Đề án 07 và câu chuyện thoát nghèo từ nhận thức
Là 1 trong 4 huyện của tỉnh Nghệ An được hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30A năm 2008 của Chính phủ, tuy nhiên, trong một thời gian dài, kết quả xóa đói giảm nghèo của Tương Dương vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ từ ngoại lực đã làm nảy sinh một vấn đề, một “căn bệnh” tồn tại trong ý thức của không ít cán bộ, đảng viên và bà con Nhân dân: tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nhận thấy đây là vấn đề cốt lõi cần giải quyết, Đảng bộ huyện Tương Dương đã họp bàn, thống nhất và quyết định ban hành “Đề án 07” về “xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân”. Đề án ra đời vào ngày 08 tháng 3 năm 2022.
Đề án 07 tập trung vào việc nhận diện thẳng thắn các tồn tại, hạn chế trong cơ chế chính sách, đồng thời đánh giá những thành tựu và bất cập. Trong đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thẳng thắn vạch ra những biểu hiện trông chờ, ỷ lại của cán bộ đảng viên và Nhân dân. Để triệt tiêu luồng tư tưởng này, huyện Tương Dương xác định rõ: không thể trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài mãi. Cán bộ phải phát huy sức mạnh nội lực, đi trước, làm trước, làm gương cho Nhân dân; Đề án đề cao sự nỗ lực tự thân của người dân, khuyến khích bà con chủ động trong phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình.
Đảng viên đi trước
Theo lời hẹn, chúng tôi gặp gỡ Chủ tịch UBND xã Tam Quang vào một buổi chiều cuối đông. Chị là Kha Thị Hiền, cán bộ chủ chốt còn khá trẻ tuổi. Tác phong nhanh nhẹn, niềm nở và ánh mắt rất tin cậy của chị lôi cuốn bất kỳ ai trong những câu chuyện về sự đổi thay ở vùng đất khó này. Chị Hiền cho biết: “Trước đây trên địa bàn xã Tam Quang, đặc biệt là trước khi thực hiện Đề án 07, bà con Nhân dân vẫn đang có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ví dụ như chính sách cho hộ nghèo, bà con được hỗ trợ nhiều, nên khi điều tra, xét duyệt thì đa phần bà con không muốn ra khỏi hộ nghèo. Câu chuyện tương tự cũng len lỏi trong suy nghĩ, nhận thức của đội ngũ đảng viên, cấp ủy các chi bộ”. Tiếp thu tinh thần của Đề án 07, cũng trong năm 2022, Đảng ủy, UBND xã Tam Quang đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND về phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu. Kế hoạch nêu rõ: “Không chỉ nói, người cán bộ, đảng viên phải làm; làm ở đây là trực tiếp lao động, sản xuất, tạo ra của cải cho chính gia đình mình; ngày giờ hành chính bận công việc Nhà nước thì cần tranh thủ làm vào ngày nghỉ”.
Ngay sau cuộc trò chuyện, chị Hiền đã dẫn chúng tôi tới thăm trang trại vườn rừng của chị. Trước mắt chúng tôi là đồi keo hơn 2 năm tuổi ngút ngàn tầm mắt. Giữa khu đồi ấy là một hệ thống vườn ao chuồng liên hoàn, với hàng chục con trâu bò được nuôi nhốt; đàn gà vịt hàng trăm con. Chị Kha Thị Hiền tốt nghiệp đại học chuyên ngành nông lâm, nên khi xây dựng trang trại này, chị đã tính toán để tận dụng nguồn phân chuồng của gia súc, gia cầm, phục vụ trồng rau màu, cây ăn quả. Giờ đây, nông trại của chị Hiền trở thành nông trại kiểu mẫu tại địa phương; mùa nào thức nấy, cho thu nhập đều đặn. Sau hơn 2 năm làm kinh tế trang trại, mặc dù là Chủ tịch xã nhưng Kha Thị Hiền đã trở thành điển hình nông dân giỏi của địa phương.
“Làm để cho dân thấy, để dân theo”, đó chính là tư tưởng cốt lõi được định hình trong nghĩ suy và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên huyện miền núi Tương Dương. Và đối với đại đa số bà con Nhân dân, đây chính là cách tuyên truyền, vận động hiệu quả nhất. Song song với việc làm gương, làm mẫu, cán bộ, đảng viên đã tăng cường bám nắm cơ sở, gần gũi với bà con Nhân dân, thực hiện nhiệm vụ “cầm tay chỉ việc”.
Người dân được thụ hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng chính quyền xã chủ trương: chỉ hỗ trợ 50%, phần còn lại, bà con phải tự thân nỗ lực. Đối với hộ gia đình quá khó khăn, sẽ hỗ trợ tối đa đến 70%. Chẳng hạn như khi dự án trồng cây dược liệu về tại địa phương, với kế hoạch hỗ trợ bà con 100% cây giống, đích thân Chủ tịch UBND xã đã đề nghị ban quản lý dự án chỉ hỗ trợ 50%, phần còn lại nhường cho các địa phương còn khó khăn khác. Đi cùng lời đề nghị này là một cam kết, sẽ có biện pháp để đốc thúc bà con nỗ lực lao động, sản xuất. Riêng câu chuyện này, cũng đã cho thấy một sự quyết liệt và táo bạo của chính quyền nơi đây. Đích thân Chủ tịch UBND xã đã xắn tay hướng dẫn bà con cách thức trồng cây dược liệu cho sinh trưởng tốt nhất. Để tỷ lệ sống của cây giống đạt mức cao, chỉ có một cách là dành nhiều thời gian để chăm sóc, nuôi trồng nó; tức là bớt đi thời gian nhàn rỗi, mà cần phải chuyên tâm với công việc vườn rừng. Góp sức để tạo ra sinh kế bền vững cho người dân, rèn nắn cả kỷ luật lao động cho bà con, những người cán bộ trước đây chỉ quen với công việc bàn giấy đã để lại những suy nghĩ khác trong lòng đồng bào các dân tộc ít người.
Hôm nay, một luồng sinh khí mới đang về trên mảnh đất Tam Quang bởi sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều của Đảng bộ, chính quyền và bà con nơi đây. Kết quả phát triển kinh tế xã hội tại địa phương này đã cho thấy, nội lực mới là yếu tố then chốt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tam Quang trở thành xã biên giới đầu tiên trong toàn tỉnh về đích nông thôn mới.
Làng nước theo sau
Phong trào thi đua lao động, sản xuất ở Tương Dương đã dần lan tỏa từ các bản làng này sang bản làng khác. Và hầu như ở địa phương nào, hình ảnh những người cán bộ mẫn cán, gần gũi với Nhân dân cũng trở thành động lực lớn để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm của mình. Bởi thế nên khi triển khai Đề án 07, Huyện ủy, UBND huyện Tương Dương đã mạnh dạn luân chuyển đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã đến các địa bàn phù hợp với sở trường của họ. Và điều đặc biệt là quá trình triển khai Đề án này, huyện ủy Tương Dương không yêu cầu cấp cơ sở thực hiện một cách rập khuôn, máy móc; mà khuyến khích cách làm sáng tạo tại từng địa phương, miễn sao đạt được cái đích là cổ vũ phong trào lao động sản xuất trong Nhân dân.
Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc huyện Tương Dương đã dùng cách “thắp lửa bằng nhiều que đóm”. Đó là việc chủ động tham mưu thực hiện Kế hoạch “Cây ATM 1 nghìn”. Cách thức thực hiện khá đơn giản nhưng rất hiệu quả: mỗi ngày, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ tiết kiệm 1 nghìn đồng, sử dụng nguồn tích góp - những que đóm này để thắp lên ngọn lửa quyết tâm của những hộ dân nghèo khó nhất, đang thực sự cần hỗ trợ để vươn lên. Tất nhiên, nguồn kinh phí này được quản lý chi tiêu theo phương châm: đem cần câu cá chứ không đem con cá đến cho người dân. Thế nên, hàng nghìn cây, con giống đã được phân bổ cho các hộ nghèo. Và mỗi cán bộ, đảng viên được phân công cụ thể, có chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ người dân thoát nghèo; họ là người trực tiếp hướng dẫn bà con cách nuôi trồng, phát triển kinh tế hàng hóa. Chương trình này nhắm vào những địa bàn khó khăn nhất trong toàn huyện. Chẳng hạn như địa bàn xã Lượng Minh, nơi mà một thời gian dài, cơn sốt ma túy đã làm cho bản làng tiêu điều, bà con khốn khó. Ông Vi Hồng Dương, Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh cho biết: “Sau khi thực hiện Đề án 07 của Ban Thường vụ Huyện ủy, nhận thức của cán bộ và Nhân dân có nhiều thay đổi đáng kể. Cán bộ tích cực đi cơ sở, trực tiếp bám nắm địa bàn, nên có nhiều sáng kiến phù hợp hơn; cách thức tuyên truyền cũng gần gũi, sâu sát hơn. Vì thế, đa số người dân hiểu và đồng tình với chủ trương của Đề án. Đặc biệt, họ đã biết xấu hổ trước cái đói nghèo, từ đó mà chủ động làm ăn kinh tế, cố gắng vươn lên”.
Câu chuyện thoát ra khỏi “vòng kim cô” của tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã được lan tỏa khắp các bản làng huyện miền núi Tương Dương. Từ đây, không ít hộ dân đã từ chối nhận sự hỗ trợ của Nhà nước, quyết tâm tự thân vươn lên thoát nghèo, bởi họ cho rằng: muốn thoát nghèo thực sự, trước hết phải thoát nghèo từ trong tư tưởng. Gia đình chị Vi Thị Xá ở bản Ang, xã Xá Lượng một điển hình như thế. Đây là một trong những hộ dân đầu tiên của huyện miền núi Tương Dương mạnh dạn tình nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Với một quyết tâm lớn, vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư nuôi lợn thịt. Và anh chị đã vượt khó thành công. Chị Vi Thị Xá vui mừng cho chúng tôi biết: hiện tại, vợ chồng anh chị đã xuất chuồng 3 đàn lợn gần 50 con, giá trị hơn 150 triệu đồng. Có vốn để xoay vòng, gia đình tiếp tục đầu tư phát triển quy mô, diện tích vườn chuồng, đến nay, cái đói, cái nghèo đã rời xa cuộc sống của hộ nông dân này.
“Người dân biết xấu hổ trước cái đói, cái nghèo”, đó là một trong những tác động quan trọng tới ý thức hệ của bà con mà Đề án 07 đã làm được. Bởi thế, từ đây, một phong trào vươn lên thoát nghèo được thắp lên, thắp lên từ chính những hộ dân nghèo khó nhất, với sự hỗ trợ, dìu dắt của những người cán bộ tâm huyết, trách nhiệm. Cán bộ là đầu tàu gương mẫu, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Câu khẩu hiệu này giờ đây không còn được nhắc nhiều ở huyện miền núi Tương Dương nữa, bởi nó được biến thành hành động, trong việc làm thường xuyên của mỗi một công dân đang sinh sống tại huyện miền núi này. Cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân đã và đang thực sự vào cuộc.
Luồng sinh khí mới
Điều quan trọng nhất mà Đề án 07 đã làm được, đó là việc dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỉ lại trong đội ngũ cán bộ đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là người nghèo khó. Đây được xem là vấn đề cốt tử trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở những huyện miền núi 30A.
Câu chuyện về Đề án 07 vẫn chưa khép lại, nhưng Tương Dương hôm nay đã khác. Những bản làng ấm no, những nụ cười tươi tắn, những vùng nông thôn mới đầy sức sống là minh chứng cho một vùng đất nghèo đang thay da đổi thịt. Sự thay đổi bắt đầu từ ý thức, từ việc cán bộ làm gương, bà con dần hiểu rằng muốn thoát nghèo bền vững thì phải dựa vào chính mình. Đề án 07 không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn thắp lên hy vọng, lòng tự hào và quyết tâm vươn lên. Với tinh thần ấy, Tương Dương sẽ tiếp tục viết nên câu chuyện của một vùng đất biên giới, biết nhận sai và sửa sai, nơi mà mọi khó khăn đều có thể vượt qua khi con người chung tay, góp sức.