Phát triển chưa tương xứng tiềm năng
Tại cuộc gặp mặt, biểu dương và trao thưởng cho các vận động viên, huấn luyện viên của Đoàn Thể thao Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 32 - Campuchia 2023 tổ chức vào ngày 23/5 vừa qua; trong số 38 Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo một số bộ, ngành trao, thể thao Nghệ An vinh dự có một cá nhân là vận động viên Nguyễn Trọng Dũng được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba với thành tích giành 1 Huy chương Vàng cùng các đồng đội ở nội dung bơi tiếp sức 4x200m vòi hơi chân vịt nam - phá kỷ lục SEA Games; 2 Huy chương Vàng và Bạc ở môn bơi cá nhân nội dung 800 m và 400 m vòi hơi chân vịt nam.
Kỳ SEA Games 32 - Campuchia 2023, thể thao Nghệ An góp mặt cho đoàn Thể thao Việt Nam 8 vận động viên tham gia thi đấu ở các môn: lặn, karate, điền kinh, cầu mây, võ cổ truyền, bóng đá. Kết quả đóng góp của thể thao Nghệ An tại SEA Games 32, theo ông Nguyễn Hoàng Trung – Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh, là tốt nhất từ trước đến nay với 3 Huy chương vàng; 3 Huy chương Bạc và Huy chương Đồng môn bóng đá với sự góp mặt của 3 cầu thủ. Trước đó, SEA Games 31, thể thao Nghệ An đóng góp cho đoàn thể thao Việt Nam 06 vận động viên và đạt 2 Huy chương Vàng (1 HCV môn Bóng Đá với sự góp mặt của 1 cầu thủ); 3 Huy chương Bạc và 1 Huy chương đồng.
Có thể nói thể thao thành tích cao của Nghệ An trong những năm gần đây đã có sự phát triển ở tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Tại Đại hội thể thao toàn quốc năm 2022, Nghệ An đã nâng lên thứ hạng, xếp thứ 18 toàn đoàn với 13 Huy chương Vàng; 15 Huy chương Bạc; 28 Huy chương Đồng. Đối với bóng đá trẻ, theo chia sẻ của bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Nghệ An thì được tỉnh quan tâm đầu tư ngân sách và kết quả đạt được tương xứng, Nghệ An trở thành “nôi” đào tạo số 1 trong cả nước đối với bóng đá trẻ và hàng năm đều có giải vô địch.
Bên cạnh thể thao thành tích cao gồm 19 môn, phong trào thể thao quần chúng phát triển rộng khắp và đồng đều trên cơ sở bản sắc, điều kiện của Nhân dân từng vùng để tổ chức ở các địa phương trong tỉnh. Con số 387/460 xã, phường, thị trấn tổ chức đại hội thể dục thể thao cấp cơ sở và 21/21 huyện, thành, thị xã tổ chức đại hội cấp huyện trong năm 2022 vừa qua là minh chứng cụ thể cho phong trào thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, tính ở thời điểm cuối năm 2022, toàn tỉnh có 24,5% gia đình thể thao; 35,2% số người tập luyện thể thao thường xuyên.
Không thể phủ nhận bước phát triển của thể thao Nghệ An thời gian qua; song qua hoạt động khảo sát công tác đào tạo, huấn luyện và thực hiện các chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên thể dục thể thao của Ban Văn hoá – Xã hội của HĐND tỉnh trong tuần tháng 4/2023 vừa qua, nhiều vấn đề khó khăn, hạn chế, nút thắt của thể thao Nghệ An được đặt ra.
Bà Phan Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, thành viên Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh đặt vấn đề: Xét ở hai yếu tố; một là con người Xứ Nghệ có tinh thần thượng võ, tố chất thể thao và chăm lo đến rèn luyện thân thể; hai là Nghệ An dân số đông, nghĩa là việc lựa chọn nhân tố, nhân tài dễ dàng hơn; thì thành tích thể thao Nghệ An đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Cùng với ý kiến của bà Phan Thị Minh Lý, một số thành viên Ban Văn hoá – Xã hội, HĐND tỉnh cũng bày tỏ băn khoăn về bóng đá Sông Lam Nghệ An đã từng làm nên thương hiệu, niềm tự hào, nay đang là niềm đau đáu của những người yêu bóng đá Xứ Nghệ trong cả nước. Bên cạnh đó, Trường phổ thông năng khiếu Thể dục Thể thao, hiện chưa thực hiện công tác đào tạo vận động viên năng khiếu theo đề án được phê duyệt mà mới chỉ dạy văn hoá cho các vận động viên. Đặc biệt cơ sở vật chất, theo ông Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, dù là tỉnh khó, nhưng tổng thể cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các ngành, lĩnh vực đều có sự đầu tư phát triển đi lên, song lĩnh vực thể thao, nơi ở của các vận động viên cùng cơ sở vật chất các cơ sở thể thao đang quá tụt hậu so với nhịp độ phát triển chung của tỉnh.
Mặt khác, chế độ chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên hiện đang được áp dụng theo Nghị định số 152, ngày 07/11/2018 của Chính phủ, dẫn đến chưa tạo động lực cho những đối tượng này.
Tháo gỡ các nút thắt
Nghệ An là tỉnh có nhiều yếu tố để phát triển và trở thành trung tâm thể thao mạnh trong cả nước. Hiện nay, Quy hoạch tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy hoạch phát triển thể thao Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo, tuyển chọn tài năng các môn thể thao trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ, đồng thời là trung tâm phụ trợ huấn luyện nâng cao thành tích thể thao của quốc gia.
Để sớm hiện thực hoá quy hoạch phát triển thể thao, đặc biệt tháo gỡ các “nút thắt” hiện nay. Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao, bà Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết, thời gian qua, một số Bộ, ban, ngành Trung ương đặt vấn đề và mong muốn tổ chức một số giải thể thao cấp quốc gia, khu vực tại quê Bác, nhưng qua khảo sát cơ sở vật chất không đáp ứng. Bà Trần Thị Mỹ Hạnh nhấn mạnh: Cần có một tư duy: phát triển thể thao cũng là phát triển kinh tế, bởi phát triển, thu hút các giải thể thao tổ chức trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần phát triển du lịch và các dịch vụ khác. Hiện nay, khu liên hiệp thể thao Bắc Trung Bộ được quy hoạch hơn 170 ha từ nhiều năm, đến nay chưa được triển khai, đề nghị tỉnh cần quan tâm tháo gỡ để sớm triển khai quy hoạch này.
Trong điều kiện khu liên hiệp thể thao chưa được triển khai, ông Nguyễn Hoàng Trung – Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh kiến nghị tỉnh cho phép các đơn vị thể thao tiến hành khảo sát, lập dự toán, đồng thời bố trí nguồn lực để cải thiện cơ sở vật chất. Tỉnh cũng cần quan tâm có cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là thu hút các vận động viên xuất sắc, thành tích nổi trội, đạt các giải khu vực, thế giới để trở thành huấn luyện viên, góp phần xây dựng đội ngũ chuyên giao thể thao mạnh - điều kiện quan trọng để phát triển nền thể thao Nghệ An mạnh.
Đề cao vai trò tham mưu và sự quyết liệt của ngành chuyên môn là Sở Văn hoá - Thể thao, ông Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Không đi là không thể đến; không quyết liệt, tích cực tham mưu thì không thể giải quyết được những khó khăn, “nút thắt” của thể thao Nghệ An”. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Văn hoá - Thể thao cần phối hợp với Ban Văn hoá – Xã hội, HĐND tỉnh rà soát các chính sách hiện hành của Chính phủ và tỉnh cùng với yêu cầu phát triển thể thao để chủ động, tích cực tham mưu tỉnh có những chủ trương, cơ chế chính sách đủ mạnh, tạo diện mạo mới cho Nghệ An xứng tầm. Cùng với cơ chế chính sách, ngành Văn hoá - Thể thao cần nỗ lực xây dựng tính chuyên nghiệp về tổ chức, đào tạo, huấn luyện và trong giáo dục. Muốn vậy đòi hỏi trách nhiệm từ lãnh đạo Sở, chủ trì các trung tâm, đơn vị, đến đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, người quản sinh; tạo môi trường, điều kiện để các cháu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần - yếu tố quan trọng tác động đến thành tích thể thao. Tựu trung là phải xây dựng khát vọng vươn lên trong đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, từ đó lan toả niềm đam mê, cống hiến đến vận động viên, góp phần đưa nền thể thao tỉnh nhà phát triển xứng tầm.