Quy định phân tán gây khó khăn trong triển khai
Khẳng định sự đồng tình với việc đưa vào Luật cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh: Đây là một hình thức phản ứng chính sách phù hợp đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh sử dụng công nghệ mới mà pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh kịp. Đồng thời, cơ chế này thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy lập pháp theo hướng “chưa rõ thì chưa quản”, tập trung vào việc kiến tạo thay vì hạn chế các ý tưởng sáng tạo.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng chỉ rõ: Hiện nay, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đang được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật, như: Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thủ đô, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cùng với các nghị quyết đặc thù của một số địa phương trực thuộc Trung ương. Việc quy định phân tán, không đồng nhất như vậy dễ dẫn đến khó khăn trong triển khai.

Đại biểu dẫn chứng: Về thời gian thử nghiệm, Luật Thủ đô cho phép tối đa 3 năm, trong khi các dự thảo Luật mới lại chỉ quy định 2 năm. Về thẩm quyền, Luật Thủ đô giao cụ thể cho HĐND, UBND Thành phố, trong khi các dự thảo Luật mới lại chỉ quy định khái quát vai trò phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương… Còn về miễn trừ pháp lý, dự thảo các Luật mới quy định cụ thể nguyên tắc miễn trừ, trong khi Luật Thủ đô lại giao cho HĐND Thành phố quyết định từng trường hợp cụ thể.
Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị định 94/2025/NĐ-CP ngày 29.4.2025 về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng (bao gồm cả chấm điểm tín dụng và cho vay ngang hàng), câu hỏi đặt ra là nếu một doanh nghiệp triển khai dịch vụ này tại một địa phương trực thuộc Trung ương thì nên áp dụng theo nghị định của Chính phủ hay theo quy định đặc thù của thành phố đó? Đây là điểm còn chưa rõ trong các văn bản hiện hành.
Từ thực tiễn và những vướng mắc trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề xuất cần rà soát, hệ thống hóa các quy định hiện hành về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. “Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần đưa ra nguyên tắc chung về trình tự, thủ tục, phạm vi thử nghiệm, và thẩm quyền thiết lập khuôn khổ thử nghiệm. Sau đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai các khuôn khổ cụ thể theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Các luật chuyên ngành khác chỉ nên bổ sung các quy định đặc thù phù hợp với từng lĩnh vực hoặc địa phương”, đại biểu nhấn mạnh.
Đối với cơ chế miễn trừ trách nhiệm, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng: Luật nên chỉ quy định nguyên tắc chung, còn nội dung cụ thể nên để lại cho các khuôn khổ thử nghiệm riêng biệt tùy theo từng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh. Đây cũng là cách tiếp cận mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng.
Làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong đổi mới sáng tạo
Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát không phải là cách phản ứng chính sách duy nhất trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trên thực tế, các quốc gia tiên tiến còn sử dụng nhiều hình thức khác, như: thử nghiệm lập pháp; quản lý mềm thông qua các khuyến nghị, bộ nguyên tắc ứng xử, hướng dẫn đạo đức; hoặc áp dụng các hình thức miễn trừ pháp lý tạm thời và cấp phép linh hoạt. Những hình thức này giúp Nhà nước kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp với tốc độ phát triển của công nghệ mới mà không làm chậm quá trình sáng tạo.



Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các hình thức phản ứng chính sách đa dạng vào dự thảo luật, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý mở và linh hoạt, hỗ trợ tối đa cho sự phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng: cần làm rõ phạm vi áp dụng của quy định trong dự thảo. Hiện, dự thảo Luật sử dụng khái niệm “doanh nghiệp nhà nước” nhưng lại áp dụng quy định tương tự như đối với ngân sách nhà nước. Cụ thể, khoản 2 Điều 9 nêu rõ: các tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ nếu không đạt mục tiêu vẫn không phải hoàn trả kinh phí đã sử dụng đúng quy định.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng lưu ý: theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước bao gồm cả các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước trên 50%. Nếu áp dụng quy định như trên cho toàn bộ nhóm doanh nghiệp này, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông khác ngoài Nhà nước…
“Vì vậy, chỉ nên áp dụng quy định này đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc quy định rõ phạm vi áp dụng là đối với phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp có vốn hỗn hợp. Điều này vừa bảo đảm đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, vừa tránh gây hệ lụy pháp lý cho các nhà đầu tư tư nhân cùng góp vốn”, đại biểu đề nghị.