ĐBQH THÁI THỊ AN CHUNG (Nghệ An):
Làm rõ quy định về giá và điều kiện thụ hưởng

Về xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội quy định tại khoản 3 Điều 8: sau khi nghiệm thu, hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng, Chủ đầu tư kiểm toán, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng theo quy định, gửi cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh để “kiểm tra” giá bán, giá thuê, mua nhà ở xã hội... Tôi kiến nghị sửa cụm từ “kiểm tra” thành “thẩm định”, bởi sau khi công trình được đưa vào sử dụng, giá bán, giá thuê, mua cần được cơ quan có thẩm quyền thẩm định để bảo đảm tính pháp lý chặt chẽ, minh bạch và phù hợp với thực tiễn triển khai.

z6644241943197_292c6791bcb20e9fb133cf4e027da369.jpg
ĐBQH Thái Thị An Chung phát biểu. Ảnh: H.Phong

Liên quan đến quy định chuyển tiếp tại khoản 1 Điều 11, tôi đề nghị bổ sung quy định đối với các dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã lựa chọn nhà đầu tư trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực và hiện đang triển khai. Nếu chủ đầu tư các dự án này tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo phương án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì cần được Nhà nước hoàn trả hoặc khấu trừ theo quy định, tương tự như cơ chế đang được dự thảo áp dụng với các dự án mới.

Về điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, tôi cho rằng một số khái niệm trong dự thảo như “cách xa” hay “gần địa điểm làm việc” còn chung chung. Tôi đề nghị cần quy định rõ khoảng cách hoặc giao Chính phủ, bộ ngành liên quan hướng dẫn chi tiết để thống nhất cách hiểu trong thực tiễn.

Ngoài ra, dự thảo đang liệt kê các điều kiện: “chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội”, “chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở”, “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình”... Cần làm rõ đây là các điều kiện “và” hay “hoặc”, tránh cách hiểu mâu thuẫn, gây lúng túng khi triển khai chính sách.

ĐBQH LÊ THANH HOÀN (Thanh Hóa):
Quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư phải song hành

Tại Điều 8 của dự thảo hiện đang bổ sung quy định mới liên quan đến vấn đề giao cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội xác định đơn giá trước và thuê các cơ quan tư vấn, thẩm định, sau đó sẽ xác định giá bán để có thể huy động vốn sớm hơn. Còn hiện tại, phải chờ đến khi xây dựng gần xong mới bắt đầu tìm cách phê duyệt đơn giá bán, như vậy có thể khiến chủ đầu tư lỡ mất cơ hội huy động vốn gây nhiều thiệt hại. Tôi cho rằng, cần cân nhắc thêm quy định: nếu đơn giá ban đầu cao hơn giá bán sau quyết toán thì chủ đầu tư không được hưởng lợi, nếu thấp hơn thì phải hoàn trả lại cho người mua. Quy định này có thể dẫn đến chủ đầu tư đưa ra mức giá cao nhất.

z6644212998692_1f200d094eda157728197cbfa1b3b37f.jpg
ĐBQH Lê Thanh Hoàn phát biểu. Ảnh: Đào Cảnh

Còn tại Điều 5 của dự thảo Nghị quyết quy định về giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu. Hiện nay, trong Dự thảo Nghị quyết đang tách thành 2 trường hợp: thứ nhất, trong trường hợp đã phê duyệt về chủ trương đầu tư rồi, có quyền phê duyệt luôn chủ đầu tư; trường hợp thứ hai, đã có quy hoạch đầy đủ rồi thì cũng giao cho phê duyệt phương án đầu tư, chủ trương đầu tư và chủ đầu tư. Tôi đề nghị cần có quy định rõ ràng về việc lựa chọn chủ đầu tư trong trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên quan tâm, bảo đảm tính minh bạch và lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất.

Về điều khoản chuyển tiếp quy định tại khoản 3, Điều 12, tôi cho rằng dự thảo đang chỉ quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc xây dựng nhà ở xã hội. Tôi đề nghị nên quy định để quyền và nghĩa vụ phải song hành với nhau, Nhà nước quyết định giao nhưng phải trên cơ sở chủ đầu tư có nguyện vọng thực hiện sẽ hợp lý hơn.

ĐBQH ĐẶNG BÍCH NGỌC (Hòa Bình):
Tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động tiếp cận nhà ở xã hội

Tôi hoàn toàn đồng tình với quy định giao chủ đầu tư chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu tại Điều 5 của dự thảo. Đây là một trong những quan điểm thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chỉ định thầu đối với các dự án nhà ở xã hội khi đã có mặt bằng sạch; bảo đảm điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, chủ đầu tư, doanh nghiệp sớm xây dựng nhà ở xã hội.

z6644231476420_ba2c6a8b415315558a0553d66bea5f6e.jpg
ĐBQH Đặng Bích Ngọc phát biểu. Ảnh: Trọng Quỳnh

Liên quan đến điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 9, tôi đề nghị cần quy định rõ các đối tượng cán bộ, công chức, người lao động khi đến làm việc ở đơn vị mới sau sắp xếp được mua nhà ở xã hội như các đối tượng hiện nay chúng ta đang áp dụng. Bởi thực tế, những cán bộ, công chức tại tỉnh cũ về cơ bản đã có nhà nhưng khi chuyển sang nơi làm việc mới lại chưa có nơi ở. Trong khi đó, với mức thu nhập của cán bộ, công chức hiện nay để mua được nhà ở với điều kiện bình thường sẽ rất khó. Do đó, dự thảo cần quy định theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người lao động, nhất là cán bộ thực hiện sáp nhập được thuê, mua nhà ở xã hội tại nơi làm việc mới, dù cá nhân đó đã có nhà tại địa phương. Như vậy sẽ thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm, động viên hơn nữa của Đảng, Nhà nước dành cho cán bộ, công chức, người lao động.

Trong bối cảnh người dân tiếp cận với nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, cần tạo được quỹ nhà ở xã hội rộng lớn, số lượng nhiều, để đáp ứng đúng, đủ nhu cầu. Cùng với đó, cần có những cơ chế đặc biệt, đặc thù giúp cho việc tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương thuận lợi, bảo đảm được mục tiêu cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Diệp Anh - Đào Cảnh - Trần Tâm