
Phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, các đại biểu đều thống nhất, đồng thuận cao với các nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025, cần sửa đổi, bổ sung Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng quy định mô hình địa phương 2 cấp....

Theo DBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An), Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi, bổ sung và được xây dựng rất kỹ lưỡng, cho đến thời điểm này có rất nhiều điều khoản vẫn còn giá trị. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung lần này chỉ nên tập trung vào những điểm thực sự cần thiết để thực hiện mục tiêu sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Tại khoản 1, Điều 1 dự thảo Nghị quyết sửa đổi Điều 9 Hiến pháp năm 2013 quy định về địa vị chính trị, pháp lý của các tổ chức chính trị xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo đại biểu nên giữ nguyên nội dung hiện hành vì đã thể hiện, cô đọng đầy đủ vị trí, chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam việc này cũng không ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức của Mặt trận Tổ quốc khi tiến hành sắp xếp trong thời gian sắp tới.
Liên quan đến quy định tại Điều 10, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động; là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn. Đại biểu đề nghị làm rõ thêm nội dung "là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế với công đoàn". Bởi công đoàn gồm nhiều cấp nhưng chỉ nhắc đế là đại diện cho người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động.

Đánh giá cao dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ĐBQH Nguyễn Thị Yến ( Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng, Quốc hội xem xét sửa đổi 8/120 Điều của Hiến pháp trong thời điểm hiện nay là phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ hơn về "thuật ngữ" này.
Ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, thực hiện theo Quy định số 138-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan và Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW ngày 23/4/2025 về việc thành lập tổ chức đảng tương ứng các đơn vị hành chính ở địa phương và sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã. Trên cơ sở đề xuất của Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương về sắp xếp, tinh gọn tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ Việt Nam), các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ… Do đó để tạo sự thống nhất, nhất quán, đại biểu đề nghị nên sửa đổi các luật có liên quan như: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Công đoàn, Pháp lệnh Người cao tuổi… Đồng thời, các tổ chức chính trị xã hội sửa điều lệ của mình.

Đồng tình cao với các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tuy nhiên, ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) băn khoăn, tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Tuy nhiên với nội dung về mô hình chính quyền các cấp trong và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nêu rõ “Đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành 2 cấp”. Nhưng trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lại không nêu rõ nội dung này. Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm nội dung này.

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) kiến nghị xem xét quy định tại K3, điều 2: “Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân giữ các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp”. Theo đại biểu, khi chỉ định lãnh đạo HĐND không phải là đại biểu HĐND có thể dẫn đến bất cập trong thực tiễn, bởi người được chỉ định không phải là đại biểu HĐND thì khi tham gia kỳ họp sẽ không có quyền biểu quyết, không thực hiện quyền đại biểu…
Xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời
Tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức. Thảo luận tại Tổ 4, các đại biểu cho rằng, các quy định của dự thảo luật đã bám sát chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện liên thông trong công tác cán bộ, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; đồng thời khắc phục bất cập, hạn chế, vướng mắc trong triển khai thi hành luật thời gian qua.
Các đại biểu cho rằng, các quy định này một mặt đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức quản lý, sử dụng cán bộ, công chức theo tinh thần Kết luận số 121-KL/TW ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Mặt khác, góp phần bảo đảm tính ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức trong điều kiện thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị.

ĐBQH Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) nhấn mạnh, các quy định này sẽ xóa bỏ được tư duy biên chế suốt đời - một tư duy điểm nghẽn, làm chậm quá trình phát triển và làm cho cán bộ công chức không có trí tiến thủ, không tự đào tạo nâng cao năng lực của mình…
Còn ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, trong dự thảo luận chưa có những quy định cụ thể, có tính đột phá để giải quyết vấn đề về tình giản biên chế hay chủ trương xóa bỏ biên chế suốt đời. Ngoài ra, dự thảo luật cũng nên có những phương án để có cơ sở pháp lý thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm: “không để cơ quan nhà nước là vùng trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém”.
Góp ý về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ tại Điều 5, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu), cần thống nhất khung tiêu chí đối với người có tài năng để các địa phương, các ngành có thể thu hút, tuyển dụng người làm việc theo đúng quy định; tránh trường hợp mỗi nơi đưa ra một khung tiêu chí khác nhau, thu hút khác nhau, chế độ khác nhau.

ĐBQH Thái Văn Thành (Nghệ An) đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về các trường hợp UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã (khoản 4 Điều 11).