Giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã lựa chọn một số vấn đề bức xúc, nổi lên ở địa phương cần giải quyết, ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đến đời sống Nhân dân trên cơ sở kiến nghị của cử tri và đề nghị của các Ban HĐND, đại biểu HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh. Đó là giám sát về “các dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh” và “công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ 2015 - 2020”. Báo cáo kết quả giám sát được gửi đến đại biểu HĐND tỉnh và trình tại kỳ họp HĐND tỉnh để xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết về chuyên đề giám sát. Các Ban HĐND tỉnh cũng đã tiến hành giám sát các chuyên đề: Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, huyện trong thi hành án hình sự từ năm 2019 đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến năm 2021; giám sát về việc hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An.

Trong tháng 8, Ban Pháp chế sẽ giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ năm 2020 đến nay; Ban Văn hóa - Xã hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2021; Ban Dân tộc giám sát việc thực hiện “Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn tỉnh Nghệ An".

Qua tham gia thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nghệ An rút ra những kinh nghiệm thực tiễn, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về xác định và lựa chọn nội dung giám sát:

Việc lựa chọn nội dung giám sát là bước đầu tiên, là nhiệm vụ rất quan trọng trong thực hiện giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, bởi vì các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội rất nhiều nhưng lựa chọn thời điểm và nội dung nào cho “trúng”, cho “đúng” để thực hiện giám sát chuyên đề là điều rất quan trọng.

Nguyên tắc lựa chọn nội dung giám sát trước hết cần xác định vấn đề giám sát HĐND là vấn đề bao trùm, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tỉnh được nhiều cử tri và Nhân dân, nhiều ngành, nhiều cấp quan tâm. Mặt khác, lựa chọn nội dung giám sát cần đảm bảo đúng thẩm quyền (những nội dung thuộc phạm vi trách nhiệm của HĐND tỉnh), giám sát đúng đối tượng để khi Nghị quyết giám sát được ban hành vừa đảm bảo đúng pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả, vừa đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được thực hiện trên cơ sở tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua việc khảo sát nắm bắt thông tin và tham khảo ý kiến của một số chuyên gia trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó HĐND tỉnh, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đã phối hợp, chắt lọc, lắng nghe các ý kiến , phản ánh của các phóng viên, nhà báo, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền trên Báo Nghệ An, trang TTĐT Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An, các phóng sự chuyên sâu của Đài PTTH tỉnh để lựa chọn nội dung giám sát. Khi lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề cần nghiên cứu, tìm hiểu để tránh trùng lặp với nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh, MTTQ tỉnh,…

Thứ hai, công tác xây dựng kế hoạch và đề cương giám sát:

- Đối với việc thành lập Đoàn giám sát: thành phần Đoàn giám sát phải đảm bảo đầy đủ lực lượng nòng cốt; mời đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên nghiệp trong tư vấn nội dung giám sát cho Đoàn giám sát; mời đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh - cơ quan dân cử và đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - cơ quan thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội tham gia để cung cấp thêm nhiều thông tin về cơ chế, chính sách của Trung ương cũng như phản ánh được tiếng nói của công luận trong quá trình giám sát; mời Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại địa bàn được giám sát, đại diện Thường trực, các Ban HĐND cấp huyện để Đoàn giám sát có thêm nhiều thông tin từ phía cơ sở, đồng thời giúp các Tổ Đại biểu HĐND tỉnh và HĐND cấp huyện “kết hợp” giám sát, nắm được sâu hơn vấn đề qua giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh trên địa bàn; mời các cơ quan báo chí, phát thanh – truyền hình để thực hiện công tác tuyên truyền kịp thời, sâu rộng các hoạt động giám sát của HĐND.

- Đối với việc xây dựng kế hoạch giám sát: nguyên tắc trong xây dựng kế hoạch là phải làm rõ mục đích, yêu cầu của việc giám sát, nội dung, phạm vi giám sát để làm căn cứ xây dựng đề cương, lựa chọn hình thức giám sát, đối tượng giám sát đảm bảo chính xác, phù hợp và xây dựng chương trình làm việc khoa học, hợp lý.

Việc lựa chọn cơ quan, đơn vị giám sát trực tiếp rất quan trọng, đó phải là những cơ quan, đơn vị mang tính đại diện, bao quát đối với vấn đề cần giám sát hoặc là những chủ thể trực tiếp thụ hưởng, thực hiện chính sách. Đồng thời, cần lựa chọn nhiều cơ quan, đơn vị để giám sát qua báo cáo. Riêng đối với UBND cấp huyện thì ngoài những nơi Đoàn giám sát trực tiếp, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành, thị còn lại gửi báo cáo cho Đoàn giám sát. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh cũng yêu cầu một số Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả cho Đoàn giám sát. Qua đó, Đoàn giám sát vừa có thể nhìn nhận vấn đề từ một cơ quan, đơn vị cụ thể, đồng thời đánh giá một cách khái quát, tổng thể vấn đề đang giám sát trên diện rộng, nhất là những yếu kém, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, từ đó có những kiến nghị bám sát, đúng, phù hợp và có tính khả thi cao.

- Đối với việc xây dựng đề cương giám sát: Trước khi xây dựng đề cương, bên cạnh việc nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật, tài liệu liên quan thì cần tổ chức khảo sát, thu thập thông tin bằng nhiều kênh khác nhau (như thành lập nhóm khảo sát thực tế để thu thập thông tin, trao đổi hoặc làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan và các đối tượng chịu sự tác động của cơ chế, chính sách liên quan đến nội dung giám sát,….). Mặt khác, việc tranh thủ tham vấn ý kiến của các chuyên gia trên các lĩnh vực trong quá trình xây dựng đề cương để đảm bảo khung đề cương đạt chuẩn về nội dung, chính xác về các thuật ngữ chuyên ngành là điều rất quan trọng vì nhiều nội dung thành viên Đoàn giám sát không am hiểu chuyên sâu, nhất là đối với những vấn đề khó, vấn đề phức tạp, nhạy cảm.

Về bố cục và nội dung, đề cương cần tập trung làm nổi bật được nội dung cốt lõi, trọng tâm, đảm bảo gọn, rõ vấn đề, xây dựng các phụ lục, mẫu biểu kèm theo để các cơ quan, đơn vị được giám sát dễ thống kê, báo cáo số liệu và thuận lợi trong quá trình tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát. Đối với một số nội dung cần tìm hiểu sâu và cụ thể hơn thì có đề cương, biểu mẫu riêng cho mỗi cơ quan, đơn vị đặc thù.

Thứ ba, công tác chuẩn bị và cách thức triển khai cuộc giám sát:

Qua thực tiễn, Ban Pháp chế HĐND tỉnh nhận thấy việc chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị được giám sát gửi báo cáo đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng để các thành viên Đoàn giám sát có thời gian nghiên cứu kỹ là rất quan trọng. Sau khi nghiên cứu báo cáo nếu thấy chất lượng báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu (như: chưa cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu, bố cục, nội dung chưa bám sát đề cương, số liệu thiếu nhất quán hoặc chưa chính xác, đầy đủ,…) thì các Ban HĐND tỉnh sẽ có văn bản yêu cầu cơ quan, đơn vị báo cáo bổ sung.

Trước khi tổ chức triển khai cuộc giám sát, việc cần thiết là tổ chức họp Đoàn giám sát để thông báo kế hoạch giám sát, đồng thời giao nhiệm cụ thể cho mỗi thành viên Đoàn (nhất là các đại biểu chuyên trách) trong việc nghiên cứu sâu những nội dung cần trao đổi tại các phiên làm việc với cơ quan, đơn vị để đảm bảo không trùng lặp ý kiến và làm rõ thêm được nhiều vấn đề; thành lập các Tổ, nhóm để khảo sát, nắm bắt kỹ lưỡng trước một số nội dung để phục vụ hoạt động giám sát. Cách thức tổ chức làm việc đối với các cơ quan, đơn vị giám sát trong mỗi nội dung giám sát cũng có sự khác nhau; tại phiên làm việc, Đoàn giám sát tập trung yêu cầu đối tượng được giám sát giải trình, làm rõ những vấn đề thành viên Đoàn trao đổi qua khảo sát, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu mà không trình bày báo cáo cụ thể. Và điều quan trọng là cần tạo ra không khí cởi mở để đối tượng được giám sát nắm bắt và trả lời đầy đủ, thẳng thắn các vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, đồng thời trao đổi, chia sẻ những vướng mắc, bất cập do khách quan, chủ quan để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề sau giám sát. Đồng thời, kết luận của Trưởng đoàn trong mỗi phiên làm việc tại các cơ quan, đơn vị giám sát cần phải cụ thể, đúng đối tượng, rõ vấn đề để thuận lợi cho việc tiếp thu, thực hiện.

Thứ tư, trong xây dựng báo cáo kết quả giám sát

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh là sản phẩm của quá trình chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và được thực hiện một cách khoa học, hiệu quả của Đoàn giám sát. Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề phải đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về nội dung giám sát, được tổng hợp qua giám sát thực tế và giám sát qua báo cáo; các số liệu, nhận định cần tinh gọn nhưng đảm bảo tính chính xác, cần đánh giá đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế (như nguyên nhân về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, về công tác chỉ đạo, điều hành,…) làm cơ sở cho việc kiến nghị đúng trọng tâm, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và giao rõ lộ trình, thời hạn thực hiện cụ thể, đưa ra những giải pháp tích cực, khả thi trước mắt và lâu dài.

Thứ năm, theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát

Cần quan tâm đến việc chủ thể chịu sự giám sát khắc phục hạn chế, yếu kém, vi phạm sau khi được giám sát. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc khắc phục những hạn chế, tồn tại được kiến nghị qua giám sát. Tiếp tục tái giám sát đối với những nội dung chậm triển khai hoặc không thực hiện nghiêm túc. Đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, kéo dài xem xét đưa ra chất vấn, giải trình tại kỳ họp thường lệ của HĐND để làm rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan, để vấn đề được giải quyết thỏa đáng, tạo niềm tin của cử tri đối với cơ quan dân cử.

Bên cạnh những giải pháp cải tiến, đổi mới nội dung, cách thức tiến hành các hoạt động giám sát, để thiết thực nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề của HĐND cần phải chú trọng và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, cả cơ quan giám sát và cơ quan chịu sự giám sát; đảm bảo đầy đủ nguồn lực cho hoạt động giám sát, cả về nhân lực, vật lực và tài lực. Phát huy mạnh mẽ vai trò của các cơ quan truyền thông trong toàn bộ quá trình giám sát và thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát, áp dụng hiệu quả công nghệ số trong trong hoạt động giám sát. Hoạt động giám sát vừa phải bám sát, đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân và cử tri, đồng thời phải gắn với cung cấp thông tin thực tiễn để kiến nghị ban hành chính sách, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Lê Xuân

VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh