Mỗi mùa xuân đến, hoặc vào những dịp hành hương về các địa chỉ đỏ, nhiều du khách lại muốn đến đây để vãn cảnh, trải nghiệm, tìm về nguồn cội…
Song song với nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa ở miền di sản, nhiều địa phương đang nỗ lực biến thế mạnh về văn hóa trở thành nguồn lực phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương.
Tiềm năng-nhìn đâu cũng có
Trên chuyến hành hương về các địa chỉ đỏ ở miền bắc vào dịp đầu năm, chị Nguyễn Thị Điểm cùng những người thân trong gia đình đã ghé thăm Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Năm nay, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp song với tâm nguyện muốn được về quê Bác ít nhất một lần trong đời, các thành viên trong gia đình chị đã vượt hơn 1.200 km từ Đắc Nông về dâng hương, tham quan quê hương của Bác Hồ. Nhờ hướng dẫn tận tình và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch cho nên chỉ trong buổi sáng, các thành viên trong đoàn đã được ghé thăm gần như tất cả các cụm di tích lịch sử nơi có những kỷ vật bình dị gắn với vị Cha già kính yêu của dân tộc. “Có lẽ không riêng gì tôi, những ai đã được nghe, kể về Bác Hồ, được tận mắt chứng kiến những kỷ vật nhuốm màu thời gian đều dâng trào cảm xúc thành kính, ngưỡng mộ nhân cách, tâm hồn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thật vui mừng khi những hình ảnh gắn liền với thời thơ ấu và tình cảm của Bác với quê hương, dân tộc đã được cất giữ, nâng niu đến bây giờ”-chị Nguyễn Thị Điểm xúc động cho biết. Trưởng ban Quản lý Khu di tích Kim Liên, ông Nguyễn Bảo Tuấn cho biết, bình quân mỗi năm, Ban quản lý đón tiếp khoảng hai triệu lượt du khách. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác phòng dịch được thực hiện nghiêm ngặt. Riêng năm 2021, Ban quản lý Khu di tích Kim Liên đã phối hợp các lực lượng chức năng đón tiếp, hướng dẫn tham quan, bảo vệ an toàn tuyệt đối hơn 300.000 lượt du khách về thăm quê Bác.
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”, và trên cung đường ấy, mỗi tên làng, tên núi, tên sông đều gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các di sản ở Nghệ An, Hà Tĩnh gồm nhiều loại hình như di sản văn hóa-lịch sử, bảo tàng, nông thôn-nông nghiệp, đô thị, kiến trúc-nghệ thuật, công nghiệp, thiên nhiên cảnh quan và di sản văn hóa phi vật thể. Theo thống kê, trên địa bàn hai tỉnh có gần 4.000 di tích văn hóa, danh thắng được kiểm kê, phân loại, trong đó có bảy Di tích quốc gia đặc biệt, 233 Di tích cấp quốc gia... Các di tích lịch sử-văn hóa, còn là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Đặc biệt, một số di tích tiêu biểu có giá trị lớn về văn hóa để khai thác phát triển du lịch như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, Khu du lịch chùa Hương Tích; một số danh thắng gắn với du lịch sinh thái và du lịch văn hóa của các tộc người thiểu số vùng miền tây Nghệ An như: Bảo tàng Thiên nhiên-Văn hóa mở tại Vườn Quốc gia Pù Mát… Bên cạnh đó, mỗi năm còn có hàng chục lễ hội truyền thống và lễ hội mới gắn với các nghi lễ tâm linh, hoạt động văn hóa ở các di tích; các di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam như: Dân ca, Ví Giặm Nghệ Tĩnh; Ca trù... Đây chính là những yếu tố then chốt làm nên diện mạo, bản sắc riêng của văn hóa xứ Nghệ, đóng vai trò quan trọng khơi dậy nguồn lực con người và thúc đẩy kinh tế-xã hội hai địa phương ngày càng phát triển.
Khơi thông kinh tế di sản
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Đàn, Vương Hồng Thái chia sẻ: Nhận thức được những tiềm năng, lợi thế riêng có, địa phương đang tập trung phát triển kinh tế di sản văn hóa theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Đây là mục tiêu không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài. Những năm qua, huyện đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương của tỉnh và Trung ương, nhất là Quyết định số: 17/QĐ-TTg ngày 4/1/2019, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, trong đó phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước hành hương về tham quan các di tích. Ngoài các tua du lịch văn hóa tâm linh, bước đầu huyện đã hình thành được một số mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm nông thôn như: vườn thực nghiệm sinh thái tại Nam Giang, trang trại hoa gắn du lịch, dịch vụ và du lịch homestay tại Kim Liên; mô hình trang trại sinh thái đập Cửa Ông, xã Nam Nghĩa, trang trại sinh thái trải nghiệm Thung Pheo (Nam Anh)… Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, một số tập đoàn lớn đã nắm bắt thời cơ, khảo sát, đầu tư các dự án kết nối du lịch liên vùng với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tại huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), với thế mạnh sẵn có, địa phương xác định, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch văn hóa, danh lam là một trong ba mũi nhọn đột phá của kinh tế địa phương. Để khơi thông nguồn lực này, thời gian qua, các ban quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn đã huy động gần 450 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau để đầu tư, nâng cấp các hạng mục di tích lịch sử, danh thắng và hạ tầng các khu du lịch trên địa bàn. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, bình quân mỗi năm có gần 400 nghìn lượt du khách tìm về các địa chỉ danh thắng. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Can Lộc Đặng Trần Phong cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực khơi thông kinh tế di sản, tuy nhiên nhìn một cách tổng thể, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ngoài những tác động tiêu cực do dịch Covid-19, việc thiếu một chiến lược phát triển du lịch tổng thể toàn tỉnh và những hạn chế trong công tác quảng bá, xúc tiến, kết nối du lịch vùng, liên vùng, liên tỉnh, giữa các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú chính là những nút thắt gây điểm nghẽn trong quá trình khơi thông kinh tế di sản.
Đồng quan điểm nêu trên, Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành quốc tế và TM NetViet, Nguyễn Văn Thông cho rằng, mặc dù hội tụ nhiều giá trị, di sản văn hóa phong phú, nhưng với cách làm thiếu bài bản, các địa phương đã chưa thiết kế được các tua du lịch trải nghiệm mang sắc thái văn hóa địa phương với nhiều lựa chọn cho các đối tượng khách du lịch: 1 ngày, 2 ngày hoặc 3 ngày, với các điểm đến theo chủ đề gắn với các khu, điểm nghỉ dưỡng lý tưởng ở Cửa Lò, Thiên Cầm và khu vực miền tây Nghệ An, Hà Tĩnh. Các địa phương, ban quản lý di tích, danh thắng chưa xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm du lịch như hàng lưu niệm gắn với đặc trưng của từng địa phương. Vì vậy, doanh thu từ hoạt động du lịch di sản còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng doanh thu của ngành du lịch.
Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, yếu kém để thay đổi tư duy sớm đưa di sản văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế của địa phương đang là cách tiếp cận của những người làm văn hóa, du lịch ở đây. Để hiện thực hóa mong muốn đó, trước hết Nghệ An và Hà Tĩnh cần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ quản lý trong lĩnh vực văn hóa, du lịch để nắm bắt thời cơ, đưa giá trị văn hóa di sản phát triển xứng tầm. Bên cạnh đó, hai tỉnh cần có sự hợp tác, tương trợ lẫn nhau, cùng hướng đến mục tiêu khai thác bền vững kinh tế di sản trên nền Văn hóa xứ Nghệ cũng như thích ứng linh hoạt trong tình hình mới ■
Ngô Tuấn, Thành Châu