Tham gia góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Nhật Minh cơ bản đồng tình với các nội dung được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Trần Nhật Minh nêu ý kiến liên quan đến tính thống nhất giữa dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

z6617811190107_2e7639e1c994bf31030afd80c25808a9.jpg
ĐBQH Trần Nhật Minh phát biểu tại Hội trường, chiều 19/5. Ảnh: Lâm Hiển

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi Điều 20 liên quan đến thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự), có bổ sung thêm một nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đó, quy định rõ thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự theo quy định của luật.

Tuy nhiên, tại khoản 14 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi Điều 63 về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) lại không bổ sung nhiệm vụ này cho Viện trưởng.

Do đó, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để bảo đảm thống nhất quy định giữa hai dự thảo luật, cụ thể cần bổ sung nhiệm vụ này cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đặc biệt là việc có nên bổ sung nội dung này vào Điều 63 của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hay không?

Đồng thời, cân nhắc tính cần thiết của việc quy định lại nhiệm vụ này cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bởi thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật đã được quy định cụ thể tại Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.