Ngôi nhà của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí nằm cuối một con hẻm thuộc phường Đội Cung (thành phố Vinh), khuôn viên có khá nhiều cây trái. Ở độ tuổi 93, vị tướng bước ra từ chiến trận, từng là Phó Tư lệnh Quân khu 4 vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát và minh mẫn. Hàng ngày, ông vẫn dành thời gian chăm sóc vườn rau, tưới nước cho cây ăn quả và thăm hỏi, chuyện trò cùng bà con khối phố.

bna-1-chu-huy-man-anh-cong-kien-4331.jpg

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí kể về kỷ niệm với Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh: Công Kiên

Có khách thăm nhà, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí tỏ ra rất vui và chuyện trò cởi mở, thân mật. Khi được hỏi về những kỷ niệm với Đại tướng Chu Huy Mân, ông nói: “Cuộc đời của anh Chu Huy Mân đồng hành với từng bước đi của Đảng, của đất nước. Bởi từ kiếp đời nô lệ, anh đã được Đảng dẫn đường, trở thành chiến sĩ cách mạng và vị tướng tài ba, rồi lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tôi có may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc với anh từ hồi chiến đấu ở Khu 5, trong cuộc đối đầu với Mỹ - Ngụy và học hỏi ở anh được nhiều điều”.

bna-2-chu-huy-man-anh-tu-lieu-3755--n1.jpg

Tư lệnh Quân khu V Chu Huy Mân (thứ 2, trái sang) gặp gỡ Ban Chỉ huy Sư đoàn 2 trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng (ông Nguyễn Xuân Chí đứng ngoài cùng, bên phải). Ảnh: NVCC

Năm 1966, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí là cán bộ tham mưu Trung đoàn 31, thuộc Sư đoàn 341B cùng đơn vị hành quân vào đường 9 (Quảng Trị) và Nam Lào để thay Sư 324 rút về củng cố lực lượng. Cũng từ đây, ông có mặt khắp chiến trường Khu V, trực tiếp bước vào cuộc đối đầu một mất, một còn với lực lượng quân đội Mỹ - Ngụy. Trong cuộc trường chinh ấy, ông Chí đã nhiều lần được gặp đồng chí Chu Huy Mân – người chỉ huy tài ba trên chiến trường Khu V.

“Anh Chu Huy Mân luôn xác định được vấn đề nòng cốt cho mỗi giai đoạn, mỗi chiến dịch. Là người hoạt động cách mạng từ cơ sở, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động vũ trang, lại từng thử thách, tôi luyện trong chốn lao tù thực dân, đế quốc nên anh luôn được Đảng tin cậy. Theo tôi đó là những yếu tố quan trọng để hình thành nên vị tướng tài ba Chu Huy Mân, vị tướng của chiến trận và chiến công”.

- Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí -

Những năm ở chiến trường , ông Nguyễn Xuân Chí là sĩ quan chỉ huy cấp trung đoàn và sư đoàn, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Quân khu V Chu Huy Mân. Theo Tướng Chí, đồng chí Chu Huy Mân là người có công lớn, đã cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu lãnh đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược, chiến thuật của Mỹ - Ngụy.

bna-2-chu-huy-man-anh-cong-kien-1154.jpg

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí bên những tư liệu về Đại tướng Chu Huy Mân. Ảnh: Công Kiên

Khu V được biết đến là nơi “đi đầu diệt Mỹ” với những chiến công vang dội như trận Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me – Ia Đrăng. Tư lệnh Chu Huy Mân đã tham gia chỉ đạo xây dựng thành công “Vành đai diệt Mỹ”, một hình thức độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân.

Đồng thời, chỉ đạo và thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu Thân (1968), Bắc Bình Định (1972), đặc biệt là Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (1975) với vai trò Chính ủy. Qua đó, thể hiện tài thao lược, sự quyết đoán và nắm chắc tương quan lực lượng của vị tư lệnh chiến trường.

Quá trình tham gia chiến đấu và chỉ huy các đơn vị ở mặt trận, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với Đại tướng Chu Huy Mân. Ông được vị Tư lệnh quý mến, trước tiên bởi tình đồng hương xứ Nghệ (ông chí quê Hà Tĩnh).

Mỗi khi gặp đồng hương Nghệ - Tĩnh và đồng hương Khu IV, vị Tư lệnh chiến trường luôn thân mật, vui vẻ như anh em một nhà. Có lần đồng chí Chu Huy Mân nói với ông Nguyễn Xuân Chí: “Đơn vị nào có chỉ huy và nhiều anh em người Khu IV là mình hết sức yên tâm”.

bna-3-chu-huy-man-anh-tu-lieu-1370.jpg

Phút thảnh thơi hiếm hoi ở chiến trường của Tư lệnh Khu V Chu Huy Mân. Ảnh tư liệu

Hơn nữa, ông Chí là người chỉ huy luôn xông pha trận mạc, gan dạ, dũng cảm, mưu trí và lập được nhiều chiến công vang dội. Điển hình là trận đánh chiếm cao điểm Liệt Kiểm (Đà Nẵng) năm 1972, ông Nguyễn Xuân Chí là Tham mưu trưởng, Trung đoàn phó Trung đoàn 31 trực tiếp chỉ huy, bắt sống viên Trung tá tỉnh phó Quảng Chính và một Thiếu tá ngụy là tiểu đoàn trưởng.

Sau trận này, Tư lệnh Chu Huy Mận xuống và ôm người chỉ huy đơn vị hết sức thắm thiết và nói: “Chú mần được đó!”. Ông Chí đáp lời: “Anh đã giao nhiệm vụ thì em phải chiến đấu hết mình”. Tư lệnh liền lấy nửa nải chuối tặng ông Chí kèm câu nói: “Chuối của mình trồng đó, ngon lắm!”.

bna-4-chu-huy-man-anh-tu-lieu-716.jpg

Thủ trưởng Chu Huy Mân đặc biệt quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ ở chiến trường. Ảnh tư liệu

Còn trận Nông Sơn (Quảng Nam), ông Chí chỉ huy đơn vị triển khai tác chiến, loại khỏi vòng chiến đấu 2 tiểu đoàn (bắt sống gần 600 tên), được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Vị Tư lệnh Quân khu lại xuống chúc mừng, ôm thắm thiết và thưởng cho ông Chí một cây mía và nói: “Mía mình trồng đó, ngọt lắm!”.

Lần khác, sau khi giành thắng lợi trong một trận đánh, đơn vị ông Chí lại được Tư lệnh Quân khu xuống chúc mừng. Đồng chí Chu Huy Mân hỏi: “Chiến thắng rồi, anh em muốn điều gì nhất?”. Ông Chí đáp ngay: “Dạ báo cáo, ai cũng muốn tắm giặt, ăn bữa thật no rồi ngủ một đêm thật say!”. Vị Tư lệnh nói: “Điều này là bình thường đối với người lính, còn với người chỉ huy là gì?”.

bna-6-chu-huy-man-anh-tu-lieu-1464.jpg

Đồng chí Chu Huy Mân cùng các đồng chí Khu ủy Khu V tại chiến trường Khu V. Ảnh tư liệu

Suy nghĩ một lát, ông Chí đáp: “Dạ! Thưa… chuẩn bị cho trận sắp tới ạ!”. “Cụ thể là gì?” – đồng chí Chu Huy Mân hỏi dồn. Ngẫm nghĩ một lúc, ông Chí chợt nhớ ra sau trận đánh chưa họp để rút kinh nghiệm, rồi trả lời: “… Là rút kinh nghiệm thủ trưởng ạ!”. Lúc này vị Tư lệnh như reo lên: “Đúng rồi! Vấn đề quan trọng của người chỉ huy là rút kinh nghiệm sau mỗi trận đánh, để trận đánh tiếp theo tốt hơn”.

Mùa Xuân 1975, Nguyễn Xuân Chí là Tham mưu trưởng Sư đoàn 2, chỉ huy đơn vị tiến đánh giải phóng Tam Kỳ. Khi gặp lại, đồng chí Chu Huy Mân nói: “Chú làm rất được! Nhưng tình thế gấp gáp quá, chưa kịp đưa phần thưởng mô!”. Nói rồi, cả hai cùng hòa chung trong niềm vui chiến thắng…

“Mỗi khi nhớ về những kỷ niệm chiến trường tôi thường nhớ đến Đại tướng Chu Huy Mân, vị Tư lệnh luôn được cấp dưới kính trọng. Sau giải phóng miền Nam, anh ra công tác ở Trung ương, mỗi khi gặp lại anh vẫn gần gũi, thân mật, vui vẻ như hồi ở chiến trường”.

- Thiếu tướng Nguyễn Xuân Chí -

Công Kiên