực thuộc Thành đội Vinh. Cả hai đội này bình thường vẫn học ở trường, nhưng khi có lệnh là lên đường ngay để phục vụ chiến đấu. Phớt thuộc B liên lạc. Ngoài giờ học, hoặc khi có lệnh, B liên lạc phải tập trung ở vườn hoa Lê Mao, trước cổng Thành đội Vinh. “Nhiệm vụ của người liên lạc là nhanh, linh hoạt, kịp thời và bí mật”. Hồi đó máy bộ đàm còn ít, chưa có đủ để trang cấp cho các đơn vị, nên liên lạc chạy bộ như đội của Phớt là hết sức cần thiết. Chiến tranh càng ác liệt, hoạt động của đội liên lạc viên càng khẩn trương. “Nhiều ngày đêm chúng tôi phải ở luôn ở Thành đội, không tắm giặt, không nghỉ, không ngủ”. Có những lần Phớt đã đối diện với hiểm nguy trong gang tấc. Lần chuyển công văn xuống kho xăng dầu, vừa ra khỏi cổng thì máy bay lao đến ném bom. Tương tự, hôm mang công văn đến tự vệ nhà máy Gỗ, thì máy bay ném bom phà Bến Thủy, sát ngay bên cạnh. “Có lần tôi chạy về Thành đội theo đường Trần Phú. Máy bay ầm ầm trên trời. Mặc, tôi vẫn chạy cho kịp. Bà con nấp dưới hầm nhìn lên, gào to: “Con kia! Phản động à? Mày chạy để báo hiệu cho máy bay thả bom à? Ai lên lôi cổ nó xuống đi!”. Tôi vừa chạy thật nhanh vừa hét to: “Tôi đi làm nhiệm vụ”. Hình ảnh cô học trò bé nhỏ xông pha giữa bom đạn chẳng khác nào "chú bé liên lạc" năm nào ở đồn Mang Cá, trong thơ Tố Hữu: “Thư đề thượng khẩn/ Sợ chi hiểm nghèo”.

Có lần, Phớt đã bị bom vùi, ngất đi. Dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Khi đã tỉnh lại, cô lại trốn về, nhưng không cho đơn vị biết, vì sợ họ không cho đi liên lạc nữa.

Phớt cũng là người đã tham gia và chứng kiến trận đánh ngày 07/6/1965, trận mà hai thiếu niên anh hùng của thành Vinh là Võ Chí Dũng và Phan Văn Thìn đã hy sinh. “Khoảng 7g30, ngày 7/6/1965, thầy Thanh Hà đang chấn chỉnh tinh thần cho anh chị em B liên lạc, thì còi báo động réo lên dồn dập ba tiếng một. Rồi tiếng máy bay ầm ầm lao tới. Tiếng pháo cao xạ, tiếng súng trường, súng đại liên, tiếng tên lửa ầm ầm vang cả bầu trời, điếc cả tai. Thầy Hà hô: “Tất cả xuống hầm!”. Có người chưa kịp xuống hầm, thì bỗng tiếng pháo 37 ly của trận địa pháo bên cạnh Cầu Nại im bặt. Chết rồi! Bom dập trúng trận địa pháo 37 rồi các đồng chí ơi! Thầy Hà phân công: “Một số ở lại hầm chữ A cấp cứu, băng bó. Một số vào ngay trận địa pháo để tải thương”. Lập tức, chị Thu Hà, Phớt, chị Mỹ, chị Châu, Báu được phân công ở lại hầm. Còn các bạn nam Mạnh Hà, Mạnh Hùng, Anh Tuấn và Vũ Ngọc Niên chạy tản đi các nơi để tải thương. Một lúc sau, Mạnh Hà bế đến căn hầm ngay giữa vườn hoa Lê Mao một thiếu niên dài ngoằng, bị mảnh bom cắt nát đùi trái, máu ra rất nhiều nên da xanh nhợt. Trước đó, em đã xông vào trận địa pháo 37 ly Cầu Nại để cứu các chú bộ đội bị thương, ngay khi máy bay địch đang ném bom. Em đã kéo được ba thương binh ra nơi an toàn để cấp cứu. Lần thứ tư vừa dìu được chú bộ đội bị thương ra được nửa đường thì bị mảnh bom xé nát đùi trái. “Em giương cặp mắt non nớt nhìn chúng tôi và nói: Các o ơi, các o vào ngay trận địa mà cứu các chú bộ đội. Các chú chết, bị thương nhiều lắm. Các o cứ để em ở đây, em không sao đâu”. Sau đó, em đã được đưa đến Bệnh viện thành phố để cấp cứu, nhưng không qua khỏi. Người anh hùng thiếu niên ấy là Phan Văn Thìn.

picture13.jpg
Thành phố Vinh bị tàn phá trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ

Bên cạnh những giờ phút căng thẳng hay đau thương, Phớt cũng đã trải qua những thời khắc phấn khích tột độ khi chứng kiến quân dân ta bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời thành phố, khi cùng bạn bè hè nhau kéo thử xác chiếc máy bay thứ 300 của giặc Mỹ bị quân và dân thành phố Vinh bắn rơi, cắm đầu xuống phía sau Ga Vinh.

Và chính trong những ngày chiến tranh ác liệt đó, Phớt đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Nhưng, bao nhiêu lần cô vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu: Con là con liệt sĩ, mẹ lại mất, nên không được đi. Không nản chí, cô vẫn tiếp tục gửi đơn. Mãi đến chiều ngày 20/6/1966, khi năm học lớp 9 kết thúc, Phớt nhận được tin báo: Trong ngày hôm nay có mặt tại Thành đội Vinh để nhận nhiệm vụ. Từ nơi sơ tán, không thể chia tay bạn bè, vì năm học đã kết thúc, mọi người đã về nhà nghỉ hè, Phớt đi bộ về Vinh. Đêm chiến tranh không một ánh đèn, mò mẫm mãi mới tìm đến được nơi đóng quân của Thành đội. Và từ 1 giờ sáng ngày 21/6/1966 Lê Thị Phớt đã chính thức trở thành cô bộ đội.

Vào bộ đội, Phớt được đơn vị là Thành đội Vinh cử đi học y tá. Và gần như suốt cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ cô y tá Lê Thị Phớt tiếp tục công tác tại thành Vinh khói lửa. Cuối năm 1971, đầu năm 1972, cô chuyển ngành về làm công tác y tế tại trường Trung cấp Kinh tế 1, Bộ Cơ khí Luyện kim, ở Bắc Thái. Tại đây, cô đã nên duyên với một cựu chiến binh mới từ chiến trường về học. Hai vợ chồng cùng sống tại đây, cho đến năm 1980, thì cùng về mất sức theo chủ trương giảm biên thời kỳ đó. Họ đưa nhau về quê chồng, ở huyện miền núi Tuyên Hóa, Quảng Bình. Hai cựu chiến binh, với bốn đứa con nhỏ, cùng chung lưng đấu cật để duy trì cuộc sống. Có dạo, không hiểu sao ông bà lại bị cắt mất chế độ mất sức, thật cơ cực vô cùng. Chính trong thời gian đó, nhiều người gợi ý cho ông làm chế độ thương binh cho đỡ cực, mà thương tật của ông cũng hoàn toàn xứng đáng được hưởng. Thế nhưng ông gạt đi. “Mình còn sống về đây là sướng quá rồi. Bao nhiêu người hy sinh chưa tìm thấy xác thì sao!”. Thậm chí, ông còn giấu biệt hồ sơ, nên không ai có thể làm gì cho ông được nữa. Từ năm 1990, bà Phớt được xã bố trí làm ở trạm y tế xã, sau đó chuyên trách về công tác dân số, chế độ trợ cấp mất sức của hai ông bà cũng được khôi phục. Cuộc sống nhờ vậy cũng đỡ phần vất vả.

Ngày trở về trường cũ

Tuổi già đang đến, chồng đã mất, các con đều đã khôn lớn, trưởng thành, bà Phớt càng khắc khoải nhớ về tuổi hoa niên vất vả, gian khổ, nhưng ấm áp tình người và sôi nổi, rực rỡ. Nghe tin trường cũ kỷ niệm 100 năm thành lập, bà xốn xang, không ngủ được. Bà mở cuốn vở ô li và bắt đầu viết những trang hồi ức đẫm nước mắt.

picture14.jpg
“Xin góp chút ít cho nhà trường làm lễ”

Trong ngày lễ tưng bừng, náo nhiệt, ngoài niềm vui được gặp lại bạn bè thuở trước, cô học trò năm xưa đã tìm được người thầy chủ nhiệm, “người mẹ” yêu quý của mình, sau gần sáu mươi năm xa cách. Hai thầy trò, hai mái đầu tóc bạc ôm lấy nhau, khóc. Bao nhiêu người cũng không kìm được nước mắt.

Với bà, về lại trường xưa cũng là về lại quê hương, về lại gia đình và những người thân…

picture15.jpg
Thầy trò gặp lại nhau sau gần sáu mươi năm xa cách!