Niềm vui được đón Bác Hồ về thăm

Thời gian đó là mùa đông năm 1961, lúa ngoài đồng đã gặt hết. Cái lạnh giá cũng không ngăn được bà con xã viên HTX Nông nghiệp cao cấp Vĩnh Thành rất phấn khởi nhờ mấy năm liên tiếp được mùa, đang tập trung be bờ, làm thủy lợi, cày ải đất để chuẩn bị cho vụ chiêm xuân. Tôi còn nhớ rõ, chiều ngày mồng 9 tháng 12 năm đó, khi chúng tôi (những học sinh “lớn tuổi” cấp 2, sáng đi học, chiều ra đồng, giúp gia đình kiếm thêm công điểm) đang làm thủy lợi ở đồng Báng gần đó thấy có chiếc tàu bay trực thăng bay thấp dọc quốc lộ 7, lượn vòng rồi bất ngờ đáp xuống cái bãi cỏ nhỏ dưới chân rú Nhãn Tháp mà cách đó mấy hôm đã được công binh, dân quân và học sinh trong xã san phẳng, dọn sạch. Ngay lúc chiếc trực thăng chưa đáp đất, người tua tủa từ các ngả chạy về phía rú Nhãn Tháp. Chúng tôi lúc đó đang ở dưới ruộng, mặt mũi nhem nhuốc, chân trần còn nguyên bùn đất, ai nấy lao thật nhanh, bất kể, bờ cao, ruộng thấp… về phía chiếc tàu bay đang từ từ hạ cánh. Đến nơi, thấy người đông nghẹt. Mấy cánh quạt của trực thăng quay tít, tạo nên luồng gió rất mạnh, hất chiếc mũ lá rộng vành của tôi rơi xuống đất. Mọi người đang chen lấn, xô đẩy thì chiếc trực thăng nhấc cao lên rồi bay mất hút về hướng mặt trời lặn trước bao khuôn mặt ngơ ngác, tiếc nuối của mọi người… Sau đó, chúng tôi nghe mấy ông cán bộ xã nói: “Hôm nay chỉ tập dượt, bay thử kiểm tra thôi, ngày mai Trung ương mới về !”.

Tối hôm đó, các xóm và các tổ chức đoàn thể trong toàn xã đều tổ chức họp để nghe cán bộ phổ biến thời gian và nội quy đi đón Trung ương. Riêng học sinh chúng tôi được nhà trường tổ chức đi theo lớp, tập trung tại trường và xuất phát từ 5 giờ sáng. Thế là, đêm ấy, hầu như tất cả mọi người đều không ai ngủ được, cứ như có cái gì đó rạo rực trong lòng. Ai cũng “đoán già đoán non”, người “đoán” thế này, người “đoán” thế kia, nhưng, phần lớn đều khẳng định: Người của Trung ương là Bác Hồ. Linh cảm của người dân như có điều gì rất hệ trọng, rất vui sướng sẽ đến với mọi người vào ngày mai…

Sáng 10 tháng 12 năm 1961, trời chưa sáng hẳn, người từ các làng trong xã, khắp nơi trong huyện Yên Thành và các xã lân cận của huyện Diễn Châu, Đô Lương cũng đang nườm nượp đổ về rú Nhãn Tháp thành từng hàng, từng khối với khuôn mặt hân hoan, phấn khởi cùng với băng, cờ, khẩu hiệu rợp cả một vùng.

Khi chúng tôi đến, sân Trường cấp 1 xã Vĩnh Thành nằm dưới chân rú Nhãn Tháp, nơi diễn ra cuộc mít tinh đón Bác đã đông nghẹt người. Khối học sinh chúng tôi được xếp ngồi phía dưới lễ đài ngay tại bậc thềm chính giữa ngôi trường mái tranh vách đất mà mấy năm trước tôi đã từng học. Thật vô cùng vui sướng, đúng như điều mong ước của mọi người, khi chúng tôi đọc được câu khẩu hiệu trước lễ đài: Nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Vĩnh Thành!

Khi hàng ngàn người đang khao khát, hồi hộp chờ đợi mong được nhìn thấy Bác Hồ thì đúng 7h, một chấm đen cùng với tiếng động cơ xuất hiện trên bầu trời trong xanh đến kỳ lạ giữa mùa đông rét giá. Cả biển người như muốn nhao lên nhìn chiếc tàu bay màu xanh bạc đang to dần bay về phía rú Nhãn Tháp từ từ hạ độ cao, lượn vòng, rồi nhẹ nhàng đáp xuống bãi đậu hôm trước cách lễ đài đón Bác chừng vài trăm mét. Sau khi ôm hôn và nhận hoa của các cháu thiếu niên nhi đồng, bắt tay, hỏi thăm cán bộ huyện, xã ra đón tại cửa tàu bay, Bác bước lên lễ đài trong tiếng hô không ngớt của cả biển người: "Hồ Chủ tịch muôn năm! Bác Hồ muôn năm!", vang động cả một vùng.

Ôi Bác Hồ! Bác thật giản dị làm sao! Vẫn bộ quần áo bà ba màu gụ, ngoài khoác chiếc áo kaki, chân đi đôi dép cao su, mái tóc phong sương, chòm râu đốm bạc, khuôn mặt phúc hậu, hiền từ như ông bụt, ông tiên ... Bác nhìn khắp cả sân trường, tươi cười vẫy tay chào đồng bào và ra hiệu cho mọi người im lặng.

Do hồi hộp và xúc động, khi ông Bí thư Đảng ủy xã Phan Đức Tuệ giới thiệu thiếu các đồng chí Trung ương cùng về thăm, Bác ân cần nhắc: "Cả các đồng chí Trung ương nữa". Cả biển người lại rùng rùng đứng dậy. Lồng ngực chúng tôi lại như vỡ ra để cố hô thật to, cả sân trường lại ầm vang như biển động : "Hồ Chủ tịch muôn năm! Bác Hồ muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!". Bác Hồ ra hiệu cho mọi người im lặng, cả biển người lại đột ngột lặng đi.

Cầm mảnh giấy nhỏ trong tay, Bác bắt đầu nói chuyện. Lời Bác vang lên trìu mến thiết tha, gần gũi với chất giọng Nghệ ấm áp như tan chảy trong trái tim mọi người: “Thưa toàn thể đồng bào! Bác và các đồng chí Trung ương, Tỉnh ủy về thăm hợp tác xã Vĩnh Thành, các cô, các chú xã viên và các cháu. Bác có câu chuyện tóm tắt sau đây để bà con và các cháu chú ý: Hợp tác xã Vĩnh Thành về mọi mặt đều có tiến bộ. Nói chung như thế, Bác không phải kể nữa, mà các cô, các chú thì đã biết cả rồi. Hợp tác xã Vĩnh Thành tuy có tiến bộ nhưng đang ít quá, nên Bác nói thêm mấy điểm”. Sau đó, Bác dặn dò chỉ bảo tỉ mỉ, cụ thể như một Chủ nhiệm hợp tác xã đang bàn bạc với xã viên về sự quan trọng của nước, phân bón, về kịp thời vụ đối với cây lúa và các cây trồng khác.

2.jpg
Bác Hồ nói chuyện với Nhân dân xã Vĩnh Thành (10/12/1961)

Bác nói tiếp: “Cải tiến công cụ ở đây có làm, nhưng chưa được khá lắm. Muốn tăng gia sản xuất phải cải tiến công cụ”. Rồi Bác biết xã Vĩnh Thành là một trong những xã thực hiện tốt phong trào trồng cây của miền Bắc thời đó, Bác nói: “Trồng cây ở đây khá - khá chứ chưa phải thật tốt đâu. Nên chọn cây gì đáng trồng thì trồng. Trồng nhiều cây phi lao thì nhanh, chóng tốt nhưng nó chỉ dùng làm củi đun thôi… Nghe nói ở đây các cụ có một đội chuyên trách trồng cây, như thế là tốt lắm. Các cụ nên giúp vào nữa. Tôi đề nghị các cụ vào phụ trách tất cả việc trồng cây. Các cháu chẳng những đừng phá cây, mà khi đi trâu, đi bò, không làm cây gãy. Các cụ đã sắm hàng rào, các cháu thấy nó hỏng chỗ nào thì rào lại, hay về báo cáo với các cụ, để tu sửa. Các cháu có làm được không?”. Bọn trẻ chúng tôi đồng thanh: “Dạ, thưa Bác làm được ạ!”. Rồi Bác nói về những việc rất cụ thể như: vệ sinh chưa sạch sẽ; Bác khen Ban quản trị HTX, vấn đề đoàn kết, phải minh bạch, dân chủ trong ăn chia công điểm, HTX phải quan tâm tới người già cả, neo đơn, tạo việc làm thích hợp cho họ …Đồng thời, Người cũng ân cần nhắc nhở về vai trò của chi bộ Đảng trong việc chỉ đạo để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và xây dựng khối đoàn kết nông thôn. Người căn dặn: “Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn, làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hăng hái tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố Hợp tác xã”.

Tôi nhớ rất rõ, do được ngồi gần sát lễ đài, hôm ấy tuy là mùa Đông nhưng trời nắng khô, ánh nắng mặt trời chiếu gần thẳng vào lễ đài. Thấy Bác đứng miệt mài nói chuyện với đồng bào, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, ai ai cũng băn khoăn. Ông Nguyễn Quỹ, Chủ nhiệm hợp tác xã Vĩnh Thành đứng phía sau cung kính đưa khăn tay cho Bác. Thấy vậy, Bác khẽ xua tay từ chối. Sau đó, ông Phan Đức Tuệ ngập ngừng dương chiếc ô mượn được từ dưới xóm định để che cho Bác đỡ nắng. Khi chiếc ô vừa dương lên, Bác nhẹ nhàng ra hiệu ông Tuệ cất ô đi và chỉ xuống hàng ngàn người đang ngồi phía dưới: "Bác không phong kiến. Các chú có tìm đủ ô cho hàng ngàn bà con ngồi dưới kia không?. Ôi, Bác Hồ! Cả ngàn người chỉ thương Bác thế mà Bác không nhận, lại giành tình thương cho cả ngàn người nông dân ngồi dưới nắng. Cả sân trường ngỡ ngàng, cảm động lặng đi mất mấy giây, rồi ngay lập tức là tiếng hô ào lên như sóng: Hồ Chủ tịch muôn năm! Bác Hồ muôn năm!

Khi nói về thành tích của 5 cá nhân tiêu biểu để Bác thưởng huy hiệu, Bác hỏi: Thành tích của các cô, các chú trên có đúng sự thật không? Ông Bí thư Đảng ủy xã nhanh nhẹn trả lời: “Dạ, đúng ạ” thì Bác nói: “Bác không hỏi chú, Bác hỏi nhân dân kia. Có đúng sự thật không, thưa đồng bào?”. Rồi Bác hỏi dân: “Bác đề nghị thưởng huy hiệu cho 5 người này, đồng bào có tán thành không?” thì cả biển người như sóng dậy: "Thưa Bác, đồng ý ạ, có ạ!". Sau đó Bác mời 5 người xuất sắc nhất lên lễ đài để Bác gắn huy hiệu, gồm: cô Nguyễn Thị Thuý, cô Nguyễn Thị Nhụy, chú Phạm Trọng Kính, chú Nguyễn Tá và cô Nguyễn Thị Đường đã có thành tích trong việc làm thủy lợi, làm phân bón, có ngày công cao .v.v… Rồi Bác nói như tâm sự, nhắc nhở: “Hôm nay Bác về không đi thăm hợp tác xã khác trong huyện, trong tỉnh được, là vì không có thời gian. Các xã và hợp tác xã khác cần thông cảm. Còn hợp tác xã đây chớ thấy Bác về thăm tưởng mình là nhất không đâu bằng nữa, rồi tự kiêu, tự mãn cho rằng không cần học tập ai nữa”...

Cuối buổi nói chuyện, Bác nói “Cảm ơn các cụ, các cô, các chú và toàn thể đồng bào đã đón tiếp Bác và phái đoàn. Thế là mất nửa ngày sản xuất, kể cả việc dọn dẹp sắm sanh này khác. Bây giờ chúc bà con về lao động bù lại”.

Bác Hồ - Một tình yêu bao la

Sau buổi nói chuyện, Bác đề nghị đi thăm một số nơi ở làng Vĩnh Tuy – ngôi làng của ông Nguyễn Qũy, chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc đồng thời là chủ nhiệm HTX nông nghiệp cao cấp đầu tiên của tỉnh Nghệ An.

Từ nơi mít tinh, theo con đường đất gồ ghề, Bác đi trước cùng các cán bộ huyện, xã, còn chúng tôi bám chạy theo sau. Dọc 2 bên đường bà con cầm cờ và vỗ tay chào đón Bác. Các cháu thiếu niên nhi đồng hai bên đường đều được Bác phát kẹo. Qua sân trụ sở là dãy chuồng trâu dài, Người dừng lại hỏi: “Đêm có cho trâu ăn không ?”. Ông Nguyễn Đăng Chúc, Chủ tịch xã đi bên cạnh, thưa: “Dạ, tối độ 8 giờ có người đến bỏ rơm cho từng con ạ!”. Người bảo: "Phải cho trâu ăn đêm để mai có sức kéo. Làm sao khi cho trâu ăn phải đồng đều một lúc để trâu khỏi mất ngủ". Thật không ai ngờ, một vị Chủ tịch nước lại lo đến cả giấc ngủ cho đàn trâu hợp tác.

1.jpg
Bác Hồ thăm dãy chuồng trâu HTX, làng Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Thành, Yên Thành (10/12/1961)

Qua dãy chuồng trâu, đi qua mấy cái ao bèo, ngôi nhà địa phương bố trí để Bác vào thăm là ngôi nhà ngói bà Hân nhưng Bác không vào, Bác vào nhà bà Thậm, nhà mái tranh. Bà đang ở nhà trông cháu bé, thấy Bác vào thăm vội vàng bồng đứa cháu chạy ra tới cửa sung sướng đến nghẹn ngào: Ôi, Bác Hồ ! Bác Hồ !

Bác và các cán bộ đi trước, bà con láng giềng lân cận cũng ùa vào theo chật kín cả gian nhà để nghe Bác hỏi thăm bà Thậm. Bác phát kẹo cho cháu bé và nói: “Chúc cụ giữ gìn sức khỏe để trông cháu”. Bà Thậm cầm kẹo trong tay mà cảm động rưng rưng nước mắt, không ngờ dân quê nghèo như bà mà cũng được Bác Hồ vào thăm nhà.

Vào thăm nhà trẻ xóm Vĩnh Phúc, thấy tường vôi mới trắng toát, Bác nhắc khéo: “Chắc các chú đón Bác nên mới cho quét vôi ?”. Ông Chúc ấp úng: “Dạ!”. Thời đó, làng Vĩnh Tuy có 6 xóm, mỗi xóm có một nhà trẻ để trông giữ các cháu nhỏ giúp cha mẹ đi làm ngoài đồng. Những người trông, giữ trẻ ngày ấy là các bà không làm ruộng được nữa. Tuy đã được báo trước, nhưng khi Bác vào thăm, các bà tỏ ra hồi hộp trước những lời hỏi thăm ân cần của Bác. Bác hỏi về việc ăn, ngủ của các cháu có đúng giờ giấc không, ăn có đủ chất không… Rồi Bác nói đại ý: “Trông giữ trẻ là công việc vất vả, bởi các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ chịu khó. Khi cha mẹ đến đón thấy các cháu bụng đói, mặt mũi lem nhem, luốc nhuốc thì sẽ không an lòng. Chúc các cụ trông giữ, chăm sóc, giữ gìn vệ sinh tốt cho các cháu để cha mẹ yên tâm làm ruộng”.

Từ nhà trẻ, Bác rẽ trái vào nhà chị Máy gần đó. Nghe tiếng ồn ào và tiếng gọi của bà con ngoài sân, chị Máy đang đun nấu dưới bếp vội bế đứa con trai nhỏ hơn một tuổi chạy ra thì thấy Bác đã vào tới cửa, nghẹn ngào, không cất nổi thành lời mà chỉ nói được mấy chữ: Ôi ! Bác Hồ ! Bác Hồ !. Bác khom người dưới mái tranh thấp tè, nhìn vào gian bếp thấy khói um, lửa rơm rạ cháy loang ra ngoài, Người nói: “Cháu vào trông bếp đi !”. Sau đó không lâu, thật bất ngờ và cảm động, gia đình chị nhận được bức thư do chính Bác viết thăm gia đình anh chị và các cháu. Cả gia đình đã đọc đi đọc lại bức thư đó nhiều lần. Mỗi lần đọc, anh chị lại rưng rưng nước mắt nói với mọi người: “Bác Hồ một vị Chủ tịch nước, bận trăm công ngàn việc mà Người vẫn viết thư thăm hỏi ân cần, quan tâm tới cái gia đình nông dân nhỏ bé như gia đình nhà tui”

Tạm biệt bà con, Bác cùng đoàn cán bộ Trung ương trở lại rú Nhãn Tháp nơi chiếc trực thăng có những cánh quạt dài ngoẵng, quay tít đang chờ đợi Người tiếp tục lên thăm nông trường Đông Hiếu, huyện Nghĩa Đàn. Bắt tay các cán bộ xã, huyện ra tạm biệt, Bác bước lên cửa tàu bay, hai tay Người vẫy chào tạm biệt hàng ngàn bà con cũng đang giơ hai tay chào tạm biệt Người. Nhiều người rưng rưng muốn khócc, nhìn mãi cánh tay Người vẫy vẫy, cả quê hương lặng đi đến nghẹn ngào...

3.jpg
Lãng Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Thành - nơi Bác Hồ từng đến thăm nay đã có nhiều đổi mới. Ảnh: Thành Cường

60 năm qua, những lời căn dặn quý báu của Người đã được Đảng bộ, Nhân dân xã Vĩnh Thành lấy đó làm nguồn động lực to lớn để vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần cùng cả nước tô đẹp thêm cho những trang sử vẻ vang của dân tộc. Thực hiện lời dạy của Bác, xã Vĩnh Thành, làng Vĩnh Tuy giờ đây đã thay da đổi thịt rất nhiều, không còn nhà tranh vách đất, nhiều nhà cao tầng đã mọc lên, đường làng ngõ xóm đã rải bê tông, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nơi Bác về năm xưa, nay đã trở thành: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành khang trang, lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật lần Bác về thăm. Những tư liệu đó ghi lại thời khắc lịch sử vinh dự, góp phần nhắc nhở các thế hệ lãnh đạo, các thế hệ con cháu, người dân mãi sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trần Công Bổng