Những rào cản
Kinh tế tuần hoàn hiểu một cách đơn giản là chu trình sản xuất, các chất thải được quay trở lại trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, nhằm bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của người dân.
Kinh tế tuần hoàn mang lại 4 lợi ích thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, ở Nghệ An việc đảm bảo môi trường cho sự phát triển kinh tế vẫn còn nhiều bất cập.
Theo quy hoạch trên địa bàn Nghệ An có 10 KCN trong đó có 8/10 KCN đang xây dựng và hoạt động, với tổng cộng 130 doanh nghiệp, tỷ lệ lấp đầy trung bình các KCN đã hoạt động khoảng 41,9%. Bên cạnh khu công nghiệp, toàn tỉnh còn có 53 CCN với tổng diện tích 1.273,06 ha. Tuy nhiên, đến nay cũng mới có 23 CCN đã đi vào hoạt động. Tại các CCN này đã thu hút 253 dự án đầu tư chủ yếu trên các lĩnh vực chế biến khoáng sản, lâm sản, may dệt kim, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế và sản xuất sản phẩm nhựa, sản xuất bao bì.
Nhiều KCN và CCN trên địa bàn hiện nay vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải hoàn thiện, đồng bộ. Ảnh: Tiến Đông
Thực tế cho thấy, dù đã có một hệ thống các KCN, CCN phủ khắp trên địa bàn, tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có 4/8 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý theo thiết kế là 11.950m3/ngày/đêm. Trong số 23 CCN hoạt động cũng chỉ mới có 10 CCN đã đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, trong đó chỉ có 8 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động.
Theo quy hoạch tất cả các KCN phải có khu vực phân loại và trung chuyển chất thải rắn. Tuy nhiên trên thực tế hầu như các KCN không triển khai hạng mục này. Điều này đã khiến cho công tác quản lý chất thải rắn ở các KCN gặp không ít khó khăn. Hiện nay các cơ sở trong KCN đang tự hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom và xử lý.
Nhiều CCN dù đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng gần như là không hoạt động. Trong ảnh là bể xử lý nước thải của CCN Tháp Hồng Kỷ (Diễn Châu). Ảnh: Tiến Đông
Số liệu tổng hợp trong năm 2021 cho thấy, việc thu gom chất thải nguy hại trong hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ đạt khoảng 2.950,3 tấn. Ngoài những bất cập về hệ thống xử lý nước thải, hiện tại vẫn còn 10 CCN đã đi vào hoạt động hoặc mở rộng nhưng chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cấp có thẩm quyền; 13/23 CCN chưa xây dựng hệ thống thu gom mước mưa chảy tràn. Đó là chưa kể đến việc cơ bản các cụm công nghiệp chưa hoàn thiện hoặc chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Nghệ An là địa phương được ưu tiên thực hiện Dự án Khu lâm nghiệp công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ. Trong ảnh, đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án. Ảnh: Phú Hương
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay khung thể chế cho phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó hiện nay lực lượng doanh nghiệp - nòng cốt của nền kinh tế đang còn chưa nhận thức được sự cần thiết phải chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh hiện nay sang kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, nếu áp dụng kinh tế tuần hoàn thì đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, nhưng do đa phần là doanh nghiệp nhỏ và muốn tiết kiệm chi phí nên đã không thực hiện.
Ông Nguyễn Hữu Mão - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, hiện nay Bộ KH&ĐT đang xây dựng đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Tuy nhiên, để xây dựng được kinh tế tuần hoàn thì cơ bản phải xây dựng được nền kinh tế sạch. Cần tiến đến xây dựng các KCN, CCN sinh thái nhằm giảm sử dụng nguyên, vật liệu, nước, năng lượng và hóa chất độc hại; giảm thiểu phát thải khí nhà kính, các rủi ro kinh tế, môi trường và xã hội. Đồng thời, cải thiện năng lực cạnh tranh và lợi nhuận.
Hiện nay một số KCN mới xây dựng trên địa bàn đã đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về môi trường. Ảnh: Tư liệu Báo Nghệ An
Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là cần phải ban hành các quy chuẩn, quy định để yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp khi vào đầu tư trong KCN, CCN cần phải chia sẻ các tiện ích trong KCN, chia sẻ nguyên vật liệu sản xuất; tiếp cận công nghệ mới và cơ chế hỗ trợ tài chính xanh; cải thiện sức khỏe và an toàn cho người lao động; tăng chất lượng sống cho cộng đồng. Thực hiện mục tiêu quản lý nhà nước các hoạt động công nghiệp và khu công nghiệp theo hướng bền vững, thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường.
Khi xây dựng các KCN, CCN cũng cần phải đưa ra các tiêu chí trong sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả năng lượng, sản xuất sạch hơn và tạo điều kiện xây dựng các mối gắn kết chặt chẽ trong sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN. Giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và chất thải, khuyến khích sử dung công nghệ sạch, các giải pháp thân thiện với môi trường. Đồng thời, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp sạch, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Tập đoàn TH là một trong những đơn vị đã có hướng đi trong việc xây dựng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái. Ảnh: Thu Huyền
Ông Mão cũng dẫn chứng, dù chưa có khung chính sách tổng thể và các tiêu chí về kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều sáng kiến, dự án theo mô hình kinh tế tuần hoàn ở nhiều lĩnh vực như khu công nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ... Một số doanh nghiệp như Tập đoàn TH cũng đã chủ động áp dụng kinh tế tuần hoàn, ngay từ khâu thiết kế sản phẩm các doanh nghiệp đã tính đến thiết kế chất thải để khi thải bỏ dễ dàng được áp dụng vào những quy trình sản xuất khác. Hay như các KCN VSIP, WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An dù mới xây dựng nhưng cũng đã đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường…
“Có thể thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế chung, nếu doanh nghiệp nào nắm bắt được để vận động, chuyển mình trong hội nhập thì doanh nghiệp đó sẽ duy trì, phát huy được vị thế và khẳng định được thương hiệu trong chuỗi giá trị” - ông Mão nhấn mạnh.
Tiến Đông