Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc trưng của các địa phương trong tỉnh

Đồng hành giải quyết các vấn đề cấp thiết

Năm 2024, HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức 8 kỳ họp, gồm 2 kỳ họp thường lệ giữa năm, cuối năm và 6 kỳ họp chuyên đề. Điều này, theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh: “Thể hiện rõ vai trò đồng hành của HĐND tỉnh trong giải quyết các vấn đề đột xuất, cấp thiết của tỉnh liên quan đến việc triển khai thực hiện các chủ trương của Trung ương, của Tỉnh uỷ cũng như đề xuất của UBND tỉnh cần được thể chế hoá bằng các quy định thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh mà không chờ đến kỳ họp thường lệ giữa năm hoặc cuối năm, tránh tình trạng chậm trễ trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách. Mặt khác, nhiều bức xúc, khó khăn từ thực tiễn nếu không được xem xét, tháo gỡ kịp thời thì sự “phản ứng” của chính quyền cũng trở nên “ì ạch”, không bám sát “nhịp đập” của cuộc sống”.

Trong 8 kỳ họp, HĐND tỉnh đã ban hành tổng 168 nghị quyết. Ngoài các nghị quyết về kế hoạch phát triển triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, dự toán và phân bổ, bổ sung dự toán ngân sách địa phương, kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia…; HĐND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số công trình, dự án; chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh... Đây là các nghị quyết phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thu hút đầu tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, thúc đẩy việc triển khai các công trình, dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Kỳ Sơn.

Đặc biệt, để đảm bảo thực hiện quy trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh; vào đầu tháng 6/2024, HĐND tỉnh đã tổ chức kỳ họp chuyên đề ban hành nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và nghị quyết về việc tán thành chủ trương mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh, thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Vinh. Với sự linh hoạt, kịp thời tạo điều kiện tổ chức kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh, mà theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Viết Hưng – Giám đốc Sở Nội vụ: “Nghệ An trở thành một trong số các địa phương hoàn thành và trình Trung ương thẩm định sớm nhất đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025 và ngày 24/10/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1243/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 – 2025”.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong sắp xếp, giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh, vào trung tuần tháng 10/2024, HĐND tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức kỳ họp chuyên đề để ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Trọng Anh - Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Thanh Chương cho rằng: “Chính từ ban hành chính sách kịp thời của HĐND tỉnh đã động viên, khuyến khích cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi và công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi ở địa phương thuận lợi hơn. Riêng cán bộ chuyên trách dôi dư do sáp nhập xã ở Thanh Chương có tổng 71, trong đó có 39 người đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi thì nay có 32 cán bộ đã tự nguyện làm đơn xin nghỉ”.

Hoạt động và trách nhiệm của HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết được nhiều vấn đề bức thiết, cấp bách từ thực tiễn liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác đối ngoại của tỉnh.

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn

Cùng đồng hành triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách và giải quyết các vấn đề bức thiết của cuộc sống; năm 2024, HĐND tỉnh cũng đã có nhiều trăn trở đối với nhiều vấn đề chung của tỉnh cũng như cuộc sống dân sinh để lựa chọn đưa vào hoạt động giám sát trên cả ba hình thức: chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ 2 kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm, tổ chức cuộc họp phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh, tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề của Thường trực và HĐND tỉnh. Cho nên, 10 nhóm chuyền đề được HĐND tỉnh lựa chọn giám sát trong năm 2024 đều là những vấn đề quan trọng, phạm vi tác động lớn, liên quan đến các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và tác động đến người dân.

Điển hình về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025 việc xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý về hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; công tác sắp xếp đơn vị hành chính và giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành cấp xã; về an toàn thực phẩm; về văn hoá, y tế; về an toàn, vệ sinh lao động; về nước sạch sinh hoạt cho Nhân dân…

Dự án cầu Thanh Nam, bắc qua sông Lam được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đã tập trung triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng

Quan điểm giám sát là phải giải quyết được những khó khăn, hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn; quá trình giám sát, HĐND tỉnh chú trọng làm rõ thực trạng với việc “điểm mặt, chỉ tên” địa chỉ cụ thể; rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị; rõ kiến nghị, đề xuất đối với từng cấp, từng ngành. Ngoài kiến nghị, đề xuất của HĐND tỉnh thông qua giám sát, điểm mới trong năm 2024, HĐND tỉnh còn tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các địa phương cấp huyện và các đơn vị liên quan đối với các sở, ngành cấp tỉnh và UBND tỉnh giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả giám sát.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, phát biểu tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “HĐND sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng đồng hành, phản ứng nhanh trước những yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển tỉnh nhà”. Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đặt ra yêu cầu “các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của đại biểu; rà soát lại Chương trình hành động của mình đã hứa trước cử tri, những việc mình đã làm được, những việc mình đã hứa với cử tri nhưng chưa làm được để quyết tâm theo đuổi đến cùng việc giải quyết các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri; từ đó củng cố niềm tin của cử tri và Nhân dân”.