1-1-.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: An Nhiên

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, đại biểu Nguyễn Thị Yến khẳng định đây là chính sách đúng thời điểm, góp phần thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm và bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho thế hệ tương lai. Đặc biệt là với học sinh vùng sâu, vùng xa, trường tư thục còn gặp nhiều khó khăn.

3(3).jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

“Nghị quyết không chỉ giúp giảm gánh nặng cho người dân mà còn củng cố niềm tin của Nhân dân và Đảng và Nhà nước ta", đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.

Góp ý cụ thể vào dự thảo Nghị quyết, liên quan đến Điều 3 - Kinh phí thực hiện, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Cơ quan soạn thảo cần bổ sung hướng dẫn cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù mà HĐND cấp tỉnh đã ban hành trước đó. Nhằm tránh tình trạng chồng chéo, lúng túng trong bố trí ngân sách địa phương khi chuyển sang áp dụng Nghị quyết mới

Tại Điều 4 - Về Tổ chức thực hiện, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xây dựng văn bản hướng dẫn cần quy định rõ phương thức hỗ trợ cho người học tại các cơ sở dân lập, tư thục để bảo đảm chi trả đúng đối tượng, minh bạch. Tránh tình trạng chính sách ưu việt bị lợi dụng, hoặc không đến đúng người học cần hỗ trợ.

Bày tỏ sự vui mừng và tán thành cao với dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Thái Thị An Chung ( Nghệ An) khẳng định: Đây là nội dung được cử tri và Nhân dân rất quan tâm, phấn khởi và mong chờ, ủng hộ nghị quyết sớm được thực hiện.

5-1-.jpg
ĐBQH Thái Thị An Chung ( Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Góp ý cụ thể vào nội dung dự thảo Nghị quyết, theo đại biểu, tại Điều 1 của dự thảo quy định rất rõ việc miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, theo đại biểu, một trong những khó khăn để thực hiện quy định trên là hiện nay chưa có một khái niệm chung về cơ sở giáo dục. Luật Giáo dục hiện hành chỉ có các quy định điều chỉnh về các cơ sở giáo dục theo từng cấp độ, ví dụ, về cơ sở giáo dục mầm non được quy định tại Điều 25, cơ sở giáo dục phổ thông được quy định tại Điều 30; cơ sở giáo dục đại học quy định tại Điều 42, cơ sở giáo dục thường xuyên quy định tại Điều 46 và các cơ sở giáo dục khác thì được quy định tại Điều 69... Do đó, đại biểu cho rằng cần có một khái niệm chung về cơ sở giáo dục này vào dự thảo nghị quyết.

Mặt khác, tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo nghị quyết này có quy định, áp dụng đối với các trẻ mầm non, học sinh phổ thông, người học là công dân Việt Nam tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông.

2(5).jpg
Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng điều hành phiên thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: An Nhiên

Theo đại biểu, đối chiếu các quy định ở về cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông tại Điều 69 của Luật Giáo dục, thì các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân thì sẽ là bao gồm nhóm trẻ, nhà trẻ, có nghĩa là bao gồm cả giáo dục mầm non và bao gồm kể cả các lớp đặc thù, đặc biệt như lớp xóa mù chữ, các lớp dành cho trẻ em khuyết tật, các trẻ em khó khăn…

Trong khi đó, dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi điều chỉnh lại chỉ giới hạn đó là các các cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình phổ thông.

“Nếu như quy định như thế này, sẽ điểm không thống nhất với quy định của Luật Giáo dục hiện nay, cũng không rõ đối với các nhóm trẻ, nhà trẻ, với các lớp độc lập, gồm các lớp mẫu giáo, các lớp xóa mù chữ có thuộc đối tượng học sinh ở những lớp này không và có thuộc đối tượng sẽ được miễn học phí hoặc là hỗ trợ chi phí học tập hay không? ”, đại biểu Thái Thị An Chung đặt vấn đề. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn nội hàm của phạm vi điều chỉnh và áp dụng được quy định tại Điều 1 và Điều 2.
Liên quan đến vấn đề kinh phí hỗ trợ, kinh phí thực hiện, đại biểu đề nghị ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Chính phủ cần sớm bố trí ngân sách để triển khai thực hiện chính sách nhanh chóng, kịp thời.

Về phương thức phương thức chi trả, đại biểu đồng tình với đề xuất của Ủy ban Văn hóa và Xã hội là nên chi trả trực tiếp cho người học.

7(1).jpg
ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Đồng quan điểm với các đại biểu nêu trên, khẳng định dự thảo nghị quyết đã thể hiện tính ưu việt và nhân văn của chế độ ta đối với sự nghiệp giáo dục và thế hệ tương lai. Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) cho rằng, về miễn học sẽ ít người bàn đến vì mức miễn như thế nào đã có quy định rất rõ về đối đối tượng. Xoay quanh câu chuyện hỗ trợ học phí sẽ có rất nhiều người quan tâm.

Theo đại biểu, hiện nay ngoài hệ thống giáo dục công lập, hiện nay chúng ta còn có hệ thống giáo dục ngoài công lập. Thống giáo dục ngoài công lập này sẽ có các mục tiêu đào tạo khác nhau do thu hút các đối tượng học sinh khác nhau, có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Đại biểu cần nghiên cứu kỹ lưỡng về việc áp dụng miễn và hỗ trợ học phí cho hệ thống giáo dục này. Theo đại biểu, để tạo sự công bằng nên áp dụng bằng với mức quy định của hệ thống giáo dục công lập.