Cân nhắc kỹ hình phạt mới thay thế tử hình

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng: trong bối cảnh tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, yêu cầu cải cách tư pháp và bảo vệ quyền con người ngày càng cao; đồng thời, phải bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc sửa đổi, bổ sung lần này hết sức cấp thiết.

z6621069507096_2903faed6a1e37d0840c6a76a27292b0.jpg
ĐBQH Trần Đức Thuận phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Theo đại biểu, dự thảo thể hiện tinh thần nhân đạo, tiến bộ, vẫn giữ được tính răn đe và tôn trọng các quyền cơ bản của con người. Góp ý về việc bổ sung hình phạt “tù chung thân không xét giảm án” tại Điều 39a, đại biểu Trần Đức Thuận nhận định: đây là hình phạt nhân đạo hơn tử hình nhưng vẫn bảo đảm tính răn đe, vì giữ người phạm tội trong trại giam, ngăn ngừa tái phạm, tránh kết thúc mạng sống như tử hình. Trường hợp có oan sai, hình phạt tù vĩnh viễn vẫn có thể khắc phục hậu quả như bồi thường, minh oan, trả tự do.

“Phù hợp với xu hướng giảm án tử hình trên thế giới, xu hướng pháp lý tiến bộ và các cam kết quốc tế, nhiều quốc gia đã thay thế tử hình bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Điều này cũng phù hợp với Công ước quốc tế về quyền con người, quyền sống và quyền tái hòa nhập xã hội”, đại biểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra một số điểm cần lưu ý: có thể làm giảm tính răn đe đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như giết người hàng loạt, khủng bố; làm tăng gánh nặng cho hệ thống trại giam về chi phí quản lý, nuôi dưỡng; gây tâm lý tiêu cực, làm mất động lực cải tạo khi người phạm tội biết rằng mình không có cơ hội giảm án.

Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ điều kiện áp dụng, chỉ thay thế tử hình trong một số tội danh cụ thể; đồng thời, bảo đảm quản lý hiệu quả trong trại giam, tăng cường truyền thông, giáo dục để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Về việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người bị ung thư giai đoạn cuối hoặc người bị HIV chuyển sang AIDS, đại biểu Trần Đức Thuận đồng tình với chủ trương nhân đạo này. Theo đại biểu, những đối tượng này có khả năng sống không lâu, nên việc áp dụng hình phạt tử hình không còn cần thiết, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Ngoài ra, điều này cũng giúp tránh được những dư luận tiêu cực trong và ngoài nước cho rằng pháp luật Việt Nam quá nghiêm khắc với người cận kề cái chết. Việc miễn áp dụng tử hình còn góp phần giảm chi phí và rủi ro trong thi hành án.

z6621069492460_8fb3d54ec242d00bc7596416ba7bb670.jpg
Các ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý: “Vấn đề khó nhất là xác định đúng tình trạng bệnh lý – như thế nào là ‘giai đoạn cuối’, ‘không còn khả năng sống sót’ – điều này phụ thuộc vào giám định y khoa, mà trong thực tế có thể xảy ra gian lận, mua bán kết luận”. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng có thể xuất hiện cảm giác bất công trong xã hội khi những người phạm tội giống nhau lại chịu hình phạt khác nhau, gây cảm nhận nhân nhượng với tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung tiêu chí giám định y khoa một cách rõ ràng, chặt chẽ. Ví dụ: phải có kết luận của Hội đồng Giám định pháp y Trung ương, xác nhận của cơ quan thi hành án; trường hợp đặc biệt có thể xem xét chuyển sang hình phạt tù chung thân không xét giảm án; đồng thời, có biện pháp giám sát đặc biệt trong trại giam để bảo đảm không tái phạm.

Tăng phạt tiền phải gắn thu nhập, khả năng thi hành

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Đức Thuận bày tỏ đồng tình với đề xuất nâng mức hình phạt tiền đối với một số tội danh, đặc biệt là các tội liên quan đến lợi ích kinh tế như: tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền… Theo đại biểu, mức phạt tiền cần đủ mạnh để không “nhẹ hơn lợi ích thu được từ hành vi phạm tội”.

z6621069481347_61c7d705dd40e5572ccbd26552c1a05f.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: Nghĩa Đức

“Việc tăng hình phạt tiền là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, vừa có thể tạo nguồn thu cho ngân sách, vừa giảm áp lực giam giữ, thúc đẩy áp dụng hình phạt không tước tự do đối với các tội phạm ít nghiêm trọng, phù hợp với xu hướng cải cách tư pháp”, đại biểu phân tích.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý cần tính đến yếu tố công bằng: người giàu có thể nộp phạt dễ dàng mà không thấy bị trừng phạt, trong khi người nghèo có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình. Việc thi hành án cũng gặp nhiều khó khăn đối với người không có tài sản, kéo dài quá trình cưỡng chế, làm giảm hiệu quả thực tế của hình phạt.

Khắc phục bất cập này, đại biểu Trần Đức Thuận đề xuất nghiên cứu mô hình “phạt tiền theo ngày thu nhập” như một số quốc gia châu Âu đang áp dụng (Đức, Pháp, Thụy Điển…), từ đó quy định mức phạt linh hoạt theo thu nhập hoặc điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng miền. Đồng thời, cần quy định rõ các trường hợp bắt buộc áp dụng phạt tiền hoặc thay thế bằng hình phạt khác như lao động công ích, tạm giữ tài sản.

“Muốn hình phạt tiền có hiệu lực thực tế, cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, xác minh tài sản của người phạm tội để bảo đảm thi hành án công bằng và hiệu quả”, đại biểu Trần Đức Thuận nhấn mạnh.