Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 đã dành toàn bộ chương III quy định về hoạt động giám sát của HĐND, trong đó khoản c, Điều 5, quy định về thẩm quyền giám sát của các Ban của Hội đồng nhân dân: "Ban của Hội đồng nhân dân giúp Hội đồng nhân dân giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân, các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ban phụ trách".
Theo quy định của Luật, Ban Dân tộc được Thường trực HĐND tỉnh phân công nhiệm vụ theo dõi, tổ chức giám sát và tham mưu cho HĐND, Thường trực HĐND giám sát, quyết định biện pháp thực hiện chính sách dân tộc, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tăng cường đoàn kết toàn dân và tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc ở địa phương.
Xuất phát từ yêu cầu đó, hàng năm, cùng với các Ban của HĐND, Ban Dân tộc đã chủ động xây dựng chương trình giám sát, trong đó xác định cụ thể nội dung, đối tượng và phạm vi giám sát. Đồng thời tham khảo chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng; chương trình giám sát của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội… để phối hợp hoặc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát nhằm tránh trùng lặp, từng bước nâng cao chất lượng hiệu quả của hoạt động giám sát, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng đổi mới công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc vùng miền Tây của tỉnh.
Miền Tây Nghệ An, nơi có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống gắn bó lâu đời với bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; với tổng diện tích tự nhiên 13.747,69 km2, chiếm 83,36% diện tích toàn tỉnh; có chiều dài 468,281 km đường biên với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, có 01 cửa khẩu quốc tế (Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn), 01 cửa khẩu quốc gia (Thanh Thuỷ, huyện Thanh Chương) và 03 cửa khẩu phụ (Tam Hợp, huyện Tương Dương; Thông Thụ, huyện Quế Phong và Cao Vều, huyện Anh Sơn). Dân số toàn vùng khoảng 1.156.000 người, chiếm 34,7% dân số toàn tỉnh, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 491.267 người, chiếm 42,5% dân số toàn vùng; là vùng có tiềm năng và lợi thế phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai thác khoáng sản; du lịch và phát triển kinh tế cửa khẩu; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái…... chính vì vậy, miền Tây Nghệ An đã được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An, khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Những năm qua, việc thực hiện Quyết định số 2355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020, đã tạo tiền đề và thuận lợi cơ bản cho việc tiếp tục thực hiện các chính sách đã được tích hợp chung trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo tổng hợp báo cáo từ các ngành, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh... nhưng kinh tế miền Tây Nghệ An vẫn tiếp tục có bước tăng trưởng (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,24%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp); thu ngân sách tăng khá; tính liên kết về phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong Vùng với các địa phương còn lại của tỉnh và các tỉnh khác tiếp giáp với Nghệ An từng bước được hình thành thông qua hệ thống đường giao thông kết nối, nhất là tuyến đường Hồ Chí Minh, hệ thống đường giao thông kết nối giữa các tuyến đường Quốc lộ 46, 48, 7,... thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tăng nhanh, một số cơ sở sản xuất quan trọng, tạo năng lực mới đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và nộp ngân sách của Vùng; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khoáng sản có bước chuyển biến mạnh từ chỗ chủ yếu là sản xuất sản phẩm thô sang chế biến tinh, chế biến sâu, áp dụng công nghiệp hiện đại, làm ra các sản phẩm có giá trị cao, mở ra hướng mới về phát triển thị trường mía đường, chế biến sữa, đồ gỗ, đá trắng, xi măng…Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đi vào nề nếp và ngày càng chặt chẽ hơn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị được quan tâm xây dựng. Công tác giáo dục và đào tạo có chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao hơn. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên; an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả khá; khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của Nhân dân vùng miền Tây Nghệ An so với bình quân chung cả tỉnh từng bước được thu hẹp. Tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy trên địa bàn từng bước được ngăn chặn, giảm thiểu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.
Tuy nhiên, đến năm 2020, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Vùng; chưa tạo được sự chuyển biến căn bản, đột phá quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững. Quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ bé, tính liên kết còn thấp, hiệu quả chưa cao. Ô nhiễm môi trường ở một số nơi chưa được xử lý triệt để. Tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện còn ở mức cao: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới còn cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp. Trong 27 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và môi trường, có 20 chỉ tiêu đạt và vượt, tuy nhiên vẫn còn 07 chỉ tiêu chưa đạt:
- Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 6,24%/MT 2016-2020 đạt 10-11%.
- GRDP bình quân đầu người/năm của năm 2020 đạt 32,81 triệu đồng/MT đến năm 2020 đạt 49-50 triệu đồng.
- Cơ cấu kinh tế năm năm 2020: nông nghiệp chiếm 38,6%, công nghiệp - xây dựng chiếm 26,54%, dịch vụ chiếm 34,86%/MT đến năm 2020 tương ứng đạt 24%-37%-39%.
- Thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 đạt 2.151 tỷ đồng/MT đến năm 2020 đạt 7.294 tỷ đồng.
- Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi được cả 4 mùa: năm 2015 đạt 94,1%/MT đến năm 2015 là 100%; năm 2020 đạt 98,6%.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng năm 2020 đạt 17,7%/MT đến năm 2020 đạt 16,5%.
- Tỷ lệ che phủ rừng 2020 đạt 64,57%/MT đến năm 2020 đạt 75%.
Trên cơ sở xem xét, đối chiếu, so sánh các nội dung nhiệm vụ đã đạt được, các chỉ tiêu chưa đạt và các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nội dung, hình thức, phương thức thực hiện công tác dân tộc... hàng năm, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã lựa chọn, thảo luận, quyết định nội dung giám sát, để tổ chức ít nhất mỗi năm 02 cuộc giám sát chuyên đề, đồng thời tổ chức thêm một số đợt khảo sát; nội dung các cuộc giám sát chủ yếu tập trung vào việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh và các văn bản quy phạm pháp luật... Các cuộc giám sát đều có kế hoạch, chương trình cụ thể, hình thức giám sát phù hợp đối với từng nội dung đã được HĐND tỉnh thông qua. Trong đó, xác định việc triển khai các nhóm chính sách theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc (được xem là văn bản gốc) của việc triển khai thực hiện các nội dung thuộc 13 nhóm chính sách. Việc tổ chức triển khai thực hiện hệ thống chính sách dân tộc thiểu số của tỉnh đã được triển khai theo 3 nhóm cơ bản:
- Nhóm chính sách theo dân tộc và nhóm dân tộc, giúp giải quyết những khó khăn bức xúc về kinh tế, xã hội của các dân tộc thiểu số, nhất là nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và một số dân tộc có nhiều khó khăn. Các chính sách này đã giúp đồng bào ngày càng tiếp cận và thụ hưởng tốt hơn các dịch vụ công như y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa từng dân tộc…
- Nhóm chính sách phát triển kinh tế, xã hội theo vùng, địa bàn. Tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn sát với tình hình của địa phương, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất chung của vùng, giải quyết bức xúc đặt ra theo yêu cầu thực tế: ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu, khai thác khoáng sản…phát triển sản xuất; việc bố trí các nguồn vốn được thực hiện đảm bảo kế hoạch đã phê duyệt, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân, xóa đói giảm nghèo cũng như chuyển dần tập quán phát triển nông nghiệp nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang phát triển xây dựng mô hình tập trung tạo thành hàng hoá theo nhu cầu thị trường.
- Nhóm chính sách phát triển kinh tế, xã hội theo ngành, lĩnh vực. Tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như phát triển sản xuất, giảm nghèo, nước sạch, vệ sinh môi trường, giáo dục – đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm, bảo tồn và phát triển văn hóa du lịch, thông tin truyên truyền, y tế, dân số, chăm sóc sức khỏe, công tác cán bộ cơ sở, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý…
Qua giám sát, thấy rằng: việc thực hiện các chính sách dân tộc đã rất cụ thể, bao quát ở nhiều lĩnh vực và được quy định trong nhiều văn bản khác nhau, tuy nhiên, do được quy định ở nhiều văn bản và giao cho nhiều cơ quan khác nhau quản lý, chủ trì thực hiện; mặt khác, đối với công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc là công tác quản lý đa ngành, đa lĩnh vực nhưng tính chất điều chỉnh của cơ sở pháp lý cao nhất trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc mới chỉ thực hiện theo Nghị định, trong khi gần như ở ngành nào, lĩnh vực nào cũng có chính sách dân tộc có liên quan… Trong cùng hệ thống cơ chế, chính sách có tính tương đồng như: chính sách miễn, giảm tiền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chính sách hỗ trợ về lĩnh vực thông tin, truyền thông, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và bài trừ các hủ tục lạc hậu… nhưng có nội dung thì do Ban Dân tộc tỉnh quản lý, một số hoặc một số ít nhiệm vụ, chính sách do các ngành quản lý... Vì vậy, khi lựa chọn chuyên đề giám sát cũng như trong giám sát Ban đã gặp không ít khó khăn trong việc xác định chủ thể, đối tượng chính chịu sự giám sát...
Từ yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý thực hiện các chính sách dân tộc, nhất là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 vùng miền Tây của Tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã xác định hoạt động giám sát thường xuyên đối với hoạt động của UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, việc ban hành Quyết định của UBND tỉnh, Nghị quyết của HĐND cấp huyện; việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát, kết luận chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh, kết luận tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của công dân... về lĩnh vực Dân tộc. Năm 2022, xem xét lựa chọn giám sát các chuyên đề: Tình hình thực hiện Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người tỉnh Nghệ An từ năm 2017 đến nay; Việc thực hiện Đề án “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2019 – 2025” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thời gian tới, để hoạt động giám sát của Ban từng bước đổi mới, đáp ứng yêu cầu sát thực tiễn của lĩnh vực đặc thù còn nhiều khó khăn... Kế hoạch giám sát phải được xây dựng cụ thể, chi tiết, đồng thời yêu cầu các đơn vị chịu sự giám sát tổng hợp và gửi báo cáo cho Đoàn trước khi làm việc tại đơn vị. Tuỳ theo tính chất, quy mô của từng cuộc giám sát để quyết định thành phần, địa điểm, thời gian giám sát cho phù hợp. Trước khi tổ chức giám sát, các thành viên Đoàn giám sát nhất thiết phải nghiên cứu kỹ các văn bản liên quan; thu thập thông tin để nắm chắc tình hình cơ sở. Khi tiến hành giám sát tại các đơn vị, các cơ quan báo chí cùng tham gia để đưa tin, phản ánh tạo dư luận và đồng thuận trong giải quyết các kiến nghị sau giám sát; đặc biệt, cần thu thập, xử lý thông tin, cung cấp trước các thông tin liên quan đến đơn vị chịu sự giám sát cho các thành viên trong đoàn giám sát... việc này có ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của cuộc giám sát... Quá trình giám sát phải kết hợp chặt chẽ giữa nghe báo cáo với khảo sát thực tế để có cơ sở đánh giá đúng tình hình, căn cứ nội dung, yêu cầu giám sát để thu thập thông tin và xử lý thông tin một cách hiệu quả, xác thực. Báo cáo giám sát phải nêu rõ những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đạt được, nguyên nhân tồn tại một cách khách quan và đề xuất kiến nghị xác đáng, có tính khả thi... Báo cáo kết quả giám sát được gửi trực tiếp tại các kỳ họp HĐND tỉnh để đại biểu nghiên cứu, nêu ý kiến chất vấn đối với UBND tỉnh, các cơ quan liên quan đối với các vấn đề chậm thực hiện các kiến nghị giám sát...
Với mục tiêu, nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển miền Tây Nghệ An đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh lâu dài của tỉnh Nghệ An và của cả nước, việc tiếp tục đổi mới phương thức, chất lượng hiệu quả hoạt động giám sát lĩnh vực dân tộc vùng miền Tây của tỉnh, chính là đáp ứng kì vọng của cử tri và đồng bào các dân tộc trong vùng đối với cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Lô Thị Kim Ngân
Trưởng Ban Dân tộc HĐND Tỉnh