Theo Luật tiếp công dân năm 2013, hoạt động tiếp công dân là việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật; giải quyết đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Trong đó có các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

bna_img_52098483827_7122020.jpg
Toàn cảnh phiên tiếp công dân định kỳ

Cùng với hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động tiếp công dân của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử là hoạt động quan trọng nhằm giúp cho cơ quan dân cử và đại biểu dân cử tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị, phản ánh của công dân về những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân để chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và giám sát việc giải quyết theo quy định của pháp luật; tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Sự ra đời của Luật Tiếp công dân năm 2013 đã tạo hành lang pháp lý để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị trực tiếp, kịp thời đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 759/NQ-UBTVQH13 ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, bất cập, như: Công tác tiếp công dân của các cơ quan dân cử cũng như đại biểu dân cử ở địa phương chưa được tổ chức theo định kỳ tại địa điểm tiếp công dân mà chủ yếu thông qua việc tham gia tiếp công dân định kỳ của Ban tiếp công dân, các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp; chưa gắn việc tiếp công dân với xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo...

bna_chu_tich_ubnd_tinh_nguyen_duc_trung2191899_1412022.jpg
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại phiên tiếp công dân

Việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là công việc khó khăn, phức tạp. Quá trình này, một mặt đòi hỏi phải tuân thủ một cách chặt chẽ các quy định của pháp luật, mặt khác lại luôn đặt ra yêu cầu sáng tạo, linh hoạt về phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện. Pháp luật hiện hành mới chỉ quy định về những nguyên tắc, yêu cầu chung nhất đối với việc tiếp công dân mà chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục khi tiến hành hoạt động này, nhất là đối với việc tiếp công dân của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Do đó, không có khuôn mẫu cứng nhắc, cố định cho mọi trường hợp mà tuỳ từng điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng cụ thể, người tiếp công dân có thể vận dụng phương pháp, cách thức tiếp công dân cho phù hợp với thực tế.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp công dân của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, từ thực tế hoạt động, tôi xin được trao đổi một số kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân như sau:

- Các cơ quan dân cử ở địa phương cần xây dựng Quy chế tiếp công dân của tổ chức mình, của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trên cơ sở quy định của Luật Tiếp công dân và Nghị quyết 759 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Tăng cường sự phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với Thường trực Hội đồng nhân, Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và các ngành có liên quan trong triển khai công tác tiếp công dân.

- Trước khi gặp gỡ, tiếp xúc với công dân, người tiếp công dân phải rà soát, nắm lại nội dung vụ việc khiếu nại, tố cáo và việc xử lý trước đây của cơ quan có thẩm quyền; Nghiên cứu, đánh giá văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về kết quả giải quyết; Chuẩn bị văn bản quy phạm pháp luật để sử dụng khi cần thiết; Trong quá trình tiếp, người tiếp công dân phải nắm đúng bản chất của sự việc để làm cơ sở nghiên cứu, đánh giá, phân loại xử lý; Cuối cùng, căn cứ vào quy định của pháp luật và đề nghị của công dân, người tiếp công dân quyết định tiếp nhận đơn hoặc giải thích, hướng dẫn công dân gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

- Đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo mà Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã nhận đơn hoặc tiếp công dân thì cần phải chú trọng nhiều đến việc đánh giá kết quả giải quyết, trả lời để đề nghị xem xét lại việc giải quyết hoặc lựa chọn, tiến hành giám sát theo quy định của pháp luật. Đối với việc giám sát vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể, cần nghiên cứu kỹ nội dung đơn, chuẩn bị sẵn câu hỏi để làm rõ những vấn đề cần xác minh; xác định những vấn đề cần yêu cầu công dân cung cấp tài liệu, chứng cứ; trong trường hợp cần thiết thì yêu cầu bộ phận tham mưu, giúp việc của mình tìm hiểu, xác minh những vấn đề có liên quan đến khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đó để làm căn cứ tiếp, lắng nghe công dân trình bày nhằm giúp cho việc xem xét, đánh giá đúng đắn, khách quan về việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.

Hiến pháp quy định đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật; để thực hiện nhiệm vụ hiến định này thì đại biểu dân cử, cơ quan dân cử phải hết sức coi trọng việc thực hiện tiếp công dân theo pháp luật đã quy định./.

Trần Minh