
Cần làm rõ hơn về cơ chế vận hành quỹ
Các ĐBQH tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nhà ở xã hội; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, có cơ chế ưu đãi hơn, giảm bớt các trình tự, thủ tục để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Góp ý cụ thể tại Điều 4 về Quỹ nhà ở quốc gia, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn về cơ chế vận hành quỹ và nguyên tắc phân bổ vốn giữa Trung ương và địa phương. Đồng thời, làm rõ phương thức giám sát độc lập và trách nhiệm giải trình tài chính của các cơ quan điều hành quỹ.

Theo đại biểu, việc hình thành Quỹ nhà ở quốc gia là một bước rất quan trọng. Tuy nhiên, cần bảo đảm minh bạch, không chồng chéo chức năng với các quỹ tài chính hiện hành như quỹ phát triển đất hoặc quỹ phát triển nhà ở địa phương. Đồng thời, có cơ chế kiểm toán độc lập thường xuyên nhằm ngăn ngừa thất thoát và tiêu cực.
Tại Điều 8 về xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị cần quy định rõ về thời gian quyết toán, nghĩa vụ công khai giá và quy trình hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Đặc biệt, cần có cơ chế điều chỉnh giá linh hoạt nhưng kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh tình trạng “đội giá” hoặc “găm hàng” chờ tăng giá. Đồng thời, cần có chế tài khi chủ đầu tư không hoàn trả phần chênh lệch nếu giá bán thực tế thấp hơn giá phê duyệt.
Tại Điều 10 về thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đại biểu, cần bổ sung quy định chi tiết về hợp đồng thuê giữa doanh nghiệp và chủ đầu tư, cũng như có cơ chế giám sát việc sử dụng đúng mục đích nhà ở xã hội được thuê. Trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại hoặc sử dụng sai mục đích cần có chế tài xử phạt cụ thể và nghiêm khắc. Đặc biệt đối với các đơn vị hành chính nhà nước cần quy định cơ chế phân bổ nguồn ngân sách cho thuê nhà rõ ràng, gắn với dự toán được phê duyệt, bảo đảm tính minh bạch và hợp lý.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội tại Điều 11, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về cơ chế hoàn trả, khấu trừ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư. Đồng thời, cần có cơ chế là giám sát độc lập, tránh tình trạng đội vốn, thổi giá trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Cần "cởi trói" đất sử dụng cho nhà ở xã hội
Góp về dự thảo nghị quyết này, ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) cho rằng, quan trọng nhất của dự thảo nghị quyết này đó chính là việc "cởi trói" được vấn đề đất quy hoạch và đất sử dụng cho nhà ở xã hội. Về vấn đề quỹ đất, nên giao trách nhiệm cho tỉnh. Nếu lập đề án không sát, xây mà không có người mua, hoặc xây thiếu so với nhu cầu thì tỉnh phải chịu trách nhiệm. Về vị trí đất cũng phải tính toán, bố trí nhà ở xã hội phải gắn với điều kiện làm việc, kế sinh nhai của người dân.

Cũng theo đại biểu, hiện nay rất nhiều người băn khoăn về tiêu chuẩn nhà ở xã hội. Do đó, đại biểu cho rằng, nhà ở xã hội cần đưa ra tiêu chuẩn không quá cao so với thu nhập của người dân. Đồng thời, cần được quy hoạch đồng bộ với trường học, chợ, giao thông... để tiết kiệm chi phí cho người dân. Theo đại biểu, có thể có thiết kế mẫu xây dựng nhà ở xã hội sẽ giảm được chi phí thiết kế.

Liên quan đến các quy định tại Điều 6, ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, cần quan tâm cơ chế kiểm tra, hậu kiểm hết sức chặt chẽ. Đồng thời, nâng cao chất lượng quy hoạch phân khu, quy hoạch chung và hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật, về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội thực hiện một cách hiệu quả và tránh rủi ro.
Tại Điều 7 liên quan đến các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị Chính phủ và các địa phương cần có cơ chế kiểm tra giám sát và kiểm định chất lượng công trình sau khi hoàn thành dự án.
Về điều kiện nhà ở xã hội, đại biểu cho rằng cần quy định linh hoạt hơn về khoảng cách nhà ở đến nơi làm việc và điều kiện hoàn cảnh. Đồng thời, cần xây dựng một cái hệ thống dữ liệu nhà ở quốc gia chính xác liên thông ở địa phương để quản lý hồ sơ nhà ở xã hội tốt hơn.