Ảnh minh hoạ (nguồn: internet)
Những năm 50 của thế kỷ trước, sau những trận chiến đấu ác liệt ngoài mặt trận, đã có nhiều thương binh được rút về vùng hậu cứ này để an dưỡng. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, mẹ Đậu Thị Thiết – là đảng viên, ở xóm Tài Lam đã tự nguyện xung phong đón thương binh về nuôi dưỡng. Anh thương binh Trần Văn Tuy, quê ở Quảng Vân, Quảng Trạch – nay là thị xã Ba Đồn, Quảng Bình được đơn vị phân về ở nhà mẹ Thiết.
Nhà cửa chật chội, của nả nghèo nàn nhưng lòng người rộng mở. Nhìn vết thương và sức khỏe của anh Tuy, mẹ Thiết rất thương, hết lòng chăm sóc anh như đứa con của mình. Bà thường giành những bát cơm nóng, củ khoai, củ sắn, bát canh cho anh ăn để mau lại sức. Những cử chỉ ân cần của bà làm anh thương binh rất cảm động và sức khỏe anh được hồi phục nhanh chóng. Sống trong gia đình mẹ Thiết, anh Tuy đã cảm thấy ấm lòng với “tình cá nước”, coi như nhà mình vậy. Vốn con nhà nông, anh rất siêng năng, mỗi khi rảnh rỗi, anh giúp mẹ bửa củi, quét dọn, sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ.
Mẹ Thiết có cô con gái là Trần Thị Năm, thanh niên mới lớn, khỏe mạnh, thùy mị, nết na, ngày ngày chăm lo công việc ruộng đồng. Từ ngày có “chú thương binh” rất hiền, lại siêng năng, việc gì cũng làm được, hay giúp mẹ con cô các công việc, cô thấy càng cảm mến,... không khí gia đình ấm cúng hẳn lên.
Ảnh minh hoạ (nguồn: internet)
Ngày ấy, làng Thanh Tài nghèo lắm, đất chật người đông, bãi bồi sông Lam không thể nuôi nổi họ quanh năm. Không có nghề phụ, cứ độ giáp hạt người dân lại rủ nhau đi làm thuê khắp nơi. Thấy gia đình mẹ Thiết cũng chỉ nhìn vào thu nhập từ ruộng vườn, chẳng được bao nhiêu mà thời gian rảnh rỗi lại không có việc gì làm ra tiền, anh xin phép đơn vị về thăm nhà mấy hôm. Khi trở lại với Thanh Tài, Trần Văn Tuy mang theo một khuôn nón Ba Đồn cùng với bó nguyên liệu làm nón. Những ngày thong thả, đêm đêm, dưới ánh trăng thanh, anh Tuy hướng dẫn tỷ mỷ cho chị Năm cách là lá, lợp vỏ măng, chằm nón, tiến nón,... Nhờ khéo tay, hay làm, chịu khó, chị Năm tiếp thu khá nhanh, tự mình kiếm vỏ măng, mua lá, sợi móc,... và tự may ra những chiếc nón xinh xắn.
Khi những chiếc nón “phiên bản” Ba Đồn từ gia đình mẹ Thiết, chị Năm đưa bán ở chợ Dùng cũng là khi tình yêu của anh thương binh Quảng Bình từng xông pha trận mạc với người con gái Thanh Tài chín muồi, nảy nở.
Hồi phục sức khỏe, anh Tuy lại bịn rịn chia tay “quê hương thứ hai” lên đường đánh giặc. Cô gái Tài Lam ngày đêm trông ngóng, lại đưa khuôn ra làm nón. Nhờ tay nghề ngày càng thành thạo, cô đã tự lồng những hình ảnh, câu thơ, tên hai đứa vào trong nón lá cho vơi nỗi nhớ nhung. Nón cô Năm làm ra ngày càng nhiều, làm đến đâu bán hết đến đó. Không những thế, cô Năm vui vẻ truyền nghề làm nón cho dân làng. Từ một cái khuôn nón Ba Đồn ban đầu, chỉ sau một thời gian ngắn, cả làng Thanh Tài đã có hơn 200 hộ làm nón.
Những lúc nông nhàn, dưới ánh đèn dầu và cả dưới ánh trăng thanh, đàn ông làm khuôn, vót vành, dỡ nón, đàn bà là lá, xếp lá, chằm nón,... Nhiều mối tình làng nón được đơm hoa kết trái từ những đêm anh vót vành, chị chằm lá đó. Nghề nón không chỉ mang lại thêm thu nhập gia đình mà còn rèn cho con người sự cần mẫn, sự chắt lót, kiên trì. Nón ra chợ, nón mang gạo, mang quần áo về, nón lên xe lên tàu ra Bắc vào Nam làm quà tặng,... Nón Thanh Tài từ làng ra chợ, nón được bán trong Bách hóa Dùng, đi triển lãm các hội chợ cùng các sản phẩm khác của quê như lưỡi cày, liềm hái, dè cót,... một thời. Làng Thanh Tài chống lại sự đói nghèo, mở mang sự học nhờ nghề phụ làm nón.
Ảnh minh hoạ (nguồn: internet)
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh thương binh - đảng viên Trần Văn Tuy rất vui vì Thanh Tài đã thành làng nghề nón như Ba Đồn quê anh, anh tự nguyện sống, gắn bó với quê vợ. Năm 1963, theo chủ trương khai hoang, phát triển vùng kinh tế mới của huyện, anh làm Tổ trưởng tổ nông trang, cùng gia đình và nhiều hộ bà con sang xã Thanh Thịnh – hữu ngạn sông Lam để khai hoang, định cư, phát triển vùng đất tiềm năng này. Chiếc khuôn nón Ba Đồn vẫn đi theo gia đình. Đất rộng, việc nhiều, thu nhập từ nghề nón không cao, nhưng mỗi khi rảnh rỗi, chị Năm và các cháu lại cặm cụi với những chiếc nón lá như một sự tri ân một nghề phụ khởi nguồn từ Ba Đồn, từ cố hương đã giúp gia đình, làng xóm vượt qua cảnh gieo neo.
Ông Tuy đã mất năm 1997, bà Năm mất năm 2017. Làng Thanh Tài vẫn duy trì nghề nón, những chiếc nón ngày càng được cải tiến và tạo nên nét đẹp độc đáo nhờ bàn tay khéo léo của những "nghệ nhân" làng. Mỗi phiên chợ Dùng, các bà, các chị vẫn quảy những gành nón trắng ra chợ. Làng Thanh Tài (Đồng Văn) cũng đã được công nhận là làng nghề truyền thống./.