Điều chỉnh cách diễn đạt trong phổ cập giáo dục mầm non

Đánh giá cao những kết quả tích cực trong điều hành phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là nỗ lực của Chính phủ trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đại biểu Thái Văn Thành nhấn mạnh: Việc duy trì tăng trưởng hai con số trong những tháng đầu năm có thể coi là một “kỳ tích”.

Từ đó, đại biểu chuyển sang nội dung tâm huyết liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với những tồn tại đòi hỏi phải nhìn nhận thấu đáo. Theo đại biểu Thái Văn Thành, việc miễn học phí cho trẻ từ 3–5 tuổi đã thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là với nhóm trẻ em thuộc “độ tuổi vàng” – giai đoạn đầu hình thành nhân cách, nền tảng kỹ năng và năng lực, chuẩn bị cho hành trình học tập lâu dài và hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho quốc gia trong giai đoạn phát triển mới.

z6632274154864_974726f9eaa74e324173bce7aba659a1.jpg
ĐBQH Thái Văn Thành (Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: N.Đức

“Chính sách này cũng góp phần bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, đại biểu Thái Văn Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, từ góc độ chuyên môn, đại biểu kiến nghị cần rà soát lại cách diễn đạt trong một số văn bản quy phạm pháp luật và nghị quyết liên quan đến phổ cập giáo dục mầm non. Cụ thể, một số văn bản hiện nêu “phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi”, trong khi về mặt khoa học giáo dục, cụm từ “giáo dục mầm non” vốn đã bao hàm độ tuổi này.

Giáo dục mầm non theo quy định gồm hai giai đoạn: giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo. Trẻ từ 3 - 5 tuổi chính là nhóm mẫu giáo. Do đó, nếu nói “phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo” thì đã đầy đủ và chính xác về khái niệm, không cần thiết lặp lại độ tuổi. Tuy nhiên, trong thực tiễn, đại biểu cho rằng: Để người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa dễ hiểu và tiếp cận chính sách, cần có những diễn đạt cụ thể, gần gũi. Việc nhấn mạnh độ tuổi “từ 3 - 5” giúp truyền thông chính sách rõ ràng, định hướng phụ huynh chuẩn bị điều kiện cho trẻ bước vào giáo dục tiểu học.

Từ đó, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị: Trong các văn bản chính sách, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa tính học thuật và tính phổ thông, giữa chuẩn mực chuyên môn và sự phù hợp với thực tế triển khai ở cơ sở. Nếu lựa chọn cách diễn đạt “phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3-5 tuổi” thì cần giữ nhất quán và thể hiện rõ tinh thần phổ cập đúng độ tuổi, bảo đảm chất lượng giáo dục chuẩn bị cho bậc học tiếp theo.

Sửa luật cần đặt trong một cấu trúc tổng thể

Với phổ cập giáo dục trung học phổ thông – một chính sách đang được quan tâm trong lộ trình sửa đổi Luật Giáo dục sắp tới, đại biểu Thái Văn Thành cho rằng: Để triển khai phổ cập hiệu quả ở bậc học này, điều kiện tiên quyết là phải chuẩn bị đồng bộ về cơ sở vật chất và nguồn lực.

z6632274159628_955b2537cc6237a3910f0f77398f7e5b.jpg
ĐBQH Thái Văn Thành phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Nghĩa Đức

Khác với phổ cập tiểu học hay THCS, phổ cập THPT đòi hỏi đầu tư lớn hơn về trang thiết bị dạy học, phòng bộ môn, điều kiện bán trú hoặc nội trú, nhất là tại các khu vực miền núi, vùng khó khăn. Nếu không có kế hoạch cụ thể, nguồn lực bảo đảm và lộ trình rõ ràng, chính sách phổ cập dễ rơi vào hình thức hoặc gây áp lực ngược trở lại cho địa phương và người học.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất một nội dung có ý nghĩa lâu dài, đó là tích hợp và đồng bộ hệ thống luật pháp về giáo dục. Theo đó, cần chuyển hướng từ đào tạo trung cấp nghề sang THPT nghề để vừa đáp ứng mục tiêu phổ cập, vừa bảo đảm chất lượng nhân lực kỹ thuật ở trình độ cơ bản, phù hợp với yêu cầu thị trường lao động mới.

Trong khi Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã được chuyển về thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì về mặt pháp lý, vẫn còn tình trạng phân tách giữa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đại biểu Thái Văn Thành kiến nghị cần tích hợp các nội dung của Luật Giáo dục nghề nghiệp vào hệ thống luật hiện hành để bảo đảm thống nhất, liên thông và hiệu lực trong triển khai.

“Việc tích hợp không chỉ đơn thuần là kỹ thuật lập pháp, mà quan trọng hơn là thể hiện tư duy cải cách giáo dục theo hướng mở, hiện đại, tạo hành lang pháp lý cho sự liên thông giữa các trình độ, mô hình đào tạo và khối ngành”, đại biểu nhấn mạnh.

Quan trọng hơn cả, theo đại biểu Thái Văn Thành, để tháo gỡ được những điểm nghẽn hiện hữu, cần sớm ban hành một nghị quyết đột phá về giáo dục và đào tạo, với tầm nhìn hệ thống và chiến lược quốc gia. Bộ Chính trị đã có chỉ đạo về vấn đề này, và nay là thời điểm chín muồi để cụ thể hóa bằng một nghị quyết đủ mạnh, đủ sức khai phóng tiềm năng của hệ thống giáo dục, huy động toàn bộ nguồn lực xã hội để đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực cho kỷ nguyên mới.

“Nghị quyết này không chỉ giải quyết những tồn tại kéo dài, mà còn mở ra cơ hội chuyển hóa tiềm năng thành hiện thực, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên chuyển đổi số và hội nhập toàn diện”, đại biểu Thái Văn Thành trao đổi thêm.

Theo đại biểu, nếu tiếp tục cách tiếp cận rời rạc mỗi lần sửa một cấp học, một loại hình đào tạo thì hệ thống giáo dục sẽ thiếu liên kết, gây khó khăn trong tiếp cận của người học và ảnh hưởng đến quá trình phát triển bền vững. Do đó, việc sửa luật lần này cần đặt trong một cấu trúc tổng thể: Từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học đến giáo dục thường xuyên để bảo đảm tính hệ thống, thống nhất và liên thông.

“Chỉ khi nào hệ thống pháp luật giáo dục được xây dựng trên một tư duy cải cách căn bản và toàn diện, chúng ta mới có thể tạo ra bước chuyển căn cơ cho sự nghiệp trồng người: Vì tương lai phát triển của đất nước”, đại biểu Thái Văn Thành nhấn mạnh.