Từ trăn trở với người nông dân có đất nhưng vẫn nghèo khó quanh năm, chị Tâm ở Nghệ An đã gieo hạt lúa mạch đầu tiên và tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên quê hương của mình.
Đầu năm 2022, chị Đặng Thị Tâm (SN 1983) xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, Nghệ An, chia sẻ về quá trình mày mò, khởi nghiệp và “bén duyên” với cây lúa mạch khi đưa về trồng trên quê hương của mình. Hạt lúa mạch được gieo trồng, chăm sóc bằng phân bón hữu cơ để lấy mầm mạ non.
Sinh kế từ đất giúp người nông dân thoát nghèo
Chị Tâm kể, năm 2015, khi thấy người nông dân ở huyện Diễn Châu gặp khó khăn trong sản xuất, bán hàng nông sản theo kiểu “được mùa mất giá” khiến chị rất trăn trở.
Tình cờ, chị gặp được một số đối tác là người Nhật Bản, Đài Loan bàn về canh tác nông nghiệp không dùng chất bảo quản, không can thiệp thực vật. Đối tác yêu cầu chị Tâm cung cấp bắp cải, cà chua, mầm lúa mạch, cải bó xôi, cải xoăn lên đến 70 container/tháng, nhưng thực lực của chị chỉ đáp ứng từ 5 đến 7 container/tháng.
“Bắt đầu làm cảm giác vừa mừng lại vừa lo. Bản thân mình nhỏ bé lại đứng trước một quốc gia khác khiến mình phải suy nghĩ rất nhiều. Thời điểm đó mình là nông dân, không hiểu về cách xuất khẩu ra nước ngoài như thế nào” - chị Tâm nhớ lại.
Sau một thời gian, đối tác người Nhật lại chỉ cho chị Tâm hãy sản xuất cây có giá trị cao và biến nó thành hàng xuất khẩu. May mắn, chị Tâm được các chuyên gia hỗ trợ phòng nghiên cứu tại Hà Nội và gặp được nhiều đối tác khác.
“Họ về nơi mình trồng lúa mạch, sản xuất và kiểm tra kỹ lưỡng các quy chuẩn. Sau đó họ nói qua phiên dịch 'Tao thích sản phẩm của mày, hãy làm việc với chúng tao'. Tôi thích sự thật thà. Chỉ có thật thà mới đưa ra sản phẩm từ tự nhiên tốt nhất” - chị Tâm kể.
Khi đối tác chấp thuận mua sản phẩm, chị Tâm phải chật vật đi vận động bà con nông dân cùng làm với mình nhưng ít người tin tưởng. Thậm chí, khi đưa cả hợp đồng từ các đối tác ký thu mua sản phẩm từ cây lúa mạch, mọi người vẫn không tin. “Họ còn bảo mình có bị thần kinh, tâm thần không?".
"Nhưng, tôi luôn trăn trở là tại sao người nông dân có đất nhưng vẫn nghèo, vẫn cứ khổ. Từ đó, tôi suy nghĩ nhiều về sinh kế giúp người nông dân làm giàu từ mảnh đất của mình” - chị Tâm chia sẻ.
Khó khăn chưa dừng lại. Trận lụt năm 2016-2017 càn quét khiến chị Tâm trở về tay trắng và chồng chất nợ. Không chịu khuất phục, chị về vay tiền của bố mẹ được hơn 100 triệu đồng và tiếp tục trồng lúa mạch.
Chị Tâm bên ruộng trồng lúa mạch hữu cơ lấy thân làm mì sợi.Sau gần 20 ngày gieo trồng, lúa mì sẽ được thu hoạch. Ảnh: Quốc Huy
Ban đầu, chị Tâm cùng bà con trồng hơn 2.000m2 cây lúa mạch lấy thân. Khi cây lúa mạch mới mọc lên, chị bị Công an xã Diễn Thành mời về trụ sở làm việc vì nghe người dân đồn là “đang trồng cỏ Mỹ”.
Chuyện tưởng như đùa, chị Tâm ngậm ngùi đi lên trụ sở công an giải thích và đưa hình ảnh cây lúa mạch cho cơ quan chức năng cùng xem. Khi đó, mọi người mới biết việc trồng lúa mạch của chị là để lấy thân mạ non sấy khô xuất khẩu.
Đưa sản phẩm mì sợi rau củ vươn ra thế giới
Năm 2018, chuyên gia người Nhật nói với chị Tâm: “Bạn hãy làm một sản phẩm đặc trưng, tốt nhất, hoàn hảo nhất để có sinh kế bền vững”.
“Bản thân mình xuất thân là nông dân nên khi chuyên gia chỉ bảo, hướng dẫn mình là phải gồng lên để học, ghi chép. Quá trình mày mò đi tìm sản phẩm riêng, tôi may gặp được người thầy ở TP. Vinh chỉ cách làm bột mì sợi” - bước ngoặt của chị Tâm bắt đầu từ đây.
Ngay những ngày đầu theo học, chị Tâm đã được thầy “gieo duyên” chỉ bảo. “Học để thành tài, làm đúng bản chất của người làm mì sợi. Vợ chồng chú chỉ ước khi nằm xuống có một bát mì tươi đúng nghĩa, phải là dòng mì cổ xưa. Bột mì muốn ngon phải ủ trộn thật tốt, cách quấy bột, thời gian ủ mì để có hương vị đặc trưng. Làm mì không chỉ có người trưởng thành ăn mà trẻ con cũng phải dùng được” - chị Tâm nhớ lại lời thầy dạy.
Sợi mì lúa mạch được máy cắt và công nhân làm bằng thủ côngCông nhân sản xuất sợi mì lúa mạch ở Nghệ An.Mì được quấn lại khéo léo thành từng vắt và sấy khô. Ảnh: Quốc Huy
Từ lời thầy dạy, chị Tâm thấu hiểu rằng, học nghề làm mì sợi không được phép làm qua loa xong chuyện mà phải làm ở tâm thế đam mê học hỏi. Qua hơn 1 tháng, chị nắm bắt được rất nhiều quy trình làm mì sợi phổ thông. Tuy nhiên, để làm thành công mì sợi có rau củ hữu cơ khép kín thì không đơn giản chút nào.
Năm 2019, chị Tâm đưa sản phẩm vào cuộc thi “Khởi nghiệp” do Sở Khoa học Nghệ An tổ chức. Sau đó, dự án “Trồng và chế biến sản phẩm dĩnh dưỡng từ mầm cây lúa mạch” được đầu tư gần 1 tỷ đồng.
“Dự án được đầu tư là cơ hội cho người nông dân ở quê. Tôi nghĩ là người Nghệ An sẽ làm ra sản phẩm tốt nhất”, chị tự tin nói về sợi mì được làm từ lúa mạch.
Sản phẩm mì lúa mạch hữu cơ không chỉ bán cho người Việt mà còn vươn ra thế giới. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ đồng đất xứ Nghệ đã được chứng nhận bởi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Công đoạn cuối cùng trước khi đưa ra thị trường tiêu dùngQuy trình đóng gói sản xuất mì rau củBát mì sợi làm bằng củ nghệ
Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu (Nghệ An) Phan Xuân Vinh đánh giá, việc chị Tâm cùng nông dân trồng lúa mạch và nhiều cây rau củ hữu cơ khác thành công là tín hiệu vui về những người trẻ khởi nghiệp, rất năng động và sáng tạo.
"Chúng tôi luôn khuyến khích người nông dân làm ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng. Sản phẩm mì rau củ hữu cơ đã có mặt trên thị trường và được nhiều người ghi nhận" - ông nói.
Chị Tâm vui mừng cho hay, mì lúa mạch cùng một số loại mì rau củ khác đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm, bắt đầu đưa vào sản xuất mấy tháng gần đây. Đến nay, sản phẩm đã có mặt ở 50 tỉnh, thành trên cả nước. Nếu đàm phán với thị trường EU sắp tới thành công, sản phẩm mì rau củ sẽ xuất khẩu trực tiếp sang EU.
Quốc Huy