Từ thực tiễn hoạt động giám sát nhất là hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân huyện Thanh Chương trong thời gian qua chúng tôi thấy:
Thứ nhất: Việc lựa chọn nội dung đưa vào chương trình giám sát giữ vai trò rất quan trọng, đối với hiệu quả của giám sát, phải làm sao nội dung giám sát cho phù hợp với thực tiễn và toàn diện trên các lĩnh vực.
Thứ hai: Cần xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần Đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Thứ ba: Tiến hành giám sát là khâu quan trọng nhất, tập trung những nhiệm vụ chủ yếu, quyết định thành công của cuộc giám sát. Vì vậy phải chuẩn bị kỹ lượng từ tham mưu nội dung đến công tác phục vụ hành chính và phải đảm bảo quy trình theo quy định của Luật.
Thứ tư: Là hiệu lực, hiệu quả giám sát chính là khâu thực hiện kiến nghị giám sát của đối tượng chịu sự giám sát. Đối với giám sát chuyên đề của HĐND sản phẩm sau cùng là việc HĐND ban hành nghị quyết về vấn đề giám sát, thể hiện ”sức nặng” trong việc yêu cầu, buộc các tổ chức cá nhân liên quan phải thực hiện nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát.
Vấn đề đặt ra ở đây là Thường trực HĐND lựa chọn những nội dung nào nên đưa vào chương trình giám sát của HĐND? Đây là công việc khó khăn đòi hỏi cần phải có sự rà soát, cân nhắc một năm bao nhiêu cuộc giám sát là hợp lý? Nội dung giám sát đó là những vấn đề gì?
Để tháo gỡ vấn đề này Thường trực HĐND huyện Thanh Chương dựa trên một số cơ sở sau: Về nội dung, bám sát các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách của cấp trên đang được tổ chức thực hiện trên địa bàn, nhất là tình hình thực tiễn những thông tin thu thập từ các nguồn: Ý kiến của cử tri, những vấn đề bức xúc mà cử tri, công dân hay thường xuyên có đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, dư luận xã hội, phương tiện thông tin đại chúng, những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm như công tác quản lý nhà nước về đất đai, công tác quản lý nhà nước về đầu tư công các chương trình, dự án,… những ý kiến, kiến nghị của cử tri để kéo dài chưa được giải quyết.
Rất nhiều nội dung được gửi đến, song với việc rà soát kỹ, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Thanh Chương đã tiến hành các phương pháp để lựa chọn các nội dung trọng tâm, trọng điểm giám sát trong năm 2021 và năm 2022 như sau:
Một là, lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND huyện.
Trước hết tập trung giám sát việc thực hiện giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri bằng cách giữa hai kỳ họp HĐND huyện, Thường trực HĐND huyện tổ chức phiên họp Thường trực, mời đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện cùng tham dự để nghe UBND huyện và các ngành báo cáo kết quả việc thực hiện giải quyết các ý kiến, kiến nghị của của tri, làm rõ những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm đối với những nội dung chưa được xem xét giải quyết hoặc giải quyết nhưng chưa dứt điểm và đề các giải pháp trong thời gian tới, đồng thời thông qua đây để lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề cho phù hợp sát với tình hình thực tế. Năm 2021, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đã lựa chọn ý kiến của cử tri nội dung “Tình trạng lấn chiếm đất công, đất giao theo Nghị định 64 liền kề đất ở diễn ra phổ biến trên địa bàn huyện”, đây là ý kiến của cử tri kéo dài qua nhiều kỳ họp. Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đã tiến hành giám sát tất cả 38 xã, thị trấn, sau khi giám sát Thường trực HĐND huyện tiếp tục lựa chọn đưa các vấn đề tồn tại, hạn chế mà thông qua giám sát phát hiện để đưa ra tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2021 yêu cầu các ngành có liên quan báo cáo giải trình làm rõ thêm trách nhiệm, nguyên nhân và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt các kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND huyện.
Sáu tháng đầu năm 2022 Thường trực HĐND huyện tổ chức giám sát chuyên đề công tác quả lý nhà nước về đầu tư công các dự án thuộc nhóm C năm 2020, 2021 tại Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đã tiến hành giám sát tất cả 38 xã, thị trấn và dự kiến tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 Thường trực HĐND huyện tiếp tục lựa chọn đưa các vấn đề tồn tại, hạn chế mà thông qua giám sát phát hiện để đưa ra tại kỳ họp yêu cầu các ngành có liên quan báo cáo giải trình làm rõ thêm trách nhiệm, nguyên nhân và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt các kiến nghị sau giám sát của Thường trực HĐND huyện.
Hai là, lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề của HĐND huyện
Đối với huyện Thanh Chương, những năm qua, công tác quản lý đất đai, môi trường, khai thác khoáng sản, trật tự xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý, bảo vệ phát triển rừng là những vấn đề thu hút sự quan tâm của đại biểu và nhân dân huyện nhà, phần lớn ý kiến cử tri, ý kiến chất vấn đều tập trung xoay quanh những vấn đề này, cho nên Thanh Chương đã lựa chọn đưa vào chương trình giám sát của HĐND huyện trong 2 năm 2021, 2022 thực sự là những vấn đề xuất phát từ yêu cầu trong thực tế. Năm 2021 giám sát chuyên đề về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện, đã tiến hành giám sát tất cả 38 xã, thị trấn, sau khi giám sát Thường trực HĐND huyện tiếp tục lựa chọn đưa các vấn đề tồn tại, hạn chế mà thông qua giám sát phát hiện để đưa ra tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 yêu cầu các ngành có liên quan báo cáo giải trình làm rõ thêm trách nhiệm, nguyên nhân và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, nhất là trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc phát hiện xử lý; trách nhiệm của chính quyền cấp huyện trong việc kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn cơ sở; việc đưa ra tại kỳ họp HĐND huyện là nhằm để các tổ chức cá nhân chấp hành thực hiện tốt các kiến nghị sau giám sát của HĐND huyện. Năm 2022 Hội đồng nhân dân huyện giám sát chuyên đề về việc thực hiện công tác quản lý và sử dụng, bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn huyện từ năm 2018-2021 tại 32 xã thị có rừng và các chủ rừng.
Ngoài việc nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thì Thường trực HĐND huyện Thanh Chương nhận thấy cần tăng cường thực hiện hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân giữa hai kỳ họp HĐND huyện. Đây là một hoạt động mà trong thời gian qua vẫn đang còn hạn chế.
Sáu tháng đầu năm 2022, Thường trực HĐND huyện lựa chọn 04 nội dung mà cử tri đã phản ánh qua nhiều kỳ họp mà chưa được giải quyết dứt điểm, để đưa vào nội dung tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND huyện tháng 05/2022 bao gồm các nội dung: vấn đề cấp đổi và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc hỗ trợ đền bù diện tích đất ruộng giao theo Nghị định 64-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ về việc ban hành quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, của các hộ dân xã Đồng Văn do UBND Thị trấn làm đường giao thông từ năm 2012 kéo dài đến nay; Hệ thống cột điện xuống cấp, một số cột bị nghiêng, gãy đổ, đường dây chùng, một số nơi đường dây tải điện dây trần, cột diện thấp có nguy cơ gây mất an toàn; tình trạng xe quá khổ quá tải, xe chở cát, sạn làm rơi xuống đường làm nguy cơ mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Để chuẩn bị cho hoạt động giải trình, Thường trực HÐND huyện đã tổ chức đoàn khảo sát tại các địa phương có nội dung phản ánh và xây dựng phóng sự về thực trạng các nội dung được cử tri phản ánh, giao cho UBND huyện, các ngành, các địa phương chuẩn bị báo cáo giải trình.
Trước khi phiên giải trình thì các đại biểu về dự họp được xem phóng sự thông qua hoạt động khảo sát thực tế tại một số địa phương, sau đó mời các ngành các địa phương báo cáo giải trình; sau khi nghe các báo cáo giải trình, Thường trực HĐND huyện đã chất vấn, làm rõ thêm về nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan; ban hành kết luận, giao cho UBND huyện, các ngành, các địa phương tập trung tổ chức thực hiện các nội dung, đồng thời giao thời gian báo cáo kết quả việc thực hiện về Thường trực HĐND huyện.
Có thể nói rằng hiệu quả của phiên giải trình là có ngay một số kết quả ban đầu khi đoàn tiến hành khảo sát các địa phương có liên quan đã tổ chức hội nghị đối thoại với các hộ dân để thống nhất phương án, hay là cơ quan điện lực kịp thời thay thế ngay các cột điện ách yếu, hư hỏng,…
Song song với nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thực hiện tốt hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân. Trong thời gian qua Thường trực HĐND huyện Thanh Chương tập trung quan tâm việc phân công, theo dõi đôn đốc các vị đại biểu Hội đồng nhân dân huyện thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định Luật tiếp công dân. Để nâng cao hiệu quả tiếp công dân Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đã xây dựng ban hành Quy chế tiếp công dân của các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện nhiệm kỳ 2021-2026, thông báo phân công các đại biểu tiếp công dân luân phiên theo đơn vị bầu cử. Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân của đại biểu HĐND huyện để sớm nắm bắt các vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cử tri và nhân dân quan tâm. Từ đó, bổ sung các nội dung cần giám sát của HĐND huyện, Thường trực, các Ban của HĐND huyện.
Có thể nói rằng: Thông qua việc giám sát và hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐNĐ huyện, những vấn đề bức xúc cử tri và nhân dân phản ánh qua nhiều kỳ họp sẽ được sớm giải quyết dứt điểm, đáp ứng mong mỏi của cử tri và góp phần quan trọng nâng cao vai trò, vị thế, chất lượng hoạt động của HĐND huyện.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, trong thời gian tới, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Thanh Chương sẽ tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Một là, tăng cường giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát
Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, nhất là tăng cường nâng cao hiệu quả việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện; ngoài việc tổ chức định kỳ hàng tháng của Thường trực HĐND, thì giữa hai kỳ họp thường lệ HĐND huyện tổ chức phiên họp Thường trực HĐND huyện nghe UBND huyện các ngành có liên quan báo cáo tiến độ, kết quả việc thực hiện giải quyết các ý kiến kiến nghị của cử tri.
Thường trực Hội đồng nhân dân huyện kịp thời báo cáo, đề xuất với cấp ủy về những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn hoặc không cấp hành thực hiện các kiến nghị sau giám sát, để có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; hoặc kiến nghị, đề xuất thanh tra, kiểm tra.
Như vậy, những kiến nghị sau giám sát, chất vấn, giải trình chắc chắn sẽ không bị lãng quên, hiệu quả cũng cao hơn.
Hai là, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền; tăng cường công tác phối hợp, tạo sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát.
Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành có liên quan tuyên truyền triển khai thực hiện các Luật, Bộ luật có hiệu lực thi hành đến tận các cơ sở, các tầng lớp nhân dân. Phối hợp tổ chức thực hiện tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, tăng cường đôn đốc nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, thực hiện nghiêm công tác thông tin báo cáo của đại biểu Hội đồng nhân dân huyện và hoạt động trao đổi kinh nghiệm với Thường trực Hội đồng nhân dân các xã, thị trấn.
Bám sát chương trình công tác, chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, để hàng năm xây dựng kế hoạch giám sát, nội dung giám sát phù hợp thực tiễn (trừ nội dung liên quan đến bí mật nhà nước) và cần được gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân theo dõi, giám sát việc thực hiện. Phát huy vai trò, hiệu quả trong việc thông tin về tình hình, kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát, chất vấn, giải trình, nhất là nội dung liên quan đến giám sát, việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân.
Tăng cường phối hợp giám sát, khảo sát theo chương trình giám sát, khảo sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân Tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, tổ chức chính trị - xã hội để chia sẻ thông tin, tận dụng được kết quả giám sát của nhau; các cơ quan có thể cùng tiếng nói, cùng theo dõi, đôn đốc khắc phục vi phạm, thực hiện các kiến nghị sau giám sát, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Bên cạnh đó, cần phối hợp linh hoạt các hình thức giám sát, theo đuổi đến cùng nội dung cho đến khi được giải quyết, ví dụ chất vấn, giải trình sẽ xoay quanh kết quả, kiến nghị giám sát chuyên đề hoặc ngược lại, vấn đề được chất vấn có thể đưa vào giám sát chuyên đề và tái chất vấn. Việc phối hợp này sẽ tạo nên tính chỉnh thể, đồng bộ của hoạt động giám sát, từ đối tượng đến nội dung và hình thức giám sát.
Ba là, nâng cao tính pháp lý bằng việc ban hành nghị quyết về giám sát, chất vấn; theo dõi chặt chẽ, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát
Theo quy định của pháp luật, Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về vấn đề được giám sát và có thể ra nghị quyết về chất vấn. Nghị quyết về giám sát của Hội đồng nhân dân có tính pháp lý bắt buộc thực hiện. Do vậy, để đảm bảo tính hiệu lực của giám sát, cần quan tâm ban hành nghị quyết làm cơ sở pháp lý để thực hiện, quan tâm xem hoạt động theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, đây là nội dung quan trọng trong quá trình giám sát. Thường trực Hội đồng nhân dân huyện thực hiện điều hoà, phối hợp việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện kiến nghị giám sát nghiêm túc, kịp thời; quan tâm giám sát việc thi hành pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Luật.
Bốn là, nâng cao chất lượng chủ thể hoạt động giám sát và chất lượng hoạt động của các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện
Chất lượng hoạt động giám sát phụ thuộc vào chủ thể thực hiện. Do vậy, cần quan tâm bồi dưỡng kỹ năng hoạt động giám sát cho các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, khi thành lập đòan giám sát cần lựa chọn đại biểu có kinh nghiệm, am hiểu về lĩnh vực, nội dung giám sát, cung cấp kịp thời các Luật, văn bản liên quan đến nội dung giám sát cho các thành viên đoàn giám sát nghiên cứu kỹ trước khi tiến hành giám sát. Không ngừng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách của Hội đồng nhân dân huyện có trình độ chuyên môn sâu theo vị trí công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, có trách nhiệm, bản lĩnh.
Phân công, theo dõi đôn đốc các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện thực hiện tiếp dân tại cơ sở theo quy định của Luật tiếp công dân, chỉ đạo đại biểu sâu sát cơ sở, gần gũi cử tri để nắm bắt và phản ánh các vấn đề nổi cộm, bức xúc. Phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến các cấp, các ngành xem xét giải quyết.
Từng đại biểu Hội đồng nhân dân cần dành thời gian hoạt động Hội đồng nhân dân đảm bảo theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời phải thực hiện đúng Chương trình hành động của mình trước cử tri. Trong hoạt động, cần phát huy tính chủ động khi tiếp cận vấn đề, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng; nắm bắt thực tiễn, ý kiến, kiến nghị của cử tri để có những đề xuất, giải pháp, kiến nghị phù hợp mang lại lợi ích chung cho nhân dân.
Tập trung thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phương thức, cách thức hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, từ khâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến xem xét, thẩm tra, giám sát, đánh giá, biểu quyết thông qua nghị quyết.
Do đó hàng năm phải tổ chức tập huấn bồi dưỡng, cập nhật các văn bản mới để các đại biểu Hội đồng nhân dân nắm bắt kịp thời.
…
Nguyễn Thị Quỳnh Nga
Ủy viên BTV Huyện ủy
Phó Chủ tịch HĐND huyện