bna_le-minh-hoa-1-.jpg
Đồng chí Lê Minh Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên làm việc. Ảnh: Nghĩa Đức

Tham gia thảo luận, bà Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An đánh giá Luật Công nghiệp công nghệ số là một đạo luật mới, có tính chuyên môn kỹ thuật cao, liên quan sâu rộng đến nhiều luật chuyên ngành khác.

Đại biểu Nguyễn Vân Chi bày tỏ sự đồng tình với một số ý kiến trước đó trong dự thảo luật hiện nay, có nhiều nội dung dẫn chiếu, sửa đổi các luật khác đang được Quốc hội xem xét tại chính kỳ họp này. Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ và khả thi khi thực hiện, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, thống nhất phương án sửa đổi tại từng luật chuyên ngành cụ thể.

bna_le-quang-huy.jpg
Đồng chí Lê Quang Huy - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh: Nghĩa Đức

Góp ý cụ thể vào mối quan hệ giữa dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Vân Chi cho biết: Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã tích cực phối hợp với cơ quan soạn thảo trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Dự thảo lần này đã tiếp thu nhiều nội dung liên quan đến chính sách phát triển khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, đồng thời tiếp cận đồng bộ với dự thảo các đạo luật liên quan như: Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

bna_nguyen-van-chi.jpg
Bà Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, khi đối chiếu với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu nhận thấy vẫn còn những nội dung quy định trực tiếp về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể là các cơ chế ưu đãi cho ngành bán dẫn.

Chẳng hạn, dự thảo đề xuất dự án thiết kế chip bán dẫn đáp ứng tiêu chí về nghiên cứu và phát triển, đào tạo, sử dụng nhân lực người Việt Nam theo quy định được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án trong thời hạn 15 năm đầu kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu.

Hay các khoản chi của doanh nghiệp cho đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm nhà máy, dây chuyền, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất được tính vào khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 150% chi phí thực tế trong 5 năm kể từ ngày dự án đầu tư được phê duyệt. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoản chi này được tính bằng 200% chi phí thực tế.

bna_dai-bieu-quoc-hoi-nghe-an-3(1).jpg
Các vị ĐBQH đoàn Nghệ An trong phiên làm việc chiều 9/5. Ảnh: Nghĩa Đức

Theo đại biểu Nguyễn Vân Chi, các khoản đầu tư như vậy thực chất là đầu tư vào tài sản cố định chứ không phải chi phí nghiên cứu và phát triển thông thường. Trong khi đó, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đang xây dựng theo hướng chỉ cho phép áp dụng mức chi phí được trừ cao hơn mức thực tế đối với chi phí nghiên cứu và phát triển, chứ không áp dụng với tài sản cố định.

Một điểm đáng chú ý là trong cả hai dự thảo luật: Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đều đang đưa ra quy định rằng trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các luật thì “áp dụng theo luật này”. Điều này dẫn tới tình trạng xung đột pháp lý, làm phát sinh nhiều khó khăn trong quá trình thực thi sau này.

bna_quoc-hoi(1).jpg
Quang cảnh phiên làm việc chiều 9/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nghĩa Đức

Chia sẻ với quan điểm của cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp lần này là tổng hợp toàn bộ các ưu đãi thuế từ các luật chuyên ngành về một đầu mối trong các luật về thuế, đại biểu Nguyễn Vân Chi đề nghị những nội dung liên quan đến thuế thì cần đưa về đúng các đạo luật thuế để đảm bảo thống nhất.