Hình thành thương hiệu và lan toả sản phẩm

Gừng Kỳ Sơn là giống cây bản địa, củ to và được trồng ở vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt nên có những đặc tính mang tính đặc trưng riêng so với giống gừng ở các địa phương khác, nhất là có hàm lượng tinh dầu cao và ít cay. Vốn là cây được đồng bào Mông trồng làm gia vị, rồi được hỗ trợ mô hình trồng làm cây xoá đói, giảm nghèo, gừng Kỳ Sơn trở thành sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, tem nhãn truy xuất nguồn gốc và đạt tiêu chuẩn OCOP (3 sao). Hiện tại, thông qua một số doanh nghiệp xuất khẩu, gừng Kỳ Sơn đã được “xuất ngoại” sang Ấn Độ, BăngLa Đét, Inđônêxia và Châu Âu.

Ông Nguyễn Văn Luân - Giám đốc hợp tác xã Hương Sơn, cho biết: Việc xây dựng gừng Kỳ Sơn thành sản phẩm OCOP không chỉ nâng chất lượng, thương hiệu của sản phẩm mà điều quan trọng là làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của đồng bào, từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng khoa học công nghệ và từ trồng để cải thiện cuộc sống gia đình, nay có những hộ có thu nhập cả trăm triệu đồng, thậm chí là tỷ đồng từ trồng gừng mỗi năm.

khu-vuc-trong-gung-o-xa-na-ngoi-huyen-ky-son.jpg
Gừng Kỳ Sơn có những đặc tính mang tính đặc trưng riêng so với giống gừng ở các địa phương khác

Với mục đích ban đầu là tạo ra sản phẩm từ cây sen được trồng truyền thống ở của địa phương để phục vụ khách du lịch khi về quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - Kim Liên (Nam Đàn), hiện nay 7 sản phẩm của Hợp tác xã Sen quê Bác trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, bao gồm trà lá sen, trà ướp bông sen, trà liên tu, trà ướp gạo sen, trà tâm sen, trà bạch liên nữ vương, hạt sen sấy. Theo chia sẻ của ông Phạm Kim Tiến - Giám đốc Hợp tác xã Sen quê Bác: việc xây dựng sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất quan trọng đối với tổ chức, cá nhân - chủ thể của sản phẩm OCOP trong việc lựa chọn quy trình sản xuất, chế biến đảm bảo quy chuẩn về tiêu chuẩn, đồng thời đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng. Khi được đánh giá, xếp hạng “sao”, đồng nghĩa khẳng định thương hiệu về tiêu chuẩn của sản phẩm, gắn với được hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn, nhất là hiện nay xu hướng tiêu dùng đang hướng đến các sản phẩm thủ công, mang tính đặc sản vùng miền. Riêng đối với các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Sen quê Bác, ngoài phục vụ cho người tiêu dùng trong tỉnh, thông qua các trang web và sàn thương mại điện tử, hợp tác xã cũng có nhiều đơn hàng từ Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… Đặc biệt, năm 2020, các sản phẩm OCOP Sen quê Bác đã có mặt tại thị trường Hàn Quốc thông qua doanh nghiệp phân phối Hàn Quốc.

efe7655b630aa854f11b.jpg
Một số sản phẩm OCOP Sen quê Bác

Ngoài hai sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nêu trên, theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 113 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 106 chủ thể thuộc 16/21 huyện, thành, thị xã. Trong đó có 87 sản phẩm đạt 3 sao và 26 sản phẩm đạt 4 sao. Phân theo khu vực thì khu vực đồng bằng có 72 sản phẩm/40 chủ thể đạt sao và khu vực miền núi có 41 sản phẩm/35 chủ thể. Đặc biệt trong năm 2021, thông qua tác động của chính sách do HĐND tỉnh ban hành tại Nghị quyết số 25/2020 về quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đã tạo động lực thúc đẩy các các địa phương, các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP. Kết quả trong năm toàn tỉnh có thêm 100 sản phẩm được công nhận OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh lên 213.

Bên cạnh số lượng, điều quan trọng hơn là thông qua thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” đã góp phần phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc hữu của từng địa phương; gắn với khai thác các vùng nguyên liệu, phát triển các làng nghề, hợp tác xã trên phạm vi toàn tỉnh; thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất; đổi mới hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị. Tiêu biểu như dược liệu Pù Mát; gừng Kỳ Sơn; gà đồi Thanh Chương; chè Thanh Chương; gạo Vĩnh Hòa; tảo xoắn Quỳnh Lưu; nước mắm Tân Hội - Cửa Lò; tinh bột nghệ Hoàng Mai… Điều quan trọng là khi được công nhận đạt “sao”, các sản phẩm OCOP đều có sức tiêu thụ tăng thêm và gia tăng giá trị trên mỗi sản phẩm, từ đó thúc đẩy quy mô sản xuất cũng như doanh thu cho các chủ thể. Đơn cử như năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng doanh thu của nhiều chủ thể vẫn đạt mức tăng trưởng 10-15%. Điển hình là Công ty cổ phần Biển Quỳnh; Công ty dược liệu Pù Mát; Lạc Diễn Thịnh - Diễn Châu... Đặc biệt là thông qua sản phẩm OCOP đã góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh về Nghệ An trong phạm vi cả nước và nước ngoài.

Cần quan tâm giải quyết các hạn chế

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” là chủ trương chung của Chính phủ. Với Nghệ An, sau 3 năm triển khai, số lượng sản phẩm được đánh giá, xếp hạng khá lớn, với 113/4.919 tổng số sản phẩm trong cả nước, đặc biệt là đóng góp lớn vào việc thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, so với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là vùng miền Tây thì vẫn chưa thực sự khai thác và phát huy hết hiệu quả. Một số địa phương chưa thật sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, mặc dù trên địa bàn có nhiều sản phẩm chất lượng, mang tính đặc trưng, đặc hữu nhưng số lượng chưa nhiều hoặc còn 5 địa phương chưa có sản phẩm OCOP dù trên địa bàn có những sản phẩm có giá trị. Mặt khác, tính lan toả của sản phẩm OCOP trên thị trường còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu “hành động địa phương, hướng tới toàn cầu”, mà chủ yếu đang mang tính nội tiêu trong thị trường nội huyện, nội tỉnh. Nguyên nhân, các địa phương chưa thực sự quan tâm, chú trọng công tác thị trường, còn thiếu điểm để giới thiệu sản phẩm OCOP cũng như tiềm năng, lợi thế của địa phương; chưa đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trên cổng thông tin điện tử hoặc các trang web của địa phương. Đối với các cơ quan chức năng, việc hỗ trợ trong vấn đề này cũng đang còn hạn chế và đến nay mới chỉ có 3 điểm giới thiệu, bán hàng OCOP trên phạm vi toàn tỉnh. Điều này dẫn đến một thực tế, sản phẩm OCOP của Nghệ An nhiều về số lượng và đa dạng, phong phú về chủng loại, đặc biệt có chất lượng tốt, nhưng vẫn nhiều người tiêu dùng chưa biết đến và lan toả.

nghe-an-danh-gia-xep-hang-110-san-pham-ocop.jpg
Sản phẩm OCOP của Nghệ An chất lượng tốt, nhiều về số lượng và đa dạng, phong phú về chủng loại

Bên cạnh thị trường, nhiều sản phẩm OCOP do sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, sức cạnh tranh trên thị trường thấp, giá thành cao. Một nguyên nhân nữa là một số chủ thể chưa quan tâm đến kiểu dáng, nhãn mác, bao bì đóng gói, nhất là các loại giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, nên chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Thêm vào đó, theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Trạch - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP, dù chất lượng sản phẩm tốt, đủ khả năng xuất khẩu ở thị trường khó tính, tuy nhiên hiện nay quy mô sản phẩm còn quá nhỏ, như sản phẩm chè Tuyết San mỗi năm chỉ có khoảng 15 tấn chè búp khô, muốn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu cũng rất khó…

Để giải quyết được những khó khăn, hạn chế nêu trên, đòi hỏi các địa phương cần phải có quyết tâm chính trị cao để lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời tìm ra các giải pháp để tháo gỡ các hạn chế hiện nay, phải nhận thức sản phẩm OCOP là “thương hiệu” của mỗi địa phương, của tỉnh để làm chất lượng và lan toả, thúc đẩy sự phát triển chung. Bên cạnh trách nhiệm của mỗi địa phương, các sở, ngành cấp tỉnh cũng cần vào cuộc tích cực để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh vươn rộng ra thị trường cả nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển; góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

PHƯƠNG THẢO