Tăng cường giám sát của cử tri, Nhân dân

Với vai trò là cơ quan dân cử, đại biểu HĐND có trách nhiệm thu thập, phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri và chịu sự giám sát của cử tri, thời gian qua, HĐND tỉnh luôn trăn trở, nỗ lực đề ra các giải pháp, cách thức để làm tốt hơn vai trò này, xứng đáng là cơ quan, là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân. Việc tổ chức đường dây “nóng” tại kỳ họp là một biện pháp, giải pháp khá hiệu quả.

c837ec1e93055c5b0514.jpg
Bộ phận tổng hợp ý kiến cử tri tại đường dây nóng kỳ họp HĐND tỉnh

Ông Nguyễn Đình Được, khối 1, phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, cho biết: Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khoá XVII, diễn ra cuối tháng 7/2020, thông qua đường dây “nóng” kỳ họp, ông đã phản ánh tuyến đường từ Mai Hùng đi Quỳnh Phương được đầu tư xây dựng, tuy nhiên có đoạn từ cầu Ngọc Huy đến Quỳnh Phương vẫn đang đường đất và đề nghị các cấp quan tâm đầu tư xây dựng đoạn đường này. Trên cơ sở ý kiến của ông, sau kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã có công văn chuyển nội dung phản ánh và yêu cầu trả lời kiến nghị cử tri, UBND thị xã Hoàng Mai đã tiếp thu và chỉ đạo UBND phường Mai Hùng - đơn vị làm chủ đầu tư đoạn đường này, xúc tiến triển khai đầu tư. Hiện đoạn đường này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông, nhất là tổ dân phố Kim Ngọc, phường Mai Hùng.

a8709878c90906575f18.jpg

6f0dc8059974562a0f65.jpg
Đoạn đường từ cầu Ngọc Huy, phường Mai Hùng đến Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, sau phản ánh của cử tri đã được làm bê tông

Cùng bày tỏ niềm tin vào đường dây “nóng”, bà Trần Thị Thanh, khối Tân Phúc, phường Hưng Phúc, thành phố Vinh cho biết, khi ý kiến của bà gọi đến đường dây “nóng” phản ánh ở khu đất của Công ty Công viên cây xanh cũ trở thành địa điểm tập kết rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ngay sau đó UBND phường Hưng Phúc làm việc với Công ty Môi trường đô thị Nghệ An xử lý ngay. Ý kiến cử tri khối Yên Giang, phường Đông Vĩnh phản ánh bất cập của hệ thống mương thoát nước trong dân cư không có lối dẫn thoát, gây ứ đọng, làm ô nhiễm môi trường cũng được UBND phường Đông Vĩnh tiếp thu và đề xuất thành phố đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự kiến sẽ đầu tư trong năm 2023 tới.

Theo dõi đường dây “nóng” các kỳ họp HĐND tỉnh gần đây, chúng tôi thấy ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri, Nhân dân ngày càng tăng qua mỗi kỳ, từ 40 - 60 ý kiến/kỳ họp. Việc tiếp thu, trả lời và giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri được Thường trực HĐND tỉnh thực hiện theo một quy trình bài bản. Mỗi kỳ họp, ngoài phân công các sở, ngành thường có nhiều ý kiến cử tri phản ánh như Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài nguyên - Môi trường, Thanh tra tỉnh thì tuỳ từng thời điểm như đợt dịch COVID-19 bùng phát, Thường trực HĐND tỉnh phân công thêm Sở Y tế để cử cán bộ trực đường dây “nóng” nhằm tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri. Trách nhiệm của cán bộ trực đường dây “nóng” là tiếp nhận, giải đáp trực tiếp những nội dung có thể giải đáp và tổng hợp để chủ toạ điều hành kỳ họp công bố công khai vào cuối mỗi buổi làm việc tại kỳ họp. Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Hoàng Mai: Việc chủ toạ kỳ họp thông tin công khai các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp và được chuyển tải lên các phương tiện thông tin đại chúng rất có ý nghĩa. Bởi từ sự công khai đó, các cấp, các ngành nắm được các vấn đề cử tri nêu; đồng thời đây cũng là một “kênh” để cử tri, Nhân dân thực hiện vai trò giám sát của mình đối với hoạt động của cơ quan dân cử cũng như các cơ quan chức năng.

Và thực tế, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Anh Hoa - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, ngoài trách nhiệm của HĐND tỉnh trong việc tiếp nhận, tổng hợp và chuyển yêu cầu trả lời đến các sở, ngành, địa phương thì nhiều sở, ngành, địa phương cũng rất trách nhiệm cử cán bộ theo dõi ý kiến phản ánh của cử tri, Nhân dân qua đường dây “nóng” để nắm bắt các nội dung có liên quan đến ngành, địa phương mình. Một số vấn đề có thể trao đổi, trả lời trực tiếp tại kỳ họp được chủ tọa yêu cầu các ngành, địa phương trao đổi, phát biểu tại hội trường, thông tin công khai đến với cử tri. Những vấn đề chưa được trả lời, sau mỗi kỳ họp, một số sở, ngành, địa phương không chờ đến công văn gửi yêu cầu trả lời của Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động giải quyết và trả lời ngay.

Cũng theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Anh Hoa, từ trách nhiệm đó, nhiều vấn đề cấp bách, bức xúc của người dân, doanh nghiệp được các sở, ngành, địa phương quan tâm giải quyết kịp thời. Và từ hiệu quả đó, kỳ họp HĐND tỉnh cũng ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân hơn; tăng cường vai trò giám sát của cử tri, Nhân dân đối với các đại biểu HĐND tỉnh, hoạt động của cơ quan dân cử cũng như các cơ quan chức năng thông qua các kỳ họp.

Tiếp tục trăn trở đổi mới

Bên cạnh những kết quả và tác động tích cực thì vẫn còn một số vấn đề HĐND tỉnh cần tiếp tục trăn trở đổi mới để nâng cao hiệu quả đường dây “nóng”.

Mục đích của đường dây “nóng” là tiếp nhận để thông tin, giải quyết ngay những vấn đề bất cập, bức xúc trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, lâu nay, đường dây “nóng” tại kỳ họp HĐND tỉnh giống như một kênh tiếp nhận, tổng hợp ý kiến cử tri; thậm chí nhiều nội dung phản ánh là từ đơn thư đã được cơ quan chức năng tiếp nhận và đang trong quá trình xử lý hoặc đã giải quyết hết thẩm quyền mà công dân không đồng thuận chuyển sang. Điều này dẫn đến chất lượng giải quyết và trả lời ý kiến phản ánh thông qua đường dây “nóng” tại kỳ họp có những vấn đề không thể giải quyết ngay, bởi liên quan đến cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật, hoặc nguồn lực đảm bảo để thực hiện. Đây là cái khó cho các sở, ngành, địa phương để có thể nói giải quyết được ý kiến cử tri, Nhân dân mà trong trường hợp này chỉ có thể nghiên cứu và trả lời vì sao chưa làm được, chứ không giải quyết được ngay trong một vài ngày. Trong những trường hợp này, về phía cử tri, Nhân dân mong muốn ý kiến của mình được giải quyết ngay sẽ không được đáp ứng, dẫn đến nhìn nhận đến hiệu quả, hiệu lực của đường dây “nóng” của HĐND tỉnh không cao.

58873a2a6d5ba205fb4a.jpg
Thông qua ý kiến cử tri từ đường dây nóng tại kỳ họp HĐND tỉnh, một số điểm tập kết rác tự phát trên địa bàn bàn thành phố Vinh đã được xoá bỏ

Từ thực tiễn đó, theo bà Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, trong tổng hợp ý kiến phản ánh qua đường dây “nóng” để thông tin công khai ngay tại kỳ họp phải phân loại cụ thể, nội dung nào là giải quyết, nội dung nào là giải thích, trả lời cho cử tri rõ. Khi làm được như vậy, thì buộc các sở, ngành, địa phương phải có trách nhiệm vào cuộc để giải quyết hoặc giải thích, trả lời rõ. Muốn làm được điều này, đòi hỏi bộ phận trực tiếp nhận, tổng hợp, tham mưu cho chủ toạ kỳ họp và HĐND tỉnh phải có đủ chuyên môn, năng lực, trách nhiệm cao để tham mưu chính xác để các sở, ngành, địa phương có cơ sở chỉ đạo giải quyết thấu đáo và chất lượng như vậy, đường dây “nóng” sẽ hiệu quả hơn.

Cùng với ý kiến của Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, có ý kiến cho rằng, Thường trực HĐND tỉnh cần có cơ chế giao các Ban HĐND tỉnh thẩm tra việc giải quyết, trả lời ý kiến cử tri qua đường dây “nóng” giống như hoạt động thẩm tra giải quyết kiến nghị của cử tri được tổng hợp thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri để tăng sức nặng của HĐND tỉnh. Bởi thực tế lâu nay việc giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri, Nhân dân qua đường dây “nóng” chỉ mới dừng lại việc gửi văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương trả lời và khi các sở, ngành, địa phương không có văn bản phúc đáp thì tiếp tục đôn đốc lần 2, lần 3 và báo cáo với UBND tỉnh cùng đôn đốc, chứ chưa có sự thẩm tra, giám sát trở lại của HĐND tỉnh, trừ trường hợp cử tri, Nhân dân tiếp tục phản ánh về việc chưa được xử lý.

Bài, ảnh: Mai Hoa