Dịp nghỉ lễ đầu năm 2023, chúng tôi có cơ hội khám phá Miền Tây Nghệ An. Nằm cách thành phố Vinh khoảng 150km về phía Tây Bắc, bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu là địa điểm mà mấy gia đình chúng tôi lựa chọn để cùng nhau trải nghiệm trong những ngày nghỉ lễ ít ỏi, quý giá.

web_photo_editor4.jpg
Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Ảnh: sưu tầm

Bản Hoa Tiến là một trong những nơi còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Đó là bản Thái cổ thuần nhất, có đến 98% đồng bào dân tộc Thái, có truyền thống hiếu khách, giữ nhiều nét văn hóa độc đáo. Bản Hoa Tiến có khoảng 400 hộ gia đình với hơn 300 ngôi nhà sàn. Nhà sàn ở Hoa Tiến được duy trì nhà ở theo kiến trúc truyền thống nguyên bản. Trong bản hiện có khoảng 10 hộ gia đình được nâng cấp thành nhà nghỉ cộng đồng đủ điều kiện phục vụ du khách ăn, nghỉ trải nghiệm. Năm 2021, Bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Điểm mà chúng tôi lựa chọn là Homestay Từ Tâm, một trong những hộ gia đình triển khai du lịch cộng đồng sớm nhất bản.

Đến với bản Hoa Tiến, chúng tôi được thưởng thức văn hóa ẩm thực người Thái ở Quỳ Châu như vịt bầu, gà nướng, cá nướng, xôi nếp cẩm, lạp sườn, chẻo chua… được bày trên mẹt tre rất độc đáo.

12.jpg
Mâm cơm của người Thái ở Quỳ Châu

Cùng với đó, chúng tôi được hòa mình vào những nét văn hóa đặc sắc của người Thái như hoạt động làm vía cầu may, đốt lửa trại, cồng chiêng, uống rượu cần, làn điệu dân ca, dân vũ của người Thái…

web_photo_editor.jpg
Những tiết mục giao lưu đặc sắc của đồng bào Thái

Mỗi chúng tôi, đặc biệt là lũ trẻ đều rất háo hức, thích thú trước nét văn hóa Thái này. Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng được trải nghiệm nền văn hóa của đồng bào dân tộc khác – những thứ mà chúng mới chỉ được biết qua sách vở, được biết đến cồng chiêng, lửa trại, sản phẩm thổ cẩm…

ipiccy_image.jpg
Lũ trẻ con háo hức trải nghiệm nét đặc sắc văn hóa Thái

Nghề dệt thổ cẩm ở Hoa Tiến được xem là một trong những cái nôi dệt thổ cẩm lâu đời và nổi tiếng bậc nhất của người Thái ở Nghệ An. Người Thái xem thổ cẩm là những vật phẩm không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt trong những ngày lễ, ngày hội của bản làng hay trong những sự kiện trọng đại. Chúng tôi được giới thiệu về nghề dệt thổ cẩm nơi đây.

web_photo_editor1.jpg
Nghề dệt thổ cẩm ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Ảnh: Sưu tầm

Gặp gỡ với bà con người Thái ở bản Hoa Tiến, chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi, chan hòa, thân thiện, mến khách. Nói chuyện với bà Sầm Thị Xanh, người vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nhà nước Nghệ nhân ưu tú vì đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của người Thái, chúng tôi được nghe bà say sưa giới thiệu về văn hóa Thái và những địa danh nổi tiếng ở Châu Tiến, Quỳ Châu, trong đó phải kể đến di tích Hang Bua, Đền Chiềng Ngam.

Di tích Hang Bua

Di tích Hang Bua nằm trong dãy núi Phà Én thuộc bản Bua, xã Châu Tiến Huyện Quỳ châu. Trước đây, ở cửa Hang Bua có một đầm sen xanh tốt quanh năm, hoa Sen tiếng Thái gọi là Bọc Búa, bản gần đó gọi là bản Búa nên Danh thắng Hang Bua mang tên từ đó.

Từ thuở hồng hoang, trong quá trình hình thành trời đất, sông suối, một số núi non hang động ở Nghệ An được kiến tạo. Sự biến động dữ dội trong thời kỳ sơ khai đã tạo nên những kỳ tích tồn tại còn lại mãi cho đến ngày nay. Tạo hóa đã ban tặng cho con người một Hang Bua kỳ vĩ. Bởi vậy, Hang Bua từ ngàn xưa là nơi cư trú của người Việt Cổ. Việc phát hiện di chỉ khảo cổ học Thẳm Ồm cách chúng ta trên 25 vạn năm và các dấu tích văn hóa ở Hang Bua đã giúp các nhà nghiên cứu kết luận rằng đây là một trong những nơi phát hiện dấu vết của người Sa Piêng sớm nhất thế giới. Năm 1996, Lễ hội Hang Bua được khôi phục, năm 1998 di tích danh thắng Hang Bua được Bộ Văn hoá thông tin xếp Hạng di tích danh thắng Quốc gia.

Theo tục lệ cổ xưa , mỗi độ Xuân về vào ngày 21, 22,23 tháng Giêng Âm lịch, đồng bào Thái Phủ Quỳ Châu lại tụ hội về đây để vui hội Hang Bua và tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ - thể thao như ném còn, nhảy sạp, bắn nỏ, đi kà kheo, đắm mình trong lời hát nhuôn xuối, thưởng thức những món ăn độc đáo của đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu.

Đền Chiềng Ngam.

Đền Chiềng Ngam được xây dựng năm 1924 ở Tèn Bọ thuộc bản Na Nhàng (nay là bản Bua, xã Châu Tiến, huyện Quỳ châu). Đền thờ ba vị anh em Xiêu Bọ, Xiêu Ké, Xiêu Luông, đây là 3 vị thành hoàng, là những người có công khai lập bản mường ở vùng Chiềng Ngam. Ông Xiêu Bọ lập nên bản Bọ (nay là bản Bua, xã Châu Tiến), Ông Xiêu Ké lập bản Ké (Nay là bản Lầu và bản Ban, xã Châu Tiến), Ông Xiêu Luông lập bản Luồng (nay là bàn Luồng Lạnh, xã Châu Bính).

Trải qua nhiều biến cố lịch sử đền Chiềng Ngam đã hư hỏng và chỉ còn ở dạng phế tích. Để hướng về cội nguồn, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc và thể thao và để tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai bản lập mường, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa, bản mường yên vui, năm 2006 Đền Chiềng Ngam đã được khôi phục, tôn tạo để đưa vào phục vụ công tác công tác sinh hoạt tâm linh. Năm 2016, Đền được trùng tu, nâng cấp xây dựng mới trở thành một quần thể kiến trúc, xứng tầm là một công trình văn hóa tâm linh, lịch sử của huyện Quỳ Châu và vùng Tây Bắc Nghệ An. Năm 2017, đền Chiềng Ngam được xếp hạng là di tích cấp Tỉnh. Các phần Lễ tại đền Chiềng Ngam gồm: Lễ Khai Quang, Lễ Yết cáo, Lễ Đại tế, Lễ Tạ được thực hiện từ ngày 19 – 22 tháng Giêng âm lịch, gắn với Lễ hội Hang Bua hàng năm.

(Thông tin từ phòng Văn hóa – Thông tin, UBND huyện Quỳ Châu)

web_photo_editor2.jpg
Lễ tế đền Chiềng Ngam

Theo bà Sầm Thị Xanh, trong tiếng Thái, từ “Chiềng” có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, trù phú, từ “Ngam” có nghĩa là đẹp, ý nói mảnh đất vùng Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Bính, Châu Thuận, huyện Quỳ Châu là vùng đất đẹp, trù phú với địa hình bằng phẳng mà tự nhiên ban tặng. Bà còn ngâm những câu thơ mộc mạc nhưng toát lên vẻ đẹp từ văn hóa, thiên nhiên, con người ở vùng Chiềng Ngam này.

“Ai về với đất Chiềng Ngam

Thơm thơm hương nếp, say say men nồng,

Ẩm thực điệu múa lam vông

Để bao nỗi nhớ vấn vương cõi lòng,

Ai về với đất Chiềng Ngam

Ngắm ba sông chảy trong vòng tay êm”

Chẳng cần đi đâu xa, khám phá cảnh đẹp những vùng đất, văn hóa các dân tộc trong tỉnh càng giúp chúng ta yêu thêm quê hương nơi chúng ta đang gắn bó và có những trải nghiệm thật tuyệt vời.