"Ai đi vô nơi đây, xin dừng chân xứ Nghệ

Ai đi ra nơi đây, xin chân dừng xứ Nghệ

Nghe câu hò ví dặm, càng lắng lại càng sâu

Như sông Lam chảy chậm, đọng bao thuở vui sầu

Ai ơi cà xứ Nghệ, càng mặn lại càng giòn

Nước chè xanh xứ Nghệ, càng chát lại càng ngon"

(Trích đoạn trong lời bài hát "Ai vô xứ Nghệ" của nhạc sỹ Phạm Tuyên, phỏng thơ Huy Cận)

Nước chè xanh xứ Nghệ đã đi vào thơ nhạc, trở thành biểu trưng của non nước, làng quê, con người xứ Nghệ. Quả là vậy, chè xanh của quê tôi là thứ nước uống bao đời đã thành nét văn hoá đậm chất tình làng nghĩa xóm. Mọi người có thể uống khi no, uống khi đói, uống khi nước chè vàng sóng sánh, uống khi nước đỏ quạch mà vẫn thèm thuồng loại nước uống đẫm tình quê.

che-xanh-xu-nghe.jpg
Bát nước chè xanh nhưng màu nước chín lại pha sắc vàng chanh, vàng như nắng Nghệ mùa hè

Quê tôi, rừng núi nhấp nhô, ruộng lúa ít hơn những đồi chè bạt ngàn. Đồi chè kéo từ Thanh Chương, Đô Lương, lên Anh Sơn, Con Cuông và chưa kể giống chè Shan Tuyết trên miền băng giá Kỳ Sơn. Ở quê, gần như nhà nào cũng có hàng chè để làm thức uống hàng ngày, dù là miền trung du hay miền đồng bằng. Chè xanh đất thịt, lá nhỏ dày và dòn chè hơn, nước nấu đậm đà, vị chè thơm hơn. Còn chè vùng đồng bằng, lá to bản, mỏng dẹt hơn nước cũng nhạt hơn thứ chè trồng ở trung du, miền núi một chút nhưng lại tiện lợi, an toàn cho từng nhà vì chẳng bao giờ phun thuốc.

Nhớ cô em tôi, ngày còn xuôi ngược theo những chuyến tàu khách Bắc Nam đông đúc lúc thuở hoàng kim đường sắt, về đến ga Vinh là phải làm bát nước chè dạo của những đứa trẻ bán nước cho hành khách ngược xuôi qua Vinh. Lúc nào em tôi cũng bảo cậu mự tôi gửi cho một ôm chè từ Thanh Chương để ra Hà Nội, tự sướng món non xanh nước biếc chát ngọt vào những ngày nghỉ cho bõ thèm đặc sản.

Nhớ sếp tôi khăn gói quả mướp vào Nam làm quan ấy vậy mà người nhà cứ gửi xe Bắc - Nam, tầm 4-5 h sáng lại lọ mọ tháng đôi lần đón xe lấy chè, về cuộn chặt để dành mỗi ngày om một ấm, để trước sau giờ làm cùng đồng hương uống nỗi nhớ quê hương.

Nhớ ông anh xa quê ở bển, tính số năm bôn ba xứ người cũng xấp xỉ bằng tuổi có mặt trên cõi đời của tôi nhưng chưa khi nào quên vị chè xanh xứ Nghệ cũng như giọng nói sang sảng luôn cà khịa cả tây lẫn ta bằng thổ ngữ quen thuộc "tau đập theo tổ bây giừ".

37cdc7490e89c1d79898.jpg
Chè xanh là thứ nước uống bao đời đã thành nét văn hoá đậm chất tình làng nghĩa xóm. Ảnh: BNA

Bát chè xanh sau nắm xôi sáng vừa chắc dạ lại vừa yên lòng tâm lý ăn chắc mặc bền của người lao động từ chân tay đến trí thức, no đến trưa, đến chiều lại không bị cồn cào cái bụng vì cái sắc sảo của nước chè xanh mang lại.

Chè ngon phải thưởng thức bằng bát, thứ bát Hải Dương men màu trắng sữa, miệng bát viền thứ hoa văn đỏ không nét, đựng loại nước chè màu vàng nhạt để sáng sớm râm ran lời mời qua nhà nhau uống nước. Bình dân thì củ sắn củ khoai với ấm nước chè nấu trực tiếp trên bếp củi hoặc om trong những ấm tích bé tẹo dành cho nhà ít người. Hôm nào có đại tiệc thì miếng cu đơ kèm với bát chè xanh câu chuyện còn rôm rả gấp mấy lần.

Bát nước chè xanh nhưng màu nước chín lại pha sắc vàng chanh, vàng như nắng Nghệ mùa hè gió phơn rạc cả người, vàng như cây rơm đầu ngõ óng ả bao nhiêu là dự định sau khi bỏ lúa vào sập, vàng như nỗi nhớ quê nghi ngút vị chè chát trước ngọt sau ấm lòng nhân nghĩa dẫu là quen hay lạ. Nói đến chè xanh nức tiếng, phải kể đến chè gay mạn Anh Sơn. Chẳng hiểu vì chất đất hay do bàn tay con người nên ai đi qua dốc Cao Sơn trên con đường quốc lộ 7 ngoằn ngoèo cũng phải dừng chân mua dăm bảy bó chè về làm quà dưới xuôi. Còn chè ở mạn Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, sẵn đá trắng đúc thành cối người ta chế ra món chè đâm, uống một lần cũng chả bao giờ quên được. Mùi chè sông sống ngai ngái, nước xanh ngắt như lá chè, vị chát vừa phải nhưng lại làm người ta nghiện y như nghiện cô gái Thái trắng miền sơn cước Phủ Quỳ làm chè đâm từ nước suối chảy ra từ các "nậm" trong vắt ngọt lành, để người thưởng thức luôn say tình say nghĩa vùng đất trù phú thiên nhiên ban tặng cho con người bao sản vật giá trị nơi đây.

untitled-2.png
Nước chè xanh xứ Nghệ đã đi vào thơ nhạc, trở thành biểu trưng của non nước, làng quê, con người xứ Nghệ.

Chè đồi thường là để người ta hái lấy ngọn để sao lên làm chè trà, chè đen. Còn chè xanh phục vụ cho đồng bào ngồi quây quần buổi sáng sớm, khi nông nhàn, hay lúc hậu tửu phải là thứ chè cả cành (cồi chè). Nấu cả cồi thì nước chát lâu, màu lại đẹp đậm đà, còn chè om cũng phải tuỳ tay, y như muối dưa cà, người om chè xanh chín vừa để nước sau còn ngon, lại phảng phất mùi thơm của nắng giãi mưa dầm trong bát nước đậm đà hương quê. Thuở nhỏ làm chè để nấu là nỗi kinh hoàng vì sợ những con nải chè màu xanh nằm sau mặt lá. Nó mà chạm đến tay thì vừa đau vừa ngứa, vôi bôi mấy cũng phải xuýt xoa cảm giác khó chịu rờn rợn đến bây giờ. Ấy vậy mà hôm nào cũng phải làm, phải rửa thật sạch rồi nấu bằng nước giếng thùng trong vắt để được coi là một tay làm chè. Giờ đây chè đã được làm sạch ở chợ, lại được om chè bằng thứ nước máy, mặc dù kinh nghiệm có thừa, cũng chả thấy ngon bằng được như xưa. Nước chè giờ người ta uống trong cốc thuỷ tinh cho dễ rửa, nó nhạt mùi nước, mùi quê hay mùi chè so với ngày xưa, chỉ còn ẩn hiện khi thật tĩnh tâm và thật lòng chiêm nghiệm nước non ngàn năm những lần cạn bát vào dạ. Nhớ những ấm chè cuộn kín trong cái giành tích được xách ra đồng, đến trưa vẫn nóng, thơm phức, râm ran câu chuyện cày bừa gặt hái lúc nghỉ ngơi. Xin đừng gọi chè xanh quê tôi như thứ "lục biểu trà" sang trọng. Thứ chè xanh là tuổi thơ, là những trận say nước chè cồn cào bụng dạ, là tình làng nghĩa xóm, là chuyện xưa chuyện nay của bao người sinh ra từ phố hay làng mà hết thảy đều nghiện loại thức uống bình dị, chát đậm thơm nồng mùi Nghệ đặc trưng. Chiều nay mưa nặng hạt, nghe tiếng người rao chè xanh để bán hết còn về. Nước mưa rơi trĩu hồn chè xanh thoang thoảng quê nhà.

Thu Thủy