bna_doan-dbqh-nghe-an(2).jpg
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và các ĐBQH tại phiên thảo luận Tổ 4 chiều 6/5. Ảnh: Nghĩa Đức

Công nghệ nhà máy điện hạt nhân phải hiện đại, đảm bảo an toàn tuyệt đối

Về Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhận định: các quy định về nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong dự thảo hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức khái quát, thiên về an toàn và an ninh, chưa đầy đủ. Bà đề nghị bổ sung quy định nguyên tắc bao quát toàn bộ các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật.

bna_hoang-thi-thu-hien.jpg
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Ủng hộ sự cần thiết phải tái khởi động các dự án nhà máy điện hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và đáp ứng nhu cầu phát triển, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn công nghệ hiện đại và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Về cơ quan pháp quy hạt nhân, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng, dự thảo hiện đang xây dựng theo hướng giao Chính phủ quy định về cơ quan này để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân là chưa thực sự phù hợp. Với tầm quan trọng đặc biệt của lĩnh vực này, bà đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định rõ ràng về cơ quan pháp quy hạt nhân, theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm tính độc lập và hiệu quả trong hoạt động.

bna_hoang-minh-hieu.jpg
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội phân tích rõ các vướng mắc nếu quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân không được làm rõ. Ông đề nghị cần có quy định cụ thể phù hợp với quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), vốn đã trở nên khắt khe hơn sau thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, năm 2011.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý nội dung liên quan đến xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử để phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Đồng thời, cần có giải trình thuyết phục hơn, kể cả việc viện dẫn kinh nghiệm quốc tế trong đề xuất quy định chuyển thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân từ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng kiến nghị: quy định về ưu tiên thực hiện thủ tục hải quan đối với các vật liệu liên quan đến hạt nhân không nên đưa vào Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), mà nên chuyển sang Luật Hải quan, hiện cũng đang được trình Quốc hội xem xét sửa đổi tại kỳ họp này, để bảo đảm thống nhất hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, ông đề nghị cần quy định rõ cơ quan nào sẽ quản lý và cách thức vận hành Quỹ hỗ trợ khắc phục sự cố hạt nhân, thay vì chỉ dừng ở mức liệt kê các nguồn quỹ và mục tiêu sử dụng như trong dự thảo hiện nay.

Cơ chế pháp lý cho nhà khoa học chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm

Về Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ đối với việc ban hành luật này.

Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách mới, đặc thù để khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cần chấp nhận rủi ro và có cơ chế bảo vệ phù hợp cho những người hoạt động trong lĩnh vực này.

bna_tran-duc-thuan(2).jpg
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Trần Đức Thuận đề nghị cần làm rõ phạm vi của khái niệm “đổi mới sáng tạo”; đồng thời đề xuất có chính sách đầu tư tài chính đặc thù, cơ chế quản lý và chế độ đãi ngộ riêng cho các lĩnh vực khoa học chiến lược, nhạy cảm hoặc có tính cạnh tranh cao.

Với Dự án Luật Năng lượng nguyên tử, Thiếu tướng Trần Đức Thuận tiếp tục nhấn mạnh tính đặc biệt, mức độ rủi ro cao của lĩnh vực này và đề xuất tăng cường quản lý chặt chẽ vật liệu, thiết bị hạt nhân cũng như kiểm soát hoạt động hợp tác quốc tế.

Đại biểu Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đánh giá cao dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo khi đã có quy định miễn trừ trách nhiệm dân sự, hành chính đối với người sử dụng và cơ quan quản lý trong quá trình triển khai các nội dung nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

bna_thai-van-thanh.jpg
Đại biểu Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, theo ông, dự thảo vẫn chưa quy định rõ về việc miễn trừ trách nhiệm đối với các nhà khoa học, những người trực tiếp tham gia nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và thực hiện các dự án thử nghiệm. Ông đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể hơn, tương tự như với người sử dụng và cơ quan quản lý. Đặc biệt, cần xem xét mở rộng phạm vi miễn trừ, kể cả miễn trừ trách nhiệm hình sự trong những trường hợp phù hợp, nhằm tạo niềm tin và động lực để các nhà khoa học dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và triển khai dự án.

bna_doan-dbqh-nghe-an-2.jpg
Đoàn ĐBQH Nghệ An tham gia thảo luận tại Tổ 4 cùng với Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Nghĩa Đức

Về chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị luật cần quy định rõ các nội dung cốt lõi, gồm: tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, kế hoạch hành động, các dự án trọng tâm, trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên.

Ông cũng ủng hộ nội hàm khái niệm “nhân tài” được thể hiện trong dự thảo luật thông qua 7 tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ: cá nhân muốn được công nhận là nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì cần đáp ứng toàn bộ 7 tiêu chí hay chỉ cần đạt một trong số đó.