Chủ động, trách nhiệm, đồng hành cùng cử tri
Diễn ra trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn quan trọng, chuẩn bị các điều kiện cho nhiệm kỳ mới, đồng thời tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Kỳ họp thứ Chín càng cho thấy tinh thần “Quốc hội hành động” được lan tỏa mạnh mẽ.
Trước thềm kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã chủ động phối hợp UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan tổ chức lấy ý kiến góp ý với 29 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết.

Song song với đó, 53 kiến nghị của cử tri đã được Đoàn tổng hợp đầy đủ, kịp thời gửi tới các cơ quan chức năng để giải quyết. Các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân được các đại biểu lắng nghe, chọn lọc và chuyển tải trọn vẹn tới nghị trường.
Trong suốt quá trình chuẩn bị và đồng hành, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã phát huy vai trò tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chủ động chuẩn bị tài liệu, nội dung, bảo đảm các phiên làm việc của Đoàn được tổ chức khoa học, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc tổng hợp, phản ánh trung thực tiếng nói của cử tri tới Quốc hội.

Bước vào nghị trường, các đại biểu Đoàn Nghệ An tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ, nghiêm túc các phiên thảo luận tổ, hội trường. Với 73 lượt phát biểu đã được các đại biểu tỉnh thực hiện, trong đó nhiều ý kiến sâu sắc, thẳng thắn, được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Nội dung tập trung vào các nhóm vấn đề cốt lõi: hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chính sách đặc thù cho miền núi, vùng khó khăn, đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số, giáo dục, cải cách hành chính - những vấn đề bám sát thực tiễn, được cử tri đặc biệt quan tâm.
Nổi bật, đại biểu Trần Đức Thuận đã để lại dấu ấn sâu đậm khi thay mặt Đoàn phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Phân tích những khó khăn đặc thù của miền núi phía Tây Nghệ An, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm thực hiện 5 nhóm giải pháp then chốt: Đánh giá toàn diện các chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên bố trí vốn, xử lý dứt điểm các dự án hạ tầng còn tồn đọng; ban hành chính sách đặc thù về vốn, việc làm, giáo dục, y tế cho đồng bào vùng sâu, vùng xa; tăng cường đào tạo nghề, thu hút đầu tư nhà máy, khu công nghiệp để tạo việc làm bền vững; phát triển hệ thống y tế miền núi, đào tạo đội ngũ y, bác sĩ là người dân tộc thiểu số; huy động nguồn lực xã hội để xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế lâu dài.

Đại biểu Trần Đức Thuận nhấn mạnh tại nghị trường: “Miền núi phía Tây Nghệ An vẫn còn nhiều gian khó, nhưng đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, cần cù, đậm đà bản sắc văn hoá. Chủ động thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi và đồng bằng không chỉ là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn là yếu tố chiến lược, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh từ sớm, từ xa”.
Những kiến nghị tâm huyết này đã nhận được sự đồng tình của cử tri tại địa phương. Cử Tri Phan Văn Phú (xã Con Cuông) bày tỏ: “Chúng tôi rất tin tưởng khi nghe đại biểu nói lên tiếng nói từ cuộc sống của bà con nơi biên giới. Đây chính là điều cử tri mong Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm”.



Cùng chung quan điểm, cử tri Trần Văn Dần (xã Anh Sơn) chia sẻ: “Điều tôi ghi nhận nhất là các ĐBQH Nghệ An đã nói đúng, trúng và rõ những vấn đề cử tri chúng tôi mong. Từ hạ tầng, đất đai, chính sách dân tộc, đến những vấn đề cụ thể như thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho con em. Qua mỗi lần chất vấn, thảo luận, người dân cảm thấy tiếng nói của mình không bị bỏ lại mà đã vang lên ở nghị trường”.
Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, khơi thông điểm nghẽn phát triển
Không chỉ phản ánh thực tiễn địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An còn tham gia sâu vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị, phân tích cụ thể để điều chỉnh, bổ sung các dự thảo luật: Bộ luật Hình sự, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật Thanh tra, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc…



Đặc biệt, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Trần Nhật Minh đã nêu thẳng vấn đề về hiệu quả các khu kinh tế ven biển – lĩnh vực thiết yếu gắn với chiến lược phát triển của tỉnh. Đại biểu chỉ rõ, nhiều khu kinh tế ven biển chưa thu hút được dự án chiến lược, thiếu công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm. Từ đó, ông thẳng thắn đặt câu hỏi: “Bộ đã có giải pháp cụ thể gì để hiện thực hóa chủ trương phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh, bền vững?”
Nhiều ý kiến cử tri cũng đồng tình với tinh thần trách nhiệm, cầu thị của các đại biểu. Cử tri Hoàng Thị Thủy (xã Bích Hào) bày tỏ: “Qua mỗi kỳ họp, cử tri càng thấy rõ hơn trách nhiệm của các đại biểu Nghệ An. Tiếng nói không chỉ là phản ánh mà còn là hiến kế cụ thể. Chúng tôi mong tiếng nói này tiếp tục lan tỏa, lan sâu vào các quyết sách lớn của Quốc hội”.
Bên cạnh những ý kiến nổi bật, toàn thể các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu kỹ tài liệu, tham gia đầy đủ, nghiêm túc tất cả các phiên thảo luận tổ, hội trường, chất vấn. Mỗi đại biểu đều lựa chọn vấn đề sát thực tiễn, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri từ nhiều góc nhìn khác nhau. Chính sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các đại biểu, cùng sự hỗ trợ hiệu quả của Văn phòng Đoàn đã tạo nên sức mạnh tập thể, bảo đảm mọi ý kiến, đề xuất đều có tính thực tiễn, tính khả thi và tính xây dựng cao.

Song song hoạt động nghị trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng tích cực tham gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các Đoàn ĐBQH, đóng góp ý kiến cho các cơ quan của Quốc hội, qua đó góp phần tăng cường phối hợp liên vùng, lan tỏa hiệu quả hoạt động lập pháp.
Những nỗ lực đó đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận bằng Bằng khen cho Phó Trưởng đoàn chuyên trách Thái Thị An Chung vì thành tích xuất sắc trong hoạt động của Đoàn nhiệm kỳ Khóa XV. Đây không chỉ là vinh dự của cá nhân đại biểu, mà còn là dấu ấn tự hào của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An suốt nhiệm kỳ qua.


Ngay sau kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã và đang phối hợp Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khẩn trương tổ chức các hội nghị TXCT, thông tin đầy đủ kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến phản hồi của cử tri. Việc duy trì kết nối hai chiều giữa nghị trường với cơ sở chính là minh chứng cho vai trò cầu nối vững chắc mà Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An luôn nỗ lực giữ vững, đưa tiếng nói của cử tri đến với Quốc hội và lan tỏa quyết sách về với Nhân dân.
Theo đánh giá của nhiều cử tri Nghệ An, Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV tiếp tục khẳng định vai trò của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An là cầu nối vững chắc giữa nghị trường và cử tri. Dấu ấn trách nhiệm, tinh thần đổi mới, quyết tâm hành động sẽ là động lực để Đoàn tiếp tục lan tỏa tinh thần cống hiến, mang thực tiễn vào nghị trường, góp phần xây dựng quê hương phát triển bền vững.
Diệp Anh