Mỗi lẫn nghe lại những ca từ mộc mạc trong ca khúc mới “Nghĩ về Bác” của nhạc sỹ Lê Hà lòng tôi lại dâng nên một niềm xúc động khó tả. Không biết từ bao giờ, trong lòng tôi luôn có Bác, gần gũi và thân thương đến lạ kỳ. Phải chăng, Bác đã đi vào lịch sử và đời sống tâm hồn dân tộc Việt Nam. Một trái tim nồng ấm, một tấm lòng nhân hậu, một tư tưởng lỗi lạc, một phong cách sống giản dị, khiêm tốn, gần dân, thương dân và làm tất cả vì dân. Đã hơn 50 năm, Bác đi xa nhưng những di sản mà Người để lại sẽ mãi lan tỏa và nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam.

3519_toan_canh_khu_di_tich_kim_lien.jpg
Khu di tích Kim liên, Nam Đàn, Nghệ An

Khu di tích Kim liên – Nam Đàn – Nghệ An được thành lập năm 1956 với nhiệm vụ quan trọng là gìn giữ và phát huy những giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương. Nơi đây lưu giữ những kỷ vật vô giá về quê hương, gia đình, thời niên thiếu và 2 lần Người về thăm quê. Với gần 4000 đơn vị hiện vật, toàn bộ các di tích, tài liệu hiện vật được bảo quản và phát huy giá trị hiệu quả phục vụ khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Mỗi di tích, mỗi tài liệu, hiện vật nơi đây đều chứa đựng những câu chuyện xúc động, những nội dung lịch sử khác nhau, là những minh chứng khẳng định tư tưởng, tấm gương đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là những cống hiến của Người cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân.

Xin được kể một vài câu chuyện cảm động gắn với những kỷ vật về Người hiện nay đang được lưu giữ tại Khu di tích Kim Liên - quê hương của Người.

1. Thư Bác gửi Cậu và Dượng

Vào thăm cụm di tích Hoàng Trù – quê ngoại của Bác, thăm nhà thờ chi nhánh dòng họ Hoàng Xuân – dòng họ ngoại của Bác. Quan sát kỹ, chúng ta nhìn thấy bức thư này, được treo trang trọng bên phải phía trong nhà thờ.

Xa quê từ khi 16 tuổi, bôn ba tìm đường cứu nước, Bác rất ít khi có dịp viết thư về cho người thân ở quê nhà.

5e8937e771edaeb3f7fc.jpg
Bức thư Bác gửi Cậu và Dượng tại Nhà Thờ chi nhánh dòng họ Hoàng Xuân (Di tích Hoàng Trù - Quê ngoại Bác).

Tháng 4 năm 1949, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân ta đang vào giai đoạn khó khăn, ác liệt. Bác Hồ đã gửi một bức thư trả lời cho hai người bà con gần gũi của Bác, lúc đó họ còn sống ở xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên – Nam Đàn). Đó là cụ Hoàng Phan Kính và cụ Trần Lê Hữu bà con bên họ ngoại Bác. Bức thư này, Bác tự đánh máy chữ xách tay nhỏ, chiếc máy luôn luôn ở cạnh mà Bác dùng suốt mấy chục năm qua trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc cho đến lúc làm việc ở Thủ đô Hà Nội.

“Gởi ô Hoàng Phan Kính và Trần Lê Hữu

Kính trả lời Cậu và Dượng,

1. Tôi rất cảm ơn cậu và dượng đã gửi thư cho tôi

Tôi chưa về thăm được. Không phải vì vô tình với quê hương, nhưng vì lẽ này: Trong lúc giặc Pháp đang giày xéo trên đất nước ta, thì phận sự của mọi người Việt Nam là Vì nước quên nhà vì công quên tư, là một người đầy tớ chung của đồng bào, tôi càng phải như thế. Vì vậy, tôi chưa kịp viết thư hoặc về thăm.

2. Nhân dân ta vừa đánh đổ chế độ phong kiến mấy ngàn năm và đánh tan xiềng xích nô lệ gần một thế kỷ, để xây dựng một nước VN mới.

Trong lúc lật đổ những tường vách củ kính và đang xây đắp ngôi lâu đài mới thì chắc không khỏi có những mọn bào, gạch bể và những thứ ghét rác khác. Chúng ta sẽ quét sạch dần dần. Trong lúc kháng chiến và kiến quốc, Nhân dân ta có những thành công to lớn vẻ vang, nhưng cũng không khỏi có nhiều khuyết điểm. Chúng ta sửa chữa những khuyết điểm ấy dần dần. Chúng ta nhất định sửa chữa được, vì chúng ta quyết tâm sửa chữa.

3. Bổn phận của tôi, Chính phủ cùng các cơ quan, đoàn thể địa phương, mà cũng là bổn phận của mỗi người dân là làm những việc có ích cho đồng bào, cho Tổ quốc.

Vì vậy tôi và Chính phủ cùng các cơ quan, đoàn thể địa phương rất vui lòng nhận những phê bình, sáng kiến, đề nghị của đồng bào. Đồng thời quốc dân thì có bổn phận triệt để thi hành mệnh lệnh của Chính phủ.

4. Tôi rất mong Cậu và Dượng cùng các cụ phụ lão, các vị thân hào thân sĩ thường giúp tôi và Chính phủ bằng cách gởi những phê bình, sáng kiến và đề nghị.

Tôi lại mong cậu, dượng cùng các cụ, các vị đôn đốc giúp đỡ đồng bào địa phương xung phong thi đua ái quốc, làm cho Nam Đàn thành một huyện kiểu mẫu, Nghệ An thành một tỉnh kiểu mẫu, trong mọi công việc kháng chiến và kiến quốc.

Kính gởi Cậu và Dượng và nhờ Cậu và Dượng chuyển đến thân thích nội ngoại, các cụ các vị và đồng bào trong xã trong huyện.

Lời chào thân ái và quyết thắng và cho các cháu nhi đồng nhiều cái hôn.

Cháu: Hồ Chí Minh ”

Bức thư này Bác viết riêng cho gia đình cách đây đã hơn 70 năm, nhưng nội dung vẫn toát lên một tư tưởng lớn lao về lòng yêu nước, giải phóng dân tộc, về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, ý thức tổ chức, kỷ luật công tác, ý thức phục vụ Nhân dân, tinh thần đoàn kết, chí công vô tư, luôn vươn lên cái mới.

Bác sỹ Hoàng Nguyên Dực con trai trưởng cụ Hoàng Phan Kính rất yêu Cha và trân quý tình cảm của Bác, nên đó, Anh đã khắc toàn vẹn bức thư, treo trang trọng trong nhà. Sau này tặng cho Viện bảo tàng Hồ Chí Minh. Hiện nay, treo trang trọng tại Nhà thờ chi nhánh dòng họ Hoàng Xuân tại Hoàng Trù, Kim Liên, Nam Đàn.

2. Bức phù điêu chân dung Bác Hồ khắc từ vỏ máy bay

Bức phù điêu chân dung Bác Hồ này được trưng bày tại phòng trưng bày số 2 chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương Nghệ An, Quê hương Nghệ An đối với Người” tại Khu di tích Kim Liên – Nam Đàn Nghệ An.

Theo hồ sơ đang được lưu tại Kho tư liệu Khu di tích Kim Liên.

Bác Hồ qua đời ngày 02/9/1969, một nỗi đau thương, mất mát của toàn dân tộc. Triệu triệu trái tim người Việt Nam từ cụ già đến em bé đều bật khóc thành tiếng, không kìm nén được. Lúc bấy giờ, nhiều cuộc thi đua được phát động để biến đau thương thành hành động cách mạng, sớm giành độc lập dân tộc như Bác Hồ hằng mong mỏi.

f469c40d6107be59e716.jpg

Bức phù điêu Chân dung Bác Hồ được khắc trên mảnh xác máy bay Mỹ

Để tỏ lòng kính yêu đối với Bác, sau khi nghe tin Bác mất, chỉ trong một thời gian rất ngắn. Anh Nguyễn Công Phi cùng anh chị em công nhân nhà máy cơ khí Vinh tỉnh Nghệ An đã lấy mảnh xác máy bay Mỹ bị quân và dân thành phố Vinh bắn rơi dập nổi hình chân dung Bác để kịp tổ chức làm lễ tang từ ngày 4 đến ngày 10/9/1969 tại hội trường nhà máy.

Với một tình cảm đặc biệt, người thợ rèn Nguyễn Công Phi dường như dùng hết tài năng, tâm sức, trí tuệ và sự hiện hữu Bác trong lòng anh để tạc, bức chân dung Bác Hồ được gò nổi trên tấm nhôm, toát lên thần thái của vị Cha già dân tộc, cương nghị nhưng rất trìu mến, thân thương. Với chiều dài 0,99m, chiều rộng 0,78m, chân dung Bác được dập nổi trong vòng tròn rộng 0,68m, phía dưới chân dung có câu khẩu hiệu “ Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, bên trái có dòng chữ nhỏ “Nhà máy cơ khí Vinh Nghệ An lưu niệm”, bên phải là tên người thực hiện “Nguyễn Công Phi công nhân thợ rèn”.

e785da657f6fa031f97e.jpg
Bức phù điêu chân dung Bác Hồ khắc từ vỏ máy bay tại nhà Trưng bày số 2 - Khu di tích Kim Liên

Sau khi lễ tang được tổ chức xong, Ban Giám đốc nhà máy đã chuyển bức chân dung này ra tặng Tổng Công đoàn Việt Nam cùng với một số hiện vật khác. Sau đó tháng 12 năm 1969, Tổng Công đoàn Việt Nam đã chuyển giao bức chân dung cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cất giữ. Năm 1983 Bảo tàng Cách mạng Việt Nam bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Nghệ Tĩnh. Ngày 10 tháng 9 năm 2019 Bảo tàng tỉnh Nghệ An đã chuyển giao cho Khu di tích Kim Liên trưng bày và phát huy giá trị.

Mỗi một hiện vật được lưu giữ tại Hhu di tích Kim Liên lại đều mang những giá trị lịch sử và những câu chuyện đầy xúc động. Tìm hiểu về các hiện vật để chúng ta trân quý hơn lịch sử hào hùng của dân tộc, vun đắp lòng yêu nước và tri ân anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.