Tỉnh ta đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như: vùng nguyên liệu chè ở các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, chè Tuyết shan chất lượng cao ở Kỳ Sơn; vùng cao su ở Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thái Hòa, Quỳ Hợp, Anh Sơn; vùng mía nguyên liệu ở các huyện: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, thị xã Thái Hòa...; vùng cam nguyên liệu; vùng dứa nguyên liệu, vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi bò sữa, vùng lạc xuất khẩu; vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung; vùng nuôi trồng thủy sản tập trung...
Nông nghiệp Nghệ An còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là các sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm Nghệ An có tiềm năng lợi thế về vùng nguyên liệu và đất đai rộng lớn, là lĩnh vực mũi nhọn được tỉnh hết sức chú trọng từ khâu xây dựng chương trình đề án cho đến hoạt động xúc tiến đầu tư. Hiện tỉnh đã có các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn như: Dự án chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp, Nhà máy chế biến sữa với công suất 200 triệu lít/năm, Nhà máy chế biến gỗ MDF với công suất 130.000 m3/năm … của Tập đoàn TH; 03 Nhà máy đường NASU, Sông Lam, Sông Con với tổng công suất chế biến đạt 13.800 tấn mía/ngày; Trang trại chăn nuôi lợn của Tập đoàn Massan…
Ngoài các chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Trung ương, tỉnh đã ban hành, cụ thể hóa nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Nghệ An như: Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025; Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 Quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An…
Những yếu tố kể trên là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, để nông nghiệp phát triển bền vững. Mặc dù vậy, kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh ta trong thời gian qua chưa xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Số lượng dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn hạn chế. Số lượng dự án có tính động lực, sức lan tỏa còn ít.
Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới, thiết nghĩ cần quan tâm một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; rà soát, đánh giá các chính sách hiện có để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Thực tế thì một số chính sách sau khi ban hành chưa phát huy hiệu quả hoặc chưa thực hiện được vì còn vướng mắc cần được tháo gỡ. Vì vậy, cần thường xuyên đánh giá để hoàn thiện chính sách.
Hai là, quan tâm đến công tác quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn để thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho tỉnh, vùng và cả nước và liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; tập trung các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, sơ chế, chế biến các loại nông sản giá trị cao. Điều này sẽ có tác động lớn thúc đẩy sự phát triển các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, đáp ứng tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Ba là, tiếp tục huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống logistic để thúc đẩy thu hút đầu tư. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 08/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh vận động “dồn diền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, các trang trại sản xuất tập trung quy mô lớn, phù hợp yêu cầu hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên việc tích tụ ruộng đất thông qua hình thức liên kết nông dân để hình thành các cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ.
Bốn là, quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước; làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; thực hiện mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng và thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư./.