Đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với các nội dung của dự thảo, nhất là việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh, cấp xã sau khi chấm dứt hoạt động của chính quyền cấp huyện. Việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp của Trung ương cho chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương được thể hiện trong dự thảo luật theo đại biểu Thái Thị An Chung là hết sức cần thiết để phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, nhằm khơi thông các nguồn lực để địa phương phát triển, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Từ thực tiễn của việc lấy ý kiến Nhân dân địa phương trong thời gian qua về phương án sắp xếp các xã, nhất là việc đặt tên của đơn vị hành chính sau sắp xếp là tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự hay là tên gọi mới có ý nghĩa, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị Quốc hội nghiên cứu phân cấp thẩm quyền đặt tên và đổi tên đơn vị hành chính cấp xã từ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Việc sửa đổi này là không vi phạm các quy định của Hiến pháp bởi vì Hiến pháp hiện hành điều 74 khoản 8 chỉ quy định thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "quyết định việc thành lập, giải thể, nhập chia, điều chỉnh địa giới của đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" (không quy định việc đặt tên, đổi tên). Thực tiễn trong thời gian qua, khi triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thì vấn đề cử tri và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất vẫn là lựa chọn tên của đơn vị hành chính sau sát nhập. Do thời gian triển khai gấp nên có nhiều nơi việc đặt tên đơn vị hành chính mới còn mang tính chất tạm thời, trong khi đó tên của đơn vị hành chính có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ là để phân biệt đơn vị hành chính này với đơn vị hành chính khác mà còn là vấn đề lịch sử, văn hóa, truyền thống... Việc sửa đổi này cũng tương thích với chủ trương phân cấp thẩm quyền "quyết định việc thành lập, tổ chức, tổ chức lại, giải thể, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn" từ Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hiện nay sang cho Hội đồng nhân dân cấp xã như dự thảo luật hiện đang đề xuất.

Liên quan đến các quy định về tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ đồng tình cao với các nội dung dự thảo luật đã quy định. Việc quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã đều có HĐND và UBND đảm bảo bộ máy Nhà nước được tổ chức thống nhất, hoạt động thông suốt từ Trung ương đến tỉnh và cơ sở. Cơ cấu tổ chức của HĐND cấp xã có 2 ban là Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế là hết sức cần thiết. Xung quanh ý kiến đề nghị không tổ chức Ban Pháp chế ở cấp xã và Chính phủ dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng HĐND cấp xã có 02 Ban là Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa – Xã hội, theo Đại biểu cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi vì:
(1) Từ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì việc thành lập Ban Pháp chế ở HĐND ba cấp (cấp huyện và cấp xã gồm Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế) đã được duy trì và phát huy hiệu quả. Ban Pháp chế HĐND các cấp chịu trách nhiệm giám sát và thẩm tra trong lĩnh vực thi hành Hiến pháp và pháp luật, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính ở địa phương. Có thể thấy rằng, lĩnh vực Pháp chế có tính chất đặc thù khác với các lĩnh vực còn lại, có tính chuyên môn cao về pháp luật và đòi hỏi những người có chuyên môn, am hiểu lĩnh vực pháp luật để thực hiện công tác này. Việc tổ chức Ban Pháp chế ở HĐND cấp xã trong thời gian qua đã thể hiện sự chú trọng trong việc theo dõi thi hành pháp luật ở chính quyền cơ sở, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo thực thi pháp luật ở cơ sở.

(2) Trong giai đoạn hiện nay, khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp thì yêu cầu tất yếu đặt ra của chính quyền địa phương cấp cơ sở phải là chính quyền gần dân, sát dân hơn, là nơi triển khai trực tiếp các chính sách pháp luật đến người dân. Việc theo dõi, đảm bảo thi hành pháp luật ở chính quyền cơ sở, đảm bảo quyền con người, quyền công dân là một yêu cầu đặc biệt quan trọng. Hiến pháp năm 2013 quy định Nhà nước ta là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Do đó, mọi hoạt động của chính quyền đều phải tuân thủ pháp luật. Điều đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động của Ban Pháp chế HĐND cấp xã - với lĩnh vực có tính chất đặc thù như việc theo dõi, giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo dõi xử lý vi phạm hành chính, tổ chức bộ máy, biên chế, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh… ở cơ sở. Vì vậy, nếu không tổ chức Ban Pháp chế HĐND cấp xã thì sẽ tạo ra khoảng trống trong việc giám sát thi hành pháp luật trong lĩnh vực này.
(3) Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, trong đó đặt ra yêu cầu “Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả”. Điều đó đòi hỏi, hoạt động của Ban Pháp chế HĐND cấp cơ sở cần được tăng cường, chú trọng. Cùng với đó, HĐND và UBND cấp xã sẽ được phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và xây dựng chính quyền, bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho chính quyền cấp xã nên vai trò của Ban Pháp chế trong việc thẩm tra, theo dõi văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã càng trở nên quan trọng hơn.
Từ 3 lý do như đã phân tích ở trên, đại biểu Thái Thị An Chung kiến nghị nên tiếp tục tổ chức 2 Ban ở HĐND cấp xã như hiện nay là Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế. Đại biểu cũng đồng tình với việc bố trí Đại biểu chuyên trách tại các Ban của HĐND cấp xã để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của Đại biểu Quốc hội, Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều 24/6/2025 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2025./.