ETC-1692228285603.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Hồ Long

Cả 3 nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đều thu hút rất đông đại biểu và cử tri quan tâm, nhất là cử tri lao động, sản xuất trên lĩnh vực này.

Làm giàu trên chính mảnh ruộng quê hương

Nhiều cử tri tâm đắc trong nội dung trả lời chất vấn của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chính là việc Bộ trưởng khẳng định thôi không nhắc đến vấn đề “giải cứu nông sản” hay là lời nguyền “được mùa rớt giá” mà cần tư duy lại. Vấn đề cốt lõi trong thực trạng một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng chính là chưa có sự liên kết, định hướng, phối hợp cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có chuỗi cung ứng phù hợp. "Chúng ta phải tập hợp bà con để khuyến nông, thông tin về thị trường, kết nối với doanh nghiệp, vì giá cả sáng khác, chiều khác, hiệu ứng nào cũng làm giá tăng lên, giảm xuống nên cần cân nhắc", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Theo cử tri Nguyễn Ngọc Dung - HTX Minh Lương, Hà Tĩnh: phần trả lời của Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hé lộ nhiều giải pháp khá rõ, giải đáp được nhiều vướng mắc trong lòng cử tri; đặc biệt, Bộ trưởng không né tránh trách nhiệm của ngành mình. Vấn đề an ninh lương thực cũng như việc bảo đảm nguồn thu nhập cho người nông dân là điều được Bộ trưởng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm. Trong đó, việc cải thiện thu nhập không phải chỉ là vấn đề giá cả, mà cần tính toán đến các chi phí. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cần có sự liên kết, trong đó có vai trò của hợp tác xã.

“Đó là những nội dung tôi thấy rất rõ tâm huyết, trách nhiệm của Bộ trưởng trước các vấn đề cử tri, đại biểu và thực tiễn đặt ra. Hy vọng trong thời gian tới, người nông dân chúng tôi sẽ có thể làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình” - cử tri Nguyễn Ngọc Dung tin tưởng.

Quản lý chặt việc chuyển đổi, thu hồi diện tích đất trồng lúa

Qua nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, khá nhiều cử tri quan tâm đến vấn đề chuyển đổi đất trồng lúa cũng như an ninh lương thực; cử tri Nguyễn Văn Giáp - Yên Thành, Nghệ An bày tỏ sự chia sẻ với những trăn trở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về vấn đề an ninh lương thực. Theo đó, cử tri kiến nghị ngành nông nghiệp cần tham mưu quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo. Có một thực trạng hiện nay chúng ta thấy rất rõ nét đó là vì nguồn lợi kinh tế, một số tỉnh thành đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng xâm nhập mặn tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, dần dần diện tích đất trồng lúa sẽ ngày càng bị thu hẹp khá lớn.

“Nếu ngành không có một lộ trình, chiến lược hợp lý, không có sự phối hợp đồng bộ với các bộ, ban, ngành khác để giải bài toán về đất trồng lúa, ứng dụng tiến bộ KHKT, về liên kết xây dựng các chuỗi cung ứng cũng như đầu ra cho nông sản thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh lương thực. Đặc biệt, đây lại là lợi thế so sánh của Việt Nam so với các nước trên thế giới... về phát triển nông nghiêp” - cử tri băn khoăn.

Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế

Vấn đề không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế một lần nữa lại được gióng lên trong nghị trường phòng họp Diên Hồng trong phần trả lời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục khẳng định thành công của Quốc hội trong nỗ lực đổi mới hoạt động, minh chứng Quốc hội hành động vì dân. Đây cũng là kinh nghiệm hay để HĐND vận dụng đưa các nội dung vào phiên họp thường kỳ hàng tháng, nhất là trong lựa chọn nội dung chất vấn với phương châm không né tránh, không sợ trách nhiệm, đặc biệt là các vấn đề “nóng”, nổi cộm, cử tri và các tầng lớp nhân dân quan tâm.

Qua phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cử tri cả nước thấy rõ vấn đề ô nhiễm môi trường biển, ven biển đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng; các hoạt động kinh tế ở vùng ven biển diễn biến ngày càng phức tạp. Tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, như: còn hiện tượng sử dụng các nghề, ngư cụ có tính tận diệt nguồn lợi thủy sản như chất nổ, xung điện, lưới kéo, lưới kéo đôi (giã cào bay); đánh bắt cá con; đánh bắt trái phép ở vùng biển ven bờ, trong và xung quanh các khu bảo tồn biển, thủy vực nội đồng vẫn tiếp diễn ngày càng tinh vi; tình trạng đánh bắt, thu mua, vận chuyển, tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vẫn còn diễn ra.

Quyết tâm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan khi khẳng định giải pháp lâu dài là giảm đội tàu cá (hiện giảm từ 120.000 xuống hơn 90.000 tàu); ưu tiên nuôi trồng để giúp ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp. Việc nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm quy hoạch không gian biển, bảo đảm an ninh quốc phòng, biển đảo, du lịch đã được các tầng lớp cử tri quan tâm theo dõi, đồng tình và tin tưởng.

BÌNH NGUYÊN