“Người Việt yêu người Việt” từ trách nhiệm đến niềm tin

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Võ Thị Minh Sinh khẳng định sự đồng tình cao đối với các báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra. Trong bối cảnh đầy thách thức đối với nền kinh tế, đại biểu ghi nhận nỗ lực rất lớn của cả hệ thống trong việc vừa thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa triển khai quyết liệt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.

“Cuộc cách mạng tinh gọn này nhận được sự đồng tình lớn từ nhân dân. Bởi, chúng ta đã có hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, 19 (từ năm 2017). Cách làm mới, từ cơ sở lên và từ Trung ương xuống, đã giúp công cuộc tinh gọn diễn ra nhanh, mạnh và triệt để”, đại biểu nhấn mạnh.

z6632274151375_708ba8742fcda723642fe4d716dd0eb5.jpg
ĐBQH Võ Thị Minh Sinh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Tinh thần ấy, theo đại biểu, chính là biểu hiện rõ nét của nguyên tắc: “tất cả vì phục vụ nhân dân, vì người dân ở cơ sở”. Nhờ đó, dù khó khăn nhưng chúng ta vẫn giữ được ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Quan trọng hơn, tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” được thể hiện rõ qua việc bảo đảm “5 an”: An sinh xã hội, an toàn, an ninh, an dân và an tâm cho đội ngũ cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang.

Minh chứng sinh động là chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được Chính phủ phát động gần đây. Đại biểu cho rằng, đây là một phong trào lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống chính trị, xuất phát từ đúng nhu cầu thiết thực nhất của người dân – an cư lạc nghiệp. “Qua đó, hàng trăm ngôi nhà mới đã được đưa vào sử dụng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước”, đại biểu nhấn mạnh.

Cùng với đó, những chính sách lớn như miễn học phí toàn bộ đã thật sự chạm đến trái tim người dân. Các phong trào như “bình dân học vụ số”, “toàn dân thi đua làm giàu”… liên tục được khởi xướng, tạo khí thế tích cực trong xã hội. Tuy nhiên, theo đại biểu Võ Thị Minh Sinh, cần một cú hích tư tưởng căn bản hơn để củng cố chiều sâu văn hóa tiêu dùng và niềm tin xã hội.

“Chúng ta đang phát động phong trào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, nhưng chính chúng ta lại chưa thật sự yêu người Việt”, đại biểu chia sẻ. Từ đó, đại biểu đề xuất phát động thêm một phong trào mới là “Người Việt yêu người Việt” như một lời kêu gọi sống thật, làm hàng thật, tin nhau thật.

“Dù chất lượng hàng hóa Việt chưa đạt tầm quốc tế, nhưng nếu đó là hàng thật, được làm bằng tinh thần yêu nước, yêu dân thì sẽ được đón nhận”, đại biểu nhấn mạnh, đồng thời kỳ vọng: “Phong trào ‘Người Việt yêu người Việt’ sẽ trở thành nền tảng để các phong trào khác phát triển căn cơ, bền vững.”

Sửa Luật Đất đai, quản lý thuế thương mại điện tử

Liên quan đến việc sáp nhập chính quyền địa phương hai cấp thành đơn vị hành chính mới, đại biểu Võ Thị Minh Sinh ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc rà soát, trình sửa đổi nhiều luật liên quan. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 – một đạo luật then chốt – đến nay vẫn chưa được đưa vào chương trình sửa đổi, dù trong đó có nhiều điều khoản quan trọng, đặc biệt là Điều 123 quy định thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất thuộc về UBND cấp huyện.

z6632274138346_45be67f30ab339fb4b46c249b45d28c4.jpg
Các ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Đại biểu nêu rõ: “Nếu đến ngày 1.7 tới đây chúng ta triển khai phân quyền theo luật hiện hành mà không có hướng dẫn cụ thể, thì hàng loạt vấn đề về đất đai – từ giao đất, cho thuê đất, tái định cư, đến giải phóng mặt bằng sẽ gặp bất cập”. Cùng với đó, sự chồng chéo và khác biệt trong định mức đền bù giữa các địa phương trước và sau khi sáp nhập cũng có thể gây xáo trộn, bức xúc trong nhân dân.

Từ thực tiễn nêu trên, đại biểu đề nghị Trung ương sớm xem xét, đưa Luật Đất đai 2024 vào chương trình sửa đổi, để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch và thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện tại các địa phương.

Về nội dung quản lý thương mại điện tử, đại biểu dẫn báo cáo của Chính phủ và khu vực Đông Nam Á, cho thấy Việt Nam đang dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (tăng 20%). Cùng với đó là hơn 76 triệu tài khoản mạng xã hội, tương đương hơn 75% dân số tính đến tháng 1.2025.

z6632274155058_18512ff26aecb7995dfeca4647295811.jpg
ĐBQH Võ Thị Minh Sinh điều hành phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ những bất cập đang tồn tại. “Hiện nay, hầu hết khách hàng, trong đó có cả tôi, thường xuyên mua hàng online trên Shopee, Tiktok, Facebook… Tuy nhiên, có không ít trường hợp bị lừa đảo, giao hàng giả, hàng không đúng mô tả. Đặc biệt là không có hóa đơn, không biết doanh thu người bán được tính như thế nào”, đại biểu chia sẻ.

Thực tế này đặt ra câu hỏi lớn: “Việc thu thuế đang được thực hiện như thế nào? Có đang xảy ra thất thu thuế trên các nền tảng này không?” Theo đại biểu, đây là một lỗ hổng lớn, cần có giải pháp quản lý chặt chẽ. Không thể để một nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ nhưng lại thiếu công cụ kiểm soát nghĩa vụ tài chính của các chủ thể tham gia.

Từ đó, đại biểu đề nghị phải có các giải pháp triệt để, vừa chống thất thu thuế, vừa bảo đảm công bằng giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh online. “Đây không chỉ là vấn đề tài chính, mà còn là yêu cầu của một nền kinh tế minh bạch, công bằng và có kỷ cương”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu và hành động để giải quyết các bất cập nêu trên. “Mỗi chính sách được thực hiện minh bạch, mỗi phong trào xuất phát từ tấm lòng thật, sẽ càng củng cố niềm tin của nhân dân – điều quan trọng nhất trong hành trình phát triển đất nước”.