Tam Hợp là xã biên giới thuộc huyện rẻo cao Tương Dương. Diện tích tự nhiên 22.683,85 ha, trong đó với lưu vực khe, suối tương đối lớn vào khoảng 87,15 ha, điều này đã mang lại cho xã biên giới này một nguồn lợi thủy sản dồi dào. Sản lượng đánh bắt nuôi trồng hàng năm đạt 6,5 tấn. Tuy nhiên từ năm 2018 trở về trước nguồn thuỷ sản trên địa bàn xã Tam Hợp bị khai thác bừa bãi làm cho sản lượng cá ở các khe suối bị giảm sút dẫn đến tình trạng báo động nghiêm trọng. Trong đó phải kể đến là cá mát đây là loại cá được xem là đặc sản và có giá trị kinh tế rất cao, nên bị đánh bắt thường xuyên trong một thời gian dài mà hầu hết bằng những biện pháp khai thác triệt để như lưới mắt nhỏ, chài, kích điện… đã làm cho nguồn lợi cá mát tự nhiên suy giảm đáng kể.

1.jpg
Người dân bản Xốp Nặm bắt cá gây quỹ

Ngoài ra, sự thay đổi sinh thái do các hồ thủy điện cũng làm cho phân bố của loài cá mát ngày càng bị thu hẹp, nguồn thức ăn suy giảm, nơi ở và sinh sản bị xáo trộn dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Nhận thấy việc bảo vệ và phát triển nguồn thuỷ sản đặc biệt là đối với loài cá mát, loài cá được cho là đặc sản của địa phương trở thành vấn đề cấp bách. Cách đây khoảng hơn 3 năm, vào tháng 12/2018, HĐND xã Tam Hợp đã thông qua đề án bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Nghiêm cấm trong hoạt động khai thác thủy sản bằng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương tiện có tính hủy diệt khác. Người ngoài địa phương vào đánh bắt cá trong xã Tam Hợp sẽ bị trục xuất ra khỏi địa bàn. Xã còn tiến hành thành lập khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo từng khúc suối cụ thể. Tại các khu vực này đều được cắm biển báo cấm đánh bắt cá cho người dân. Nếu người dân nào không chấp hành sẽ tiến hành thu dụng cụ đánh bắt và xử phạt hành chính. Ngoài việc thường xuyên cắt cử lực lượng đi tuần tra, xã Tam Hợp còn lắp đặt hệ thống camera để thuận tiện trong việc phát hiện người dân vào đánh bắt cá tại khu vực cấm.

2.jpg
Các dụng cụ được phép dùng để bắt cá là chài và lưới

Ngay sau khi UBND xã Tam Hợp ban hành quy chế “Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn xã Tam Hợp” Chi bộ, BQL bản Xốp Nặm đã tổ chức họp dân để tuyên tuyền. Mới đầu việc tuyên truyền cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi nguồn thủy sản từ khe suối là nguồn sống chính của người dân trong bản vì vậy công tác tuyên truyền mất nhiều thời gian để người dân hiểu, đồng tình và thực hiện. Công tác tuyên truyền được Chi bộ, BQL bản Xốp Nặm lồng ghép trong cuộc họp xã viên, điều quan trọng là làm sao để người dân hiểu lợi ích của việc triển khai thực hiện mô hình, việc cần thiết đó chính là tạo ra một vùng nhất định để các loại cá có nơi sinh sản và phát triển.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, với sự thống nhất quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, Chi bộ, BQL bản Xốp Nặm chủ trương bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được 100% các hộ dân đồng tình ủng hộ và tự nguyện ký bản cam kết không đánh bắt thủy sản trong khu vực cấm. Kết quả bước đầu đã làm hồi sinh các loại cá như cá mát, cá lấu… phát triển rất nhanh với số lượng lớn, mỗi mét vuông mặt nước ước khoảng trên 20 con.

3.jpg
Cá mát là loại cá rất thơm ngon, hiện mỗi kg cá mát được bán với giá từ 300 – 350km.

Vừa qua xã biên giới Tam Hợp, huyện rẻo cao Tương Dương đã tổ chức cho người dân bản Xốp Nặm và Văng Môn bắt cá trên khu vực suối do 2 bản bảo vệ để gây quỹ hoạt động cho bản. Theo đó, người dân 2 bản được sử dụng lưới, chài để đánh bắt cá trên khu vực do mình quản lý và bảo vệ. Chỉ sau hơn 1 giờ đồng số cá bắt được của mỗi bản là trên 1 tạ. Tất cả số cá được tập trung và chia cho mỗi hộ gia đình một ít, số còn lại sẽ được bán để gây quỹ cho 2 bản. Hoạt động này được người dân trong bản đồng tình rất cao. Từ cách làm này người dân trong bản đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ cũng như không đước đánh bắt trái phép ở những khu vực cấm bắt.

Cách làm của xã Tam Hợp không chỉ bảo tồn và phát triển nguồn cá được xem là đặc sản này, mà còn có nguồn để gây quỹ hoạt động cho bản. Bên cạnh đó, còn góp phần phát triển du lịch sinh thái nơi xã biên giới này.

Đình Tuân