Số đại biểu trúng cử gồm có 333 người, có 10 đại biểu là nữ, trong đó có đồng chí Tôn Thị Quế - một nữ chiến sĩ Xô viết Nghệ -Tĩnh dũng cảm, kiên cường, được Nhân dân chọn bầu vào Quốc hội khoá I với số phiếu cao tuyệt đối.  

TUỔI TRẺ VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA NỮ CHIẾN SĨ XÔ VIẾT TÔN THỊ QUẾ  

Tôn Thị Quế sinh năm 1902, là con của nhà Nho yêu nước Tôn Thúc Đích, làm nghề dạy học và bà Nguyễn Thị Hảo, quê ở làng Võ Liệt, tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và khoa bảng, từ thuở ấu thơ, Tôn Thị Quế sẵn có tư chất thông minh, hiếu động và can đảm. Quế thích nghe cha mẹ kể về những mẩu chuyện của các ông trong dòng họ Tôn cùng Nhân dân Võ Liệt đấu tranh chống Pháp trong phong trào Văn Thân và Cần Vương... Được nghe những câu chuyện đánh giặc của Nhân dân diễn ra ngay trên mảnh đất quê hương đã có tác động mạnh mẽ đến tâm hồn và tính cách của Tôn Thị Quế.

Bà Tôn Thị Quế. Ảnh tư liệu

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, hưởng ứng phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng. Nhà của ông Tôn Thúc Đích trở thành cơ sở hội họp kín của các sỹ phu như bà Trần Thị Trâm, Hồ Bá Kiện (Quỳnh Đôi), Đặng Thái Thân, Ngô Quảng (Nghi Lộc) và nhiều người khác đến đàm đạo việc xuất dương của Hội. Để giúp cụ Phan Bội Châu có tiền hoạt động, ông Tôn Thúc Đích đã nghỉ dạy học, góp vốn đóng bè đi buôn gỗ để lấy tiền quyên góp gửi ra ngoài cho cụ Phan Bội Châu và Đặng Thúc Hứa hoạt động. Anh trai Tôn Quang Phiệt được cha giao việc canh gác khi có cuộc họp tại nhà, còn Quế thì giúp mẹ lo cơm nước phục vụ cho khách đến họp. Ngày 14-7-1925, Hội Phục Việt được thành lập tại núi Con Mèo, thành phố Vinh, anh trai của Quế là Tôn Quang Phiệt là một thành viên sáng lập ra Hội.Từ đó, Quế say sưa làm những công việc của tổ chức yêu nước do anh Tôn Quang Phiệt giao. Năm 1927, tại một địa điểm trên bãi sông Lam, làng Võ Liệt, Tôn Thị Quế được tổ chức kết nạp vào Đảng Tân Việt.

Tổ chức Đảng Tân Việt tổng Võ Liệt phân công Tôn Thị Quế làm công tác tuyên truyền, vận động, thành lập các Tiểu tổ, Đại tổ (Huyện bộ). Đầu năm 1929, Tôn Thị Quế đã được bầu vào Ban Chấp hành Đảng Tân Việt của Huyện bộ Thanh Chương.

Để giúp Tôn Quang Phiệt xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng ở Bắc kỳ, Đảng bộ Tân Việt Nghệ An đã bố trí để Tôn Thị Quế ra Hà Nội làm cấp dưỡng, in ấn truyền đơn và giao thông liên lạc cho Kỳ bộ Tân Việt Bắc Kỳ. Ngày 23-7-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, cơ sở hoạt động của Tôn Quang Phiệt Xứ Bắc Kỳ Hà Nội bị khủng bố. Hai anh em Tôn Thị Quế trên đường về vinh bị mật thám theo dõi, vừa vào đến nhà trọ ở ga Vinh thì bị bọn lính xông vào bắt Tôn Quang Phiệt. Tôn Thị Quế nhanh ý lẩn ngay vào đám đông, tìm đến cơ sở bí mật của Xứ ủy Trung kỳ ở tại Làng Vang. Tôn Thị Quế được lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ: Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung, Võ Mai và các chị Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Phúc giúp đỡ và phân công nhiệm vụ mới. Ngày 13-10-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng chủ trương cho rải truyền đơn để kêu gọi Nhân dân tổ chức các hoạt động kỷ niệm lần thứ 12 (7/11/1917-7/11/1929) cách mạng tháng Mười Nga. Tôn Thị Quế được phân công về hoạt động tại huyện Thanh Chương. Việc cách mạng đang khẩn cấp, việc gia đình lại rối bời (anh trai vừa bị bắt, cha bị bệnh nặng đang hấp hối)! việc nước, việc nhà biết làm sao đây? Thương cha già đang hấp hối, việc cách mạng còn nặng hơn, Quế đành gạt nước mắt, nhờ bà con làng xóm giúp chăm sóc cha để bản thân lo việc nước. Khó khăn, thử thách là thế, nhưng Quế đã được chị em Nguyễn Thị Minh Khai, Quang Thái từ Vinh lên giúp đỡ.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất diễn ra tại Hà Nội từ 24-6 đến 3-7-1976.(Ảnh tư liệu)

Tháng giêng năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai bố trí cho Tôn Thị Quế đóng vai người đi buôn hàng xén, theo đò dọc sông Lam Vinh-Thanh Chương. Sau khi chuẩn bị hàng hóa và dặn dò Quế những điều cần thiết trong công tác hoạt động bí mật rồi chị Minh Khai đã ôm chặt Quế vào lòng. Quế đâu có ngờ đó là cái ôm cuối cùng của chị em.  Tổ chức Đảng đã giao cho chị Minh Khai bí mật bàn giao nhiệm vụ để ra nước ngoài …

Trưa ngày 5-2-1930, tại bến đò Rồng, Tôn Thị Quế đã cải trang đón đồng chí Nguyễn Phong Sắc từ Vinh lên Võ Liệt để tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản huyện Thanh Chương. Tôn Thị Quế được chuyển sang tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam làm giao thông liên lạc và in truyền đơn, tài liệu, quyên góp kinh phí cho Đảng hoạt động. Sau cuộc đấu tranh ngày 30/8/1930 của nhân dân huyện Nam Đàn, ngày 1-9-1930, Tôn Thị Quế đã vận động nhân dân 5 Tổng huyện Thanh chương đấu tranh và giành thắng lợi. Sau cuộc đấu tranh ngày 1-9-1930, Tỉnh ủy ra quyết định điều động đồng chí Tôn Thị Quế từ lãnh đạo huyện lên làm việc tại cơ quan Tỉnh ủy, phụ trách công tác Phụ vận. …

Tháng 8 năm 1931, địch tập trung khủng bố trắng, Đảng chủ trương rút lui vào rừng hoạt động. Suốt 8 tháng sống và làm việc trong rừng sâu, luôn bị địch lùng sục nên thiếu sự giúp đỡ của dân, gian khổ, đói rét, nhưng Tôn Thị Quế vẫn luôn vững vàng, tin tưởng, tìm cách động viên, giúp đỡ anh em đồng chí. Truyền đơn được in từ rừng xanh vẫn tiếp tục được chuyển về xuôi rải ở các vùng nông thôn nhằm giúp Nhân dân giữ vững lòng tin, tiếp tục đấu tranh chống lại mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù. Đồng bào ta coi ở đâu có truyền đơn là ở đó vẫn còn có Đảng lãnh đạo. Nhờ có những tờ truyền đơn của bộ phận ấn loát chuyển từ núi rừng về rải ở các huyện đã giúp các đồng chí Tỉnh ủy và các huyện Đảng bộ tìm để nối được đường dây liên lạc với nhau. Thực dân Pháp tăng cường bọn mật thám lùng sục khắp nơi, Tôn Thị Quế và cơ quan đầu não của Đảng phải di chuyển đến 22 lần mà vẫn chưa được yên ổn. Nhiều cán bộ cốt cán của Đảng bị bắt, cơ quan Tỉnh ủy Nghệ An lúc bấy giờ chỉ còn lại có 9 đồng chí trong Ban lãnh đạo. Để bổ sung cán bộ vào Ban lãnh đạo của Đảng, tháng 12 năm 1931, đồng chí Tôn Thị Quế được bổ sung vào Ban chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An phụ trách công tác tuyên truyền và huấn luyện. Sống ở rừng, sốt rét, đói rách, nhưng các đồng chí vẫn động viên nhau giữ vững niềm tin, móc nối với cơ sở, xây dựng lại được 7 Chi bộ mới...

Ngày 4-4-1932, sau khi đồng chí Lê Xuân Đào hy sinh, đồng chí Tôn Thị Quế quyết định trở lại Tràng Ri để bắt mối liên lạc với Đảng, không ngờ bị sa lưới phục kích của địch khi trong người còn giấu quyển “Luận cương cách mạng”.

Ngày7-4-1932, thực dân Pháp đã giải Tôn Thị Quế về giam tại Nhà lao Vinh, bị tra tấn, đánh đập chết đi, sống lại. Mặc dù không lấy được lời khai của Tôn Thị Quế, Tòa án phong kiến Nam triều Nghệ An vẫn kết án 20 năm tù khổ sai và 20 năm quản thúc.       
Tháng 3 năm 1941, thực dân Pháp lập danh sách chị em tù ở nhà lao Vinh chuyển vào nhà tù Nha Trang, trong đoàn tù chính trị nữ có đồng chí Tôn Thị Quế. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, chớp thời cơ, ngày 5-4-1945, Tôn Thị Quế cùng chị em tù phá ngục trở về với Đảng, tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành Chính quyền (tháng 8-1945).

ĐỒNG CHÍ TÔN THỊ QUẾ VỚI VAI TRÒ CỦA MỘT VỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHOÁ I    

Sau khi nước nhà giành được Độc lập, đồng chí Tôn Thị Quế được giao nhiệm vụ công tác phụ vận của tỉnh Nghệ An. Ngày 6-1-1946, cả nước Việt Nam tiến hành Bầu cử Quốc hội lần thứ nhất, nữ chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh - Tôn Thị Quế vinh dự được Nhân dân tín nhiệm bầu vào đại biểu Quốc Hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội khóa I đã bầu được 333 vị đại biểu, có 10 vị đại biểu là nữ, trong đó có đồng chí Tôn Thị Quế. Quốc hội khóa thứ nhất kéo dài thời gian từ 1946 đến 1960. Là một đại biểu Quốc hội nữ duy nhất của Liên Khu 4, đồng chí Tôn Thị Quế luôn chăm lo công tác của đoàn thể phụ nữ. Phát huy truyền thống cách mạng của chị em phụ nữ Nghệ Tĩnh từ phong trào Xô viết năm xưa. Đồng chí Tôn Thị Quế đã góp phần to lớn vào việc vận động chị em Nghệ An hăng hái thi đua sản xuất, góp phần vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 2/3/1946.

Ngày 19-3-1946, Đại hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Nghệ An họp khóa đầu tiên tại Cửa Tả (Vinh), đồng chí Tôn Thị Quế được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Phụ nữ Cứu quốc của tỉnh. Tháng 7 năm 1947, đồng chí Hồ Thị Nhung, Bí thư Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Nghệ An được Trung ương Hội điều ra Trung ương, hội nghị mở rộng của Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Nghệ An đã bầu đồng chí Tôn Thị Quế làm Bí thư Phụ nữ cứu quốc kiêm Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ tỉnh. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc “Toàn dân, toàn diện”, Phụ nữ Liên khu Bốn được thành lập, đồng chí Tôn Thị Quế được điều lên phụ trách Phụ nữ Liên khu Bốn kiêm Bí thư Đảng Đoàn Liên khu Bốn. Sau khi đồng chí Tôn Thị Quế được Trung ương Đảng điều động ra Trung ương hoạt động trong ngành pháp luật (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao). Đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Phó Vụ trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Hoạt động lâu năm trong công tác phụ vận và công tác tổ chức Đảng và Đoàn thể, với nhiệt tình và kinh nghiệm trong phong trào quần chúng, đồng chí Tôn Thị Quế vững vàng, tự tin đảm nhận công tác mới của Đảng giao phó: Phó Giám đốc Vụ xét xử Viện Công tố. Với tinh thần cầu thị, khiêm tốn, gần gũi quần chúng và lắng nghe ý kiến của Nhân dân, đồng chí Tôn Thị Quế luôn làm tốt công việc của Nhà nước, xứng đáng là một vị đại biểu Quốc hội tiêu biểu của Nhân dân Việt Nam nói chung và Nhân dân tỉnh Nghệ An nói riêng. Ngày 8-5-1960, năm có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ, Chính phủ tổ chức bầu cử Quốc hội khóa II trong hoàn cảnh đất nước còn tạm thời chia làm hai miền. Sau một nhiệm kỳ Quốc hội kéo dài 14 năm, đồng chí Tôn Thị Quế đã hoạt động không biết mệt mỏi trên mọi lĩnh vực. Sự tận tụy, vô tư, luôn hi sinh vì nước, vì dân, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một vị đại biểu Quốc hội. Trên cương vị là Phó Giám đốc Vụ xét xử Viện Công tố, đồng chí Tôn Thị Quế được Nhân dân tín nhiệm, tiếp tục bầu cử vào đại biểu Quốc hội khóa II (1960- 1964) tại điểm bầu cử tỉnh Nghệ An và tiếp tục đạt số phiếu cao tuyệt đối.

Trên 60 năm hoạt động không biết mệt mỏi, hi sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ lợi ích cách mạng cho Đảng, cho dân, đồng chí Tôn Thị Quế là một chiến sĩ cách mạng tiền bối xuất sắc, một vị đại biểu Quốc hội tiêu biểu của Nhân dân. Với công lao đóng góp to lớn cho cách mạng, cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng chí Tôn Thị Quế đã được Đảng và Chính phủ tặng thưởng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý:

      Do tuổi cao, sức yếu, ngày 13-1-1992, đồng chí Tôn Thị Quế đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 90 tuổi. Đồng chí Tôn Thị Quế đã trọn đời đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng, tô đẹp cho truyền thống cách mạng của quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh và truyền thống của Phụ nữ Việt Nam anh hùng.

Đình Võ Liệt thuộc xã Võ Liệt (Thanh Chương). Ảnh tư liệu: Huy Thư

       Để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của đồng chí Tôn Thị Quế trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và tinh thần cách mạng của một vị đại biểu Quốc hội tiền bối, thành phố Vinh tỉnh Nghệ An đã lấy tên Bà đặt tên cho một con đường tại phường Hưng Bình. Tỉnh uỷ Nghệ An đã vinh danh cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tôn Thị Quế trong tập sách:“ NGHỆ AN NHỮNG TẤM GƯƠNG CỘNG SẢN” tập 2 và “NGHỆ AN NHỮNG CON NGƯỜI TIÊU BIỂU” Tập I.(1930-1975). Tinh thần yêu nước, thương dân của đồng chí Tôn Thị Quế sẽ sống mãi với thời gian. Sống mãi trong tình cảm yêu thương và trân quý của Nhân dân Nghệ An Xô viết ./.